Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

CHỐNG ĐỘC ĐOÁN CHUYÊN QUYỀN


Trong thí điểm thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND ở cấp xã, vấn đề đáng quan tâm nhất là khi quyền lực được tập trung vào một người, nếu không có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì dễ xảy ra tình trạng gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Đó cũng là vấn đề mà chúng tôi quan tâm, tìm hiểu kinh nghiệm ở các địa phương đang thí điểm mô hình này.

Chọn cán bộ - khâu quyết định
                  Một điều hiển nhiên là khi nhất thể hóa hai chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND vào một người cán bộ thì chúng ta có thể loại trừ hoàn toàn hiện tượng mất đoàn kết giữa hai cán bộ chủ chốt ở cấp xã. Nhờ đó cũng giảm bớt những hiện tượng tiêu cực ở cơ sở thường lợi dụng mối quan hệ nhạy cảm giữa hai người để trục lợi. Tuy nhiên, một người đảm nhiệm hai chức vụ chủ chốt thì lại dễ nảy sinh chuyên quyền và khó kiểm tra, giám sát.
                 Tuy nhiên, ở tất cả các xã, phường, thị trấn thuộc Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh mà chúng tôi có dịp khảo sát thì chưa nơi nào để xảy ra tình trạng này. Có được điều đáng quý đó là do khi làm điểm, cấp ủy các cấp đã quan tâm làm tốt khâu lựa chọn, sắp xếp cán bộ. Đây chính là khâu quyết định, bởi thực tiễn ở cơ sở rất phức tạp, nếu yếu tố tự giác của người cán bộ không cao thì khó có điều luật, quy chế, quy định nào ngăn được họ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
                  Đến khu phố 2A thuộc phường Cao Thắng (Hạ Long, Quảng Ninh), chúng tôi được người dân kể cho nghe câu chuyện đồng chí Vũ Đình Phúc, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường trực tiếp xuống khu phố gặp gỡ gia đình các đảng viên, giải đáp thắc mắc của bà con, thông báo mức giá đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng nhà văn hóa khu và làm đường bê tông. Trước đó đã 12 năm, khu mặt bằng trên không giải tỏa được vì “chủ trương của Đảng ủy đi một đường, cán bộ chính quyền xuống lại làm theo một nẻo” nên người dân không chịu. Nay có đồng chí bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND phường trực tiếp gặp gỡ, giải thích cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ cho từng hộ, nên chỉ sau 2 tháng kể từ buổi đồng chí Phúc tiếp xúc với nhân dân, nhà văn hóa của khu được xây dựng khang trang, con đường bê tông cũng hoàn thành. Rõ ràng, trong trường hợp này, tác phong sâu sát, gần gũi nhân dân của người đứng đầu đã thúc đẩy công việc nhanh chóng. Nếu không phải là người dám chịu trách nhiệm “kép” thì tình trạng 12 năm không giải tỏa được mặt bằng để xây nhà văn hóa không biết sẽ còn tiếp tục kéo dài đến bao giờ.
                  Cán bộ là gốc của mọi công việc. Muốn chống độc đoán, chuyên quyền, phải chọn người cán bộ có đủ đức-tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kinh nghiệm của các địa phương mà chúng tôi khảo sát, có thể tổng hợp thành 4 tiêu chí ban đầu của người cán bộ cấp xã thực hiện mô hình nhất thể hóa, đó là: Một là, người có đạo đức tốt, tác phong dân chủ, ý thức trách nhiệm tốt, gần gũi quần chúng; khiêm tốn học hỏi, không tham quyền, tham lợi. Hai là, có lý luận chính trị vững đồng thời có kinh nghiệm làm công tác quản lý chính quyền. Ba là: Tư duy làm việc khoa học, năng động, vừa biết bao quát công việc chung, vừa biết trực tiếp tham gia thực hiện ở những khâu then chốt. Bốn là, miệng nói, tay làm, dám chịu trách nhiệm, sức khỏe tốt để thường xuyên đến với dân, làm cùng dân vì đây là người cán bộ cốt cán ở cơ sở.
                 Cơ chế giám sát rõ ràng
                  Xây dựng quy chế, làm việc theo quy chế là một yêu cầu mang tính nguyên tắc trong hoạt động của cấp ủy và UBND xã. Từ việc lớn như thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy, UBND, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh chủ chốt, chế độ báo cáo của UBND… đến việc nhỏ như đi thăm cán bộ trong cơ quan đau ốm đều phải có quy chế… Nội dung quy chế của đảng ủy, ban thường vụ, ban chấp hành và các việc do UBND được tự quyền quyết định đều phải tuân thủ đúng quy định Điều lệ của Đảng và hệ thống luật pháp của Nhà nước. Đó là kinh nghiệm để chống độc đoán, chuyên quyền của các địa phương mà chúng tôi đã khảo sát. Đồng chí Đào Xuân Đan cho rằng: “Ngay với các địa phương chưa nhất thể hóa hai chức danh chủ chốt thì hệ thống quy chế làm việc cũng rất quan trọng. Đây chính là cơ chế giám sát, “phanh hãm” và phòng ngừa cán bộ kiêm nhiệm lạm quyền”.
                Đồng chí Nguyễn Văn Nhật, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND phường Hà Trung (Hạ Long, Quảng Ninh) cho rằng: Thực ra, sự chuyên quyền, độc đoán của cán bộ khi thực hiện nhất thể hóa không đáng ngại bằng sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan giám sát. Trên thực tế hiện nay, người bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND vẫn phải chịu cơ chế giám sát rất chặt chẽ. Ngoài hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra của cấp trên, còn có cấp ủy, ủy ban kiểm tra và HĐND cấp xã. Hơn nữa, ở cơ sở, do trực tiếp tiếp xúc với dân nên nếu xảy ra chuyên quyền, độc đoán thì người dân cũng phát hiện được ngay. Vấn đề quan trọng nhất của việc chống chuyên quyền, độc đoán ở cơ sở là xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ đồng đều, thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị”.
                 Bên cạnh các tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở còn có hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể. Hoạt động giám sát của MTTQ ở các xã, phường, thị trấn mà chúng tôi khảo sát đều có chất lượng, nhất là hoạt động lấy phiếu tín cán bộ định kỳ. Trong số 17 bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã mà chúng tôi đến công tác, có 12 đồng chí vừa được bỏ phiếu tín nhiệm. Điều đáng mừng là cả 12 đồng chí đều đạt tín nhiệm cao trong nhân dân, từ 70% trở lên.
                 Đồng chí Nguyễn Quang Lăng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy phường Hồng Hà (Hạ Long, Quảng Ninh) cho rằng: Nên mạnh dạn để đảng bộ các địa phương thí điểm mô hình này được bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Vì đó vừa là cơ sở để đánh giá uy tín cán bộ, vừa làm cho người cán bộ thấy vinh dự, trách nhiệm rõ hơn để làm tốt vai trò chủ chốt của mình. Đó cũng còn là cách để “sàng lọc” những cán bộ độc đoán, chuyên quyền.
Phân công, phân nhiệm cụ thể
                 Đồng chí Trần Lưu Hải, Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Đảng sau khi nghiên cứu mô hình thí điểm bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND ở cấp xã đã cho rằng: Muốn giải quyết các hạn chế do mô hình này đặt ra, nhất là muốn chống độc đoán, chuyên quyền thì điều quan trọng là phải phân công, phân nhiệm cụ thể. Phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các mối quan hệ công tác của từng chức danh. Chú ý giao trách nhiệm rõ ràng trong tập thể lãnh đạo. Ai đảm nhận cương vị nào phải chịu trách nhiệm về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn ở cương vị đó. Làm như vậy sẽ tránh đùn đẩy trách nhiệm, cũng có nghĩa là sẽ góp phần khắc phục tình trạng làm thay, làm hộ vốn là cái gốc của tệ chuyên quyền, độc đoán.
                  Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện mô hình thí điểm bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND của 28 phường, xã, thị trấn thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó bí thư Thành ủy khái quát: Để khắc phục những hạn chế nảy sinh do sự “nhất thể hóa”, các đồng chí bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cần coi trọng xây dựng chương trình công tác nhằm thống nhất điều hành công việc của cả đảng ủy và UBND được nhịp nhàng, đúng trọng tâm, tránh sa vào sự vụ, bỏ sót công việc. Đây cũng là cơ sở để phân công, phân nhiệm các cơ quan tham mưu, chuyên môn và cán bộ cấp dưới.
                                                                            Nhóm phóng viên CTĐ, CTCT
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét