Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

> Trăm khoanh "xoay" tiền ăn Tết



(GDVN) - Khi không khí của những ngày cuối năm trở nên tất bật hơn thì những lo toan cho một cái Tết đủ đầy lại thêm nặng gánh với những người lao động xa quê.
Thời điểm cuối năm, đi dọc các con phố Hà Nội, các hàng quán sầm uất hơn với đủ các mặt hàng bày bán chuẩn bị cho Tết: hoa và cây cảnh ngày Tết, quà Tết… Trong khi đó, hình ảnh những gánh hàng rong quen thuộc lại thêm trĩu nặng hơn. Với những người bán hàng rong, sự vất vả nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh trong những ngày cận Tết lại càng thể hiện rõ hơn.
Người lao động mưu sinh bằng nghề bán hàng rong

Dọc đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội là nơi tập trung nhiều những gánh hàng rong của người lao động ngoại tỉnh. Cuối năm, thời điểm sinh viên sắp nghỉ Tết nên việc mua sắm càng trở nên nhộn nhịp hơn, nhờ đó mà gánh hàng rong chạy hàng hơn ngày thường. “Cứ giờ tan tầm chiều tối, sinh viên vào chợ Xanh mua sắm nhiều, gánh hàng xoài dầm, cóc dầm của cô cũng đắt khách hơn nhiều. Lời lãi hơn so với ngày thường cũng phải được vài chục, có khi đến hàng trăm”, cô Phương (quê Thạch Thất, Hà Nội) cho biết.
Tuy vậy, thời điểm này cũng là lúc nhiều cái lo tìm đến với họ, trong số đó, không ít người bán hàng than thở “sinh viên mà về nghỉ Tết hết thì bán được cho ai?” Nghịch lí không phải là bán được cho ai vì thực tế đâu chỉ có sinh viên mới tìm đến những gánh hàng rong trên phố mà cái lo chính là họ sẽ phải vất vả hơn để lo cho cuộc sống, tất tả hơn để tìm những công việc khác mang lại thu nhập kha khá trước khi về Tết.
Với người lao động xa quê, lên thành phố kiếm sống không bao giờ là dễ dàng. Họ chắt chiu, gom góp để lo cho cuộc sống gia đình, cho con cái được học hành bằng chúng bạn. Sống bằng đủ nghề từ bán hàng rong, làm phụ hồ, công nhân… không có công việc nào là không nhọc nhằn và vất vả.

Vất vả mưu sinh


Hàng ngô luộc, khoai nướng những ngày đông rét mướt

Cô Minh, một người bán bánh mì rong, trọ tại khu chợ Mĩ Đình cho biết: “Cô lên Hà Nội bán bánh mì cũng được 2 năm rồi, ngày thì đạp xe lên gần công viên Thủ lệ bán, chiều thì quay về dọc đường Xuân Thủy, bán cho sinh viên là chủ yếu thôi, dân mua cũng chẳng nhiều. Hôm chạy nhất cũng được lãi hơn trăm nghìn. Nhập bánh tại mấy lò bánh mì từ sớm rồi đi bán đến khuya, ngày nào cũng thế, vất vả lắm”.
Cô Minh cũng cho hay, sắp Tết nên sinh viên về quê hết, bán hàng không chạy lại đành chuyển sang buôn rau. Cứ quãng 20 âm đến trước 27 Tết, cô và mấy người bán hàng rong cùng trọ lại buôn rau tại chợ đầu mối Đồng Xa từ đêm để sáng hôm sau đi bán. Thu nhập cũng khá, một mớ rau cần bán cũng lãi được đến 5.000 đồng, chỉ mệt là phải chạy chợ đêm hôm. 
Tết nhất, công việc bận bịu nên nhiều gia đình ở thành phố có nhu cầu tìm người lau dọn nhà, người lao động lại có việc thay vì phải ngán ngẩm vì gánh hàng rong ế ẩm của mình.
“Mỗi tiếng dọn dẹp như thế cũng được khoảng 30 nghìn đồng, cũng không vất vả lắm lại không phải nắng gió ngoài trời. Nói vậy nhưng cũng phải có người quen biết giới thiệu, chứ không phải dễ tìm việc”, cô Lành, một người bán ngô luộc, khoai nướng dạo, quê Lí Nhân, Hà Nam chia sẻ. Bên cạnh đó, người lao động còn tìm được các công việc khác như chở đào, quất thuê, bán hoa dạo…
Để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống của mình, người lao động không chỉ biết chăm chăm vào một nghề, mà luôn phải xoay đủ nghề những mong có thêm chút tiền chuẩn bị cho cái Tết đang gần kề. Cuộc sống mưu sinh vẫn ngày ngày nặng gánh trên vai những người lao động xa quê.
Trần Mai
------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét