* Lê Xuân
Xứ Thanh có nhiều nhà thơ viết lục bát tài hoa như Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Trịnh Anh Đạt, Huy Trụ, Lâm Bằng, Hữu Kim…. và Bùi Văn Bồng.
Với thơ Bùi Văn Bồng, trong số hàng trăm bài lục bát của anh, tôi nhận ra bài “Vị táo vườn quê" đã để lại ấn tượng khó quên, một nét dịu dàng mà rất sâu lắng trong tôi và nhiều bạn đọc.… Táo còn xanh mà em còn trẻ quá
Để suốt đời nhớ mãi vị táo quê.
Táo vườn em hái tặng anh
Quả vừa tròn dáng trên cành non tơ
Mắt đằm thắm lại ngây thơ
Anh không dám nhận ngẩn ngơ gió vườn
Bỗng dưng đôi mắt thoáng buồn
“Ứ… ư, em giận anh luôn bây giờ!”
Nắng vườn chiều ấy vàng mơ
Cành xanh mở lá đợi chờ gió lên
Táo vườn như thể táo tiên
Ăn vào như bị thôi miên mấy ngày
Dáng em vin níu cành cây
Tóc em óng mượt ướp đầy hương chanh
Chỉ là một quả táo xanh
Bao năm lòng dạ quẩn quanh với người
Không cần câu nói chào mời
Chỉ là ánh mắt trao lời yêu đương
Trẻ trai buổi ấy lên đường
“Có thương ai đừng để thương thương hoài
“Trường Sơn đèo dốc đường dài
“Khổ thân con gái đợi ngoài hậu phương”…
Thư từ thất lạc khó lường
Lại thêm khói lửa chiến trường triền miên
Nhớ vườn táo lại cố quên
Tình riêng tạm để một bên vội gì…
Cái thời sao nghĩ cũng kỳ
Yêu nhau gác lại cũng vì tình yêu!
Bây giờ tuổi đã xế chiều
Tình đầu buổi ấy như diều đứt dây
Táo chưa mùa chín cầm tay
Như là mắc nợ tự ngày xa xưa
Trách mình lại trách gió mưa
Thương người hái táo lời chưa ngỏ lời.(Bùi Văn Bồng)
Người con gái trong bài thơ thật chân tình và đáng yêu. Táo vườn nhà, chưa chín, vẫn hái tặng bạn. Đúng thế! Quả táo còn xanh. Cái xanh của quả táo cũng là cái xanh của tuổi trẻ, của tình yêu, tình đời, màu xanh hy vọng, màu xanh yêu thương. Màu xanh của nó đi qua khói lửa chiến tranh cho tới ngày hòa bình, và gợi trong ta một kỷ niệm đẹp về tình yêu lứa đôi trong một thời đạn bom gian lao mà anh dũng.
Bài thơ có tứ lạ với tám khổ thơ, kết cấu vòng tròn nhưng ý thơ không bị khép kín. Mở đầu là sự gặp nhau của anh và em ở vườn táo quê nhà trong buổi chiều có nắng “vàng mơ”. Một không gian và thời gian đẹp, nên thơ. Em tặng anh “quả táo xanh” nhưng sao anh lại “không dám nhận”. Cái nét e dè, ngượng ngùng của chàng trai cũng đáng yêu, đằm sâu nét quê truyền thống tự bao đời. Đây không đơn thuần là giữ ý, mà sự dè dặt khi thấy sự bất ngờ. Và bối cảnh cuộc sống xã hội lúc đó cũng làm cho chàng trai bỗng chần chừ.
Một sự ý nhị có nhiều nguyên do. Biết bao câu hỏi đặt ra. Rồi kỷ niệm trong vườn táo hôm ấy đã lắng sâu, theo anh ra đi chiến đấu, gác lại tình yêu “chưa ngỏ lời” như bao lứa đôi khác trong buổi ấy, thời buổi mà trai làng phơi phới lên đường “gác tình riêng cho sự nghiệp chung”, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thông nhất đất nước. Chiến tranh mà, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, biết bao giờ gặp lại. Và kết thúc bài thơ là sự gặp em trong hồi tưởng của anh khi cả hai đã ở tuổi “xế chiều”. Người đọc cứ chờ đợi cái kết thúc có hậu như một màn “đoàn viên” sau biết bao gian nan, thử thách cách xa. Nhưng không, quả táo xanh năm ấy đến nay vẫn còn như “sự mắc nợ” – nợ tình, nợ duyên, và mở ra một chiều liên tưởng mới của nhân vật trữ tình, theo lối tư duy thơ hiện đại.
Trong văn chương Việt Nam và thế giới, quả táo là biểu trưng cho tình yêu, hạnh phúc. Nhà thơ Tố Hữu đã viết “Cành táo đầu hè rung tinh quả ngọt/ Nắng soi sương giọt long lanh”. Trong thần thoại Hy Lạp lại có chuyện ba nữ thần: Hera (vợ của thần Dớt), Athena (nữ thần Trí tuệ) và Aphrodite (nữ thần Sắc đẹp và tình yêu) đã tranh nhau “quả táo vàng” của nữ thần Erít trên có dòng chữ “Tặng cho người đẹp nhất”. Xung đột giữa các người đẹp xảy ra kéo theo cuộc chiến hơn 10 năm giữa quân thành Troa và Hy Lạp. Còn nhà vật lý học Newton thì tình cờ bị một quả táo rơi trúng đầu nên ông đã tìm ra định luật “Vạn vật hấp dẫn”.
Quả táo trong thơ Bùi Văn Bồng lại mang biểu cảm với thi hứng khác, là quả táo còn xanh, là ẩn dụ cho tình yêu và tuổi trẻ, chứa bao điều kỳ diệu. Nó không còn là quả táo bình thường mà dưới cảm quan nghệ thuật của nhà thơ, nó là “táo tiên”. Tuy còn xanh đấy nhưng khi ăn vào thì lòng dạ ngất ngây như ăn phải bùa mê thuốc lú:
Táo vườn như thể táo tiên
Ăn vào như bị thôi miên mấy ngày.
Thế là anh bị “tương tư” với quả táo rồi. Hình ảnh vườn táo và em cứ ẩn hiện cùng anh suốt chặng đường dài, nó như tiếp thêm sức mạnh trên mỗi bước hành quân. Dáng em vin cành táo, mắt em đăm đắm ngây thơ, tóc em óng mượt thơm mùi hương chanh như trao lời yêu thương rồi mà sao anh cứ như “con nai vàng ngơ ngác”? Anh có nhận ra cái giọng con gái nũng nịu khi em thấy anh chần chừ chưa dám nhận quả táo:
Bỗng dưng đôi mắt thoáng buồn
“Ứ… ư, em giận anh luôn bây giờ!”
Ôi! Cái trẻ trung và ngây thơ nằm trong hai từ cảm thán “Ứ..ư…” đó. Bằng sự linh cảm của con tim và ánh mắt, anh nhận ra tất cả chứ. Nhưng lòng anh nén lại, nói đúng hơn là “gác lại chuyện yêu đương” để ngày mai lên đường. Anh không muốn người yêu phải hứng chịu nỗi đau chiến tranh, những nỗi đau không ai lường trước được, nó sẽ giáng xuống bất kỳ lúc nào. Anh chỉ nói với lòng mình:
Trường Sơn đèo dốc đường dài
Khổ thân con gái đợi ngoài hậu phương
Thư từ thất lạc khó lường
Lại thêm khói lửa chiến trường triền miên…
Đây cũng là tâm trạng chung của những người lính trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Họ ra đi “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “gác tình riêng, mưu việc nước”:
Nhớ vườn táo lại cố quên
Tình riêng tạm để một bên vội gì…
Câu thơ mang âm hưởng hào hùng của một tráng sĩ đầy khí phách như hình ảnh người lính trong bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng. Anh cố quên đi hình bóng em nhưng trong tim thì cuộn lên những đợt sóng ngầm yêu thương da diết. Việc dứt áo ra đi chỉ là biểu hiện sự chí quyết của thời trai, chí trai, nhưng trong tận đáy lòng mình sự trăn trở về người con gái, niềm khát khao được yêu cứ dâng đầy. Anh hồi tưởng lại chuyện xưa:
Cái thời sao nghĩ cũng kỳ
Yêu nhau gác lại cũng vì tình yêu!
Bây giờ ở cái tuổi “xế chiều”, nghĩ lại chuyện xưa ấy, anh thấy “cũng kỳ” nhưng đó là sự thật. Cái từ “cũng kỳ” ấy càng thể hiện chàng trai miền Bắc vào Nam khá lâu, pha tiếng Nam rồi – “sao mà kỳ vậy”. Nếu không có sự gác lại chuyện riêng của mỗi cá nhân để đem tất cả tinh thần và vật chất cho tiền tuyến thì làm sao dân tộc ta có thể đánh thắng được “hai đế quốc to” là Pháp và Mỹ? Thấy được điều đó ta càng quý hơn cái “tình đầu buổi ấy như diều đứt dây” của người lính. Một “cánh diều tình yêu” mới bắt gió đã vội đứt dây. Buồn thay! chiến tranh mà, diều bay đi biết bao giờ gặp lại?
Khổ thơ kết bài là lời tự trách thật đáng yêu:
Táo chưa mùa chín cầm tay
Như là mắc nợ tự ngày xa xưa
Trách mình lại trách gió mưa
Thương người cho táo lời chưa ngỏ lời.
Ngày anh chia tay cô gái táo còn xanh, quả táo đó theo anh suốt những cuộc hành quân và hôm nay khi đã trở về hậu phương nó vẫn “chưa chín”, bởi anh “mắc nợ” em từ lâu rồi. Đến táo vườn quê mùa chín, anh đã đi xa, không được thưởng thức vị ngọt ngào của quả táo. Nhưng đối với anh, quả táo còn xanh mà tình yêu đã ngọt ngào thấm đẫm, cứ da diết trong lòng. Nợ tình, chẳng ai muốn. Cho dù anh không muốn, nhưng bối cảnh thời cuộc đã buộc họ phải “mắc nợ”. Cái cụm từ “trách gió mưa” nghe nhẹ nhàng mà biết bao trở trăn về sự oán trách cuộc chiến tranh do kẻ thù xâm lược gây ra.
Quả táo là nhân chứng cho mối tình đẹp trong những năm đất nước chưa thanh bình. Anh càng “trách mình” và “trách gió mưa” bao nhiêu thì tình thương “người cho táo” năm xưa càng dâng lên bấy nhiêu. Anh chưa “ngỏ lời yêu” nhưng có sao đâu, quả táo kia đã thay lời anh nói hộ lòng mình. Tình yêu vốn kiệm lời, cần gì phải thề thốt kiểu “chỉ trời vạch đất” như ở một số người, hay như Kim Trọng và Thúy Kiều đã thề trong vườn đào buổi đầu hò hẹn: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song”, để rồi nàng Kiều suốt mười lăm năm lưu lạc, rơi vào bi kịch. Đâu cần vầng trăng chứng giám, đâu cần thề thốt, mà tình yêu đầu đời có sức bền đẹp đến thế.
"Vị táo vườn quê" của Bùi Văn Bồng đã nói hộ cho tình yêu bao lứa đôi trong kháng chiến chống Mỹ. Bằng thể thơ lục bát êm đềm như ca dao, bằng bút pháp liên tưởng gắn với nỗi da diết từ nội tâm, anh dệt nên những câu thơ giàu tính họa, tính nhạc trong không gian và thời gian ở hai thời điểm chiến tranh và hòa bình, quá khứ và hiện tại, tuổi xuân xanh và tuổi xế bóng, qua đó tôn vinh thêm vẻ đẹp của tình yêu người lính, vẻ đẹp của những cô ở gái hậu phương thời đó “ba đảm đang” để người yêu yên tâm đi chiến đấu. Đó cũng là sự hy sinh của những thế hệ đi trước, sự hy sinh không dễ ai đền đáp, chỉ họ gánh chịu mà thôi. Những hình ảnh của bài thơ cứ hiện lên trước mắt ta như một bản nhạc không lời, trữ tình, sâu lắng về tình yêu lứa đôi, tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
LÊ XUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét