* BÙI VĂN BỒNG
Ông ta sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Do chiến tranh mà trở thành gia đình có công với cách mạng. Năm xưa, bố mẹ của ông đã che chở, nuôi giấu một cán bộ nằm vùng. Sau này, vị cán bộ ấy làm lớn ở tỉnh, rồi lên Trung ương.
Người biết thầu chuyện kể rằng: Do nhà nghèo, lại ở trong “vùng cứ” nên ông ta học hành không đến nơi đến chốn. Nhà nghèo không phải nguyên nhân chính làm cho ông học kém, cái chính là ông ta ham chơi, học dốt, rồi sinh ra chán học. Hết lớp 3, ông ta nói di chăn trâu sướng hơn. Thế là bỏ học đi chăn trâu.
Dạo đó, ông ta đã đến tuổi thanh niên mà vẫn lêu đêu không không nghề ngỗng gì. Một hôm vị cán bộ năm xưa ấy ‘đánh xe con’ tạt qua thăm chốn cũ, nghĩa xưa. Bố mẹ ông ta liền gửi gắm, nhờ ông “dìu dắt, nâng đỡ cho cháu!”. Từ đó, ông ta được coi như “vào cầu”, "vào guồng cơ cấu", vào nguồn... đời ngày càng phơi phới, cứ thấy lên chức ào ào. Được trên chỉ đao, cấp ủy, chính quyền xã cho ông ta học ba chớp ba nhát có bằng bổ túc cấp 2, rồi bổ túc cấp 3. Rồi khi có quy định về tiêu chuẩn bằng cấp với các chức danh, ông ta bỗng "thòi" ở đâu ra cái bằng cử nhân chính trị!. Cái cách bồi dưỡng gấp cho đủ trình độ văn hóa cần thiết nhất trong lý lịch người ta gọi là “được ưu tiên học theo chính sách”.
Ông ta được kết nạp đoàn, rồi kết nạp đảng, làm cán bộ xã. Chẳng mấy chốc lên cán bộ huyện, lên lãnh đạo tình rồi được điều phắt ra Trung ương. Ở Hà Nội được mấy năm, trong một nhiệm kỳ có thành phố lình xình lắm chuyện nội bộ, cơ cấu, chọn lựa nhân sự khó khăn, ông ta được Trung ương chỉ định thẳng làm Bí thư Thành ủy, không cần qua bầu bán gì cả. Chỉ một quyết định, ông ta trở thành người đứng đầu thành phố. Người ta vẫn tấm tắc: “Làm lãnh đạo như ông ta thì quả là sướng thật!”.
Mà đúng thế, ông rất sướng, cực sướng, sướng vi vu. Ông đã gần hết hai nhiệm kỳ là người đứng đầu cấp ủy thành phố. Thành phố của ông là tâm điểm đặt ống nhòm của các nhà đầu tư, vì giá đất ở đây khá hấp dẫn. Từ các dự án, những đại gia bất động sản, những nhà đầu tư, nhà thầu bám ông ngày đêm, tranh thủ bằng mọi cách để được ông giúp cho các quy hoạch, dự án, những khu đất béo bở, giúp ‘chỉ định thấu’… Từ đó, ông ta cũng biết đủ cách “đêm xả láng sáng nhận tiền”.
Hầu như ở thành phố mà đất đai có giá trị này chỗ nào người ta cũng để mắt tới, kể cả những khu dân cư đã ổn định mấy trăm năm, có những khu đất ruộng đang trồng lúa xuất khẩu chất lượng cao. Thì kệ, có sao đâu! Có dự án là có tiền, ký xong thì bên A, bên B, bên chủ đầu tư, chủ dự án, bên thiết kế, thi công,… đều có tiền ngon xơi, lại có cớ để vay ngân hàng ‘lãi suất ưu đãi’, có thêm vốn ném vào công ty tài chính do con gái ông làm giám đốc; còn dự án triển khai thế nào hay chuyển mục đích, thậm chí bỏ đất hoang…Hứ! Mặc kệ! Nghĩ nhiều chỉ thêm đau đàu.
“Lấy được cái chỗ đó là ngon lắm… a. Là bộn tiền lắm…a. Mà ngộ cũng không để cho “trưởng thượng” bị thiệt đâu…a, xong được việc là “bộn đô” lắm đó” – một đại gia gốc Tàu đã nói với ông như vậy. Cái dự án đó nay cũng xong, dân cư được giải tỏa, các cuộc khiếu kiện rồi cũng dành xuội bại, dân kêu cứ việc kêu. Nhưng dù sao thì thằng Tài nguyên, thằng Quỹ đất, thằng Thanh tra và cả thằng Công an, mấy đệ tử ở quận, phường kỳ này cũng biết điều, lo dàn xếp nhanh, cũng giải tỏa được mặt bằng rồi. Có dự án, có đất, vừa ăn tiền dự án, vừa ‘ăn đất”, ngon chứ! Ừ, tất nhiên là có thưởng thôi. Ông bà thường nói: “Lộc bất tận hưởng”, mình cũng phải “biết điều” với chúng nó thì mới được việc. Có quyền sướng thật.
Một chữ ký của quyền lực mà được ôm trọn gói. Mà mình ký đâu có đẹp. Hết lớp 9 phổ thông, lười học, đi làm thợ hồ. Rồi loanh quanh làm nhân viên ở xã. Thế mà có “sao lãnh đạo” soi chiếu, cứ từ cơ sở đi lên, đúng quy hoạch công tác cán bộ, nay quả là ngon. Ngày xưa, đâu dám mơ. Tiền. Chỉ có tiền. Bằng cử nhân chính trị, rồi cái ghế bây giờ, cũng nhờ thần tài cả. Nhiệm kỳ này sắp hết, ông phải tranh thủ kẻo lại hết cơ hội. Mà ông đâu có ngồi một chỗ người ta tự đem đến cho đâu. Ông cũng phải chạy xồng xộc. Hết ra Hà Nội chạy đến các bộ, ngành, lại về lo chuyện triển khai dự án. “Cái khác” chưa tính, riêng tiền xăng xe, máy bay, tiệc tùng nhậu nhẹt cũng phải chi ra mỗi tháng ít nhất cũng trên nửa trăm triệu. Công tác phí, tiếp khách phí cả mà, lo gì bị phí phạm, đâu phải phí của mình mà ngại.
Ngồi vào bàn làm việc, ông nheo nheo mắt, hờ hững mở trang báo:
- Ủa, cái gì đây? Dự án. Hay quá, lại dự án.
Nhưng ông cũng nhận ra ngay, không phải là mục quảng cáo có ai muốn dự án ở thành phố của ông, mà là cái trang văn nghệ chết tiệt. Nhưng ông cũng cố đọc một bài thơ trên tờ báo đó. Bài thơ “Dự án trên mây”, ý chừng thằng cha tác giả này muốn ám chỉ ông với những câu thơ châm như muốn moi ruột gan ông ra. Nhưng, thôi kệ chúng nó, mấy đứa làm nghề viết lách đã bí tiền đi chợ mà còn lắm chuyện, muốn nói gì thì nói, chẳng làm gì được ai. Ừ, mà cái tay này viết cũng chua cay: “Bày ra dự án trên mây / Trong lòng thầm ước phen này giàu to / Cửa sau cửa trước vòng vo / Chạy đua dự án đủ trò mánh mung / … Bồi hoàn, giải tỏa trái ngang / Dân nghèo kiện cáo xếp hàng kêu oan…”. Mà sao thằng cha nào lại biết tỏng tòng tong đủ chuyện thế nhỉ? Dù sao mình cũng phải phòng hờ thôi, không chủ quan với cái lũ biết dùng quyền dân chủ, tự do ngôn luận này được. Phải bảo ngay mấy đứa Văn phòng, mấy đứa bên Tuyên giáo, với thằng trợ lý sang mấy chỗ chức năng quản lý báo chí, văn nghệ dò xem nội bộ có đứa nào hớt lẻo với nhà văn, nhà báo không? Mà cũng dò xem cái bút danh chết tiệt này là của thằng nào, nó có trong biên chế Nhà nước không? Chỉ có nội bộ mới xì ra chuyện này. Mình đi đâu, ngồi xe ngoại kính màu bít tịt, ai mà biết. Chỉ có từ nội bộ phun ra nó mới lộ cái chuyện “mỗ đây” bỏ việc công suốt ngày chạy dự án. Thằng nào mà mình biết được, chết tươi ngay thôi, cho nghỉ, về nhà lo bán vé số. Hứ, mà thằng cha nào cũng “hâm” thế? “Mỗ” đây học hành ít thôi, còn biết lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Thế mà có ăn có học, làm văn làm báo mà ngu, không biết lợi dụng nghề nghiệp. Hứ, kém. Đến gặp “mỗ”, viết bài khen, dư luận gì thì nghĩ cách bịt lỗ thủng đi, “mỗ” còn cho cái phong bì. Viết thế, được gì? Có mà ăn cám! Chẳng qua mấy đồng nhuận bút chết đói chứ gì? Hỏng, không thức thời…Mà nó còn độc địa, đáo để như muốn chẻ hoe ra: “Kê khai, quyết toán lòng vòng / Có thêm dự án túi ông càng đầy”. Thế có chết nhau không? Túi đầy mấy thì kệ tao. Mà chứng cư đâu? Dễ gì! Đây lấp và bịt hết rồi! Nhưng thôi, chuyện nhỏ. Bây giờ phải gọi ngay thằng Chánh văn phòng và thằng Trưởng phòng nghiên cứu tổng hợp lên, viết cho xong cái tổng kết, lo cho ngon bài phát biểu tại Hội nghị Đảng bộ thành phố. Chuyện báo chí, văn chương ì xèo, dẹp!
Sau khi đã giao việc cho các cấp dưới, cơ quan giúp việc và trợ lý, trong ba ngày phải lo tổng kết, báo cáo cho ông có cái đọc, ông giao cho tay trợ lý ngồi trực, có gì xử lý, có khách thì nói “Thủ trưởng đi họp”, ông cho Văn phòng gọi xe. Thế là …vù. A lê hấp, loáng cái đã thấy xe ông chạy bon bon trên đường thành phố đang đà đổi mới. Ông hát thầm: “Xe ta bon bon trên dặm đường giữa làng quê ta bao nhiêu đất đai bày ra…”. Ông phải đi khảo sát để xin dự án xây bờ kè ven sông, đề xuất với Bộ này ngành kia duyệt cho dự án thi công bờ kè dài đến trên 30 cây số. Nếu được duyệt, thì đúng là ông địa và ông thần tài phù trợ, cú này ngon ăn. Gần hết nhiệm kỳ rồi. Hôm trước, họp ở Hà Nội, ông N.T nhắc: “Các đồng chí phải bỏ ngay cái lối tư duy nhiệm kỳ, không lo chức trách mà chỉ lo tranh thủ TƯ lớn hơn CÔNG. Không nên làm việc cái kiểu khoán trắng cho cấp dưới và bộ máy, còn bản thân mình thì chạy việc cá nhân, gia đình”. Nghe, biết vậy, nói đúng thì không cãi làm gì. Nhưng bỏ làm sao được. Tính sơ sơ thôi, gần hai nhiệm kỳ một mình ông cũng chạy được trên chục dự án. Thằng đại gia nào thấy ông cũng xoa xoa cho đến nóng cả hai bàn tay….he he. Ông giục lái xe: “Chạy tăng tốc chút nữa mày. Thằng cha này mời gặp tại khách sạn 5 sao. Chắc vốn của nó cũng bộn…he he”.
Thế nên, làm lãnh đạo như ông thật là sướng hết chỗ nói. Sướng hết biết. Nay xin tặng ông mấy vần nói về “phương châm” sống và làm việc của ông cho nó sát thực tế, đúng đối tượng, đúng đạo đức, lối sống, tác phong và ý thức trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy của ông: “Cái đầu văn phòng, cái chân xe công, dự án xoay vòng, cái mông trợ lý, chữ ký trăm tỉ…hì …hì…”. Quả đúng vậy, tiêu chuẩn cần bằng cấp, nhưng ông không có, mua rồi. Chỉ cần tấm bằng “vào cuộc bầu bán” thôi, ông không cần trình độ, kiến thức. Ông không cần đi cơ sở, không cần nắm tình hình, mọi việc đó có bộ máy văn phòng lo cho hết. Cái đầu của ông thì chẳng bằng ai, nhưng ông lại được quyền sống bằng những cái đầu người khác, những chuyên gia được đào tạo bài bản. Những cán bộ, nhân viên, trợ lý đều học hành chính quy cả, ông đâu còn sợ gì. Đi đâu có xe công ngon lành. Làm giàu thì phải ký cót dự án, vốn liếng lòng vòng. Cái ghế ở cơ quan đã có thằng trợ lý thay ông giải quyết các công việc, có gì cần thì báo cáo sếp. Cái iPhone, iPad bây giờ thật ngon. Dự án trên mây, đời như lên mây, chỉ cần một nhiệm kỳ là dư sức cất cánh bay. Hừ, anh nào có sức thì cứ phê, thừa hơi thì cứ chê. Khi ra kiểm điểm trước tổ chức, cùng lắm một tiếng xin lỗi là xong chứ gì! Từ một gia cảnh nghèo, ham chơi, lười học, học dốt, nhưng khi được “đời chắp cánh”, khi đã lên mây, ông ta sống và làm việc như thế. Suy cho cùng, đó là sự nhờ ơn cấp trên, ơn cái “cơ chế”.
BVB
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét