Khi đi trên một con đò, hay qui mô hơn là phà, tàu, hay du thuyền gì cũng vậy, tóm lại là 100 % hành khách đều đặt cả tính mạng mình vào tay người lái đò - gọi là thuyền trưởng cũng xong. Ôm cái trách nhiệm vụ lớn lao ấy, nhưng kỳ thực, có mấy ai là chủ thật sự của chiếc thuyền ấy. Đại đa số là lái thuê, hoành tráng chừng nào, thì điều ấy càng chính xác chừng ấy. Nếu xuôi buồm thuận gió, tàu cập bến an toàn thì coi như thủy thần thương mà tha mạng. Lỡ chẳng may xảy ra sự cố , như Titanic va phải tảng băng trôi vậy, thì coi như... lên đường làm nghĩa vụ. Và trách nhiệm đầu tiên được xét đến, thuyền trưởng chứ còn ai vào đây nữa.
Nghề giáo cũng vậy - cái nghề tôi ghét nhất nhưng cũng sợ nhất, và thương nhất. Cứ lầm lũi chèo đò, lầm lũi đưa từng lượt , từng lượt qua sông.... Công đâu không thấy, nếu lỡ có gì thì...tội chất đầy không biết tỏ cùng ai. Học sinh bị thầy cô quất cho vài roi, mắng cho vài câu trong lúc nóng giận - mà cái nóng này hết 99.9% xuất phát từ những không biết nên gọi là thiên thần hay ác quỷ, ngay lập tức, ngày mai thôi, trang mạng đăng tải đầy tràn còn hơn lịnh truy nã tội phạm. Phải chi ngành công an muốn truy nã tội phạm nào cứ trưng cái bản mặt ấy lên trang mạng xã hội , biết đâu chừng tiết kiệm khối tiền công tác phí cho mấy anh chìm nổi đi theo dõi cũng nên.
Tôi còn nhớ, khi tôi còn nhỏ, trạc tuổi với các teen boy, teen girl bây giờ, đi ngoài đường, đang đội nón mà gặp thầy cô lật đật giở nón ra, cúi đầu chào . Đâu phải vô cớ mà trường nào cũng có câu : " Tôn Sư Trọng Đạo " hay " Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư ". " Trăm năm trồng người " chứ chẳng chơi ! Thầy cô đứng lớp, trong mắt chúng tôi ngày ấy còn oai hơn cả .... Thủ Tướng, sợ thầy còn hơn sợ Chủ tịch nước. Tôi lúc ấy từng mơ ước nữa làm nghề giáo cho oai, vừa được mặc đẹp, vừa được bao người kính nể thế kia, sao không ham cho được.
Còn giờ thì....chán tới mức không muốn nghĩ tới. Điển hình là thằng nhóc tôi, tôi cùng nó đi siêu thị, tình cờ gặp cô dạy nó năm mẫu giáo. Trong khi tôi chào cô nó, hỏi thăm cô thì nó xòe hàm răng độc nhất vô nhị, híp mắt cười như gặp... chiến hữu thời cầm bình sữa của nó . Tôi trách nó sao không cúi đầu chào cô, nó bối rối, mắc cỡ nói : " Bạn con ai cũng vậy, chào kỳ lắm ". Trời đất ! Chào cô mà kỳ, còn...ôm hôn trong giờ học là bình thường sao hả trời ? Hay là đầu óc tôi có vấn đề chứ không phải con tôi ?!
Đó là tôi chưa nói đến văn hóa tế nhị . Ai cũng có lúc sai, thần thánh còn sai chứ đừng nói gì đến con người phàm tục. Thầy cô dù cho giỏi đến mức nào, bản lĩnh kinh nghiệm tới mức nào, cũng có sai. Hồi đó thầy dạy toán lớp tôi là Trưởng bộ môn toán và kiêm luôn hiệu phó của trường. Thầy rất có uy tín , và nghiêm khắc cực kỳ. Hôm nọ thầy giảng một bài toán, dạy tụi tôi cách giải, cách truy tìm ẩn số. Đương nhiên là với những cái đầu local như tôi, thầy có nói sai, tôi cũng không biết. Nhưng với cao thủ ngồi cạnh tôi thì... hắn biết, nhưng hắn không nói gì, hắn vẫn bình thường như không có gì xảy ra. Hết giờ, tôi thấy hắn lên bàn thầy, tâm sự nhỏ to gì đấy, rồi hai thầy trò hý hoái cùng giải lại bài toán ban nãy.Qua tiết sau, thầy đứng giữa lớp, thầy bảo thầy nhầm, và thầy giảng lại. Xong, thầy cười vui vẻ nói với cả lớp : " Thầy thử tụi bây, thầy nói bậy mà hổng có đứa nào phát hiện ra. Mai thầy cho cả lớp đi cấm túc hết, trừ thằng Duy ra". Cả lớp cười vui vẻ, thầy trò càng thân thiết . Mà nghĩ thầy tôi cũng hên thiệt. Chứ nếu lỡ thầy dạy ở thời đại net niếc này, chắc ... thầy nổi tiếng dữ lắm. Thế nào cũng có bài lăng xê miễn phí cho thầy, rồi tiễn thầy ... hưu non cũng nên.
Đấy, cái gì cũng vậy, ngay như vụ án Canh Gà Thọ xương nhà nhà đều biết, nếu phụ huynh tế nhị hơn, trình bày trực tiếp với giáo viên , tôi tin rằng không những cô rất mang ơn, và chắc chắn cô sẽ sửa sai, còn hơn làm ầm ĩ từ báo này qua báo nọ, kết quả là đẩy cô giáo trẻ tới mức không còn đường để lùi. Làm vậy có ác quá quá không ?
Mới hôm qua thôi, ngay tại xóm tôi, cô giáo dạy trường chuyên , nghĩa là học sinh cũng không đến nỗi kinh hoàng gì, thậm chí theo tôi được biết, cô giáo trẻ này rất được lòng các học trò, vì tôi có thấy trên trang mạng của trường, có " Hội những người yêu mến Cô An " , con số cũng lên hơn 2000 người. Thế mà, chuyện cô An bị học trò hành hung, lan truyền làm không ít người sửng sốt. Lý do : chuyện bắt đầu từ việc cậu học trò cá biệt của lớp - hình như là quý tử của vị công an kiêm đại gia nào ấy, lấy kính ra soi như chiếu yêu trong giờ học. Cô An tịch thu, để lên bàn giáo viên, vì việc này cô trước giờ vẫn thế, sau giờ học mới trả lại cho các em. Thế là cậu học trò sừng sộ lên bàn giáo viên quát : " trả kiếng cho tui hông ? ". Cô giật mình, cô nói : " Sao em nói chuyện với thầy cô như vậy ? ". Chưa dứt lời, là cậu ta lao thẳng lên bàn , chồm lên định hành hung cô, may mà có 3 em học trò ở dưới lớp chạy lên cản lại. Đang hăng, cậu ta đứng ở cửa lớp không cho ai ra ngoài để gọi Ban giám hiệu, cậu dõng dạc vỗ bàn tuyên bố : " Bà mà hông trả kiếng cho tui là là đừng hòng ngồi yên dạy ở cái trường này ". Cuối cùng ban giám hiệu và phụ huynh cũng tới. Không biết nhỏ to thế nào, quay sang nói với cô An : " Tại em nó ...bị suyễn, nó lên cơn vậy, cô thông cảm ". Trời ! tới đây thì tôi chết đứng như Từ Hải thiệt rồi. Lần đầu tiên tôi mới thấy có người lên cơn suyễn mà còn đủ sức đánh người, chửi hăng say không kể địa hình địa vật như vậy . Nghe nực cười quá. Vậy đó, chỉ có vậy thôi là...hết. Vì cậu trò ấy...mới 17 tuổi thôi, có làm gì thì...." em nó còn nhỏ dại, tội em nó lắm ! ".
Ai cũng thương con. Con mình rứt ruột sinh ra sao không thương được chứ ! Nhưng bảo bọc kiểu này, vô tình, ta đã tự trồng cho ta một cái cây mà sâu đục thân đang ẩn mình trong ấy rồi. Chồi non ấy sẽ ra sao nếu ta vẫn tiếp tục chăm cây kiểu như vậy ? Bởi thế, đừng đổ lỗi xã hội, đừng đổ lỗi cho nhà trường, mà hãy nhìn nhận vào thực tế: Cha mẹ đã thực sự quan tâm đúng cách chưa ? Bản thân học sinh có thấy được giá trị thật sự của mình chưa ? Hình như chưa ai dám nhìn vào sự thật, vẫn cứ vịn vào hoàn cảnh để tìm cho mình một lý do thỏa hiệp.
Vậy đó, làm cái nghề mà trên đe dưới búa, bổng lộc chẳng thấy đâu, thử hỏi còn mấy ai đủ nhiệt tâm ? Học sinh không lên lớp được, giáo viên bị cắt thi đua, cắt thưởng. Mà lên lớp thì lấy gì lên khi kiến thức thiếu trước hụt sau ? Cho học trò ở lại, chẳng những nhà trường, giáo viên bị ảnh hưởng, mà cả phụ huynh cũng không tha , cũng trách : " Bà dạy kiểu gì con tui mới thế ! "... Nên từ một nghề mà tôi ao ước, giờ tôi đâm ra sợ. May quá là trước kia tôi không thi vào sư phạm, chứ nếu không chắc giờ báo đăng tôi cũng nên.
Đắm tàu thì cứu hộ sẽ cứu nạn nhân trước. Thuyền trưởng hiếm khi thoát được .
Vậy ai, ai sẽ cứu lái đò đây ? Hay vì đã chọn nghiệp chèo đò thì phải tự học bơi trước để cứu mình .
Chắc đó là câu trả lời duy nhất rồi.
V.D.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét