Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

> Lỗ hơn 2.400 tỉ đồng, Vinalines tiếp tục được rót tiền?

Theo tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt, trong năm 2012, dù đã thu gọn số doanh nghiệp đầu mối từ 87 xuống còn 37, bán đi mười tàu lớn nhưng số lỗ năm qua của tổng công ty vẫn lên đến 2.439 tỉ đồng.

Năm 2013: “Năm bão”!
Tuy nhiên, trong lời kêu gọi cán bộ công nhân viên tổng công ty “đoàn kết, trụ vững” trong năm tới tại buổi lễ triển khai nhiệm vụ năm 2013 diễn ra chiều 29.1, ông Việt còn thừa nhận rằng, năm 2013 tiếp tục sẽ là một năm “bão” khó khăn với tổng công ty này, khi mà báo cáo triển khai nhiệm vụ năm 2013 dẫn các số liệu cho thấy tình hình còn thê thảm hơn.
Theo báo cáo này thì dự kiến, số lỗ trong năm 2013 của Vinalines vẫn sẽ tiếp tục ở ngưỡng 2.100 tỉ đồng, tổng doanh thu năm tới còn thấp hơn, ước đạt khoảng 20.000 tỉ đồng – bằng 94% năm 2012.
Vị tổng giám đốc này cũng nói rằng, không chỉ theo dự báo của doanh nghiệp, mà của lãnh đạo bộ Giao thông vận tải, của những người lãnh đạo trong Chính phủ thì tình hình (thị trường) khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài trong khoảng gần năm năm tới, đến năm 2017.
Vinalines bán đi mười tàu lớn
Vinalines bán đi mười tàu lớn
Vậy nhưng ông Việt vẫn lạc quan: “Một người thuyền trưởng không thể trở thành thuyền trưởng giỏi khi ra khơi mà không gặp bão. Cơn bão 2013 đang tới, và họ chỉ giỏi khi gặp bão nhưng vẫn đưa con tàu trở về an toàn sau bão”. Theo ông Việt, phải đến năm... 2018, dự kiến tổng công ty sẽ làm ăn được tốt, trả được nợ.
Cơ sở để người thuyền trưởng của Vinalines lạc quan được ông Việt tiết lộ: Đề án tái cơ cấu tổng công ty đã được Bộ Chính trị thông qua và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với năm tiêu chí cụ thể: một là tăng vốn điều lệ của Vinalines 50%, từ hơn 8.000 tỉ lên trên 12.000 tỉ đồng.
Hai là cổ phần hoá hệ thống cảng biển, theo đó Nhà nước chỉ còn nắm giữ từ 51 – 65%. “Nguồn tiền từ cổ phần hoá này chúng tôi dự kiến sẽ thu về được 2.000 – 3.000 tỉ đồng”, ông Việt tính toán. Cùng với đó, một tiêu chí quan trọng khác trong đề án tái cơ cấu là (chờ) Chính phủ giao ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ đối với các đơn vị thành viên thuộc Vinalines và cho các công ty được vay vốn với lãi suất thấp trong năm năm để làm vốn lưu động cho đội tàu 143 chiếc (dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng).
Ngoài ra, bộ Tài chính cũng chấp thuận đưa Vinalines vào danh sách ưu tiên được vay tiền để cải cách doanh nghiệp của ngân hàng phát triển châu Á ADB với nguồn vay có thể lên tới 150 triệu USD. “Năm 2013 cực kỳ khó khăn, hơn cả năm 2012, thị trường khắc nghiệt hơn, đặc biệt là sức chịu đựng của doanh nghiệp giảm sút… nhưng đó (các tiêu chí trong đề án tái cơ cấu – PV) là cờ, là cán cân để Vinalines vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Nguyễn Cảnh Việt đánh giá.

Bán tàu, giảm lỗ
Theo lãnh đạo Vinalines, để giảm lỗ, năm qua các đơn vị thuộc tổng công ty đã bán đi mười tàu với tổng trọng tải lên đến 325.000 DWT mà không được bổ sung tàu mới nào mặc dù theo kế hoạch thì năm 2012 tổng công ty dự kiến nhận thêm một tàu 1.800 TEUS và tiếp nhận bảy tàu khác với tổng trọng tải 300.000 DWT trong chương trình tiếp nhận 20 tàu từ tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin.

Các chỉ tiêu đều giảm

Một số chỉ tiêu cụ thể tại báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 của Vinalines như sau: sản lượng vận tải biển bằng 89% năm trước (2011), đạt 29,8 triệu tấn, tổng doanh thu còn thấp hơn năm ngoái nhiều, bằng 86% năm 2011 với con số đạt 21.203 tỉ đồng, trong đó, khối chủ lực là vận tải đạt gần 9.900 tỉ (bằng 80% năm 2011), khối dịch vụ cũng chỉ bằng 85% năm ngoái với doanh thu hơn 6.900 tỉ. Chỉ có khối cảng biển là tăng 7% so với năm trước, đạt hơn 4.400 tỉ đồng. Nộp ngân sách năm rồi của Vinalines vì vậy mà cũng thấp hơn nhiều năm trước (bằng 67%), với con số vỏn vẹn 674 tỉ đồng.
Điều này khiến cho trọng tải đội tàu đã giảm đáng kể, còn 143 chiếc với trọng tải khoảng 3 triệu DWT.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinalines, kế hoạch tái cơ cấu đội tàu năm tới vẫn là quyết liệt bán, thanh lý tàu (tàu già và tàu khai thác không hiệu quả).
Cùng với đó là áp dụng linh hoạt hình thức cho thuê định hạn kết hợp khai thác chuyến nhằm đảm bảo hiệu quả tối đa, tận dụng thời gian nhàn rỗi và đặc biệt là giảm áp lực về vốn lưu động.
Điều này, theo các chuyên gia hàng hải là rất đáng chú ý bởi trước nay vẫn là điểm yếu của Vinalines khi mà hầu hết các tàu vẫn là cho thuê theo định hạn.

Xin thôi bảo lãnh cho Vinashinlines
Đáng chú ý, trong báo cáo công bố tại hội nghị, Vinalines kiến nghị bộ Giao thông vận tải, bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét quyết định việc cho Vinalines không tiếp nhận nghĩa vụ bảo lãnh của tập đoàn Vinashin đối với các khoản vay của Vinashinlines (công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin) và các đơn vị chuyển giao khác từ Vinashin về Vinalines.
Vinalines đồng thời kiến nghị bộ Giao thông vận tải xử lý với khoản tiền mà Vinalines đã hỗ trợ Vinashinlines và bốn đơn vị được chuyển giao là công ty TNHH MTV gồm: vận tải Biển Đông, công nghiệp tàu thuỷ Cà Mau, công nghiệp tàu thuỷ Sông Hậu và cảng Năm Căn dưới các hình thức cho vay, bảo lãnh cho vay, ứng tiền sửa chữa tàu… cho phép Vinalines chuyển thành vốn điều lệ của năm đơn vị trên.
Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét