Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

> NHỮNG BÔNG MẬN HẬU

Mùa hoa mận trên biên giới Hà Giang                                          
* MINH DIỆN
                  BVB - Mười hai giờ đêm nghe tiếng chuông điện thoại reo, tôi nghe máy. Một người đàn ông không quen biết nói với tối: “Tôi là Lê Văn Khương, cựu chiến binh, quê Nghệ An, trước ở Bộ đội biên phòng Vị Xuyên, Lào Cai, nay đang ở huyện Định Quán, Đồng Nai. Tôi vừa đọc bài: “Không thể  đập được tấm bia trong trái tim người”trên Blog của Đại tá Bùi Văn Bồng, nên gọi cho anh. Tôi cần gặp anh kể câu chuyện cho vơi bớt ân hận của bản thân tôi suốt ba mươi năm qua…
Tám giờ sáng hôm sau, anh Khương gặp tôi ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh bảo sau khi gọi điện  chập chờn không ngủ được,  bốn giờ sáng vùng dậy phóng xe đi.
                  Sau đây là câu chuyện người cựu chiến binh Lê Văn Khương kể:
                Tiểu đội phó Thương vừa chớm tuổi 22, mái tóc dài chấm mắt cá chân; Hà 19 tuổi, gương  mặt  trái xoan, nước da trắng mịn như trứng gà bóc; Thoan 20, nụ cười lúng liếng hai lúm đồng tiền; Hiền 21, đôi mắt như vấn vương điều gì và Trang, em út tiểu đội nhưng tính nết lại già dặn hơn tất cả. Năm cô  gái đều có thân hình cân đối, với những đường cong đầy nữ tính, dù mặc bộ đồng phục lính cũng hớp hồn các chàng trai khó tính. Họ còn trinh trắng như những bông mận hậu mới nở đón mùa xuân. Đó là năm chiến sỹ thông tin vô tuyến trên chốt Thanh Thủy, Vị Xuyên, cách đây hơn 30 năm.
Nữ chiến sĩ thông tin (ảnh minh họa)

                  Tết Kỷ Mùi 1979, thủ trưởng điện lên cho phép mấy chị em thay nhau về thăm nhà. Tiểu đội phó Thương ưu tiên cho em út tiểu đội đi trước. Nhưng Trang nói:
                 - Chị Thương ở xa và là chị cả trong gia đình, chị về sớm giúp ba mẹ, em con út lại ở gần em về sau!
                 Nghe Trang nói có lý có tình, mấy chị em không cãi nhau nữa, phân công Thương ở chốt  trực máy, rồi bốn đứa Hà, Hiền, Thoan, Trang ríu rít kéo nhau  xuống chợ Vi Xuyên mua quà tết cho Thương.
                 Những đồng phụ cấp binh nhất, tích cóp bấy lâu của bốn chị em chỉ đủ mua hai cái áo len cho bố mẹ Thương. Nhận hai chiếc áo len, Thương rưng rưng  nước mắt hỏi:
                  - Thế mai kia đến lượt chúng mày lấy tiền đâu mua quà?
                  Năm cô gái mặt thoáng buổn. Rồi vẫn lại là đứa em út lên tiếng:
                 - Em nghĩ ra rồi! Em sẽ tặng mỗi chị một cành hoa mận hậu. Cắm cành mận hậu trắng tinh bên cành bích đào đẹp vô cùng, lại có ý nghĩa con gái mang mùa Xuân từ biên giới về cho cha mẹ!
                   Thoan cười tít mắt, hai lúm đồng tiền trên mà tròn xoay:
                - Ừ đúng rồi chị Thương ơi!
                 Hiền nhướng mắt nhìn những hạt mưa bay lất phất,  mơ màng:
                - Tết năm ngoái em đi chùa Hương bốc được quẻ xăm rất hay
- Xăm làm sao?
Hà hỏi. Hiền chờ cho mọi người dỏng tai lên hồi hộp chờ đợi rồi đọc:
                              Năm cô má đỏ hây hây
                     Năm nàng tiên nữ trên mây chống ề!
         Năm cô gái cùng cười khúc khích.
                 Vừa mới thoáng buồn, giờ  lại vui! Vui buồn cứ chợt đến, chợt đi trên gương mặt xinh đẹp của năm cô lính thông tin trẻ, như những bông mận hậu chợt tươi chợt héo mỗi cơn gió the thắt lướt qua.
                  Chiều 27 tết mấy chị em nấu kẹo lạc, nấu bánh chưng và bày bàn thờ Tổ Quốc. Tính con gái hay lo xa, lại muốn chị Thương cùng dự đón giao thừa trước cho đông đủ.
                Bàn thờ Tổ Quốc có mân ngũ quả, bánh chưng, kẹo lạc, có cả một chén mứt me chua chua ngòn ngọt đứa nào cũng thích. Nhưng đẹp nhất là cành mận hậu với những chùm hoa trắng muốt tinh khôi, như những giọt nắng Xuân, làm rực rỡ một góc hang sâu ẩm ướt và giá lạnh suốt mùa Đông.
                 Trong ánh lửa bập bùng có mấy anh biên phòng sang chung vui. Tiếng hát của Thoan, cô gái Kinh Bắc cất lên:
                  “ Người ơi! Người ở đừng về!
                     Người ơi! Người ở đừng về!
                     Người về em vẫn….(có mấy a) khóc thầm.
                     Đôi bên là song như vạt áo, mà để ướt đầm như mưa!...”
Thoan vừa dứt lời, vô duyên vô cớ, mấy chị em ôm nhau khóc rưng rức như trẻ con, làm mấy anh lính phát hoảng.
                   Đêm ấy cả tổ thức trắng, hết nói chuyện lại gói gém tư trang quà tết cho chị Thương sáng mai về quê.
                   Đúng lúc Thương khoác ba lô lên vai thì có lệnh cấm trại 100 %, không cho bất kỳ cán bộ chiến sỹ nào đi phép, đi tranh thủ, các đơn vị phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mấy chị em thẫn thờ nhìn nhau buồn rười rượi.
                  Thương phá vỡ sự im lặng :
                 - Tao ở lại ăn tết với chúng mày càng vui!
                  Tiếng cười gượng gạo không xóa được  nét tủi hờn trên những gương mặt chưa hết thời con nít.
                     Là những chiến sỹ thông tin liên lạc, năm cô gái trẻ hiểu tình hình biên giới đang căng thẳng. Từ khi Trung Quốc thổi bùng lên cái gọi là “nạn kiều” và kích động người Hoa ở các nơi ùn ùn kéo nhau về nước, biên giới Việt Trung hừng hực ngọn lửa chiến tranh. Năm cô gái đã nghe tin anh Lê Đình Chinh bị lính Trung Quốc giết hại ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, nghe kể về bọn lính biên phòng Trung Quốc  sang gây rối ở Bát Sát, và đã được cấp trên nhắc nhở cảnh giác trước âm mưu xâm lược của bọn bành trướng…Hàng ngày trên vị trí tiền tiêu này các cô truyền đi những mệnh lệnh của cấp trên. Tuy không có quyền hiểu nội dung những bức điện tuyệt mật, nhưng với giác quan thứ 6 rất nhạy của người lính thông tin vô tuyến các cô gái hiểu đất nước đang bị đe dọa…

Hang đá, nơi năm nữ chiến sĩ thông tin
bị quân Trung Quốc giết hại

                   Ba ngày tết vẫn  bình yên. Trên thị trấn Vị Xuyên cờ hoa vẫn treo, tiếng pháo vẫn nổ giòn. Thanh niên trai gái xã Thanh Thủy vẫn rủ nhau đi chùa Sùng Khánh, đền Cầu, vẫn tập trung trên sườn đồi chơi ném còn, đu quay, ném yến và hát giao duyên. Những chàng trai quấn quýt bên những cô gái Dao đỏ xinh tươi trong trang phục áo dài tứ thân màu chàm thêu thùa tinh xảo, cổ long lanh chuỗi hạt cườm tua đỏ, những cô gái H’mông khoe  đường cong và thân hình căng mẩy trong tà áo ngắn lật cổ và  bộ váy xòe xếp nếp rực rỡ…
                  Mùa Xuân biên giới, người và hoa  tươi rói sắc mầu trong không khí hòa bình.
                  Năm cô chiến sỹ thông tin, dù đã có ý thức cảnh giác, cũng như những chàng trai cô gái H’mông, Dao, Nùng… vùng biên giới giữa những ngày Xuân ấy không  ngờ cách họ không xa, những sư đoàn quân Trung Quốc đã ém sẵn, chĩa mũi súng sang Việt Nam chờ lệnh xuất kích. 
                    Và giờ phút đó đã đến.
                    Tám giờ 30 phút thứ Bảy, ngày 17 tháng 2 năm 1979, nhằm ngày 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, hơn nửa triệu quân xâm lược Trung Quốc với 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1700 máy bay, 1020 khẩu súng cối cùng hàng vạn lừa, ngựa đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới gồm 6 tỉnh  Việt Nam theo lệnh Đặng Tiểu Bình : “Dạy cho Việt Nam một bài học”. 
                   Chúng muốn tạo sự bất ngờ không chỉ bằng việc đánh Việt Nam giữa ngày tết, còn  trương cờ Việt Nam, mặc quân phục giống quân đội Việt Nam, sơn màu xe tăng Trung Quốc giống màu xe tăng T54 của Việt Nam, được những tên đặc vụ nằm vùng và những tên lính biên phòng  trong đêm 13-2 còn sang xã Thanh Thủy xem  chiếu phim và  hát Then, dẫn đường…
                   Đoàn xe tăng Trung Quốc nghênh ngang hành quân vượt đường biên tiến sang Việt Nam qua cửa khẩu Thanh Thủy. Tên chỉ huy trên chiếc xe tăng đi đầu ưỡn ngực trên tháp pháo. Tiếng gầm rú của xe tăng, tiếng bánh sắt nghiến mặt đất rít lên như gió bão. Tên chỉ huy chém bàn tay ra lệnh cho lính bộ bịnh chuẩn bị tràn lên.
                  Lúc đầu Thương và các bạn nhìn màu xe, nhìn cờ và nhìn quân phục cứ tưởng quân ta, vì chúng nghi binh rất giống. Nhưng khi  lên cao quan sát kỹ, Thương  nhận ra bọn lính Trung Quốc, Thương lập tức lên mang báo cáo về Bộ chỉ huy và ra lệnh cho tiểu đội sẵn sàng chiến đấu.

Cửa khẩu Thanh Thủy hôm nay
                  Đoàn xe tăng Trung Quốc vẫn nghênh ngang tiến lên. Nhũng tên lính bộ binh theo xe tăng vừa đi vừa reo hò. Tên chỉ huy trên xe tăng chỉ thẳng cánh tay về phía trước.
                  - Đoàng!   
                  Thương nổ súng. Tên chỉ huy xe tăng gục xuống.
                  Đoàn xe tăng khựng lại. Những tiếng hô loạn xạ vang lên.  Bọn xâm lược Trung Quốc từ chủ quan chuyển sang bị bất ngờ.
                 Chúng hạ nòng pháo bắn như điên dại và bộ binh tràn lên.
                  Năm cô gái thông tin đối đầu với một đơn vị chính quy Trung quốc có xe tăng, súng cối, súng phun lửa hung hãn như lũ quỷ.
                  Hàng trăm tên địch tràn lên quyết bắt sống bằng được năm cô gái. Chúng vây kín miệng hang. Chúng xông vào hết tốp này tốp khác nhưng đều bị đánh bật ra sau khi để lại những xác chết.
                 Năm cô gái trẻ với năm khẩu súng Ak.
                 Hiền hy sinh đầu tiên. Em bị viên đạn xuyên vào ngực, chỉ kịp kêu “chị Thương ơi!” rồi gục xuống. Người thứ hai là Thoan, người thứ ba là Hà. Hà bị trúng đạn khi đang phá hủy điện đài không để rơi vào tay giặc.
                Còn lại hai người, Thương hỏi Trang:
                - Em có sợ không Trang?
                - Lúc đầu em sợ lắm nhưng giờ em không sợ nữa chị ạ!
                - Chị em mình chết sớm quá em có tiếc không?
                - Tiếc chị ạ! Em thương u em lắm!

Trắng trong hoa mận

                 Bọn Trung Quốc kêu gọi đầu hàng. Chúng đưa một tên người Việt gốc Hoa đến thuyết phục, nhưng Thương và Trang nhất định không đầu hàng. Bọn chúng tung lưu đạn cay, đeo mặt nạ xông vào, bắt sống Thương và Trang.
                    Chúng lột hết quần áo Thương, ném em  xuống đường cho chiếc xe tăng có tên chỉ huy bị bắn chết cán lên. Chúng  giữ chặt tay chân Trang, banh mắt, bắt em  nhìn cái chết thảm thương, đau đớn của đồng đội. 
                   Đơn vị bộ đội  vận động tiếp cận trận địa, đánh dạt bọn Trung Quốc ra xa, giành lại được Trang, nhưng em bị hai vết lê đâm thấu bụng. Em chỉ sống được nửa ngày rồi theo các chị ra đi. Em rất tỉnh. Em kể chuyện sảy ra rồi dặn:
                    - Các anh cho năm chị em em ở cùng chỗ với nhau các anh nhé!  Em ra đi lúc tuổi mười chín…
                    Anh Lê Văn Khương kể cho tôi nghe câu chuyện trên và anh khóc. Anh nói ngay sau khi Trang hy sinh anh bị thương được đưa về tuyến sau, không biết anh em ở lại chôn cất năm chiến sỹ thông tin gái ở đâu, và đó là điều anh ân hận suốt hơn ba chục năm qua.
Tôi cũng khóc khi ngồi suốt đêm viết lại cầu chuyện này. Trong tai tôi cứ như vang lên lời nói lúc sắp hy sinh của cô gái trẻ: “cho chị em ở cùng chỗ với nhau, các anh nhé!”. Và tôi muốn nói thật to, mong Thương, Hiền, Hải, Thoan, các anh cho chị em Trang nghe thấy và đáp lời tôi: “Giở này các em ở  đâu?”. 
Đã ba mươi ba mùa hoa mân hậu, ba mươi ba cái tết trôi qua. Hai cái áo len các em mua bằng mấy đồng phụ cấp binh nhất không kịp gửi về cho cha mẹ đồng đội. Xương thịt em bị nghiền nát dưới bánh xích xe tăng của quân xâm lược, đau đớn quá Thương ơi!
           Một mùa Xuân nữa lại đến. Lại một mùa  mận hậu Bác Hà trổ bông. Những chùm hoa trắng tinh khôi như những người con gái trinh trằng đã ngã xuống trên mảnh đất biên cương. Thương, Hiền, Hà, Thoan, Trang ơi, đồng đội tôi ơi!
                                                 Đêm Chủ nhật 15-1-2013
                                                                                   M .D                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét