Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

> HỌ SỐNG CÁI KIỂU GÌ ?

Mậu Thân 1968
     * MINH DIỆN                                                                           
                   BVB - Kiên tự sát, tôi và Mịch được chị giao liên nhét vào chiếc xe rác kéo đi. Bấy giờ khoảng ba giờ sáng. Hai đứa nằm gập người trong chiếc xe rác hôi thối nghẹt thở. Bánh xe lăn lật khật trên đường, tim tôi đập loạn xạ. Hình ảnh Kiên cứ chập chờn, một mảng đầu vỡ toác, máu ướt đẫm ngực. Trước khi đi chiến dịch Kiên được kết nạp đảng, rất xúc động giơ nắm tay thề trước lá cờ búa liềm treo trên cây cao su: “Quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng!”. Tôi đã từng thề như thế, và chứng kiến nhiều người thề như  thế. Lý tưởng cộng sản như một thứ men làm tuổi trẻ chúng tôi ngây ngất, dù  rất mơ hổ về tương lai...
Kiên mới hai mươi tuổi, tốt nghiệp cấp ba, nếu không có chiến tranh chắc chắn Kiên sẽ trở thành một kỹ sư, thành giám đốc, hoặc Tổng giám đốc,... Giờ này Kiên còn nằm trên cái gác phông đó hay đã được đưa xuống? Ai sẽ chôn cất Kiên, người dân hay chính quyển Sài Gòn? Mộ Kiên giờ nơi đâu? Mẹ Kiên cũng như mẹ tôi chắc vẫn thao thức?
               Tôi nhập ngũ tháng Ba năm 1965, chưa đầy mười tám tuổi, mới tốt nghiệp cấp ba. Là học sinh giỏi văn, tôi được gọi vào trường đại học tổng hợp, nhưng  háo hức tòng quân.  Những nhân vật trong tiểu thuyết “Ruồi Trâu”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Rừng thảm tuyết dày”,  những tấm gương Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn ngấm vào tận máu thịt chúng tôi.
                Khi vào học trường sỹ quan quân đội, lý tưởng, ý chí chiến đấu càng mạnh mẽ . Tôi có  lý do chính đáng ở lại miền Bắc vì  đã có hai người anh ruột ở chiến trường B,  nhưng tôi lại hăm hở đi B2.
                Trên đường hành quân vượt Trường Sơn cực khổ, chứng kiến những cái chết quắt queo trong cơn sốt rét của đồng đội, chứng kiến sự hèn hạ của một chính trị viên đại đội, một bí thư chi bộ, dành hết thuận lợi về mình, chà đạp lên cuộc sống chiến sỹ, rồi  đào ngũ quay về hậu phượng, tôi mới ý thức được một phần mặt trái của cái lý tưởng mà tôi kỳ vọng.
             Hôm nay tôi nghĩ đến số phận những người lính như  bị bỏ rơi giữa trận địa như chúng tôi....
             - Đứng lại!
            Có tiếng quát và tiếng lên đạn lách cách. Chiếc xe rác dừng lại.
             Tôi nghe rõ tiếng một tên lính hỏi chị giao liên:
             - Chở gì trong xe ?
             Chị giao liên đáp:
             - Đầy nhóc Việt Cộng  trong đó!
             Tôi giật mình, trống ngực đập thùm thụp. Chị giao liên này bán đứng mình chắc? Tôi bấm Mịch và đặt tay vào cò súng.
              Tiếng tên lính :
             - Thiệt giỡn bà nội?
             - Không tin chú mở coi ?
             - Thôi bà nội, đi đi, hôi hết chịu nổi!
              Chiếc xe lục cục lăm bánh.
              Một hành động táo bạo đến phi thường! Tôi nghĩ về chị giao liên như vậy.Tôi chưa nhìn rõ mặt chị, chưa biết tên chị, ngược lại chị cũng không quen biết chúng tôi. Chị không sợ nguy hiểm ra tay cứu chúng tôi cũng vì cái lý tưởng như chúng tôi theo đuổi và kỳ vọng.
              Đến kinh Tham Lương chị giao liên dừng xe, nói ngắn gọn:
             - Hai chú men theo kinh đi hai trăm mét sẽ có người đón dẫn qua Củ Chi!
             - Chúng em cảm ơn chị!
             - Thôi đi đi!

             Dòng kinh Tham Lương ngày đó chưa đen như bây giờ, nước đầy ắp giữa hai bờ  cây rậm rạp. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chim bìm bịp.
             Chúng tôi lẩn mò, dò dẫm trong những lùm cây tìm điểm hẹn. Có tiếng mái chèo khua nước và chiếc ghe xuất hiện. Tôi  nháy đèn pin ba lần, dưới ghe giọng nói rất trẻ, thân mật như nói với người quen:  
            - Xuống đi mấy anh!
             Tôi và Mịch xuống ghe, cô gái vuốt nhẹ mái dầm, chiếc ghe lao vút đi. Trời gần sáng, sương dày, se lạnh. Cô gái mặc bà ba đen, người thanh mảnh, mái tóc xõa ngang vai.
               Cô hỏi tôi:
              - Anh thứ mấy?
              - Thứ năm!
              - Anh Năm  ngoài Bắc quê tỉnh nào ạ?
              - Anh ở Thái Bình!
              - Còn anh kia?
                Mịch nói:
               - Anh thứ tư, quê Thanh Hóa!
               Cô giao liên tự giới thiệu tên Sáu Nhài, và nói :
               - Bây giờ em đưa hai anh tới Tân Thới Hiệp, trời sắp sáng rồi không qua Củ Chi được. Tình hình rất căng, địch phản công mấy bữa nay, đường qua bên Củ Chi bị tắc.Hồi hôm  đụng biệt kích , hai anh hy sinh, chiều qua  nó khui trúng hầm giết chết chú Năm Chát.
                 Hồi chiến tranh không ai nhiều lời, chỉ nói những gì cần nói. Cô gái giao liên  nói bấy nhiêu là khái quát hết tình hình
                 Sáu Nhài tấp ghe vào bờ, dẫn chúng tôi băng qua những cánh đồng hoang. Đêm tối mênh mông, gió hun hút táp vào mặt lạnh buốt. Bóng Sáu Nhài  lặng lẽ, mỏng manh như nhành là, như sắp bị gió cuốn bay. Có nhà thơ nào đã viết những câu thơ rất cảm động về người chiến sĩ giao liên: “Anh qua nơi Bình Trị / Ngủ lại giữa rừng hoang / Gặp em liên lạc dẫn đường  / Cùng nhau đôi bạn / Dặm trường xông pha ? Đêm nay gió táp mưa sa!..”. Hình ảnh đó như đang hiện ra trước mắt tôi và Sáu Nhài chính là em bé giao lên ấy...
           Tới sáng thì đến Láng The,  gần kinh An Hạ giáp ranh Củ Chi.
           Chúng tôi vào nhà  má Bảy. Chồng má hy sinh thời chống Pháp, má có hai con trai đều thoát ly, anh lớn có vợ ,  đã có con trai bốn tuổi, vợ  họat động bán công khai. Ngôi nhà của má Bảy  năm gian, vách ván,  lợp lá dừa nước, trước sân có bàn thở Thiên xây gạch,  cạnh cây mai đang trổ bông vàng rực, và cây bông trang, quanh nhà  vườn  cây ăn trái  sum suê.
           Má Bảy chỉ giếng  nước sau nhà bảo chúng tôi rửa mặt mũi chân tay rổi bóc bánh tét cắt từng khoanh cho  ăn. Tôi và Mịch ngốn hết khoanh này đến khoanh khác. Má Bảy nói:
              - Coi chừng  mắc cổ  đó con!
               Bỗng chị con dâu từ đâu chạy xộc về nói:
              - Tụi nó chuẩn bị càn !
               Chị lấy mảnh ni lon bọc khẩu súng ném xuống giếng,  rồi  cởi bộ đồ đen, thay bộ đồ  trắng, bồng con, và kéo mẹ chồng đi đấu tranh hợp pháp. Chị nói với Sáu Nhài:
              - Mấy nhà bên kia nhiều thương binh. Sáu bố trí mấy anh bên này thành một tổ chiến đấu nghe.
               - Dạ!
              - Cần thiết mới nổ súng! Giữ bí mật bảo vệ  thương binh. Tụi tao dùng  hợp pháp cống càn!
               - Dạ!
               Chị con dâu má Bảy mới khoảng ba mươi, mặt tròn, da nâu, đôi mắt đen nhánh dưới cặp lông mày hơi xếch. Chị nói nhẹ nhàng nhưng gãy gọn, dứt khoát , chị toát lên  vẻ đẹp của người phụ nữ Nam Bộ.
                Má Bảy mặc bộ áo dài, thắp mấy nén nhang lên bàn thở , khần:
              - Ông linh thiêng che chắn cho con cháu thoát cuộc càn này nghe ông!
                Mấy chiếc máy bay trực thăng  từ hướng Đồng Dù bay tới,  lượn vòng trong vòng ngoài khi mặt trời vừa mọc. Chúng vừa bay đi thì pháo bắn  cấp tập. Đạn nổ ầm ẩm  trên cánh cánh đồng, dưới kinh, những cột nước  vọt lên . Pháo ngưng, một chiếc  đầm già bay tới, lượn thấp quan sát  bắn  đạn khói màu vàng chỉ điểm. Nó vừa bay đi thì máy bay Scaider đến ném bom.
               Ngay loạt bom đầu  đã  trúng   nhà má Bảy. Ngôi nhà bốc cháy đùng đùng. Tôi, Mịch và Sáu Nhài núp trong căn hầm góc vườn, cách nhà hơn chục mét, không thể  cứu ngôi nhà  vì máy bay trực thăng vẫn bám riết  bắn M. 79 liên tục.
              Ngôi nhà  cháy dữ dộ , lan sang  nhà hàng xóm.  Khói lửa bốc lên ngùn ngụt. Những cây vú sữ, cây soài, cây mận cũng bốc cháy. Cả những cây chuối cũng cháy, tàu lá chuối  tươi cháy nổ lốp đốp.  Lừa hầm hập lùa  vào cửa hầm chúng tôi, thiêu cháy ván hầm. Sáu Nhài sợ hãi la :
             - Dập lửa anh ơi!
            Tôi lấy mảnh vải dù dập lửa. Mịch cởi áo ra đập vào những thanh gỗ bén cháy. Căn hầm nóng hừng hực như lò than.  Không thể ra giếng lấy nước được, chỉ cần nhô lên miệng hầm là ăn đạn. Máy bay trực thăng bắn rất chính xác,  M.79 sát thương rất cao,  mỗi quả đạn như cái trứng gà con so có thề giết chết vài người.
             Một trái đạn khói chỉ điềm nổ ngay  trước của hầm, đụn khói vàng hình nấm cuộn lên. Tôi nghĩ, chỉ nghe tiếng rít của máy bay là mình chả còn biết gì nữa, là về với cát bụi, là gặp Kiên ở thế giới bên kia. Tôi nhắm mắt chờ   đợi.
              Sáu Nhài bỗng ôm  choàng lấy cổ tôi, hơi thở nóng hổi và tiếng khóc bật ra.
              Mịch nói:
             - Liều chết chạy ra thôi!
             Chưa biết nên thế nào thì nghe tiếng máy bay  rít  bổ nhào. Tôi nhắm mắt lại chờ chết! Căn hầm chao đảo, như lộn tùng phèo lên, đất cát rơi ào ào. Nhưng chúng tôi vẫn không chết. Hai quả bom nổ cách hầm gần chục mét. Tôi bỗng nhớ hồi còn bé chơi đáo lỗ. Cầm bốn năm đồng xu thả vào một cái lỗ  mãi không có đồng xu nào lọt xuống lỗ. Cầu trời đừng để quả bom nào rơi trúng căm hầm nhỏ bé này của chúng con!
               Một tiếng rít nửa, rồi một tiếng rít nữa. Chiếc Scader bổ nhào  không bỏ bom càng làm tim tôi thắt lại.  Lần thứ tư nó bỏ tiếp hai quả bom nữa  và lần này gần hơn. Tôi chỉ nhìn thấy khói bụi, không nghe thấy gì, hai tai đã điếc đặc.
               Tôi lấy mảnh vải dù  lau mặt đầy tro bụi, mồ hôi. Bên cạnh khuôn mặt tròn trịa của Sáu Nhài chỉ còn hở hai con mắt.  Mái tóc Sáu Nhài  rối bù, bộ ba ba chỗ rách chỗ lành nhàu nát, cô gái giao liên trẻ măng  đã kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần.  Mịch  nói :
              - Vọt thôi, ở đây thế nào cũng chết!
              - Đừng !
               Tôi vừa dứt lời thì Mịch tung nắp hầm vọt lên, kéo lại không kịp.

         Mịch chạy về phía bờ sông. Một tràng súng máy trên máy bay bắn  theo, Mịch ngã chúi xuống. Thế là người đồng đội cuối cùng của tôi hy sinh.
               Mịch hơn Kiên một tuổi, cùng quê Thanh Hóa. Hôm qua trên gác la phông, Mịch kể chuyện cô bạn gái cùng lớp cho Kiên nghe để Kiên quên bớt đau. Chuyện ấy Mịch bia ra, chứ Mịch chưa có bạn gái. Con nhà nghèo, mười lăm tuổi đi chống sào đẩy thuyền chở đá cho hợp tác xã, mười bảy tuổi đi bộ đội, vào chiến trường , hôm nay chết trên bờ một con kinh xa lạ... Tôi bỗng nhớ câu thơ của Walt Whitman: “Ai đấy nghĩ sinh ra trên đời này là hạnh phúc!”.
                  Cuộc đấu tranh hợp pháp thắng lợi, địch không mở cuộc càn vào ấp Láng The.
                Tiếng súng im, chúng tôi lên khỏi hầm. Nhà cửa trong ấp  cháy gần hết. Ngôi nhà má Bảy chỉ còn cái trụ gạch bàn thờ thiên và sợi dây kẽm chăng trên hàng rào. Cây mai hồi sáng  bông vàng rực, giờ chỉ còn trơ vài cành cháy dở đen thui. Tôi và Sáu Nhài chạy ra bở kinh mang xác Mịch về để ở sân. Má Bảy và chị con dâu về, đứng tần ngần một lúc nhìn đống tro tàn. Má Bảy lấy vạt áo lau nước mắt  :
               - Lần này là lần thứ ba rồi con ạ!
                Má Bảy lột chiếc khăn rằn trùm đầu đắp lên người Mịch.
               Chị con dâu lau mồ hôi trán, nói với tôi và Sáu Nhài:
               - Kể cả chú này là 15 liệt sĩ. Giờ tới chiều kiếm sao đủ hòm cho anh em ?
              Chị trao đứa con nhỏ cho mẹ chồng rồi tất tả bước đi, vẫn  dáng nhanh nhẹn, quả quyết như lúc đi đấu tranh hợp pháp hồi sáng.
               Chôn cất các liệt sỹ xong, tôi  nhập vào nhóm người sống sót, Sáu Nhài dẫn sang căn cứ Hố Bò. Sáu Nhài vẫn nhợt nhạt, người nhỏ quắt lại, nước mắt vẫn rưng rưng.
                Chúng tôi lên đường đã gần khuya. Má Bảy vẫn dắt thằng cháu nhỏ theo một đoạn. Chị con dâu má dúi cho tôi một đòn bánh tét bới trong đống tro tàn:
               - Chú mang theo quà tết!
              Tôi bước chập chuội  trên con đường mòn giữa cánh đồng hoang, ngoảnh lại, vẫn thấy những đốm lửa lập lòe trên  đám tro tàn trong ấp Láng The. Ở đó có Mịch, đồng đội của tôi, có mẹ con má Bảy và những người tôi đã gặp, còn sống và đã chết.
              Họ là những người bất tử trong tôi!
              Thực ra tôi đã chết cùng họ rồi, tôi trở lại cõi sống làm người  lữ thứ,  xin cúi mình trước những nấm mồ yên lặng ấy.
              Bốn mươi lăm năm đã qua, hình ảnh ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi.
            Quá khứ bi tráng ấy có đáng là cái giá phải trả cho hôm nay? 
            Kỳ vọng của Kiên, của Mịch, của Sáu Nhài, má Bảy của  con dâu má và chị giao liên, của chúng tôi ngày ấy chỉ là ảo vọng.
           Xin chia sẻ nỗi đau với những người nằm xuống ngày Xuân đó, bằng nén tâm nhang của kẻ lữ thứ này. Giờ đây, trong lòng tôi vẫn ắp đầy kỷ niệm Láng The, Tham Lương, Củ Chi cũng với chị giao liên, Sáu Nhài, má Bảy và những người đồng đội đã hy sinh. Nó cứ da diết nỗi đau buồn vô định. Nó cứ bừng lên như lửa lòng hằng đêm ngún cháy. Mậu Thân, cái giá quá đắt cho chiến dịch "Tổng tấn công và nổi dậy", của thắng lợi "tập kích chiến lược", cũng là cái giá quá đắt để tạo thế cho biến đổi hình thái chiến tranh "đánh và đàm". Mậu Thân, chiến công nhuộm máu đào; lòng dân và tình đồng đội. Mời đó đã 45 năm rồi. Nay, những người đang sống, họ sống ra sao? Sống cái kiểu gì?
M.D

----------------------/
+ Bài liên quan:
> "Gánh nặng nợ với máu đào": 
http://bvbong.blogspot.com/2012/12/ganh-nang-no-voi-mau-ao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét