Nữ nghệ sĩ Kim Chi cảm động nhận hoa của bạn đọc gửi tặng tỏ lòng kính nể và cảm mến trước bản lĩnh của bà |
* VÕ VĂN TẠO
* Từ chối Thủ tướng khen
BVB - Sự kiện nữ diễn viên khóa 1 - đạo diễn Nguyễn Thị Kim Chi khước từ gợi ý của hội Điện ảnh làm hồ sơ đề nghị thủ tướng khen thưởng đang “nóng” trên mạng; nhiều báo lớn nước ngoài liên tiếp phỏng vấn chị.
Trong thư gửi Hội, chân thành biết ơn Hội từng quan tâm - thấy như thế đã nhiều và thấy vui và hạnh phúc lắm rồi, Kim Chi nêu rõ lý do: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo Đất nước, làm khổ Nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm”.
* Dư luận nhiều chiều
Xen lẫn cảm giác “choáng”, hàng trăm bạn đọc, trong đó có không ít trí thức “mày râu” bày tỏ kính phục nhân cách, sĩ khí và trên hết là trách nhiệm của chị trước hiện tình Đất nước. Nhiều người tự thấy hổ thẹn trước một “quần hồng” Kim Chi. Nhiều người cho rằng, nữ nghệ sĩ đã nói lên được tâm tư đang trĩu nặng của hàng triệu người.
Bên cạnh đa số hoan nghênh, cảm phục, cũng có một số người, biểu lộ khác: chê trách, vừa khen vừa chê.
Trong bài “Chị Kim Chi làm thế là… không đúng”, bloger Hiệu Minh viết, nữ nghệ sĩ gần 70 tuổi, không có vai diễn nào để nhớ (Ô hay! Vai diễn thì liên quan gì đến vụ này nhỉ?). Ông còn dựng chuyện “ném đá” cả đời tư Kim Chi như một cách khoe khang, câu khách. Ông bênh bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (phó chủ tịch hội Điện ảnh) khi bà nói (đại ý) với BBC rằng chị Kim Chi như thế là “thiếu nguyên tắc”, rằng “việc chưa đâu vào đâu. Hội chưa trình lên xin thủ tướng mà đã tung lên mạng” (thực tế người khác xin đưa lên, có xin phép Kim Chi, chị đồng ý). Theo bloger này, Kim Chi làm như thế là chưa “cao tay”, lẽ ra phải giở mọi chiêu để có được chữ ký thủ tướng, giám định cẩn thận, rồi mới viết thư từ chối (kiểu công an gài bẫy), “lúc ấy tầm ảnh hưởng mới lớn”(!). Mặc dù cuối bài viết, Hiệu Minh lập lờ: “muốn gì thì gì, cũng phải khen chị Kim Chi phát”, tác giả lãnh nhiều comment chỉ trích ngay trên blog của ông, cho rằng bài viết làm hỏng blog Hiệu Minh lâu nay. Đáp lại, Hiệu Minh phân bua bạn đọc hiểu sai ý. Tuy nhiên, đa số bạn đọc không kém thông minh đến mức không hiểu Hiệu Minh muốn chơi chiêu gì. Dù cố gìm nén, có bloger không thể không thốt lên “thật ghê tởm Hiệu Minh!”.
Lại có người chê trách chị Kim Chi cảm tính, khi chỉ khước từ thủ tướng, mà không nghĩ xa hơn. Cái thể chế này nó thế, Thủ tướng cũng chỉ là một bánh răng được sắp đặt trong guồng máy.
Có hợp lý không khi đòi hỏi như vậy với lá thư ngắn? Thiết tưởng, không cần quá thông minh cũng đủ hiểu, nổi lên trong thư, một câu hỏi lớn nhức nhối: “Tại sao một người đang làm nghèo Đất nước, làm khổ Nhân dân, vẫn chễm chệ ghế thủ tướng?” đang dằn vặt hàng triệu khối óc, con tim. Thư khước từ gửi hội Điện ảnh, đâu phải bản kiến nghị về hiện tình đất nước, gửi lãnh đạo và các cơ quan cao nhất của chế độ? Thiết tưởng, thế cũng là quá đủ.
Không ít người chê trách, khi Kim Chi xác định chị là “nghệ sĩ cộng sản chính hiệu”. Chị nói rõ: “và cho tới bây giờ, trái tim tôi là trái tim của một người cộng sản mong Đất nước hòa nhập được với thế giới, tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và dân không khổ nữa”. Xuất thân diễn viên tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh VN (Hà Nội), 10 năm lăn lộn chiến trường, suốt đời mải miết với nghệ thuật, có khắt khe không, khi đòi hỏi Kim Chi phải đạt tầm chiêm nghiệm của triết gia hoặc chính trị gia khi phân tích sự khác biệt giữa lý tưởng cộng sản và thực trạng kinh tế - xã hội các quốc gia theo XHCN? Trong sáng đến có phần ngây thơ, nữ nghệ luôn sắt son niềm tin: người cộng sản là người mong cho Đất nước hòa nhập với thế giới, giàu có tốt đẹp hơn, Dân không khổ nữa.
Thực chất, thái độ dứt khoát, chủ động từ chối ngay từ đầu, từ bước kê khai hồ sơ thủ tục, và viết thư thẳng đến Hội nói rõ quan điểm của mình là bản lĩnh đáng nể, thể hiện ý chí truyền thống từ Hai Bà Trưng của phụ nữ Việt Nam, thể hiện chính kiến, chí quyết trước sự bức xúc của cuộc sống, những vô lý và bất công của một xã hội đang phổ biến lối sống co lại, háo danh - trục lợi cá nhân, cầu an, im lặng đáng sợ.
Thực chất, thái độ dứt khoát, chủ động từ chối ngay từ đầu, từ bước kê khai hồ sơ thủ tục, và viết thư thẳng đến Hội nói rõ quan điểm của mình là bản lĩnh đáng nể, thể hiện ý chí truyền thống từ Hai Bà Trưng của phụ nữ Việt Nam, thể hiện chính kiến, chí quyết trước sự bức xúc của cuộc sống, những vô lý và bất công của một xã hội đang phổ biến lối sống co lại, háo danh - trục lợi cá nhân, cầu an, im lặng đáng sợ.
* Đôi dòng tâm sự
Bày tỏ cùng BBC, RFA… Kim Chi luôn khẳng định, chị may mắn được trở về, trong khi xương cốt Đồng đội còn vùi đâu đó chiến trường. Được như hiện nay, đã hạnh phúc lắm rồi. Có phóng viên đặt vấn đề chị là nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường Sơn vào chiến trường, thiệt thòi so với diễn viên Trà Giang và nhiều đồng nghiệp khác cùng trang lứa, Kim Chi khẳng định Trà Giang giỏi hơn chị, ngay còn trong trường. Có phóng viên đề cập khả năng bị trù dập, trả thù, thậm chí sát hại, Kim Chi nói không sợ, vì luôn muốn sống ngay thẳng, tử tế và hướng thiện, mặc dù cũng không dễ. Những ngày qua, rất nhiều người điện thoại hoặc đến nhà bày tỏ hoan nghênh, ủng hộ. Có bạn đọc từ trong Nam gửi điện hoa cảm ơn. Chị rất xúc động và thấy ấm lòng. Nhiều lão thành cách mạng cùng tâm tư, chưa có dịp được bày tỏ như chị.
Về chuyện khước từ, chị giải thích thêm: “Tôi có thể không tin ông thủ tướng, nhưng tôi tin cái chung, vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Thế giới và mọi nơi đều phản đối một số việc và cách thủ tướng điều hành. Đối với tôi, ai làm lãnh đạo mà làm cho Đất nước giàu, Nhân dân sung sướng thì tôi quý trọng. Còn ai không làm được điều đó thì tôi không thích, không quý trọng, khen tôi, tôi thấy không sung sướng. Người có chức, có quyền lại càng phải sống ngay thẳng mẫu mực, chứ làm khổ dân là có tội. Chỉ mong nếu bỗng dưng ngủ dậy nghe ổng làm đơn từ chức thì mình cảm ơn ổng lắm. Nếu ổng rút lui thì đó là hành động yêu nước. Yêu nứơc lớn lắm chứ không phải lúc nào nhận nhiệm vụ cũng là yêu nước đâu. Nhiều khi rút lui lại càng yêu nước hơn. Để ai đó có tâm, có tài người ta thay thế”.
Tâm sự với người viết bài này, Kim Chi thổ lộ điều sâu lắng là động lực của hành động trên: ký ức chiến trường luôn sâu đậm, thấy mình may mắn trở về là đã và đang còn mắc nợ Đồng đội hy sinh ở tuổi hai mươi. Họ và chị đã chiến đấu vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc, mong hết chiến tranh Nhân dân có hạnh phúc. Bây giờ, nếu không chống lại cái ác, cái xấu vẫn làm khổ Nhân dân, khác nào phản bội Lý tưởng, phản bội Đồng đội?
V.V.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét