Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

> Trung Quốc chơi trò hai mặt với Mỹ?


(ĐVO) - Mặc dù lên tiếng "chỉ trích" không tiếc lời với quan điểm của Mỹ về vấn đề quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông nhưngBắc Kinh lại tỏ ra tương đối đồng thuận trong việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Chỉ trích Mỹ "phản bội" khi đứng về phía Nhật Bản
Ngày hôm qua (19/1), truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gọi lập trường của Mỹ về các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông là "phản bội" tuyên bố trung lập trước đó của Washington.
Lời chỉ trích trên được Xinhua đưa ra sau phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp báo cùng với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida hôm qua tại Washinton, nói rằng Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm làm suy yếu sự quản lý của Nhật đối với quần đảo. Theo Ngoại trưởng Mỹ, vùng nước xung quanh nhóm đảo trên biển Hoa Đông nằm dưới sự kiểm soát của Nhật, do đó thuộc phạm vi bảo vệ theo hiệp ước an ninh của Mỹ ký với Nhật.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (phải) và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc họp báo chung ở Washington DC ngày 18/1/2013.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (phải) và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc họp báo chung ở Washington DC ngày 18/1/2013.
Dù bà Clinton không nhắc trực tiếp đến Bắc Kinh nhưng truyền thông Trung Quốc lại chỉ trích lập trường của Washington và cho biết "nghi ngờ về uy tín của Mỹ như một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực".
Theo Xinhua, Mỹ đã "không khôn ngoan hỗ trợ từ phía sau cho Nhật Bản đối với những đảo tranh chấp với Trung Quốc. Lập trường không cân bằng đã phản bội chính ý định trung lập của Mỹ trong vấn đề này".
"Đề xuất của Mỹ về việc thắt chặt liên minh quân sự với Nhật sẽ chỉ khuyến khích xu hướng thiên lệch nghiêm trọng về phía Tokyo", Xinhua viết.
Tuy nhiên, hãng thông tấn cũng dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết Bắc Kinh "luôn ủng hộ giải quyết vấn đề giữa các nước có liên quan thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình.
Đồng thuận trừng phạt Triều Tiên
Mặc dù lên tiếng chỉ trích không tiếc lời với quan điểm của Mỹ về vấn đề quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông nhưng Mỹ - Trung lại tỏ ra tương đối đồng thuận trong việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được một thỏa thuận, trong đó Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt hiện có chống lại Triều Tiên, sau vụ thử tên lửa năm ngoái. Thỏa thuận đạt được sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, kể từ vụ phóng hồi tháng 12/12/2012, AFP dẫn lời các phái viên cho biết.
Trung Quốc đang nghiên cứu một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, dự kiến được chuyển nhanh tới tất cả 15 nước thành viên và có thể được thông qua tuần tới.
Mỹ đã theo đuổi một nghị quyết của hội đồng, với những biện pháp trừng trị mới chống lại vụ phóng tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, trong khi Trung Quốc cố gắng bảo vệ nước đồng minh khỏi những đòn trừng phạt mạnh nhất, sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng năm 2006 và 2009. Bắc Kinh chỉ muốn một tuyên bố hội đồng cấp thấp hơn.
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên được phóng đi hôm 12/12/2012. Ảnh: AP
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên được phóng đi hôm 12/12/2012. Ảnh: AP
Đây được cho là một sự đồng thuận, khi Mỹ sẽ có một nghị quyết chính thức và mở rộng các biện pháp trừng phạt sẵn có, trong khi Trung Quốc tránh được đòn trừng phạt mới với Triều Tiên. "Kết quả chỉ chờ sự đồng thuận cuối cùng của Trung Quốc", một phái viên nói.
Cả hai nước đều muốn nghị quyết được thông qua trước khi Hàn Quốc giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an vào tháng hai tới, các phái viên cho hay. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Mỹ đã không đưa ra bình luận ngay về cuộc đàm phán, vốn do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice và người đồng cấp Trung Quốc Lý Bảo Đông dẫn đầu.
"Washington muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng, vì vậy sự kiện có sự tham gia của Ngoại trưởng Clinton và ngoại trưởng Trung Quốc", một nhà ngoại giao nói và cho hay nó đã được tiến hành ở cấp cao nhất.
Trong khi đó, Triều Tiên mới đây gửi một bức thư tới Liên Hợp Quốc, cảnh báo rằng chính sách tăng cường trọng tâm quân sự và ngoại giao của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng Mỹ muốn thiết lập một khối quân sự theo kiểu NATO ở châu Á, điều "không thể tránh khỏi là sẽ kích động lực lượng đối trọng từ các nước khác, hiện bị đặt làm mục tiêu của khối này". Điều này sẽ dẫn đến "sự tái sinh của cuộc Chiến tranh Lạnh và gia tăng sự nguy hiểm của một cuộc chiến hạt nhân đến mức không thể định lượng được", nước này tuyên bố.
  • An Khanh (Theo VNE)
  • ---------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét