* BÙI VĂN BỒNG
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về kết quả đạt được, yếu kém cần khắc phục và những định hướng lớn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng cuối năm 2013 và thời gian tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.Tuy nhiên, kinh tế xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức.
... Kinh tế vĩ mô và việc kiểm soát lạm phát chưa thật vững chắc. Nợ xấu còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp, sức mua phục hồi chậm. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nông nghiệp tăng trưởng thấp. Tăng trưởng kinh tế mới đạt mức tương đương cùng kỳ. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước và tổng đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân chưa được cải thiện nhiều, nhất là hộ nghèo. Tai nạn giao thông tăng cả về số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm trước…". >> Chính sách nhiều, nhưng thực hiện quá chậm Do vậy, khi nói về chặng đường còn lại của năm 2013 và thời gian tiếp theo, Thủ tướng nói. "Căn cứ thực tiễn tình hình 6 tháng đầu năm, từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013".
Theo Thủ tướng: “Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…”. Trong bối ảnh hiện trạng suy thoái trầm trọng của nền kinh té trên đà trượt dốc, có thời điểm bị trượt với tốc lực lớn, ổn định được kinh tế vĩ mô quả là không dễ, cho dù lần nào Thủ tướng cũng nêu “quyết liệt”. Đã “ổn định kinh tế vĩ mô” tất nhiên là kiểm soát được lạm phát. Kiểm soát lạm phát là một bước cần thiết nhằm 'ổn định kinh tế vĩ mô', sao lại tách bạch thành hai khái niệm song hành như vậy?
Theo lý luận kinh tế học, tiền tệ là cái gốc quyết định sự thăng trầm của nền kinh tế -xã hội. Trước hết là giá trị và số lượng tiền tệ (cung tiền tăng sẽ làm tăng tỷ lệ tương ứng giá hàng hóa). Ứng dụng thực tiễn của kinh tế học tiền tệ là lựa chọn giữa chế độ bản vị vàng, bạc hay song hành...Cách quản lý, điếu hành như lâu nay, nặng về ưu tiên vốn xóa nợ xấu và các gói cứu trợ 'ngược đời' như vậy (thực chất vẫn là ưu ái nhóm lợi ích) thì rất khó ‘ổn định’ và cũng không dễ mà ‘kiểm soát’. Ai cùng hiểu rằng, đụng đến ‘kinh tế vĩ mô’ là đề cập trực diện đến sự vận động và những mối quan hệ kinh tế chủ yếu của một đất nước trên bình diện toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Những đối tượng nghiên cứu cụ thể của kinh tế học vĩ mô bao gồm tổng sản phẩm, việc làm, lạm phát, tăng trưởng, chu kỳ kinh tế, vai trò ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ, v.v… Về lĩnh vực cơ bản và trọng yếu này, các nhà nghiên cứu kinh tế nổi tiếng trên thê sgiới như: Arthur Pigou, Keynes, Dennis Robertson, Ralph Hawtrey…đã đưa ra nhiều mẫu dạng ly sthuyết và mổ xẻ, phân tích.
Suy cho cùng: Kinh tế vĩ mô xuất phát từ cơ sở (gần như ban đầu) của tác phẩm “Lý thuyết tỏng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (thường được gọi tắt là Lý thuyết tổng quát) của john Maynard Keynes (1883-1948) làm trung tâm và lấy nguyên lý cầu hữu hiệu làm nền tảng. Nguyên lý cầu hữu hiệu khẳng định rằng, lượng cung hàng hóa là do lượng cầu quyết định. Do đó, vào những thời kỳ suy thoái kinh tế, nếu tăng lượng cầu đầu tư hàng hóa công cộng (tăng chi tiêu công cộng - khác và ngược lại với tài chính công), thì sản xuất và việc làm sẽ tăng theo, nhờ đó giúp cho nền kinh tế ra khỏi thời kỳ suy thoái.
Từ thị trường và cán cân kinh tế, cho thấy mỗi khi có khủng hoảng kinh tế, giá cả và tiền công sẽ giảm đi; các nhà sản xuất sẽ có động lực đẩy mạnh thuê mướn lao động và mở rộng sản xuất, nhờ đó nền kinh tế sẽ phục hồi. Điều đó đã tạo ra suy giải có khá nhiều kỳ vọng về giảm tiền công và giá cả tạo ra vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế hình thành.
Và từ đó, lãi suất giảm không nhất thiết dẫn tới đầu tư tăng. Cái quy định lãi suất, nhất là trong ngắn hạn, chính là cung và cầu về tiền. Cho nên, giữ giá trị đồng tiền là hạn chế đến mức thấp nhất ‘độ sụt trồi’ quá chênh lệch của lãi suất. Lãi suất không nên xuống thấp hơn một mức nào đó. Nhưng, từ nhiều năm nay, các nhà quản lý tài chính tiền tệ và hệ thông ngân hàng của nước ta chưa làm được điều đó một cách hiệu quả và giữ được độ bền vững, nó lại không dược coi như một nguyên tắc. Nguồn tiền của ta quá ít, nhiều khi lẫn lộn thực và ảo, con số chính thức đang có không khớp với con số báo cáo, dẫn tới không đạt được mức cân bằng ngay cả khi nạn thất nghiệp tràn lan. Thực ra, khi đã để cho lạm phát, suy thoái, đồng tiền mất giá, lúc đó mới hô hào sự cố gắng thắt chặt chi tiêu thì quá muộn, chỉ làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Cộng hưởng thêm: Hô hào tiết kiệm khi túi tiền người dân cạn réo, lại tăng thuế, đẻ ra các khoản phụ thu, nâng giá mặt hàng thiết yếu..., để bù đắp tiền đã mất càng gây cho lạm phát rơi vào tầm mức nguy hại, đời sống người lao động càng thêm khó khăn.
Là bởi vì trong tình cảnh ấy, thị trường không thể “tự vỗ” bằng những bàn tay hữu hình lẫn vô hình. Chúng ta không thể chối bỏ cơ chế tự điều chỉnh của thị trường. Đó là một thực tế khách quan vận hành theo quy luật, khó dùng ý chí, ý định của con người để 'khiển nắn'. Và tất nhiên sự can thiệp của nhà nước có thể làm tăng tốc quá trình điều chỉnh này mà thôi. Nếu theo đúng lý thuyết căn bản về kinh tế vĩ mô, ngân hàng nhà nước không thể dưới quyền quản lý, điều hành của chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cần độc lập với chính phủ, còn có nhiệm vụ giám sát các hoạt động tăng trưởng của chính phủ. Chính phủ lo việc tăng trưởng, còn ngân hàng quản lý nguồn vốn và tập trung cho cơ sở phát triển vi mô, cân đối để tránh lạm phát, góp sức cân đối tiền-hàng, giá cả-giá trị, các chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia. Ở các nước tiên tiến, những khoản chi lớn gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, liên quan tăng trưởng, hao hụt tài chính quốc gia phải được quốc hội thông qua. Chỉ đạo, quản lý, điều hành tăng trưởng không thể đồng nhất với việc toàn quyền 'ôm' trọn gói nền tài chính quốc gia, cho nên không thể kéo dài tình trạng chính phủ "vừa đá bòng vừa thổi còi". > Ngân hàng Trung ương cần độc lập Khi lạm phát tăng cao, tăng nhanh mà mọi lĩnh vực kinh tế tăng trưởng chậm thì lạm phát được đà lấn tới và (tự nó) đánh đổi cho tăng trưởng. Do đó, dù có nỗ lực kích cầu quá mức. đều không thể lấy gì bù đắp cho sự mất giá của đồng tiền, nạn thất nghiệp và thu nhập bị kéo hạ xuống làm rỗng túi tiền của người lao động, cũng như cảnh thụt két của ngân hàng, gia tăng hàng tồn kho. Đó cũng là dấu hiệu mất cân đối nghiêm trọng cung-cầu, sản phẩm dư thừa một cách giả tạo. Thực chất, nhu cầu người tiêu dùng rất cần, cần nhiều, nhưng không có tiền mua, đành tự co lại sống eo hẹp theo kiểu 'vừa đủ xài'. Từ 1/7, tăng 9,5% lương cơ bản (100.000 đồng) chỉ là biện pháp tình thế 'cấp thời', một hình thức 'dịu xoa', muối bỏ biển. Trong khi hàng sản xuất trong nước bị tồn kho thì vẫn nhập khẩu hàng ngoại mà động cơ người nhập ăn hoa hồng là chủ yếu, mặc dù khẩu hiệu "Bảo trợ hàng trong nước, khuyến khích dùng hàng nội, rót tiền cho hàng bình ổn giá..." vần sáng rỡ! Tuy là một lĩnh vực tổng quát nhưng kinh tế vĩ mô có hai khu vực cần tập trung tổ chức một cách khoa học gắn với thực tế về những nguyên nhân và hậu quả của biến động ngắn đối với thu nhập quốc gia (còn gọi là chu kỳ kinh tế), và những yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Thủ tướng cũng "yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường và chủ động cung cấp thông tin về chỉ đạo điều hành, về cơ chế chính sách, về xử lý những vấn đề xã hội bức xúc và những vấn đề mới phát sinh cho các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho nhân dân...". Về những giải pháp điều hành trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ sẽ tập trung điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các giải pháp tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng. Thủ tướng cũng nêu là phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với tình hình lạm phát; tăng dư nợ tín dụng theo kế hoạch, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; quản lý hiệu quả thị trường vàng. Thủ tướng nhấn mạnh: Thực hiện tốt giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cộng đồng thời với việc tăng cường các giải pháp huy động vốn xã hội cho đầu tư phát triển; bố trí vốn đối ứng để giải ngân nhanh vốn ODA; triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn…
"Phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô" - cả mười mấy năm nay, nghị quyết nào cũng rền vang như vậy, quen quá rồi!. Thực chất, nếu chỉ dồn sức trọng cung, kích cầu, nhưng không quan tâm đến các chính sách tiền tệ hợp lý, không quản lý chặt chẽ ngân khố quốc gia thì mọi nỗ lực dù có hô vang “quyết liệt” cũng không thể nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cung cấp của nền kinh tế nhằm mục đích nâng cao tốc độ tăng trưởng.
Thế nên, khi mà tệ nạn tham nhũng và báo cáo thiếu trung thực như hiện nay chưa được khắc phục triệt để, giải quyết các chính sách về giá cả, tiền tệ còn tùy tiện, tiền mặt và vàng chưa quản lý chặt, thiếu cân đối, nhóm lợi ích còn lộng hành... mà lại mong ‘sớm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát” thì cũng chỉ là nói cho nó ‘kêu’ mà thôi! Ít có ai hy vọng điều đó thành hiện thực trong tương lai gần.
BVB
-----------------