Một góc làng Nghĩa Đô |
* MINH DIỆN
Trại viết văn của Bộ tư lệnh Công binh ở làng Nghĩa Đô bên cạnh sông Tô Lịch. Giữa những ngày chiến tranh đang ác liệt, hai chục người lính từ các mặt trận được gọi về xóm nhỏ ngoại ô yên tĩnh này, để viết lại những chuyện chiến đấu ở mặt trận.
Tôi làm đề cương truyện “Vượt cổng trời”. Nhiều người khen hay và hy vọng sẽ ra đời một tác phẩm tầm cỡ. Tôi lao vào viết như một người lính xung trận.
Tôi ở nhờ nhà chị Cao cùng Minh Lợi từ mặt trận miền Tây về và Đình Tuất, ở Đoàn công binh 219. Hai người lính cầm bút này cũng hăm hở như tôi. Sáng sáng chúng tôi ra chợ Bưởi xếp hàng mua một bát mì “không người lái” lót dạ, rồi về chúi mũi vào trang giấy. Căn nhà chị Cao có hai gian, chị dành một gian cho chúng tôi. Nhà hẹp , mái tôn thấp, giữa mùa hè nóng như nung. Ban ngày xoay trần vẫn không viết được. Mồ hôi nhỏ xuống trang giấy ướt nhòe nhoẹt. Ban đêm không khí dịu bớt thì thiếu ánh sáng. Cà nhà chỉ có hai bóng đèn trứng, điện yếu tù mù như đom đóm. Ba chúng tôi đành rủ nhau ra bờ sông Tô Lịch , kiếm cây treo võng ngồi viết như ở rừng. Nhưng mùi hôi từ dòng nước đen đặc bốc lên không chịu nổi, và con dĩn bu vào cắn ngứa ran khắp người. Thế là phải đi tìm chỗ khác.
Tôi đi khắp xóm tỉm kiếm, bỗng phát hiện một ngôi nhà ngói núp dưới bóng những cây bưởi, cây thị cổ thụ, có hàng rào bông bụt cao ngang ngực.Thấy cổng mở , tôi mạnh dạn bước vào. Qua khỏang sân phủ lá khô, bước lên cái thềm gạch rêu phong là chạm vào những cánh cửa gỗ đã ngà màu xám. Tôi lên tiếng hỏi bâng quơ:
- Bác có nhà không ạ!
Một người đàn bà từ trong nhà bước ra, nhích mép cười:
- Chú bộ đội tìm ai?
- Cháu đi ngang ghé vào ạ!
Bà mời tôi vào nhà, tự tay pha bình trà đặt lên cái tràng kỷ, gỗ cũng đã ngả màu xám như những cánh cửa.
- Chú uống nước!
Bà chủ mời, và mở rộng cửa cho ánh sáng vào nhà. Bà khoảng năm mươi tuổi, tóc chớm bạc, mặc bộ bà ba màu xám như đồ gỗ trong nhà. Trên khuôn mặt phúc hậu của bà còn phảng phất vẻ đẹp kiêu sa thời con gái. Bà ngồi vào mép tràng kỷ, cầm que đan len. Đôi tay bà mỏng mảnh, nhẫn nại điều khiển hai mũi kim đan, nhưng mắt bà lại nhìn ra cửa, đôi mắt đượm buồn.
Tôi nói với bà:
- Cháu ở bên nhà chị Cao bác ạ!
- Tôi biết! Bên ấy có ba chú thì phải ?
Tôi gật:
- Vâng, chật và nóng lắm bác ạ! Bác cho cháu sang bên này ngồi viết được không ạ?
Bà chủ nhà nhìn tôi, cười chân thật:
- Chú không sợ bị kỷ luật à?
Tôi ngạc nhiên:
- Cháu có làm gì sai mà bị kỷ luật ạ?
Bà chủ nhà lại nhích mép cười buồn chen lẫn mỉa mai:
- Nhà này sổ đen chú không biết ư?
****
Tôi kể lại chuyện tìm nhà với chị Cao, chị nói:
- Nhà bà Nhàn đấy, có hai cô con gái xinh như mộng!
Tôi cười:
- Chắc lăng nhăng làm lính bị kỷ luật?
- Đừng có mà nói điêu!
- Thế sao bị sổ đen?
- Lý lịch! Hiểu chưa? Chị Cao gắt.
Qua chị Cao, tôi được biết lý do ngưởi ta gắn cái bảng đen vảo nhà bà Nhàn.
Sông Tô Lịch hôm nay |
Năm 1945, cô nữ sinh duyên dáng Thanh Nhàn đang học trường Bưởi thì Cách mạng tháng Tám thành công. Như bao thanh niên Hà Nội, Thanh Nhàn bị cuốn vào dòng thác cách mang. Thanh Nhàn có mặt trên các chiến lũy Thủ Đô, bên cạnh những chiến sỹ “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Trong những ngày đầy khí thế sục sôi chiến đấu vô cùng lãng mạn ấy, tình yêu giữa Thanh Nhàn và chàng sinh viên Vũ Thành nảy nở. Chính tình yêu là động lực thôi thúc đôi trai tài gái sắc ấy từ bỏ gia đình bề thế giữa Thủ Đô, lên chiến khu lao vào cuộc kháng chiến một mất một còn của dân tộc.
Lễ cưới Thanh Nhàn - Vũ Thành , được tổ chức ở cơ quan tham mưu trên chiến khu. Một vị lãnh đạo cơ quan , người Hà Nội làm chủ hôn. Bấy giờ Thanh Nhàn làm văn thư còn Vũ Thành làm cán bộ cục tác chiến.
Năm 1948 , đứa con gái đầu lòng của vợ chồng Thành chào đời , hơn năm sau họ có thêm bé gái thứ hai.
Dủ trong điều kiện kháng chiến gian khồ thiếu thốn, nhưng vợ chồng Thành vẫn được hưởng niềm hạnh phúc trong tình thương yêu của đồng đội
Nhưng rồi sự việc bất ngờ đã sảy ra.
Cuối năm 1952, gia đình Vũ Thành nhắn tin cụ Vũ Khắc bị bệnh nặng muốn gặp con trước lúc qua đời. Đơn vị bố trí cho Vũ Thành về Hà Nội thăm bố. Mấy ngày sau , có tin Vũ Thành đã đầu hàng địch. Tờ truyền đơn in hình Vũ Thành với lời ghi chú : “ Vũ Thành, con trai quan bộ hình Vũ Khắc sau khi hồi chánh quốc gia, đã được vinh thăng trung úy”.
Thì ra gia đình đã sắp xếp vở kịch bố sắp chết để kéo Vũ Thành dinh tê , và Thành đã rắp tâm phản bội Tổ Quốc, bỏ lại vợ và hai đứa con bé nhỏ , tìm sự sung xướng cho riêng mình.
Bị hẫng hụt như từ trên trời rơi xuống, Thanh Nhàn đau đớn ôm ghì hai đứa con vào lòng lao xuống dòng suối chảy xiết. Ba mẹ con được cứu sống nhờ một người đồng đội nhìn thấy.
Là vợ kẻ phản bội ,Thanh Nhàn không được làm văn thư tiếp xúc với nhiều tài liệu tối mật, phải xuống làm phụ bếp dưới sự giám sát của bảo vệ nội bộ. Một thời gian sau, cơ quan giao cô cho chính quyền một xã mới giải phóng quản thúc. Khổ quá không chịu nổi, Nhàn bồng bế hai con nhỏ trốn về chợ Chu , mở quán nước sinh sống qua ngày.
Hà nội giải phóng được hai năm, Thanh Nhàn mới trở về Nghĩa Đô. Cô đi tìm người thân , nhưng không còn ai, bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đều đã di cư vào Nam . May mắn ngưởi cậu họ nhường cho mẹ con Thanh Nhàn ngôi nhà cũ của bà ngoại ở làng Nghĩa Đô.
Với bản lý lịch có chồng phản bội, cha mẹ chồng, cha mẹ đẻ đều di cư vào Nam, chính quyền địa phương đã gắn cho bà Nhàn tấm bảng đen nhất làng Nghĩa Đô.
Chị Cao nói:
-Không ai dám quan hệ với nhà bà ấy! Chú phi công bị kỷ luật vì yêu con Vạn. Khổ thân con bé ấy nó ngoan chứ có tội tình gì?
****
Tôi bất chấp cái bảng đen gắn ở nhà bà Nhàn, quyết định sang bên đó ngồi viết. Bà Nhàn dành cho tôi một chỗ cạnh cửa sổ. Sáng nào bà cũng pha một ấm trà đề ở đầu bàn. Bà nói nhẹ nhàng:
-Nước trà sen , chú uống đi!
Bà ngồi vào góc tràng kỷ đan len, tịnh không nói thêm một lời.
Nhờ sự yên tĩnh , những trang bản thảo của tôi mỗi ngày một dày. Tôi viết về cuộc chinh phục đình núi Pha Luông, chót vót như cổng trời, thử thách lòng dũng cảm kiên cường của người lính trên đường vào mặt trân. Những trang viết như một bản anh hùng ca rực rỡ chiến công.
Tôi say mê viết , không thèm để ý tới chung quanh. Quên cả sự hiện diện của bà Nhàn mỗi buổi sáng pha trà cho tôi rồi thu mình vào một góc tràng kỷ như một cái bóng mờ.
Tôi chỉ sực tỉnh khi đã buông bút và hai cô con gái bà Nhàn xuất hiện.
Đúng như chị Cao nói, hai cô con gái bà Nhàn đẹp như Thúy Vân, Thúy Kiều . Từ khuôn mặt , dáng người đến làn da , ánh mắt đều toát lên vẻ đẹp kiêu sa. Dù Vạn và Diệp chỉ mặc những bộ quần áo giàn dị màu xám như bà Nhàn mà vẫn tỏa sáng như ngọc, như câu thơ của Thôi Hộ đời Đường : “ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”. Tuy nhiên, ý thức của người đảng viên luôn kìm chặt tim tôi . Chuyện anh trung úy phi công bị kỷ luật, như sợi dây thòng lọng lơ lửng trước mặt nhắc nhở tôi cảnh giác!
Ngược lại Vạn cũng chả thèm để ý đến tôi. Cô đi từ sáng sớm, chiều tối mới vế, khẽ chào bà Nhàn một câu: “Mẹ!”, rồi lặng lẽ xuống bếp nấu cơm. Đôi mắt ráo khô luôn ánh lên vẻ mỉa mai, hờn tủi.
Cô em thì khác hẳn tính chị. Diệp hay nói chuyện với bà Nhàn và Vạn. Có lúc hai người câm lặng , Diệp cười nói một mình . Diệp nói huyên thuyên, như điên dại. Có lẽ bao nhiêu hờn tủi, uất ức trong lòng bà Nhản và Vạn , dồn sang Diệp, và thân thể cô không chứa nổi nữa nên bung thoát ra. Nghe tiếng khóc dẫu buồn, nhưng đỡ sợ hơn là nghe tiếng cười. Tiếng cười phát ra từ trái tim quặn thắt tuyệt vọng cùa một cô gái trẻ nghe đau và đáng sợ vô cùng.
Diệp thường cười như vậy, và hỏi tôi:
-Mẹ con em có tội gì?
Tôi lắc đầu. Diệp gào lên:
-Sao người ta khính ghét mẹ con em?
Thân thể cô như vỡ ra thành nước mắt tủi hờn , và tiếng khóc,và tiếng cười như sé nát không gian yên tĩnh của căn nhà màu xám .
Tôi được biết hai chị em Diệp đều học giỏi, nhưng tốt nghiệp cấp ba không được thi vào đại hoc, xin thi trung cấp cũng bị trả hồ sơ ví lý do lý lịch. Nộp đơn vào nhà máy dệt 8-3, chỉ xin làm công nhân mà cũng bị từ chối. Thậm chí hợp tác xã đan len cũng không cho làm xã viên . Hai chị em Diệp phải sang Gia Lâm , mượn tên người bạn học , xin vào tổ đan len bên đó.
Năm ngoái tình cờ Van gặp anh trung úy phi công. Anh ấy làm quen và yêu Vạn. Mối tình đầu trong sáng , đẹp như một giấc mơ đến với Vạn. Cô cười nói rứu rít khiến bà Nhàn vui lây. Nhưng đốm lửa hạnh phúc vừa nhen lên trong ngôi nhà bà Nhàn , thì chính quyền phát hiện ra. Họ báo cho đơn vị anh phi công biết lý lịch gia đình Vạn, ngay lập tức , anh bị cảnh cáo và phải chuyển lên sân bay Đa Phúc , chấm dứt mối quan hệ với cô gái thành phần lý lịch xấu.
Ngôi nhà bà Nhàn u ám hơn, như có ma, chẳng ai dám bén mảng tới. Ba mẹ con bà thui thủi , cô quạnh . Giữa làng xóm đông đúc mà họ như sống nơi sa mạc. Những mùa đông tê tái như dài lê thê . Nhưng thật kỳ lạ, ba mẹ con bà Nhàn nhẫn nhục chịu đắng cay tủi nhục, đương đầu với việc kiếm sống nhọc nhằn, không kêu xin ai, không hạ thấp phẩm giá của mình. Trong trái tim họ vẫn mang hình ảnh người chồng, người cha đằng đẵng tháng năm!
****
Chiếc máy bay C130 đáp xuống sân bay Thiên Ngôn , chở những cán bộ chiến sỹ ta bi bắt được trao trả theo hiệp định Pari. Người đại diện phìa quân đội Việt Nam cộng hòa là một trung tá dáng cân đối, mặt chữ điền, đeo kính đen , có hàng ria như vạch mực tàu uốn cong trên mép, nắp túi áo thêu bốn chữ : Trung tá Vũ Thành.
Tôi nhìn viên trung tá , thấy quen quen. Hình như đã gặp ông ta ở đâu rồi thì phải. Đúng rồi, tôi đã nhìn tấm ảnh chồng bà Nhàn , mấy năm trước. Cũng khuôn mặt chữ điền, hàng ria mép ,cũng tên Vũ Thành?
Tôi quan sát kỹ viên trung tá, và hỏi thiếu tá Phương Nam, nhà báo, sỹ quan liên lạc của Ban liên hợp quân sự bốn bên:
- Anh có biết tay trung tá Vũ Thành kia quê đâu không?
- Dân Hà Nội gốc đấy! Cậu quen à?
Tôi kể cho anh Phương Nam nghe chuyện bà Nhàn, anh Phương Nam trầm giọng:
- Thôi, quên chuyện đó đi!
Thực lòng tôi cũng chỉ hỏi cho vui, chứ không có ý tìm hiểu. Hình ảnh bà Nhàn và hai cô con gái đã nhòa trong ký ức của tôi. Cái màu xám lạnh của ngôi nhà ấy đã lùi sâu vào dĩ vãng...
Hơn hai năm sau, giửa lúc Sài Gòn đang tưng bừng trong không khí chào mừng ngày giải phóng, tôi gặp lại thiếu tá Phương Nam . Trong lúc nói chuyện, anh Phương Nam hỏi tôi:
- Cậu còn nhớ trung tá Vũ Thành không?
- Vũ Thành nào nhỉ?
- Đại diện quân lực Việt Nam cộng hòa trao trả tù binh ở Thiện Ngôn ?
- A, còn nhớ! Chắc hắn chuồn rồi?
Thiếu tá nhà báo Phương Nam mỉn cười, mở cặp lấy một tấm ảnh anh mới chụp đưa cho tôi xem.
Tôi sững người khi nhìn người trong ảnh, một thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam, khuôn mặt vuông chữ điền, có vệt ria như vạch mực tàu uốn cong trên mép, ngực đeo đầy huân huy chương. Người trong ảnh giống hệt viên trung tá Vũ Thành đại diện quân đội Việt Nam cộng hòa ở sân bay Thiện Ngôn và chồng bà Nhàn ở Nghĩa Đô, Hà Nội .
Tôi hỏi nhà báo Phương Nam :
- Thế này là thế nào, anh?
Anh Phương Nam nói:
- Ba người chỉ là một thôi!
Anh Phương Nam cất tấm ảnh vào cặp và nói tiếp:
- Năm 1952, Cục tác chiến Bộ tham mưu đã tương kế tịu kế đưa anh Thành về Hà Nội chiêu hồi để thực hiện nhiệm vụ lâu dài. Suốt hai mươi ba năm anh ấy hoạt động giữa lòng địch lập nhiều chiến công hiển hách...
Nghe anh Phương Nam nói, hình ảnh bà Nhàn và hai cô con gái vụt hiện lên trước mắt tôi. Những kỷ niệm chìm trong dĩ vãng bỗng trỗi dậy. Ngôi nhà màu xám lạnh tăm tối, dáng bà Nhàn khép nép ngồi đan len bên chiếc tràng kỷ cũ kỹ, đôi mắt ráo khô luôn ành lên vẻ hờn tủi của Vạn, và tiếng cười đau thắt ruột của Diệp...
Tôi chưa biết 23 năm ông Vũ Thành lập chiến công hiển hách thế nào, trải qua thử thách ra sao với nhiệm vụ của một sỹ quan tình báo. Nhưng tất cả điều đó liệu có thể so sánh được với những đau khổ, mất mát, tủi nhục mà bà Nhàn và hai cô con gái phải chịu đựng âm thầm ngần ấy năm ? Bây giờ bả Nhàn còn sống hay đã chết, và hai cô con gái đã có chồng hay đã mất hết tương lai vì quá lứa lâu rồi?
Ông Thành sẽ nghĩ gì và có tự hào về những sao, vạch, huân chương, huy chương đỏ rực trên ngực mình?
Riêng tôi, tôi cũng cảm thấy vô cùng xấu hổ khi nhớ lại cái tác phẩm “ Vượt cổng trời” của mình.
Chuyện tôi kể đã xảy ra lâu lắm rồi. Bây giờ mỗi lần nhớ lại tôivẫn băn khoăn tự hỏi: “Sao ngày ấy có những con người như vậy, và bây giờ có những người chỉ nghĩ đến chuyện tranh giành quyền lực, tham lam vô độ, hường thụ vô thường , mà vô tình, vô cảm đến nhẫn tâm, quên bạn bè đồng đội, quên những hy sinh mất mát trong quá khứ như gia đình bà Nhàn? Bà đẹp, những người con gái của bà cũng rất đẹp, nhưng chỉ vì "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", lại "Giữ vưng niềm tin và lý tưởng", cái tên Thanh Nhàn lại hoàn toàn nghịch lý với cuộc đời hy sinh thầm lặng của bà và gia đình bà!”.
M.D
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét