* Bùi Văn Bồng
BVB - Hiện nay, báo chí ở nước ta có các loại hình chủ yếu như: Báo in (trên giấy, lâu nay có người vẫn quen gọi là báo viết), báo hình, báo nói, báo mạng và các loại tạp chí, đặc san... Về thứ bậc và phạm vi, có báo Trung ương, báo địa phương, báo ngành, riêng trên mạng thì cũng đa dạng: Báo mạng online, mạng tự lập được cấp giấy phép, mạng do ngành, địa phương quản lý (công thông tin điện tử), và “làn sóng blog” cá nhân, giao lưu, chát... Tự do, vô tư, vui nhộn, thoái mái biểu lộ và biểu cảm chính kiến nhất vẫn là các trang blog trên nhiều hệ, kênh, tuyến băng thông, liên kết khác nhau. Tất nhiên, người đọc các blog đều phải biết tự phân định hay-dở, đúng-sai, biết cách cảm nhận và tự lý giải. Đây cũng là kênh giao lưu nhanh, nhạy cảm, ngày càng thu hút nhiều người đọc, nhất là lớp trẻ.
Do tốc độ và chất lượng phát triển của công nghệ thông tin, báo mạng là mũi xung kích thời bùng nổ thông tin toàn cầu. Nó đang dần trở thành một sức mạnh áp đảo, đẩy báo in, báo nói, báo hình vào góc khó cạnh tranh. Thời đại này, không có báo nào truyền tin nhanh bằng thông tin mạng. Một sự kiện xảy ra tại bất kỳ nơi đâu, chỉ sau vài cú nhắp chuột là cả thê giới đều biết. Sự phát triển của báo mạng song hành với tốc lực phát triển nhanh, phổ cập và lan truyền chưa từng thấy của công nghệ thông tin. Chính vì thế, “khách hàng” của báo mạng ngày càng tăng nhanh với cấp số cộng. Đầu tư cho phát triển cũng như quản lý được báo mạng là tầm nhìn hiện đại.
Các vụ gây rầm trời, rùm beng dư luận như: Nông trường Sông Hậu, Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản và một số vụ việc nổi cộm khác xảy ra thường choán nhiều “đất” và thời lượng trên các loại báo. Nhắc lại vụ Tiên Lãng cách đây đúng một năm, bạn đọc đã ít nhiều bắt mạch, phát hiện ra báo chí của ta đang mắc mấy thứ bệnh là:
- Bệnh nịnh hót, vuốt ve; bệnh chờ chỉ đạo, xin ý kiến; bệnh dựa dẫm ăn theo, nói leo; bệnh bốc đồng; bệnh câu móc, cơ hội; bệnh phỉ báng tùy tiện…
Trong các loại bệnh đó, tựu trung lại chỉ vì cái nếp cả hơn nửa thế kỷ qua: Viết theo đúng chỉ đạo. Nhà báo phải viết theo cái khuôn phép của nhà tuyên giáo. Riết rồi nhà báo mất hẳn tính chủ động, mất chính kiến, đi đến lối lam fbáo rập khuôn, máy móc. Việc chấp hành nghiêm như một nguyên tắc dẫn đến mang tiếng “nhà báo nói láo, nói thêm”. Cái chất kiêu binh của nhà báo với “cái tôi” quá to mà thiểu trung thực, thiếu dũng khí khi làm báo đã gây ra biết bao lụy phiền. Thông tin xã hội không còn nguyên bản bởi những nhào nặn theo ý lãnh đạo trực tiếp và gián tiếp. Lối quan niệm để cốt “giữ cho mình” này đã dẫn tới tính chiến đấu, tính định hướng dư luận nhằm bảo vệ công lý, lẽ phài, phê phán cái sai, xây dựng và vun đắp cho sự tốt đẹp bị hạn chế rất nhiều. Người ta biến báo chí từ cơ quan ngôn luận chính trực, tiếng nói của nhân dân, vũ khí đấu tranh, trở thành thứ ngụy trang, che chắn cho tội lỗi, bợ đỡ quan tham?
Nội dung và cách thức thông tin của họ chỉ tập trung cố thủ một lối duy nhất: Phải ủng hộ lãnh đạo, phải theo đúng chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, thông qua cơ quan Tuyên giáo…
Trong cuộc sống có rất nhiều vụ việc, vấn đề xã hội quan tâm, không ít sự bức xúc, nhưng báo chí thì cứ nhẩn nha chơi bài “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa”, xem như không nghe, không thấy, không biết! Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết: “Cần lưu ý / lời nói thật thà có thể bị xử tội / lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương / đạo đức giả có thể thành dịch tả / lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường / Cần lưu ý / có cái miệng làm chức năng cái bẫy…”
Có một số vụ vừa xảy ra đã thấy ngay thông tin và bình giải trên các trang mạng Internet, dư luận ầm ầm, gây xôn xao, nhưng báo “lề phải” – cứ tạm gọi vậy cho dễ hiểu – lại im phăng phắc. Tôi có hỏi mấy người bạn là Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn một số tờ báo tại Hà Nội, họ nói rằng đang chờ ý kiến chỉ đạo, chờ hỏi ông này bà kia, họ còn bận việc này việc nọ, chưa cho ý kiến cụ thể. Suy ngẫm thêm, hình như một số Ban biên tập thiểu bản lĩnh, bảo thủ, ngại bộc lộ chính kiến, còn giữ cái lối làm báo răm rắp tuân thủ, cũng là giữ và tôn cao thêm cái ghế của mình. Động cơ đó làm cho họ không dám mạnh dạn nói và làm, còn rất sợ chịu đủ thứ trách nhiệm...
Có tờ báo đã xác định cách an toàn nhất là “án binh bất động”, viết thật cũng khó, viết méo mó không nên, tốt nhất là “ổn định chính trị cho mình”. Thời nay, đòi hỏi thông tin của người dân phải nắm bắt nhanh, đúng, chính xác, kịp thời mà làm báo còn quá nặng kiểu cũ, công thức, câu nệ, phụ thuộc nhiều tầng nấc như thế, quả là bạn đọc cũng đành phải bó tay. Thông tin đưa chậm, nặng về phản ánh chung chung, nhiều bài vô thưởng vô phạt ít tính chiến đấu và mất tính thời sự của báo chí đồng hành với giảm số lượng phát hành, ngày càng ít bạn đọc. Phải chăng cái quan niệm báo lề phải, báo lề trái, báo chính thống, không chính thống cũng từ đó mà ra?
Như nhiều người đã đề cập, vai trò của báo chí ngày càng có tác dụng sâu rộng, ảnh hưởng lớn, nhiều khi có tác dụng định hướng dư luận, chi phối đến nhiều hoạt động xã hội, phát huy các giá trị nhân sinh, nhân văn, nhân bản, là vũ khí sắc bén đấu tranh và phản biện xã hội. Phần mở đầu Luật báo chí cũng nêu rõ: “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân ; phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam”. Còn nhớ, ngày 8-2-2012, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo phải luôn đổi mới, không thể sáo mòn, bằng nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng, hiện đại… tăng cường đối thoại, phát huy hiệu quả các phương tiện báo chí, đặc biệt là báo mạng”.
Thời đại "thế giới phẳng", toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin toàn cầu là xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại, cũng là hiện đại hóa quyền được thông tin (trao đổi, tiếp nhận, bình giải, giao lưu, giải trí...) của con người. Thông tin nào đúng, có sức thuyết phục đa số công chúng và dư luận xã hội thì tồn tại, được khẳng định; thông tin nào sai, méo mó, xuyên tạc tất yếu bị đào thải, và phải tự đào thải. Nội dung hàm chứa thông tin sẽ tự chịu trách nhiệm về sự tồn tại của mình. Nói bừa, nói ẩu mãi không mấy ai tiếp nhận, ủng hộ rồi cũng chán. Bởi cư dân mạng và công chúng tiếp cận thông tin đủ khả năng phân tích, kiểm nghiệm. Nhà nước không nên mất công đối phó với chuyện này. Những bức xúc của người dân và diễn biến tư tưởng mang tính "phản biện ngoài luồng", kể cả bung ra những bất đồng chính kiến lại là những thông tin cần thiết cho nhà lãnh đạo. Vẫn đề là lãnh đạo có đủ trình độ và bản lĩnh tiếp cận nó hay không!? Ngăn chặn thông tin mạng chẳng khác nào lấy cát, bùn non mà chặn dòng lũ lớn. Chặn chỗ này, sức nước sẽ phá bung chỗ khác có khi còn lớn hơn. Đó cũng là quy luật của tự nhiên: "Tức nước vỡ bờ". Mọi mỗ lực ngăn chặn, đấu đá, che chắn thông tin kiểu chuyên nghiệp hóa đều trở nên vô tác dụng.
Ngày 5/7/2012, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết khẳng định và chính thức coi việc tự do truy cập Internet là một quyền cơ bản của nhân loại, ngăn chặn và xuyên tạc giá trị mạng Internet, phá thông tin mạng là vi phạm nhân quyền. Nghị quyết này cho rằng tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, tôn giáo, giới tính, độ tuổi, dân tộc….đều có quyền được truy cập Internet và tự do thể hiện suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn của bản thân họ trên mạng thông tin toàn cầu này. Tất cả 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền, bao gồm cả những quốc gia nổi tiếng trong vấn đề kiểm duyệt nội dung cũng như việc truy cập vào các website của người dùng như Trung Quốc, Cuba đều đặt bút ký vào bản Nghị quyết đầy ý nghĩa này.
Ngày 5/7/2012, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết khẳng định và chính thức coi việc tự do truy cập Internet là một quyền cơ bản của nhân loại, ngăn chặn và xuyên tạc giá trị mạng Internet, phá thông tin mạng là vi phạm nhân quyền. Nghị quyết này cho rằng tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, tôn giáo, giới tính, độ tuổi, dân tộc….đều có quyền được truy cập Internet và tự do thể hiện suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn của bản thân họ trên mạng thông tin toàn cầu này. Tất cả 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền, bao gồm cả những quốc gia nổi tiếng trong vấn đề kiểm duyệt nội dung cũng như việc truy cập vào các website của người dùng như Trung Quốc, Cuba đều đặt bút ký vào bản Nghị quyết đầy ý nghĩa này.
Ta thường thấy những cán bộ, đảng viên trung chính, có phẩm chất, năng lực, tự thây mình hoàn chỉnh, ít sai phạm gì lớn, thì lại rất quý, tôn trọng báo chí, không sợ báo chí dù về nghiệp vụ nhà báo có thể hiện ở bất kỳ dạng thức nào. Họ còn rất thích khi đối thoại với báo chí.
Chỉ có những cán bộ, đảng viên phẩm chất , năng lực kém, làm sai trái, vi phạm chuyện này việc kia, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức , lối sống, cố tình co lại, bưng bít, che giấu sai lầm mới ngán ngại, có khi sợ, né tránh báo chí. Vì thế, các nhà lãnh đạo ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị rất cần nâng cao nhận thức, thấy rõ vai trò, tác dụng của báo chí là kênh thông tin quan trọng, cần thiết và bổ ích phục vụ cho lãnh đạo, quản lý, điều hành trong thời đại bùng nổ thông tin hiên nay. Chấp nhận và sẵn sàng đối thoại có ban rlĩnh và chân tình đối với những phản biện xã hội của báo chí là sự đổi mới rất hữu ích của người lãnh đạo.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của toàn xã hội, các cơ quan báo chí thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ, chức năng thông tin, báo chí cần phải vượt ra khỏi lối mòn quan liêu, bao cấp, khắc phục những tư duy về quản lý, chỉ đạo khô cứng, hô hào, hành chính hóa việc làm báo, kìm hãm năng động và chính kiến phóng viên, phải theo sát xu thế phát triển của thời đại, thực sự đổi mới mạnh hơn nữa về quan điểm, cách thức tổ chức làm báo, mạnh bạo cạnh tranh thông tin, nhanh nhạy và kịp thời, phải là lực lượng tiên phong, mở đường, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Nhất là cần nhanh chóng khắc phục những thứ bệnh nêu trên. Suy cho cùng, ngăn chặn thông tin đến với mọi người là vi phạm nhân quyền.
BVB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét