Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

RẢNH TAY NHẤT LÀ…"CHUYỂN…”

Thôi, chuyển tiếp đại đi là xong, khỏe re!
* BÙI VĂN BỒNG
Đất nước có chủ quyền, công dân có quyền làm chủ ở một nước độc lập ‘chính hiệu’, được thế giới công nhận đã 68 năm rồi, nhưng chiều 31-5 mới đây, các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 5, khóa XIII, mới thảo luận Luật Tiếp công dân.
Thế mới biết, người ta cứ hô hào và tự xưng với sự đắc ý là “nhà nước pháp quyền”, nhưng việc tiếp công dân từ xưa đến nay là tùy tiện, tùy hứng, khoái thì làm, thích thì tiếp, không ai có quyền nói nhà chức trách chuyện gì cả. Gọi là nhà nước pháp quyền, nhưng cái ‘pháp’ vừa quá thừa lại vẫn thiếu, bỏ ngỏ nhiều khoảng trống vô lý; cái ‘quyền’ càng không thuộc về dân. Quyền làm gì là của chính quyền. Còn như ‘dân chủ’ (có chăng) chỉ là nước sơn hào nhoáng.
Hơn nửa thế kỷ, không hiểu công dân “là cái thứ gì”  cho nên có vụ việc qua 5 đời Bí thư, Chủ tịch (trên 20 năm) vẫn "chuyển” do các Bộ, chính quyền địa phương không thống nhất cách giải quyết. Đơn khiếu nại, tố cáo của công dân cứ bị “chuyển tiếp’ từ người này, sang người kia, ban này sang bệ nọ, bộ này sang ngảnh khác, dưới chuyển lên trên, trên trả lại cho dưới ‘tự xử’, cái vòng luẩn quẩn do vô trách nhiệm, do sợ đụng chạm và nhiều lý do khác lộn đi lộn lại còn hơn cả đèn cù. Ấy thế, nhưng khẩu hiệu cứ sáng choang: “Của dân, do dân, vì dân”! "Vì" ở chỗ nào? Không ít trường hợp bị oan khuất, một người trung niên vác đơn đi kiện gần suốt đời, đến khi chống gậy vẫn là con số không, lại còn tốn kém biết bao tiền bạc, mất công hại sức, thậm chí còn bị chính quyền đe dọa, đưa vào “sổ đen thuộc đối tượng chống đảng, chống chế độ”. Theo kiện gần suốt đời, tiền mất tật mang, bị nghèo hóa, sức mòn, niềm tin cũng mòn dần rồi mất hẳn niềm tin, cũng chẳng thấy cái "lòng tin chiến lược " nào để hướng theo, cuối cùng bị chết trong oan ức, tức tưởi. Không ít người thà theo kiện đến chết để quyết đòi cho được quyền lợi chính đáng của mình, để  làm rõ trắng –đen, công lý, nhưng đến khi chết vẫn chưa được giải oan!
Thảo luận ở tổ, các đại biểu đều khẳng định rằng: Cần phải có giải pháp để ngăn chặn hiện tượng "chuyển”, “kính chuyển” này.  Vì những tồn tại trầm kha trên đây, ĐB Đỗ Thị Hoàng và ĐB Phạm Bình Minh (đoàn Quảng Ninh) băn khoăn đặt câu hỏi: nếu chỉ thuần túy là tiếp dân thì có cần thiết phải có một luật về nó hay không? Mặc dù, ai cũng biết, mục đích ban hành luật là để công tác tiếp công dân góp phần giảm những vụ việc bức xúc trong nhân dân. Cái gì cũng luật, đến khi có luật rồi cũng không ai làm theo, trong khi từ cái gốc thể chế chính trị đã có quy định các chế độ trách nhiệm, ăn lương của dân mà không làm cho dân thì ắt là kẻ ‘ăn không ngồi rồi’. Đã đến mức phải “luật hóa” những việc thuộc về trách nhiệm của người hưởng lương, thế thì chẳng còn ra thể thống gì. Nếu với đạo đức, tác phong, lối sống kiểu đó, có luật cũng chưa chắc đã ‘cột’ họ được vào chuyện gì. Theo luật mà kiện họ ư? Chỉ là ‘con kiến đi kiện củ khoai’ mà thôi. Như kinh nghiệm được đại diện đoàn Gia Lai đưa ra, thì mặc dù đã có hẳn lịch tiếp dân nhưng dường như tâm tư nguyện vọng của nhân dân vẫn kỳ vọng nhiều vào ĐBQH vì cứ nghĩ "cái gì thì ĐBQH cũng giải quyết được hết”. Thực tế, chuyện đó còn khuya!
Đại biểu Hà Sơn Nhịn (đoàn Gia Lai) kiến nghị khi góp ý vào Dự thảo Luật Tiếp công dân. "Tiếp để làm gì vì nhiều khi những ý kiến bị chìm khuất, bị rơi đi đâu không biết”. Còn ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) nêu ý kiến, đồng thời đề xuất: Phải có chế tài, trách nhiệm, thời hạn xử lý các vấn đề mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân ĐBQH chuyển đến sau khi tiếp dân.  ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tổ chức trong tiếp công dân- theo ĐB này thì đây mới là khâu quan trọng vì nhiều khi dân được tiếp xong mà đợi mãi vẫn không có câu trả lời. ĐB Vũ Chí Thực (đoàn Quảng Ninh) nói thêm: Có thực tế, là dù đã có quy định người đứng đầu tiếp dân 1 lần trong tháng nhưng quy định ấy ít khi được thực hiện đầy đủ. Phải hiểu tiếp dân mà không tốt có nghĩa làm công tác dân vân chưa tốt- ĐB Thực nói.
Thôi thì, dù sao cũng có luật này, luật kia thì các dại biểu QH mới có cái để thảo luận, bàn bạc. Cũng bỏ công tốn tiền của dân của nước đi họp nhiều kỳ cho hết khóa. Một thực tế để rồi đừng ai hy vọng nhiều vào luật, hoặc quá tin rằng có luật rồi thì công dân được tôn trọng hơn. Việt Nam không phải là một quốc gia thiếu luật. Mỗi kỳ họp QH thảo luận, cho ra luật mới, bổ sung luật cũ cả ‘chùm luật’. Sản xuất luật ở đất nước “văn minh, dân chủ, hạnh phúc nhất thế giới” này cũng thuộc hạng nhiều nhất, nhanh nhất và nhiều nhất thế giới. Nhưng, quả nhiên như cố Luật gia Ngô Bá Thành đã nói: “Việt Nam có cả rừng luật, nhưng lại làm theo luật rừng”.
BVB
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét