Một tốp trong chiến dịch Trung Quốc tung 23.000 tàu cá cướp hải sản trên biển Đông |
TPO - Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) cho rằng, với hàng loạt vụ việc gây hấn gần đây, Trung Quốc đang tự vẽ mình là "Người khổng lồ xấu xí".
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an. Ảnh: Công Khanh |
Đuối lý và lố bịch
- Sau khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc về vấn đề “đường lưỡi bò”, ông bình luận gì về sự kiện này?
- Trong tranh chấp biển đảo nói riêng và trong tranh chấp lãnh thổ nói chung, có vài cách thức giải quyết. Thứ nhất là các nước thương lượng với nhau, nếu thương lượng không được thì dùng phương thức thứ hai là đưa ra Toà án Quốc tế.
Dưới góc nhìn của Manila, Scarborough/Hoàng Nham là của họ. Vì vậy khi Philippines cho rằng họ không thể thương lượng với Trung Quốc nữa, họ quyết định chuyển vấn đề ra tòa án Liên Hợp Quốc (LHQ). Với hành động này, Manila hi vọng cán cân công lý sẽ nghiêng về mình.
Việc làm này hoàn toàn bình thường và là quyền chính đáng của một quốc gia. Và khi kiện ra Toà án trọng tài Quốc tế, Philippines vẫn trao đổi song phương với Trung Quốc một cách bình thường.
- Tại sao Trung Quốc cứ khăng khăng một mực không chịu đồng ý đàm phán đa phương trong vấn đề chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ?
- Qua theo dõi cho thấy Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán song phương về vấn đề chủ quyền. Riêng vấn đề biển Đông, Trung Quốc quan hệ với 5 nước Asean (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Brunei, Singapore, chiếm ½ khối ASEAN). Vì vậy Trung Quốc luôn luôn yêu cầu đàm phán song phương
Ngư dân Philippines cắm cờ quốc gia trên một mỏm đá ở bãi cạn Scarborough. Ảnh: allvoices |
Về mặt lý, Trung Quốc cho rằng, nếu khúc mắc với quốc gia nào thì sẽ đàm phán với quốc gia đó. Đó là lý sự của Trung Quốc. Đằng sau lý sự đó, ai cũng rõ tương quan lực lượng giữa Trung Quốc với từng nước một quá chênh lệch. Đàm phán song phương, Trung Quốc luôn chiếm thế thượng phong, luôn tạo thế chủ động, áp đặt.
Trung Quốc luôn né tránh đa phương và quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Vì nếu Trung Quốc đồng thời ngồi với 5 quốc gia, tương quan lực lượng sẽ khác. Họ sẽ vừa yếu thế, vừa đuối lý. Hơn nữa, dư luận quốc tế đều rõ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc là phi lý và là yêu sách lố bịch.
- Tại tòa án quốc tế, Trung Quốc yếu thế và có thể bị xử thua. Tuy nhiên, kể cả xảy ra trường hợp như vậy, Trung Quốc chưa chắc chịu thực thi phán quyết đó?
- Theo tôi, điều này có hai mặt. Sự thật, về mặt chế định pháp lý thì đúng là không có ủy ban tối cao giám sát thực hiện bản án quốc tế.
Nhưng về khía cạnh chính trị của vấn đề thì không phải. Trung Quốc cũng là một thành viên của LHQ, vì vậy phải thi hành phán quyết của tòa án quốc tế. Không có quốc gia nào có quyền đứng trên Hội đồng Bảo an LHQ và đứng trên luật pháp quốc tế.
Mặc dù không có có chế định giám chế bản án của tòa án quốc tế, nhưng quốc gia nào không thực hiện phán quyết của tòa án quốc tế, quốc gia đó sẽ bị cả thế giới cô lập, lên án. Hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trung Quốc mất nhiều hơn được
- Trung Quốc đưa ra chủ thuyết “Trỗi dậy hòa bình” nhưng thực tế qua các vụ tranh chấp chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư (tại biển Hoa Đông) hay tại Biển Đông lại cho thấy một hình ảnh Trung Quốc hoàn toàn khác?
Trung Quốc có thực sự đang "trỗi dậy Hòa bình"?. Xinhua |
- Xung quanh chủ đề này, tôi lấy làm tiếc giới học giả Việt Nam có lý giải cặn kẽ chiến lược Trỗi dậy Hòa bình đó là gì. Theo quan điểm của tôi chúng ta nên hiểu điều này theo nghĩa: Trung Quốc không gây chiến như Đức, Ý, Nhật, đã làm trong thế kỷ XX. (Như thông lệ, trong lịch sử văn minh nhân loại, những nước nào phát triển nhanh đều muốn chia lại thế giới).
Trung Quốc không gây chiến tranh theo diện phân chia lại thế giới, nhưng vẫn dùng “con bài” lấy sức mạnh nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Dùng sức mạnh nước lớn để xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước nhỏ, gây ra những xung đột ở cường độ và mức độ thấp hơn.
Như vậy Trung Quốc vẫn làm và rất giỏi trong việc lập lờ giữa ngưỡng chiến tranh xâm lược và xung đột, xâm phạm. Sự lập lờ đó là nhằm gây cho thế giới sự mơ hồ để họ thừa nước đục thả câu.
- Với những hành động như trên, Trung Quốc sẽ mất hay được?
- Theo tôi nghĩ cái Trung Quốc được thì rất nhỏ mà cái mất thì quá lớn, đó là mất lòng tin của thế giới. Những việc làm của Trung Quốc chỉ củng cố cho thuyết – Trung Quốc là một hiểm họa. Trung Quốc tự bộc lộ bản chất cho thế giới biết và trở thành một người “khổng lồ xấu xí”.
- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng Mỹ - Trung đang đánh cờ trên Biển Đông?
- Tất cả việc làm trong 5 năm gần đây của Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ trở lại châu Á. Đó là sai lầm chiến lược của Trung Quốc.
Theo tôi đánh giá, hiện tại chỉ có Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường sẽ tranh chấp quyền lợi tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Nga không can dự và Ấn Độ thì còn xa).
Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện của tàu sân bay và tàu chiến tại châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Business Insider |
Với Trung Quốc tôi vừa nhận định như trên. Còn đối với Mỹ, ta nên nhận định một cách rõ ràng, Mỹ không giúp ta bảo vệ chủ quyền. Trước tiên, Mỹ quay trở lại Châu Á - Thái Bình Dương để bảo vệ lợi ích của mình. Có thể so sánh lợi ích của Mỹ với Trung Quốc là 100 phần thì với các nước nhỏ khác như Việt Nam và Philippines chỉ 5-10 phần.
Việc Mỹ trở lại châu Á vừa tạo ra cơ hội, vừa tạo ra thách thức. Buộc các nước nhỏ phải khéo léo vượt qua thách thức, củng cố quan hệ với Trung Quốc và mở rộng quan hệ với Mỹ.
- Gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hé lộ ‘khối kim cương’ kiềm tỏa Trung Quốc trên biển. Cụ thể, ông công bố một chiến lược hàng hải trong đó Úc, Ấn Độ cùng vợi sự hỗ trợ của Mỹ sẽ trở thành “khối kim cương”, bảo vệ cộng đồng hàng hải từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Ông nhận định gì về tuyên bố này?
- Theo tôi đây là lẽ tự nhiên. Người Trung Quốc từng nói “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Nếu quả thật Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình thực sự thì sẽ không có chuyện này. Nhưng với thái độ hung hăng thì các quốc gia này buộc phải đoàn kết để bảo vệ quyền lợi của mình. Và tốc độ và độ gắn kết của “khối kim cương” này sẽ phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc
Có thể nói, tất cả những việc làm Trung Quốc vừa rồi để lại hậu quả lớn hơn kết quả, họ đã tự bày ra một trận địa, mà mình trở thành mục tiêu của rất nhiều quốc gia.
Hai tàu tuần tra của Nhật Bản cùng chặn một tàu Trung Quốc ở vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. |
- Ngày 22-1 tại Mỹ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng, về việc đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng ra tòa án của LHQ, cơ quan này “sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, nếu cần thiết, nếu được yêu cầu”. Đây là lần đầu tiên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng được đưa ra LHQ, theo ông Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?
- Theo tôi, với tiềm lực của mình còn rất lâu Trung Quốc mới áp đảo được thế giới. Trong gần 200 quốc gia của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là một thành viên và hơn nữa lại là thành viên cố định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Vì vây, nếu làm quá trong các vấn đè tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc sẽ bị thế giới lên án và cô lập. Có thể, Trung Quốc sẽ rơi vào suy thoái và khủng hoảng.
'Lấy thịt đè người'
- Dựa trên bối cảnh quốc tế hiện tại, ứng xử Trung Quốc trong thời gian qua, ông nhận định thế nào về các chiến thuật, động thái tiếp theo của họ?
- Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền phi pháp của mình. Tôi nhấn mạnh là chủ quyền phi pháp của họ.
Vấn đề còn lại là họ hành xử ra sao? Theo tôi Trung Quốc có ba phương án để lựa chọn để hành xử. Thứ nhất, Trung Quốc trở lại một cường quốc hòa bình với các nước khác, họ được cộng đồng quốc tế tin tưởng.
Thứ hai, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các vùng tranh chấp. Tuy nhiên nếu họ làm điều này, bộ mặt hiếu chiến sẽ bị phơi bày.
Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Thứ ba, điều mà Trung Quốc đang thực hiện, đó là phương thức “khai thác trước, thực hiện chủ quyền sau”. Hiện tại, họ có hơn 300 hải giám lớn, 145 tàu ngư chính lớn, một loạt hệ thống tàu cảnh sát biển, bảo vệ môi trường... sẽ hỗ trợ 500-700 ngàn tàu đánh cá tràn ngập lãnh thổ tới các vùng tranh chấp trên biển. Đây là phương thức "lấy thịt đè người". Mặt khác họ vẫn nhùng nhằng đàm phán song phương.
Phương thức “lấy thịt đè người” của Trung Quốc khiến các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines ngay cả Nhật Bản cũng rất khó xử lý.
Với thủ đoạn tinh vi này, Trung Quốc sẽ khiến cho cộng động Quốc tế khó can thiệp. Vì không có nổ súng lớn, không đụng chạm. Nhưng từng nước một sẽ thua thiệt, đau đớn.
Đương đầu TQ cần khôn khéo và dũng khí
- Việc Philippines, kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, dư luận đặt câu hỏi Việt Nam có nên làm như vậy không?
Trong hoàn cảnh và trường hợp của Philippines, đó là quyền và lựa chọn của họ. Còn Việt Nam khác Philippines nhiều điểm. Thứ nhất, ở góc độ địa – chính trị, chiến lược, kinh tế, ta có đường biên giới đất liền với Trung Quốc (1435 km). Về mặt lịch sử, quan hệ của ta với Trung Quốc cũng khác Philippines, có sự gắn bó, nói cách khác cũng có khá nhiều “ân oán”. Tách đoạn lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung Quốc cũng giúp đỡ Việt Nam giành độc lập chủ quyền. Thứ ba, một mặt nào đó Việt Nam với Trung Quốc gắn bó với nhau trong hệ thống chính trị XHCN.
Theo tôi, Việt Nam có thể theo dõi các hành động của Philippines để tham khảo.
- Nhận rõ tham vọng và thủ đoạn của Trung Quốc, ở thế của mình Việt Nam cần phải làm gì để vừa gìn giữ được môi trường hòa bình phát triển, vừa bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, thưa ông?
- Một mặt chúng ta sẵn sàng chuẩn bị mọi phương án đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế và phương thức đấu tranh hòa bình.
Tàu Đinh Tiên Hoàng (trước) và Lý Thái Tổ (sau) lên đường tuần tra bảo vệ chủ quyền - Ảnh Trọng Thiết. |
Mặt khác, chúng ta vẫn thúc đẩy quan hệ song phương, đa phương ở nhiêu cấp độ. Mở rộng mặt trận ngoại giao nhân dân, quan hệ quốc tế. Mời các nhà khoa học, tham vấn quốc tế, bảo vệ môi trường… Mở rộng quan hệ với Nhật Bản Philippines, Ấn Độ, Nga, Mỹ…
Trên mặt trận truyền thông, theo tôi chúng ta vẫn còn dư địa và khả năng để đối phó với cách ứng xử vừa khôn khéo vừa có dũng khí.
- Công tác truyền thông, ngoại giao nhân dân của chúng ta chưa tới tầm?
- Với cách truyền thông của Trung Quốc hiện nay, tôi có cảm nhận rằng, hình ảnh Việt Nam bị méo mó trước người dân Trung Quốc. Tôi khẳng định, hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc cũng như hơn 80 triệu người Việt Nam đều là những người tốt. Nhưng do bị tiếp nhận thông tin sai lệch, dẫn tới nhận thức sai, khiến người dân Trung Quốc có thái độ sai đối với Việt Nam. Khiến cho quan hệ trở nên căng thẳng.
Chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. |
Vì thế, ta vẫn kiên trì phương thức ngoại giao đối thoại. Ngoài các kênh ngoại giao của Đảng của nhà nước, ta còn kênh ngoại giao nhân dân. Từ đó góp phần để nhân dân Trung Quốc hiểu được Việt Nam. Từ hiểu sẽ tới nhận thức đúng, chính người dân Trung Quốc sẽ tạo áp lực buộc nhà nước Trung Quốc phải có ứng xử với hàng xóm, láng giềng trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việt Nam đấu tranh trên nguyên tắc Việt Nam không kéo bè kéo cánh, không liên kết để chống Trung Quốc. Chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc. Trên các nguyên tắc đó chúng ta có quyên mở rộng hợp tác quốc tế. Tận dụng tối đa song phương, mở rộng đa phương.
Đúng thật là công tác truyền thông của chúng ta chưa tới tầm. Ngoài kênh ngoại giao chính thức, các đoàn thể, chính trị xã hội “áp” vào Trung Quốc. Các đoàn khoa học, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ biển, thậm chí cả hội người cao tuổi… đêu có thể trở thành những kênh ngoại giao.
Phát thanh truyền thông phải phát triển các chương trình bằng tiếng Trung Quốc. Tổ chức lại lực lượng biên tập viên, phóng viên, đủ trình độ ngoại ngữ, am hiểu về xã hội. Tôi thiết nghĩ, nếu ta có một tờ báo tiếng Anh, phải có năm tờ báo tiếng Trung. Một giờ trên phát thanh truyền hình tiếng Anh, phải có 5h phát bằng tiếng Trung.
Đặc biệt, Nhà nước phải có trách nhiệm cho người dân biết và hiểu lẽ phải của ta và những hành động sai trái của Trung Quốc. Chúng ta cũng có trách nhiệm thông báo cả thế giới biết Trung Quốc đã vi phạm lãnh thổ Việt Nam ra sao.
- Có người đánh giá, hiện tại Trung Quốc quá mạnh, khó ai có thể đương đầu?
- Khi nhận định Trung Quốc mạnh mà thắng, Việt Nam yếu mà thua là quá ngụy biện. Bởi từ trong lịch sử ta đều thấy khi nào Trung Quốc cũng mạnh hơn Việt Nam. Và lịch sử cũng chứng minh Việt Nam luôn giành được chiến thắng trước kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần.
Hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam dũng mãnh. Ảnh: Quân đội Nhân dân |
Nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước bất khuất, đôn hậu, thủy chung.Theo tôi, trên dưới đồng lòng, gắn bó máu thịt là sức mạnh duy nhất bảo vệ độc lập chủ quyền, gắn bó toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Như lời Trần Hưng Đạo nói trước khi lâm chung “Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy…, Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Thứ hai, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có gắn bó mật thiết, phải làm cho người dân Trung Quốc hiểu được lẽ phải của Việt Nam.
Thứ ba, cơ sở pháp lý quốc tế đều nhận định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Thứ tư, trong dòng chảy phát triển của thế giới với xu hướng hòa bình - hợp tác và phát triển, chúng ta cũng nằm trong dòng chảy đó, chúng ta nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của quốc tế. Việt Nam chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Xin cảm ơn ông!
N.C.Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét