Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

> "Tôn trọng dân chủ sẽ phát huy giám sát"


(Dân Việt) - Đó là suy nghĩ, trăn trở của nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Phạm Thế Duyệt khi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 18.1, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (khóa 7), trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh, mong muốn của nhân dân là làm cho Đảng vững mạnh để lãnh đạo đất nước, Đảng lãnh đạo phải quán triệt được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ; Đảng lãnh đạo để phát huy dân chủ mà thông qua sự đồng tình, ủng hộ của người dân. "Trên mọi khía cạnh, tôi cho rằng phải coi trọng phát huy dân chủ đúng mức"- ông Duyệt khẳng định.
Người Hà Nhì ở Mường Tè (Lai Châu) đi bầu cử quốc hội khóa XIII.
Về vấn đề Nhà nước quản lý, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN cho biết, trong thực tế, vai trò quản lý của Nhà nước phải rõ ràng, mạnh mẽ hơn, thể hiện quyền lực tập trung để đại diện cho nhân dân với 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Bên cạnh đó, ông Duyệt cũng nêu ra những tồn tại cần khắc phục. "Nói Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân là đúng. Nhưng Quốc hội cũng là của Nhà nước, vì là cơ quan lập pháp. Do vậy, muốn lắng nghe ý kiến các tầng lớp nhân dân, chỉ có thể dựa vào MTTQ. Từ trước đến nay, có nhiều việc Đảng và Nhà nước đã dựa vào MTTQ.
Ví dụ như giới thiệu đại biểu từ tỉnh đến T.Ư, số lượng bao nhiêu người vào Quốc hội đều là do Mặt trận giới thiệu, kể cả từ hiệp thương khu dân cư đến hình thành danh sách. Tất nhiên cơ quan bầu cử có quyền xem xét cuối cùng, nhưng đại diện cho dân, tiếng nói của dân, đánh giá của dân là phải thông qua MTTQ. Do đó, cần làm rõ vấn đề này trong Hiến pháp"- ông Duyệt nhấn mạnh.
Về vấn đề quy định giám sát và phản biện của MTTQ VN chưa được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Duyệt đánh giá, dân chủ với giám sát là một, nếu tôn trọng dân chủ thì càng phát huy được hoạt động giám sát, nếu không coi trọng dân chủ thì giám sát và phản biện sẽ không có tác dụng.
Tọa đàm trực tuyến về lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp
Ngày 23.1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam nhằm cung cấp thêm những thông tin cụ thể về đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này.Các khách mời sẽ trao đổi một số vấn đề cụ thể liên quan đến việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như những điểm mới trong dự thảo; đề xuất phân định rõ ràng 3 quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp; làm thế nào để việc lấy ý kiến người dân không phải là hình thức, nhất là đối với bộ phận dân cư sống ở vùng sâu, vùng xa và các nhóm yếu thế trong xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét