Những người yêu nước biểu tình ôn hòa kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc |
* BÙI VĂN BỒNG
Hơn 3 năm trước, nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân, tôi đã viết bài thơ “Tình yêu lính đảo”. Đây là một bài thơ trữ tình, nói lên mối gắn kết trong tâm tư người lính đảo cùng những kỷ niệm với quê hương, bạn bè, người yêu của họ, và chính đó là động lực để người lính hải quân ở đảo xa vững chắc thêm tay súng bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc [đọc bài thơ ở cuối bài này>] (*).
Vậy mà, không báo nào dám đăng. Hóa ra, từ một cuộc giao ban báo chí ở Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phổ biến tình hình, nhắc các báo không được dùng một tin, bài, kể cả từ ngữ nào về biển đảo. Tôi hỏi Trưởng phòng biên tập Văn nghệ của báo Quân đội nhân dân, anh ta nói bài thơ đã lên trang rồi, nhưng “cái ông” trong Ban biên tập trực xuất bản bắt bóc đi. Không những bài thơ, mà một tin ngắn là đoàn văn công đi ra đảo phục vụ chiến sĩ cũng bị bóc luôn. Người ta làm cứ như là có hai chữ biển-đảo trên mặt báo là Trung Quốc lập tức kéo quân sang đánh Việt Nam ầm ầm. Trong khi thời gian trước đó, Trung Quốc thường xuyên cho tàu hải giám, tàu ngư chính xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, bắt thuyền tàu đánh cá cùng ngư dân Việt đang hành nghề trên vùng biển chủ quyền của đất nước mình. Thế mới thấy kỳ cục cho cái chính sách ngoại giao của ta, bản lĩnh, chính kiến, lập trường của giới lãnh đạo. Vậy mà quân chủng hải quân và nhiều tỉnh bày trò họp báo kêu gọi tăng cường tuyên truyền về biển-đảo!
Trả lời phỏng vẫn của báo Tiền phong ngày 29/1/2013, về vấn đề Trung Quốc với chủ quyền biển-đảo của Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an), nói: “ Với cách truyền thông của Trung Quốc hiện nay, tôi có cảm nhận rằng, hình ảnh Việt Nam bị méo mó trước người dân Trung Quốc. Tôi khẳng định, hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc cũng như hơn 80 triệu người Việt Nam đều là những người tốt. Nhưng do bị tiếp nhận thông tin sai lệch, dẫn tới nhận thức sai, khiến người dân Trung Quốc có thái độ sai đối với Việt Nam . Khiến cho quan hệ trở nên căng thẳng. Vì thế, ta vẫn kiên trì phương thức ngoại giao đối thoại. Ngoài các kênh ngoại giao của Đảng của nhà nước, ta còn kênh ngoại giao nhân dân”...
Nói là nói vậy, nhưng Đảng, Nhà nước ta không cho báo chí lề phải nói về biển-đảo, về lãnh hải, về chủ quyền đất nước. Nếu trang mạng cá nhân, blog nào mà nói về Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam cũng bị dánh dấu theo dõi, tìm cách ngăn chặn. Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong 1,3 tỉ dân, vu cáo Việt Nam chiếm biển đảo có từ lịch sử lâu đời của Trung Quốc, dạy cho dân Trung Quốc phải thù Việt Nam, nước nhỏ, “chịu ơn Trung Quốc” mà nay bành trướng, tham lam, kêu gọi nhân dân giúp nhà nước “trừng trị” Việt Nam khi cần thiết… Đúng thật là sự ráo riết bung mở tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã góp phần để nhân dân Trung Quốc hiểu được “cái xấu”, sự "phản trắc", "vô ơn" của Việt Nam, ủng hộ nhà nước Trung Hoa lấy lại chủ quyền biển-đảo đã bị Việt Nam "hỗn hào" chiếm giữ!…
Thế thì, như tướng Cương nói thì thực chất “Đối thoại nhân” dân là gì? Ông Cương thừa nhận rằng: “Công tác truyền thông của chúng ta chưa tới tầm. Ngoài kênh ngoại giao chính thức, các đoàn thể, chính trị xã hội “áp” vào Trung Quốc. Các đoàn khoa học, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ biển, thậm chí cả hội người cao tuổi… đêu có thể trở thành những kênh ngoại giao… Từ hiểu sẽ tới nhận thức đúng, chính người dân Trung Quốc sẽ tạo áp lực buộc nhà nước Trung Quốc phải có ứng xử với hàng xóm, láng giềng trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Cái biện pháp có vẻ đùng bài bản và hợp lý đó có được thực hiện không? Chủ trướng nhún nhường, nhũn nhặn đến mức nhu nhược, nhưng bưng bít thông tin về biển đảo. Những đợt ngăn chặn, bắt bớ người dân yêu nước tham gia mít tinh, biểu tình chống Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước lại bị quy chụp là “chống Nhà nước Việt Nam”, rồi bắt bớ, ngăn chặn, răn đe, rung dọa đủ kiểu. Nhiều người bị công an "khoanh lại" theo dõi, tìm cớ bắt bớ, truy dẹp. Các kênh thông tin nói về biển đảo cũng rà soát kỹ từng dòng, tưng câu chữ, vậy lấy đâu ra “Đối thoại nhân dân”? Bưng bít hết, cấm hết, dân biết mô tê chi mà "đối thoại", mà đối thoại với ai?
Trần Hưng Đạo nói trước khi lâm chung “Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy…, Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy". Chẳng lẽ các vị chưa nghe lần nào hoặc bỏ ngoài tai những lời khuyên vàng ngọc đó?
BVB
----------------------
> (*) TÌNH YÊU LÍNH ĐẢO
Bùi Văn Bồng
Lính đảo nói rằng lính đảo yêu
Lính đảo nói rằng lính đảo yêu
Lòng nhớ nôn nao sóng thủy triều
Nay đã xa nhà ra gác đảo
Vấn vương một dáng nét yêu kiều
Lính đảo nói rằng lính đảo thương
Một cô bạn học buổi tan trường
Mắt như tiên nữ sa trần thế
Mái tóc vương mềm thơm thoảng hương
Lính đảo nói rằng lính đảo say
Mơ gặp người thương để giãi bày
Khung trời tuổi mộng năm nao ấy
Ai đã rụt rè cho nắm tay…
Bây giờ da dẻ hồng tươi nắng
Nhớ nón nghiêng che một chiều xa
Nhìn cây bàng nhớ xưa hò hẹn
Tán lá xanh êm đến thật thà
Nỗi nhớ đất liền bao vấn vương
Yêu lá thư hồng của hậu phương
Yêu thơ, mê hát, yêu con sóng
Thềm đảo chao nghiêng buổi triều cường
Và say, lính đảo thường say đắm
Ngắm cánh hải âu sáng chân trời
Như cánh cò xưa trên đồng biếc
Yêu những vầng mây giữa trùng khơi
Lính đảo yêu thế, thương là thế
Ai gửi tâm tình hẹn nhớ thương
Không mạng, chẳng game và đừng chat
Xin một con tem với thư thường.
BVB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét