Nhà hàng toilet, không khí đóng lon hay dịch vụ biến tro cốt thành hạt thoạt nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chúng thực sự đang giúp các doanh nhân châu Á kiếm bộn tiền.1. Nhà hàng toilet
Ngồi trên bồn vệ sinh và ăn kem hình "chất thải" giữa đông đảo mọi người là cảnh tượng quen thuộc tại Modern Toilet ở Đài Loan (Trung Quốc). Tại đây, chuỗi nhà hàng mô phỏng toilet đang làm ăn rất phát đạt.
Thành lập năm 2004 bởi cựu nhân viên ngân hàng Wang Zi-Wei, đến nay, Modern Toilet đã phát triển tới 13 địa điểm tại Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc). Toàn bộ chỗ ngồi hình bồn cầu đều được lát kính, còn hộp đựng giấy vệ sinh thì treo đầy trên tường. Đồ uống đựng trong cốc hình bồn tiểu, còn thức ăn thì đặt trong bát như chậu tắm.
Chuỗi nhà hàng này đang là điểm hút khách tại Đài Loan. Theo website thông tin du lịch TripAdvisor, Modern Toilet được đánh giá là nhà hàng 3 sao. Gần đây, họ còn xuất hiện trên kênh truyền hình TLC (Mỹ) trong danh sách "Những nhà hàng kỳ lạ nhất thế giới".
2. Không khí sạch đóng hộp
Tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đến mức Chen Guangbiao, một tỷ phú từ thiện nước này còn nghĩ ra sản phẩm "không khí sạch đóng lon" với giá 5 NDT (gần 17.000 đồng) một lon. Sản phẩm được quảng cáo là có nhiều mùi hương, như "Tây Tạng sơ khai" và "Đài Loan hậu công nghiệp".
Theo Huffington Post, Chen đã bán không khí sạch đóng lon từ tháng 9/2012. Thời điểm đó, ông nói với các phóng viên rằng doanh thu từ việc này tương đối tốt. Chỉ trong ngày đầu tiên ra mắt, ông đã bán được hơn 800 USD tại Bắc Kinh. Chen tiết lộ: "Nếu chúng tôi nỗ lực quảng bá thật sự, việc bán hơn 100 triệu lon trong năm đầu tiên cũng không thành vấn đề".
3. Dưa hấu vuông
Những người nông dân tại Zentsuji, Nhật Bản - đã trồng dưa hấu trong các hộp kính để chúng có hình lập phương. Loại quả này dễ để trong tủ lạnh hơn dưa tự nhiên hình bầu dục. Tin tức về dưa hấu vuông bắt đầu lan truyền từ năm 2001, nhưng giới truyền thông cho rằng người Nhật đã trồng sản phẩm này từ cách đây 30 năm. Dưa thường chỉ được bán với giá 30 USD một quả. Trong khi đó, dưa hấu vuông có thể lên tới 150 USD - 250 USD.
4. 9gag.com
Năm 2008, bốn người Hong Kong (Trung Quốc) đã quyết định lập ra website 9gag.com, cho phép mọi người đăng hình ảnh và video vui nhộn. Sau đó, người xem có thể vào đánh giá và bình luận.
Đến nay, 9gag đã thu hút hàng triệu người dùng trên Facebook và Twitter. Đây cũng là một trong những website hài hước lớn và phát triển nhanh thất thế giới với hơn 1 tỷ lượt xem hàng tháng. Mỹ là thị trường lớn nhất của hãng.
Tháng 5/2012, 9gag thông báo đã huy động được 2,8 tỷ USD để tăng cường nhân viên và mở rộng việc kinh doanh. Công ty cũng ra mắt ứng dụng cho điện thoại chạy hệ điều hành iOS và Android hồi tháng 7.
5. Kopi Luwak
Kopi Luwak, cà phê phân chồn của Indonesia, là một trong những loại thức uống đắt nhất thế giới. Hạt cà phê sau khi lên men trong dạ dày chồn và thải ra sẽ được gom lại, làm sạch và rang xay như bình thường. Thức uống này có xuất xứ từ quần đảo Java và Sumatra của Indonesia vào thế kỷ 19. Hiện nay, việc sản xuất cà phê phân chồn còn lan rộng ra nhiều nước châu Á như Việt Nam hay Philippines.
Những tín đồ cà phê sẵn sàng trả tới 20 USD - 65 USD cho một cốc cà phê phân chồn. Trên Amazon.com, giá thấp nhất cho 100 gr sản phẩm này là 40 USD. Một nhà hàng ở London (Anh) còn bán cà phê chồn với giá 100 USD một tách.
6. Pocket Geiger
Đây là thiết bị đầu tiên có thể dò ra tia phóng xạ với sự trợ giúp của smartphone. Được phát minh bởi tổ chức phi lợi nhuận Radiation Watch (Nhật Bản) năm 2011, Pocket Geiger sẽ đo được mức độ phóng xạ trong vòng 2 phút. Thiết bị này có thể gắn kèm iPhone hoặc điện thoại chạy Android, sử dụng 8 cảm biến quang đi-ốt.
Ứng dụng còn được thiết kế để người dùng tải thông tin lên website và giúp Radiation Watch lập bản đồ cho hơn 10.000 thành viên. Tùy phiên bản, thiết bị có giá từ 20 USD - 70 USD. Tháng 12 năm ngoái, nhà sáng lập Radiation Watch - Yang Ishigaki cho biết họ đã bán được 20.000 sản phẩm trên khắp thế giới.
7. Biến tro cốt thành hạt
Dịch vụ này bắt nguồn từ chương trình khuyến khích hỏa táng để tiết kiệm không gian của chính phủ Hàn Quốc năm 2000. Bonhyang, một công ty ở Incheon đã sử dụng nhiệt độ rất cao để nung tro cốt đến khi chúng kết tinh thành hạt chỉ sau 90 phút.
Dịch vụ này có giá khoảng 900 USD, theo giới truyền thông địa phương. Nhà sáng lập Bae Jae-yul của Bonhyang cho biết trong 10 năm, ông đã phục vụ hơn 1.000 khách hàng. Thiết bị nung được công ty thuê lại của các đền chùa địa phương.
Thùy Linh (theo CNBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét