* ĐỨC TÂM
Ganh đua ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm phức tạp thêm việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột trong khu vực, kể cả tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đó là cảnh báo của giới nghiên cứu, nhân Hội thảo «Đoàn kết của ASEAN và những thách thức hàng hải ở Biển Đông và Châu Á-Thái Bình Dương ».
Hội thảo này do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Á và Học viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, đồng tổ chức tại Theo nhận định của chuyên gia Ralf Emmers thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, được báo The Jakarta Post trích dẫn, thì Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy quan trọng nhất trên thế giới. Để đối phó với Trung Quốc, từ năm 2011, Hoa Kỳ thực hiện chiến lược « xoay trục » sang Châu Á và có kế hoạch điều động 60% số lượng tàu chiến sang vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Điều này dẫn đến cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa hai nước.
Trong khi đó, Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN, vốn có một lịch sử lâu dài trong việc xử lý các xung đột khu vực, có thể phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nỗ lực phòng ngừa căng thẳng leo thang do các vụ tranh chấp lãnh thổ.
Chuyên gia Emmers cho rằng « các nước Đông Nam Á không muốn phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bởi vì điều này, rốt cuộc, sẽ làm suy giảm sự đoàn kết, trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN » và « ganh đua Trung-Mỹ sẽ làm tổn hại nghiêm trọng sự độc lập chiến lược của các nước ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp khu vực ».
Tuy nhiên, ông Ralf Emmers không bác bỏ sự hiện diện và vai trò của các nước lớn đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực : Các đối tác quốc tế càng can dự nhiều, thì càng thúc đẩy các nước tái lập hòa bình trong khu vực.
Bà Dinna Wisnu, thuộc đại học Paramadina, Jakarta cho rằng « ASEAN có cách thức của ASEAN để giải quyết các tranh chấp ». Cách tốt nhất là nêu tất cả các vấn đề ra sau đó cùng thảo luận để tìm kiếm đồng thuận chung, như Indonesia vẫn làm. Từ hai thập niên qua, Jakarta cố gắng đóng vai trò trung gian, tổ chức nhiều cuộc gặp không chính thức giữa các bên có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Hồi tháng 07/2012, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi, để có được bản « Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông », sau khi các Ngoại trưởng của khối này, họp tại Phnom Penh, Cam Bốt, không ra được tuyên bố chung do các bất đồng. Theo nhiều nhà phân tích, nguyên nhân chính của thất bại này là vì Cam Bốt, lúc đó là chủ tịch ASEAN, đã chịu sức ép của Trung Quốc.
Cũng trong cuộc hội thảo tại Bangkok , tiến sĩ Võ Xuân Vinh, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo đảm tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông. Điều quan trọng là « các thành viên ASEAN cần duy trì và xây dựng sự đoàn kết và chỉ có một tiếng nói, trên cơ sở các tài liệu và thỏa thuận đã đạt được ».
Sau gần một thập niên đàm phán, ASEAN và Trung Quốc đã ký được Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Còn việc xây dựng một bộ luật mang tính ràng buộc (COC) thì vẫn xa vời.
Cho đến nay, đoàn kết nội bộ vẫn là một thách thức lớn đối với ASEAN trong hồ sơ Biển Đông. Vào lúc giới chuyên gia các nước, bao gồm cả Việt Nam, tại hội thảo ở Bangkok cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.
Tuy nhiên, thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc, nhân chuyến công du Bắc Kinh của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, lại không hề có một câu chữ nào nói đến bộ luật về ứng xử COC và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.
Đ.T
------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét