Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

ODA - Ôm dự án

Ôm tiền rồi, nhưng đất dự án vẫn bị hoang hóa

Hàng loạt dự án trọng điểm vốn ODA
 bị chậm mặt bằng
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên còn hơn một km chưa giải phóng mặt bằng, tuyến Hà Nội - Lào Cai còn một số hộ dân và mộ phần chưa di dời dù kế hoạch các tuyến này sẽ hoàn thành cuối năm nay.
Thời gian qua, nhiều công trình lớn đã và đang triển khai bằng nguồn vốn ODA trên địa bàn Hà Nội, như cầu Thanh Trì, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường vành đai 3 trên cao... Tuy nhiên, nhiều dự án bị chậm giải phóng mặt bằng làm chậm giải ngân nguồn vốn vay và giảm hiệu quả đầu tư.
Không chỉ cầu Nhật Tân, tuyến đường nối dài 12 km đến sân bay quốc tế Nội Bài khó đạt tiến độ hoàn thành cùng với cầu Nhật Tân vào năm 2014 do chậm bàn giao mặt bằng. Tại huyện Đông Anh, nhiều đường điện cao thế, hạ thế, chợ tạm Vân Trì vẫn chưa được giải tỏa. Hơn 300 hộ dân thuộc huyện Sóc Sơn cũng chưa có khu tái định cư.
Trong năm 2012, dự án này được bố trí 647 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn này vẫn chưa có kế hoạch sử dụng. Tại cuộc họp với UBND Hà Nội mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đốc thúc Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn giải phóng mặt bằng cho dự án này và yêu cầu các đơn vị thi công rút ngắn tiến độ xây dựng đường từ 4 đến 6 tháng.
Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là dự án quan trọng trong việc kết nối mạng giao thông khu vực phía bắc thủ đô Hà Nội. Tuyến đường dài 61 km, trong đó đoạn qua Hà Nội là 23,9 km, dự kiến đi vào khai thác tháng 12/2013. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 1,4 km trên địa bàn Hà Nội chưa bàn giao mặt bằng. Tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, chính quyền chưa tái định cư được hơn 100 hộ dân.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có tổng đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Thế giới, cũng là một dự án phát triển kinh tế trọng điểm nằm trên tuyến Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Dự án được khởi công năm 2008, kế hoạch hoàn thành cuối năm 2013, song đến nay nhiều đoạn tuyến vẫn chưa được giải phóng mặt bằng, phần lớn các gói thầu đều chậm tiến độ từ 6 tháng đến 1 năm.
Chậm tiến độ bàn giao mặt bằng khiến các nhà thầu phải trả nhiều chi phí phát sinh như văn phòng, nhân công, thuê máy móc... Điển hình mới đây nhà thầu Tokyu thi công gói thầu số 3 dự án cầu Nhật Tân đã yêu cầu phía chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải chi trả chi phí phát sinh tới 200 tỷ đồng.
Theo ông Tsuno Motonor, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, nguồn vốn ODA chính thức của Nhật Bản được nối lại cho Việt Nam đến nay là tròn 20 năm. Trong 20 năm đó, Nhật Bản đã giúp Việt Nam triển khai rất nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng.
"Đồng vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam là do nhân dân Nhật Bản đóng thuế mà có nên rất quý báu. Do đó chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Namsẽ sử dụng một cách hiệu quả nhất những đồng vốn này", ông Tsuno Motonor nói.
Đoàn Loan (VnE)
---------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét