Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

> Thể chế chính trị phải hoàn thiện cùng kinh tế



Nguồn: Project Syndicate
Dịch giả: LÂM VŨ  (lược dịch)

BVB - Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng Tunisia, Ai Cập và nhiều quốc gia Trung Đông khác vẫn đang phải chung sống với nền chính trị tập quyền, được cai trị bởi một nhóm "cánh hẩu", đi kèm với sự lan tràn của tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu, và gia đình trị... 
Tunisiavà Ai Cập đều có chỉ số phát triển con người cao và đạt nhiều thành tựu phát triển trong thời gian qua. Nhưng hai vị Tổng thống đều đã phải ra đi. Bài học từ thế giới Ả-rập là một nền kinh tế tốt chưa hẳn đã đi kèm với một nền chính trị tốt, và nền chính trị và kinh tế của một quốc gia có thể tiến hóa theo hai xu hướng ngược nhau.
Từ những biến động gần đây ở Tunisia và Ai Cập, dẫn tới việc hai vị Tổng thống phải dứt áo ra đi sau hàng chục năm cầm quyền, học giả Dani Rodrik đã có bài phân tích sâu về mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Đây là một cách đặt vấn đề theo chủ quan của tác giả, và cần được tranh luận một cách thẳng thắn, khoa học.
Dani Rodrik là Giáo sư Kinh tế chính trị học tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvad, và là tác giả của cuốn sách: Một kinh tế học, nhiều phương thức: Toàn cầu hóa, Các thể chế và Tăng trưởng kinh tế. (One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth).

Chính trị và kinh tế có thể tiến hóa trái ngược
Có thể phát hiện đáng chú ý nhất trong Báo cáo phát triển con người - báo cáo thường niên lần thứ 20 của Liên Hợp Quốc đã công bố, là thành tựu xuất sắc của các quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông và Bắc Phi trong lĩnh vực này.
Về Chỉ số phát triển con người (HDI), Tunisia xếp hạng thứ 6 trên tổng số 135 quốc gia, một thành tựu vượt bậc của quốc gia này sau hơn 4 thập niên phát triển, cao hơn cả Malaysia, Hồng Kông, Mexico và Ấn Độ. Ai Cập đứng ở vị trí thứ 14, thấp hơn một chút.
           Chỉ số HDI đo lường sự phát triển mà trong đó các thành tựu y tế và giáo dục được đánh giá quan trọng ngang bằng với tăng trưởng kinh tế. Ai Cập, và đặc biệt là Tunisiacó thể không xuất sắc lắm trên bình diện tăng trưởng kinh tế, nhưng hai quốc gia này đã thực sự thành công trên các chỉ số phát triển khác.
Với tuổi thọ trung bình là 74, người dân Tunisia có tuổi thọ cao hơn cả Hungary và Estonia, là hai nước có thu nhập bình quân đầu người cao gấp đôi Tunisia. Khoảng 69% trẻ em tại Ai Cập được đến trường, một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với Malaysia - một quốc gia giàu có hơn Ai Cập. Rõ ràng, Tunisia và Ai Cập đã thành công trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội, và phân phối lợi ích của tăng trưởng kinh tế một cách rộng rãi.
Tuy nhiên, trên thực tế những thành tựu phát triển của hai quốc gia này cũng không cứu vãn nổi hai chính phủ đương nhiệm của chúng. Người dân tại Tunisia  và Ai Cập đã rất nổi giận với các chính phủ của họ, và yêu cầu thay thế một chính phủ mới.
Nếu Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia hay Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập hi vọng rằng họ sẽ dành được sự ủng hộ chính trị bởi những thành tựu phát triển, thì hẳn bây giờ họ đang thất vọng sâu sắc.


Người biểu tình Ai Cập vui mừng 
khi Tổng thống tuyên bố từ chức. 
                                                                                     Ảnh: AP
Một bài học mà thế giới Ả-rập đã cung cấp cho chúng ta, đó là một nền kinh tế tốt chưa hẳn đã đi kèm với một nền chính trị tốt, và trong cùng một thời điểm, nền chính trị và nền kinh tế của một quốc gia có thể tiến hóa theo hai xu hướng ngược nhau. Mặc dù đúng là các phần lớn các quốc gia giàu có trên thế giới đều đã thiết lập được nền dân chủ, nhưng nền chính trị dân chủ không hẳn đã là điều kiện cần và đủ cho phát triển kinh tế trong dài hạn (khoảng vài thập niên).
              Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng Tunisia, Ai Cập và nhiều quốc gia Trung Đông khác vẫn đang phải chung sống với nền chính trị tập quyền, được cai trị bởi một nhóm "cánh hẩu", đi kèm với sự lan tràn của tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu, và gia đình trị. Thứ bậc xếp hạng về tự do chính trị và tham nhũng của các quốc gia này tương phản sâu sắc với thứ bậc về các chỉ số phát triển.
Freedom House (một tổ chức phi chính phủ của Mỹ thành lập từ năm 1941 nhằm thúc đẩy nền dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền trên thế giới) đã cho biết, kể từ khi diễn ra cuộc "cách mạng Jasmine" tại Tunisia gần 3 tháng qua, "các nhà cầm quyền vẫn tiếp tục đàn áp, bắt giữ và bỏ tù các nhà báo, blogger, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà chính trị đối lập". Còn Chính phủ Ai Cập xếp hạng thứ 111 trên 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, theo điều tra năm 2009 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế  (Transperancy International).
Và tất nhiên, điều ngược lại cũng đúng: Ấn Độ đã thiết lập nền dân chủ kể từ thời điểm giành độc lập vào năm 1947, nhưng quốc gia này vẫn không thoát khỏi quá trình tăng trưởng thấp trong suốt hơn 30 năm, cho đến tận những năm đầu tiên của thập kỷ 1980.

Thể chế chính trị phải hoàn thiện cùng kinh tế
Một bài học thứ hai là: tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ không tạo điều kiện cho sự ổn định chính trị, trừ khi các thể chế chính trị chủ động tự hoàn thiện dần và cùng trưởng thành với nền kinh tế. Trên thực tế, tự thân tăng trưởng kinh tế sẽ tích lũy các điều kiện kinh tế và xã hội để tạo ra bất ổn định chính trị vào thời điểm chín muồi.
Nhà khoa học chính trị lỗi lạc người Mỹ, Samuel P. Huntington (1927-2008), đã chỉ ra cách đây hơn 40 năm rằng, "các biến đổi xã hội và kinh tế - đô thị hóa, sự phát triển của dân trí và giáo dục, và sự phát triển của truyền thông đại chúng - tất cả sẽ làm gia tăng nhận thức chính trị, nhân rộng các nguyện vọng chính trị, và mở rộng sự tham gia chính trị". Ngày nay, bên cạnh những yếu tố như Huntington chỉ ra, thì các mạng xã hội như Twitter và Facebook đã trở thành các yếu tố mới để thúc đẩy sự tham gia chính trị, đặc biệt là khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng.
Những lực lượng này sẽ trở nên mạnh mẽ nhất khi khoảng cách giữa sự tham gia xã hội và chất lượng của các thể chế chính trị ngày càng trở nên cách biệt. Có hai mô thức ứng phó của các thể chế chính trị đối với các nguyện vọng chính trị của nhân dân. Mô thức thứ nhất: khi các thể chế chính trị của một quốc gia đã trưởng thành, thì các thể chế này sẽ đáp ứng các nguyện vọng chính trị của nhân dân thông qua sự điều tiết, hành động và phát ngôn. Mô thức thứ hai: khi các thể chế này vẫn còn chưa phát triển, chúng sẽ tìm cách dập tắt các nguyện vọng và hi vọng chính trị của nhân dân, với hi vọng rằng các nguyện vọng và hi vọng này sẽ tự biến mất, hoặc sẽ được bù đắp bởi các thành tựu trong phát triển kinh tế.
Những sự kiện đang diễn ra tại Trung Đông đã chứng minh rõ ràng tính mỏng manh của mô thức thứ hai. Những người biểu tình tại thủ đô Tunis của Tunisia  và thủ đô Cai-rô của Ai Cập không phản ứng với sự thiếu cơ hội kinh tế hay các dịch vụ xã hội nghèo nàn.
           Có thể ở đâu đó, vẫn có những thể chế chính trị có khả năng xử lý được các tình huống kiểu này. Người ta có thể nghĩ đến các hệ thống chính trị mang tính phản ứng, vốn không hoạt động dựa trên các cuộc bầu cử tự do và sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị. Có thể chỉ ra trường hợp một số quốc gia như Oman hay Singapore, là những nền chính trị chuyên chế vẫn duy trì được quyền lực một cách hài hòa cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Điều này giúp ta liên tưởng đến Trung Quốc. Tất nhiên là Trung Quốc không phải là Tunisiahay Ai Cập. Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm về "dân chủ cơ sở", và đang cố gắng tiêu diệt nạn tham nhũng. Tuy vậy, các cuộc phản ứng vẫn đang gia tăng tại lục địa này trong suốt thập niên vừa qua.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang hi vọng rằng sự tăng trưởng nhanh chóng trong mức sống và các cơ hội kinh tế rộng mở của người lao động sẽ làm giảm căng thẳng xã hội và chính trị. Đó là lý do tại sao họ đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm lên tới 8% hoặc cao hơn - một con số ngoạn mục mà họ tin rằng qua đó sẽ giúp kiềm chế căng thẳng xã hội.
P.S & L.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét