Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

> RẤT NHIỀU CÁI MÁY NHƯ THẾ!


* BÙI VĂN BỒNG
          Tôi có người bạn quen ở quận Ba Đình (Hà Nội). Ông nguyên là cán bộ cấp vụ trưởng ở một cơ quan Trung ương. Ngày xưa, bố ông ta cũng nguyên là vụ trưởng. Và nay đến con ông ta làm công tác nghiên cứu tổng hợp tại một cơ quan văn phòng bộ, nghe ông khoe rằng : “Cháu cũng đã được đưa vào nguồn vụ trưởng”. Tôi nói vui: “Thế là nhà ông tam đại đồng đường vụ trưởng rồi”. Ông ta cười hấc hấc: "Hay hớm gì đâu, mình cũng tự nguyện hiến cái đầu cho người ta sống dựa. Giàu sang, vinh quang và danh tiếng người ta hưởng, cha con tôi chỉ đem cái đầu bán chất xám kiếm cơm mà thôi!".

Đã từ lâu, trong cơ chế của ta, từ Đảng đến chính quyền rồi các bộ, ngành, cơ quan từ cấp huyện, tỉnh, thành phố lên đến Trung ương đã hình thành bộ máy văn phòng, cơ quan nghiên cứu, tổng hợp, cơ quan, phòng, ban chuyên trách rất đầy đủ, hầu như  không thiếu một góc nào. Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế, lại có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế, người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia… Để lãnh đạo toàn dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, cả nước chỉ có gần 5.000 đảng viên. Nay, đội ngũ rất đông đảo (cả nước trên 3,6 triệu ĐV), riêng Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương hiện nay đã có tới 650.000 đảng viên. Nhiều cái ghế chỉ là 'sáng cắp ô di, tối rà xe về, tác phong lề mề, ngồi chơi xơi nước" - miễn là chạy cái chỗ làm việc tại Hà Nội là đủ "ấm chân răng" rồi. 
Cứ theo bài ấy, nhiều năm, nhiều cơ quan, nhiều ngành chỉ có tăng biên chế, ít khi và khó mà giảm được. Từ đó, sinh ra mộ bộ máy cồng kềnh, số lượng vào biên chế nhà nước trong mảng hành chính sự vụ này ngày càng đông. Mà đó lại là những nơi được coi là “ngon ăn, béo bở”, là nơi gửi gắm con, cháu, họ hàng thân quen của các quan chức. Con cái dân thường dễ gì chen vào được? Quỹ lương dành cho “khối” này rất lớn, tăng chi tiêu công, ăn lạm, sém lẹm không ít vào ngân khố quốc gia. Mà bộ máy này lại thường sinh ra cồng kềnh, chồng chéo công việc, có khi “dẫm chân lên nhau”, hiệu quả thấp.
Có những văn phòng bố trí đến 3 công vụ. Phải phân ra, người này quét nhà, người kia pha trà, người khác chỉ việc ngồi đọc báo, xem ti vi hoặc mở mạng chơi game, thường trực “cơ động”, chỉ khi cán bộ, lãnh đạo cần uống cà phê thì chạy ra phố mua, thế coi như cũng xong việc cả buổi. Thực ra, hô hào tinh giản biên chế từ lâu rồi, nhưng biên chế hành chính bao cấp ngày càng nhiều. Có ông than phiền:
- Tinh giản ư? Tinh gián ai? Cũng biết là chúng nó không được việc mấy, nhưng “trên” bắt phải nhét vào rồi, bắt phải kiếm việc, tìm chỗ, nói là cho nó có nơi làm, rồi cho nó cái chức danh, có đồng lương để sống, lại được ở Hà Nội. “Công thức 18 Đ” đặt ra những yêu cầu dù không muốn cũng phải lo cho chúng nó là: “Đều đã được đỡ đầu, đi đứng được đầy đủ, đừng để đói, đếch đuổi đi đâu được”.

Cái chuyện cồng kềnh biên chế, dựa hơi nhà nước, có khi học hành, bằng cấp cũng chưa đâu vào đâu, làm việc “ba chớp ba nháp” vẫn lên lương lên chức đàng hoàng, về hưu lại đủ chế độ giữa thành thị, âu cũng chẳng phải lỗi của ai, mà là lỗi của cơ chế. Đã nói đến cơ chế thì dù có bị phạm pháp, sai lầm gì chăng nữa thì cũng không ai lôi được bị can “cơ chế” ra tòa. Cơ chế do con người đẻ ra, nhưng nó không phải là con người cụ thể.
Điều đáng nói nhất là bộ máy quan liêu đã sinh ra những cán bộ quan liêu. “Trả lương rồi, giao việc thì phải làm, ăn cơm chúa múa tối ngày, chẳng lẽ đến tay tao!”- cái lý sự từ trong nếp quen tư duy như thế nhiều lắm.
Có những cán bộ đã lên bậc chuyên viên. Công việc chủ yếu là “chắp bút” cho lãnh đạo. Từ báo cáo, phát biểu cho đến thư trả lời, trao đổi chỗ này chỗ kia đều do chuyên viên, trợ lý làm hết. Ông chuyên viên nọ gắn cả đời từ khi lính lác đến cấp chuyên viên chỉ như vậy thôi, được cấp nhà gần cơ quan, ngay giữa trung tâm thành phố, từ nhà đến cơ quan gần có thể đi bộ được. Ông ta lại thiếu thực tế, chẳng hề biết địa phương, cơ sở là gì, chỉ loanh quanh hàng ngày với việc bàn giấy, sớm cắp ô đi, tối cắp ô về. Cứ cái điệp khúc đó mà đời cha truyền đời con, rồi đến đời cháu, không ra khỏi Hà Nội, trừ những chuyến thi thoảng về thăm quê hương bản quán hoặc đi du lịch, thăm thú riêng tư…
Có người nói với tôi: “Tại sao ông nào lên cái chức ấy phát biểu đều giống nhau?”. Thì đúng thôi, lãnh đạo nào lên thì vẫn dùng chuyên viên, cán bộ chuyên trách đó làm cái công đoạn “chắp bút”. “Chắp bút” đã thành nghề, viết bài cho lãnh đạo nhanh đến mức “siêu”. Nhưng, sở dĩ nhanh là vì có các bản lưu sẵn từ mấy chục năm rồi, mỗi loại có một ngăn riêng, bố cục, nội dung riêng. Đã có bài bản sẵn từ lâu năm, đã  qua đến mấy đời lãnh đạo rồi, như một thứ ba-rem, công thức, chỉ cần đảo lên, đảo xuống, thay địa danh, ngày tháng, đưa vào mấy số liệu có chút mới hơn, lại thay phần thưa gửi ở bên trên, lời chào cuối bài  cho phù hợp từng hội nghị, từng đối tượng người nghe, thế là coi như xong việc, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo, chẳng cần nhiều động não. Làm việc an nhàn, lương cao, con cháu được nhờ cả dây, cả chùm giữa Hà thành, đời mà được như thế là dư sức  “ổn định và phát triển”.

Đảng ta từ nhiều năm qua đang tổ chức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hình ảnh Bác Hồ ngồi trước máy chữ, tay đặt lên vằng trán suy nghĩ, toát lên con người tự chủ lao động của Bác, nói  và làm đúng tâm, đúng tầm của mình. Cái gì cũng tự Bác viết ra. Ở núi rừng căn cứ Việt Bắc có ”bàn đá chông chênh dịch sử Đảng…”, về Hà Nội tại nhà sàn và Phủ Chủ tịch trên bàn làm việc có máy chữ. Đọc bản thảo Di chúc của Bác để lại, mới thấy cách làm  việc cẩn thận, chu đáo của Bác. Bản thảo viết xong, Bác tự sửa lại đến mấy lần. Một cán bộ cựu trào từng mấy chục năm làm việc ở Văn phòng Chủ tịch nước kể lại là ông Vũ Kỳ có lần nói: “Cái này Bác để cháu viết, rồi gửi đến Bác đọc”. Bác nói: “Bài tôi phát biểu thì tôi tự viết lấy. Để cho chú viết, là cái đầu chú nghĩ ra, đâu phải đầu của Bác? Mà nếu để chú viết, tôi cũng phải xem, phải sửa lại. Thế nên tiện nhất là tôi tự viết lấy”. Chưa nói đến chuyện gì lớn, chỉ riêng tác phong, cung cách làm việc của Bác Hồ, lãnh đạo ta có mấy ai học và làm được theo tấm gương của Người? 
Ngược lại, cán bộ lãnh đạo ta bây giờ còn khá nhiều vị hầu như rất ít khi  tự viết, tự soạn văn bản, soạn báo cáo, lời phát biểu, tự gửi thư trả lời cho chỗ này nơi kia. Đến như bài báo, thậm chí tập thơ cũng do người khác viết cho lãnh đạo đứng danh. Từ cán bộ xã, lên lãnh đạo huyện, lên tỉnh, rối lên bộ, ngành Trung ương, tất cả đều do các cán bộ, nhân viên văn phòng, trợ lý, thư ký viết cho hết, chỉ sẵn đọc, thế mà có khi đọc còn sai. Số liệu do người “chắp bút” tìm hiểu, tổng hợp và soạn sẵn, cứ thế mà đọc. Cho nên, đọc xong quên luôn. Khi cấp trên đến làm việc, lại gọi “bộ máy” lên cùng dự rồi nếu cần thì các phòng, ban giúp việc trực tiếp báo cáo.

Có lần, tôi hỏi một ông Bí thư tỉnh ủy cho địa chỉ Email để tôi gửi một tài liệu liên quan cho ông ta đọc. Ông ta nói: “Cứ gửi đến văn phòng, rồi văn phòng in ra cho tôi đọc, tôi đâu có biết “vi tính vi toán”, có biết “i-meo, i-mẻo” là cái gì đâu” (!?). Quan liêu từ đó mà sinh ra. Rồi lãnh đạo cũng sinh ra lười biếng, ỷ lại, chỉ tay năm ngón. Từ khi có điện thoại di động, các cán bộ lãnh đạo càng an nhàn, có việc gì, chỉ cần “phôn” là có người chạy đi lo ngay. Phải chăng do cơ chế mà phát sinh bộ máy cồng kềnh, rồi chính bộ máy tốn kém nhiều tiền nhà nước đó lại biến cán bộ lãnh đạo thành cái máy?
Từ thực trạng khối hành chính, văn phòng cơ quan khổng lồ, đông đảo, cồng kênh từ huyện lên tình, bộ, ngành Trung ương như thế, liệu có cần “tái cấu trúc”, tinh giản biên chế cho phù hợp và tiết kiệm hay không? Trước hết, cơ chế đó tự nó đã sinh ra một đội ngũ cán bộ chuyên trách, những chuyên viên đã quen với lối sống và làm việc theo kiểu hành chính, quan liêu, bao cấp. Họ chỉ biết “sống dựa, ăn theo, nói leo, mách lẻo, tìm cách trèo, báo cáo lươn lẹo”. Họ có nhiều chiêu thức và kinh nghiệm lấy lòng, chiều chuộng lãnh đạo, nịnh nọt, ton hót, khéo sống “gió chiều nào che chiều đó”, hoặc là “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”,  miễn là được an phận thủ thường, hở ra là tìm cách tự tư tự lợi cho cá nhân, gia đình. Còn về lãnh đạo được đặt trong cơ chế, bộ máy đã thành khuôn đúc sẵn ấy thì cũng bị biến thành cái máy.
Người lãnh  đạo hoạt động thiếu tự chủ và ít phat huy nội lực bản thân, được an nhàn là nhờ chức danh, chức trách mà được đứng lên trên thiên hạ, được sống và làm việc bằng cái đầu của người khác: “Cái đầu văn phòng, cái chân xe công, làm ăn lòng vòng, cái mông trợ lý, chữ ký hái tiền”.
Thực tế, có những lãnh đạo trình độ kiến thức còn yếu, cái bằng náo đó chỉ là sự “hợp thức hóa”, chẳng bằng ai. Nhưng ông lại được quyền sống bằng những cái đầu người khác, những chuyên gia được đào tạo bài bản, những trợ lý đầy kinh nghiệm. Những cán bộ, nhân viên, trợ lý đều học hành chính quy cả, ông đâu còn sợ gì. Đi đâu có xe công ngon lành. Làm giàu thì phải ký cót dự án, vốn liếng lòng vòng. Cái ghế ở cơ quan đã có thằng trợ lý thay ông giải quyết các công việc, có gì cần thì báo cáo sếp. Cái bộ máy giúp việc ngày càng phình to, cồng kềnh, biến lãnh đạo thành cái máy, nhưng hiệu quả tham mưu đâu được la bao, họ làm theo chức danh, ăn lương; phương châm dễ vừa lòng thủ trưởng nhất là: "Làm theo chỉ đạo, thảo đúng nghị quyết, viết theo yêu cầu, chuyện đâu bỏ đó".
Bao giờ cơ chế, và chế độ ta mới thực sự tinh giản được cồng kềnh bộ máy? Bao giờ mới bớt được đội ngũ đông đảo ăn lương nhà nước rồi chỉ việc ngồi chơi xơi nước? Bao giờ cán bộ, lãnh đạo ta không còn điều kiện và cơ hội để “sống bằng cái đầu người khác” để rồi chính bản thân người lãnh đạo phải tự vận đọng suy nghĩ, phải vắt óc, phải biết có sự mất công vì công việc, không còn là cái máy đã được cơ chế cài sẵn phần mềm, được cơ chế lập trình hóa thay cho năng lực thực chất, hoặc như cái máy liên tục được đổ đầy nhiên liệu quan liêu?
         BVB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét