* MINH DIỆN
Từ giữa năm 1977, Khme đỏ đã gây chiến suốt dọc biên giới Tây Nam nước ta trên diện rộng. Ngày 25-9, chúng cho 4 sư đoàn đánh chiếm nhiều điểm ở các xã Hảo Đước, Phước Vinh, huyện Bến Cầu và Châu Thành tỉnh Tây Ninh. Đáp trả hành động đó, ngày 31-12, bộ đội ta tấn công, và chỉ trong vài ngày đã đẩy lùi chúng về sâu bên kia biên giới.
Nhưng khi quân ta rút về nước thì Khme đỏ lại tiếp tục xâm phạm biên giới nước ta. Ngày 13-12-1978, chúng điều 13 sư đoàn đồng loạt tấn công tuyến biên giới Tây Giữa những ngày nóng bỏng đó, Tổng biên tập báo Tiến phong Đinh Văn Nam quyết định ra số báo đặc biệt kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu những tấm gương anh dũng hy sinh của cán bộ chiến sỹ ta trên biên giới Tây Nam.
Tổng biên tập Đinh Văn Nam giao nhiệm vụ cho tôi liên hệ với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, nhờ giúp đỡ. Đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn rất nhiệt tình, nhưng Ban tham mưu dứt khoát từ chối. Đồng chí trung tá Trưởng ban tham mưu nói như đinh đóng cột: “ Chiến sự đang rất căng thẳng. Bọn Pôn pốt liên tục mở các cuộc phản kích. Chúng còn tổ chức các nhóm biệt kích giả làm dân thường, luồn sâu đánh lén sau lưng ta rất nguy hiểm. Đặc biệt trên các tuyến đường chúng chôn rất nhiều mìn, và phục kích bắn B40, liên tục gây thương vong cho ta. Chúng tôi phài tập trung đánh giặc, không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhà báo, Bộ chỉ huy không cho phép các anh qua biên giới!”.
Nài nỉ thế nào cũng không được, cuối cùng chúng tôi đánh liều tự tổ chức chuyến đi, theo gợi ý của đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn : “ Các ông bám theo một đoàn xe bộ đội mà đi. Tôi sẽ bố trí cho các ông đi theo một đoàn . Nhưng phải bí mật. Lộ là chết !”.
Sau hai ngày chuẩn bị, đúng 6 giờ sáng ngày 21-12-1978, nhóm phóng viên báo Tiền Phong gồm Phạm Yên, Nguyễn Hoàng Sơn, và tôi ., do Tổng biên tập Đinh Văn Nam trực tiếp phụ trách lên đường. Ngoài nhiệm vụ làm báo như một phóng viên, anh Đinh Văn Nam còn muốn tận tay trao tặng cán bộ chiến sỹ trên mặt trận cuốn lịch do báo Tiền Phong phát hành. Đó là cuốn lịch 6 tở, mừng Xuân Mậu Ngọ, in giấy Cusse , khá đẹp và rất hiếm thời ấy.
Chúng tôi ngụy trang chiếc xe U-oát , do anh Linh cầm lại, chen vào giữa đoàn xe bộ đội , từ Trảng Bàng sang Campuchia.
Con đường quốc lộ đi Prey-veng bị vằm nát, cách một đoạn bọn Khme đỏ lại đào hào sâu cắt ngang đề chống xe tăng quân ta. Những cây cổ thụ hai bên đường bị chúng cưa sát gốc , ngả xuống làm chướng ngạu vật. Công binh ta phải làm đường vòng qua ruộng rẫy, sình lầy. Cuối mùa khô nóng như lửa, bụi cuốn lên mù mịt.
Chiếc xe U-oát của chúng tơi len lỏi giửa đoàn xe ZIN chở bộ đội. Anh em chiến sỹ biết chúng tôi là nhà báo , lúc nghỉ xúm xít vây quanh nói chuyện và chụp ảnh kỷ niệm . Có lần xe chúng tôi bị ban, anh em nhảy xuống khiêng khỏi vũng lầy.
Bỗng tiếng đạn B40 nổ dội phía trước. Đồng chí chỉ huy thét:
- Dừng lại! Tìm vị trí ẩn nấp !
Chúng tôi lao khỏi xe, nằm nép xuống vệ đường. Bộ đội từ trên các xe ào xuống, dàn đội hình chiến đấu. Tiếng súng nổ ran trên cánh đống và sau đó xa dần về phía những hàng cây thốt lốt.
Khoàng một giờ sau, đồng chí thượng úy chỉ huy đơn vị quay lại bảo chúng tôi lên xe đi tiếp. Anh cho biết một toán Pôn pốt phục kích bắn quả B40 vào chiếc xe đi đầu, nhưng không trúng. Bộ đội ta truy kích , cũng không diệt được tên nào. Từ giờ phút đó chúng tôi như người của đơn vị , các chiến sỹ trẻ gọi Tổng biên tập Đinh Văn Nam bằng thủ trưởng rất hồn nhiên, thân mật.
Chúng tôi tới trận địa một trung đoàn bộ binh thuộc Quân khu 7 , ở một phum cách đường quốc lộ không xa. Trong phum không còn người dân nào, ngập ngụa rác rưởi, lỗ chỗ hố đạn pháo, những thân cây thốt lốt đổ gục, xơ tướp, những ngôi nhà sàn trống trơn, điêu tàn, thỉnh thoảng còn phơ phất mảnh xà-rông trên lan cầu thang gỗ xiêu vẹo.
Đồng chí trung đoàn trưởng hỏi anh Đinh Văn Nam :
- Ai cho các anh sang đây?
Anh Nam cười đáp:
- Chúng tôi tự coi mình như người lính,và tìm đến với những người lính ngoài mặt trận!
- Các anh mạo hiểm quá!
Trung đoàn trưởng nói và dẫn chúng tôi đi xem những vị trí bọn Pôn pốt mới tập kích . Ở rìa phum, những vũng máu còn đỏ thẫm. Ở góc ruộng vừa gặt còn trơ gốc rạ, ba nấm mộ vừa chôn, màu đất tươi nguyên, không có vòng hoa và bia mộ. Trung đoàn trưởng nói:
- Ba chiến sỹ vệ binh cùa chúng tôi hi sinh đêm qua!
Chúng tôi được tới một tiểu đoàn và một đại đội, rồi lập tức phải quay về trung đoàn bộ vì trời đã sập tối. Bữa cơm chiều chưa xong thì được tin bọn Pôn pốt tập kích vào đại đội chúng tôi mới xuống thăm và một chiến sỹ hy sinh.
Đêm ấy không ai ngủ. Tiếng súng cứ rộ lên hết hướng này tới hướng khác. Đồng chí trung đoàn trường và ban chỉ huy lúc ở hầm chỉ huy, lúc xuống các đơn vị.
Sáng sớm hôm sau , trung đoàn trưởng nói như ra lệnh cho chúng tôi:
- Các anh phải rút ngay. Tôi cử hai trung đội đi theo bảo vệ các anh về tận biến giới!
Chúng tôi không kịp chụp tấm hình kỷ niệm. Anh Đinh Văn Nam trao vội cho trung đoàn trường mười cuốn lịch còn bó tròn chưa kịp mở ra. Trung đoàn trường xiết chặt tay chúng tôi , ấn lên xe khi tiếng súng đang rộ lên ở cuối phum.
Dù chỉ có hơn một ngày ở trận địa, chúng tôi đã hiểu được một phần cuộc sống đầy hy sinh gian khổ của các chiến sỹ , và có những bài bào , tấm hình trung thực phục vụ bạn đọc ngày ấy.
Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, nhà báo cần sự dấn thân như vậy, nhà báo cũng là một chiến sỹ trên mặt trận, rất thanh thản và năng nổ vì nghề nghiệp, mặc dù đứng giữa sự sống và cái chết.
Tôi nghĩ bây giở nhiều trăn trở hơn, bởi quá nhiều áp lực và sự lựa chọn, nhưng tôi vẫn tin hầu hết các nhà báo đã và đang dấn thân để quyết định sự trung thực trong mỗi bài viết của mình, không vỉ bất kỳ lý do gì mà uốn cong ngòi bút viết sai sự thật, tô hồng hoặc bôi đen, làm ảnh đến truyền thống báo chí nước nhà.
M.D
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét