BVB - Chùa Huệ Linh lọt thỏm giữa rừng bạch đàn trên sườn núi. Nhóm hành hương chúng tôi len lỏi theo con đường mòn ngoằn ngoèo, phủ kín lá khô lên chùa một buổi chiều mùa khô hun hút gió Lào. Còn cách khá xa đã nghe tiếng chuông và tiếng mõ lốc cốc trong bầu không khí tĩnh lặng .
Vị sư bà chào đón chúng tôi trước cổng chùa: - Nam mô A-di-đa-phật!
Ngôi chùa nhỏ bé nép dưới bóng cây bồ đề. Thời gian đã phủ rêu phong lên mái ngói, và nắng mưa đã làm tróc lở vôi trên tường, nhưng ngôi chùa vẫn ấm cúng, và toát lên vẻ linh thiêng. Trước sân, bức tượng Quan âm Bồ Tát đứng trên tòa sen , mắt từ bi nhìn xuống màu xanh ngút ngát rừng tràm. Cạnh pho tượng , một cây ngọc lan sum xuê trổ bông trắng muốt, tỏa hương thơm dịu .
Sư bà Đàm Thanh hỏi nhẹ nhàng:
- Duyên lành nào đưa quý vị tới ngôi chùa nhỏ bé này?
Bà khoảng hơn sáu mươi tuổi, khuôn mặt hao gầy. Có lẽ hồi còn trẻ, bà là người có nhan sắc , và đã trải qua nhiều truân chuyên trước khi tu hành. Nhìn đôi mắt đượm buồn và gương mặt chưa trút hết ưu tư của bà, tôi thầm đoán vậy. Bà không nói tiếng Quảng Trị, nghe bà phát âm giống giọng nói Thái Bình , quê tôi.
Chúng tôi bày hoa trái và dâng hương lên bàn thời Phật. Tôi ngạc nhiên khi thấy cạnh ngôi tam bảo, có bức tượng Quan âm thị kính vấn khăn mỏ quạ ,vận yếm đào, trước mặt đặt nhiều bát nhang quanh đĩa hoa ngọc lan trắng muốt.
Tôi hòi, sư bà trả lời:
- Đây là bàn thờ các nữ thanh niên xung phong đơn vị tôi , hy sinh thời chống Mỹ.
-Vậy ra Sư xuất thân từ thanh niên xung phong ?
Dâng hoa trái xong, sư dẫn chúng tôi xuống núi tặng quà cho mấy gia đình trong làng. Quay về chùa lúc trời đã xẩm tối, chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn tròn gỗ mộc, dưới chân tượng Phật bà Quan âm, ăn bữa cơm chay do mấy vị ni cô nấu trong khi chúng tôi đi từ thiện. Trong bữa cơm chay có món khoai lang tím rất dẻo thơm và ngọt lịm. Sư bà nói vùng này dân còn nghèo lắm, đôi khi thiếu gạo, phải ăn khoai . Khoai lang trồng trên đất cát, chịu nắng gió Lào khắc nghiệt , củ nhỏ nhưng thơm ngon.
Sau bữa cơm chay đạm bạc, sư mời chúng tôi uống trà sâm. Sư bảo:
-Đây là sâm núi , chúng tôi hái về làm trà. Trà này uống mát gan , dễ ngủ.
Tự tay sư rót những ly trà màu vàng tươi, trong suốt mời chúng tôi. Dù đã là người tu hành, nhưng xem ra sư bà Đàm Thanh vẫn mang dáng dấp người phụ nữ nông thôn quê tôi, sốc vác lam làm, và trên khuôn mặt hao gầy vẫn chưa dứt ưu tư. Sư Đàm Thanh cho chúng tôi biết, sư và các ni cô ở chùa có nghề nấu dầu tràm, bán lấy tiền sinh sống và chăm lo hương khói ngôi tam bảo. Ở đây nghèo, Phật tử ít có tiền công đức. Đôi khi những đoàn Phật tử các nơi tới chùa cúng dường gạo muối, sư mang xuống núi làm từ thiện. Sư và ngôi chùa nhỏ bé này cũng nghèo như những người dân dưới làng chân núi kia, và giữa đạo và đời luôn gắn bó nhau.
Tôi nhấm nháp ly trà sâm ngòn ngọt, có pha vị đăng đắng , tò mò hỏi sư bà:
- Sư trụ trì ngôi tam bảo này lâu chưa ?
- Thưa hơn hai chục năm !
- Sư xuất gia được bao nhiêu năm rồi ạ!
- Thưa hơn ba chục năm!
- Hình như sư người nơi khác?
- Vâng, quê tôi ở Thái Bình!
Tôi khẽ reo lên:
- Ôi, vậy cùng quê tôi!
Sư Đàm Thanh khẽ nhích mép cười . Tôi tò mò hỏi cơ duyên nào đã đưa người đồng hương đến ngôi chùa nhỏ bé, giữa núi rừng heo hút tỉnh Quảng Trị này? Khuôn mặt hao gầy , xanh trong của sư Đàm Thanh bỗng hằn lên những nếp nhăn. Sư khẽ khàng ngồi xuống mép bàn, kể cho chúng tôi nghe chuyện quá khứ của mình.
Nguyễn Thị Kim Thanh là tên đời thường của sư .
Năm 1968, tròn 17 tuổi,vừa nhận bằng tốt nghiệp cấp ba ,Kim Thanh xung phong đi thanh niên xung phong. Chẳng riêng Kim Thanh mà hơn chục cô gái lớp 10 , trường cấp ba Hưng Hà cùng như vậy. Bấy giờ Thái Bình là tỉnh có phong trào ba sẵn sàng tiêu biểu nhất miền Bắc. Con trai đi bộ đội, con gái đi thanh niên xung phong! Ngay sau những đợt tuyển quân là những đợt tuyển thanh niên xung phong. Hàng ngàn cô gái tuổi mười bảy, mười tám đã lên đường ngay từ nhiệm kỳ I, năm 1966, có mặt trên các tuyến đường khu IV. Sau tết Mậu Thân, bắt đầu huy động nhiệm kỳ II, vào Trường Sơn. Không chỉ lấy tinh thần xung phong mà là nghĩa vụ đóng góp cho tiền tuyến. Gia đình nào không có con trai đi bộ đội , con gái phải đi thanh niên xung phong. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, không chỉ là khẩu hiêu mà là mệnh lệnh.
Buổi chia tay hôm ấy thầy trò , bạn bè ríu rít trên bến sông Hồng. Cô chủ nhiệm cầm xấp giấy gọi vào các trường cao đẳng, đại học giơ lên vẫy, nước mắt đầm đìa :
Tiếng cười nói ríu rít và tiếng khóc. Chiếc xe vận tải trùm kín lá ngụy trang đi trong đêm , dưới ánh đèn dù, vào vùng đất lửa. Kim Thanh và các bạn say xe nôn thốc tháo . Rồi kiệt sức thiếp đi. Tỉnh dậy bàng hoàng, ngơ ngác giữa một thung lũng hoang vắng, núi cao chót vót vây quanh . Lần đầu tiên những cô gái đồng bằng nhìn thấy núi, xa lạ và huyền bí như trong chiêm bao. Đêm ấy các cô vừa sợ vừa hồi hộp không dám ngủ, ôm chặt lấy nhau , run cầm cập nhìn từng đàn đom đóm lập lòe và nghe tiếng hoẵng, tiếng vượn kêu từ rừng sâu vọng tới.
Sư Đàm Thanh kể:
-Chúng tôi được biến chế vào C869 , Tổng đội Thanh niên xung phong tiền phương, làm nhiệm vụ mở đường, tải thương, vận chuyển lương thực và vũ khí từ Quảng Trị vào phía trong. Không có máy móc, chiếc xe cút kít, và cái găng tay cũng không có . Từ đào bới , gánh gồng đất đá mở đường, san lấp hố bom , đến tải thương tải đạn , đều bằng đôi vai, đôi bàn tay mảnh mai những người con gái vừa rời ghế nhà trường. Ngày đầu lòng bàn tay phồng lên, mọng nước như phải bỏng. Hôm sau bọng nước vỡ ra , da non đỏ hỏn, chạm vào rát buốt tận tim. Nhưng chúng tôi vẫn phải cầm xẻng, cầm cuốc, cắn răng chịu đau xúc đất. Dần dần da tay dày lên, chai lại, véo không biết đau nữa. Những ngón tay như ngắn lại. Mỗi khi xòe bàn tay ra , nhìn những ngón tay, ngẩn ngơ như không phải tay mình, tiếc bàn tay búp măng cầm bút mềm mại hôm nào,và bật khóc.
Sư Đàm Thanh chấm những giọt nước lăn xuống má, giọng nói rưng rưng:
- Ăn đói, mặc rét đã khổ, có những điều khổ hơn nhiều. Chúng tôi phải lấy quả găng giặt quần áo thay xà phòng, đánh răng bằng nước muối, phải mượn nhau mảnh vài mùng ngày kinh kinh nguyệt...
Kim Thanh cùng bạn bè mong hai năm qua mau, để trở về với gia đình, và nhận giấy vào các trường cao đẳng , đại học như cô chủ nhiệm hứa hôm chia tay. Nhưng chiến tranh mỗi ngày một ác liệt, và không ai còn nhớ tới lời hứa ấy. Khái niệm về thời gian cũng nhạt nhòa.
Kim Thanh nói:
- Hầu như chúng tôi chỉ biết có ngày và đêm. Nhìn thấy trời sáng là ngày, nhìn thấy trời tối là đêm. Không nhớ ngày tháng . Công việc lôi cuốn từng giờ từng phút , đầu óc quay cuồng vì đường. Máy bay Mỹ trút bom xé nát từng cung đoạn. Bom từ trường chui xuống lòng đất phục sẵn chờ xe qua là nồ. Những trận mưa lũ cuốn phăng từng đoạn đường, từng chiếc cầu. Khẩu hiệu : “ Tim ngừng đập, máu ngừng chảy, đường không thể tắc!” là mệnh lệnh chiến đấu. Số phận chúng tôi cột chặt vào “ Con Đường Quyết thắng”
Giữa đêm khuya phải khiêng đá, gánh đất lấp hố bom. Trong mưa bão phải phá bom nổ chậm. Phải ngâm mình dưới nước làm cọc tiêu sống cho xe qua ngầm. Gió mưa lạnh buốt,kiệt sức gục xuống lại vịn vào nhau đứng dậy. Nhiều khi vác hàng qua bãi lầy, té sấp ngửa, bị thương máu trộn với bùn. Có những đêm cáng thương binh từ Tuyên Hóa ra bệnh viện 46, trên con đường mòn cheo leo, một bên vách đá, một bên vực sâu, trời tối đen như mực,chúng tôi nhờ những ánh chớp lóe lên để biết hướng đi...
Không thể kể hết nỗi gian khổ của nữ thanh niên xung phong ngày ấy. Bao nhiêu cô gái đã ngã xuống , dù chỉ trên một “Con Đường Quyết Thắng”?
Sư bà Đàm Thanh không nhớ hết. Bà chỉ nhớ được những người trong trung đội mình:
-Đây là Nguyễn Thị Lan , cùng lớp 10A với tôi, và có giấy vào Đại học sư phạm. Lan hy sinh ngày 21-3-1969, bị mảnh bom vào ngực. Khi đã tắt thở tay Lan vẫn còn cầm con cào cào tết bằng lá buông.
Đây là Lê Thị Lành, lớp 10C,cũng có giấy gọi vào Đại học . Lành phá bom từ trường giỏi nhất đại đội. Nhưng hôm ấy đang tháo kíp một quả bom thì quả bom bên cạnh nổ. Chúng tôi tìm mãi không được mảnh xương thịt nào cùa Lành.
Đây là Vũ Thị Nga, mới mười chín tuổi. Hôm ấy các anh bộ đội cho mấy hộp sữa, chị em rủ nhau nấu kẹo sữa. Đang nấu thì báo động tắc đường. Nga bốc vội một chiếc bỏ vào miệng , nóng bỏng lưỡi, vội nhè ra la lên: “Em bắt đền các chị đấy!” Tôi bào , chị sẽ đền em mười chín cái kẹo , được chưa nào? Nga ngúng nguẩy vác xẻng ra mặt đường . Mấy phút sau một loạt B52 dội xuống , Nga và ba đứa hy sinh, không kịp ăn cái kẹo nào...
Giọng sư Đàm Thanh thầm thì , như tâm sự với người khuất. Chỉ những người từng trải qua những tháng năm chiến tranh gian khổ hy sinh mới hiểu hết những lời bà nói...
Sư Đàm Thanh nói với tô:
-Ngày ấy chúng tôi rất thích hát bài “Cô gái mở đường” và bảo nhau : “ Cố lên chúng mày ơi! Ngày chiến thắng về quê hương năm tấn tha hồ hạnh phúc!” Nhưng ...
Tôi được biết Thái Bình có 30.000 nữ thanh niên xung phong trong thời kỳ chống Mỹ . Hàng ngàn cô gái trẻ trong đội ngũ ấy, như Lan, như Lành ,như Nga đã vĩnh viễn nắm lại đâu đó trên các miềm đất xa xôi. Những người may mắn hơn họ, được trở về quê hương, không hạnh phúc như họ từng mơ ước mà phải chịu nhiều cay cực, éo le. Như trường hợp Kim Thanh là một trong hàng ngàn số phận đó.
Kim Thanh kể:
- Năm 1974 tôi được phục viên và vào trường cao đẳng sư phạm, học hai năm rồi đi dạy học. Tôi lập gia đình với anh Lâm, quê Quỳnh Côi, là một thương binh. Hạnh phúc mỉm cười với vợ chồng tôi cho đến khi đứa con đầu lòng ra đời. Cháu không bình thường và chết ngay sau khi sinh. Đứa thứ hai cũng vậy. Tôi lên Thái Bình khám, bác sỹ bảo bị nhiễm chất độc da cam. Nhớ lại ngày ở Trường Sơn, những lần máy bay Mỹ bay trên trời phun ra một đám bụi như sữa , chúng tôi cứ ngửa cổ lên nhìn. Ai ngờ đó là chất độc Dioxin di hại đến bây giờ...
Kim Thanh thuyết phục chống lấy vợ khác. Chị tìm được một người phụ nữ hiền lành ở làng bên, mai mối, và tổ chức đám cưới cho chồng, rồi dọn vào ở riêng trong trường. Là một giáo viên trung thực, chị đã thằng thắn đấu tranh với việc mua bán điểm trong thi cử ở trường, bị trù dập, cô lập. Họ vin vào lý do lấy vợ hai cho chồng cùa chị , khai trừ chị khỏi đảng và đưa xuống phòng giáo vụ không cho đứng lớp.
Chị lặng lẽ vào Nam , tới tu viện Đại Tòng Lâm (Đồng Nai), xuống tóc đi tu. Năm 1989, chị tìm về ngôi chùa nhỏ bé này, đề được ở gấn những người bạn thanh niên xung phong ngày xưa của mình.
Tôi thành kính thắp nén tâm nhang trên bàn thờ những ngươi nữ thanh niên xung phong thời khói lửa chiến tranh, cầu mong linh hồn các chị siêu thoát.
Đêm ấy khuya lắm chúng tôi vẫn nghe tiếng mõ lốc cốc cùa sư bà Đàm Thanh. Không biết trong cuộc sống xô bồ hiện này còn mấy ai nghe được tiếng mõ cô đơn ấy !
M.D
------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét