Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

ANH TƯ XỨ MÌNH

            * BÙI VĂN BỒNG
            BVB“Phát triển kinh tế nhiều thành phần theo hướng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” – Đường lối kinh tế trên đây được nêu liên tục trong các nghị quyết nhiều kỳ Đại hội Đảng đã thành thuộc lòng đối với mọi người.
Trong “nền kinh tế nhiều thành phần” đó cho thấy  mấy thập niên vừa qua bộc lộ rõ: Kinh tê Quốc doanh thua lỗ nặng, mất nguồn vốn lớn của Nhà nước, không còn giữ vai trò “đầu tàu”, “nòng cốt’… Trong khi đó, nhiều khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế mang hình thức tư bản (Công ty cổ phần, Liên doanh, Công ty TNHH…) lại phát triển khá mạnh, đống nhiều thuế, làm lợi cho Nhà nước. Người ta nói: Định hướng XHCN được đến đâu, hiệu quả ra sao thì cả thế giới đều biết cả rồi, trong nước càng rành rõ. Nổi lên chỉ thấy tư nhân, tư bản, tư hữu, tư lợi, tư túi, tư thương…là có sức bền và phát triển hơn. Vậy nên, hình thành anh Tư trong toàn bộ nền kinh tế nước ta. Nhưng anh Tư muốn tồn tại và phát triển phải trần thân cật lực. Chì có anh Tư túi, Tư lợi, Tư hữu là ...ngon xơi, chỉ cần móc nối, thỏa hiệp ký cót mà béo ngậy. Rõ là một nền kinh tế bấp bênh, phập phù, thăng trầm bất kỳ, không bền vững và lúc nào cũng chứa đựng những nguy cơ mất ổn định... 
             Những chuyện lỗ lã ở các Tập đoàn kinh tế nhà nước cứ sờ sờ ra đó mà không ai làm gì được. Dầu thô móc từ dưới biển lên xuất khẩu và đã có công nghiệp lọc hóa dầu trong nước mà vẫn lỗ?! Điện thu tiền của dân với giá khá cao, xăng dầu tăng giá liên tục...vẫn lỗ. Vậy, Quốc doanh là gì, 'quả đấm thép' hay quả đấm bùn nhão? Theo báo cáo của Chính phủ: Cơ cấu các khoản nợ công của Việt Nam chủ yếu vẫn được huy động từ các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ. Vẫn theo báo cáo, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có thời gian dài với lãi suất ưu đãi (vay ODA), trong đó có các khoản vay từ WB có thời hạn 25 năm trong đó 5 năm ân hạn, lãi suất 1,25% và phí quản lý là 0,75%. Các khoản vay từ ADB có thời hạn 30 năm trong đó có 7 năm ân hạn, lãi suất 1 - 1,5%. Còn các khoản vay từ Nhật Bản có thời hạn 30 năm trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất 1 - 2%.3 năm, vay 690 nghìn tỷ đồng.
            Nhiều người cho rằng, chính sự không rõ ràng trong “định hướng XHCN”, cho nên các anh Tư nêu trên đều rơi vào tình trạng mất thế chủ động, kém tự chủ, kìm hãm phát triển, khoanh hẹp, bó cứng liên doanh liên kết, khó được bình đẳng để mở rông “sân chơi”. Khi được mở thoáng thì là anh Tư Tò Tò (to từ từ- tức là có sự phát triển), còn khi gặp khó khăn với những chi phối ảnh hường khủng hoảng tài chính- tiền tệ, lạm phát, bị ngân hàng bóp lại hoặc phong tỏa, bị nhà nước đứng ra độc quyền thì anh nào cũng bị Tư Tèo tèo (teo từ từ - phá sản, chết, hoặc cầm chừng ngắc ngoải).

Tại Nghị trường Quốc hội kỳ họp thứ 5 đang diễn ra, các số liệu và thực trạng nền kinh tế Tư Tèo Tèo của xứ mình (cả nước) đang được đưa ra ‘ván bài lật ngửa’.
Theo thông tin trên các báo chính thống: Các chỉ số kinh tế được công bố trong những tháng đầu năm 2013 cho thấy những dự báo về một năm 2013 khó khăn hơn đang dần trở nên hiện thực.
Số doanh nghiệp giải thể trong ba tháng đầu năm 2013 lên đến trên 15.300 doanh nghiệp, và theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, con số doanh nghiệp "chết" trong thời gian qua trên thực tế có thể đến con số một trăm ngàn, trong khi có đến 69% doanh nghiệp đang hoạt động không có lãi. Doanh nghiệp phá sản kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Thống kê năm 2012 cho thấy trong chín tháng của năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đô thị là 3,3%, tại nông thôn là 1,42%, đưa con số lao động muốn làm việc nhưng không có công ăn việc làm - và không có thu nhập - lên đến trên 2 triệu người, chưa kể số lượng lao động thất nghiệp trá hình chỉ có việc làm tạm bợ và thu nhập cực kỳ thấp. TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực đô thị (3,92%), Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực nông thôn (4,6%).
Sang năm 2013, tình trạng thất nghiệp chưa có dấu hiệu cải thiện. Thất nghiệp tăng, triển vọng kinh tế ảm đạm khiến người dân phải tự thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu. Tổng cầu xã hội giảm, sức mua giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm rõ rệt. Trong ba tháng 3, 4, 5 của năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh liên tục giảm, bình quân giảm 0,26%/tháng.
Sức mua toàn xã hội giảm, hàng hóa không tiêu thụ được khiến cho tồn kho hàng hóa các doanh nghiệp tăng lên, doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, sa thải lao động, đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy thoái đáng báo động.
Hiện nay, biện pháp giảm lãi suất và cởi mở tín dụng đã không còn tác dụng nhiều nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, khi quá nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc đang hấp hối và số lao động mất việc gia tăng.
Nợ xấu doanh nghiệp tăng cao đặt họ vào hoàn cảnh pháp lý không thể tiếp cận nguồn vốn mà họ cần để qua cơn hoạn nạn, mặt khác họ cũng không đủ sức thuyết phục các ngân hàng tin rằng sẽ có thể cùng họ vượt qua vực thẳm mà không bị kéo xuống theo. Đối với những doanh nghiệp còn hoạt động, xu hướng "co cụm" hoạt động sản xuất kinh doanh để giữ an toàn trở thành chiến lược phòng thân khôn ngoan trong thời điểm khó khăn, khiến cho nhu cầu vay vốn ngân hàng giảm hẳn.
Thêm vào đó, nỗi e sợ thâm căn cố đế về bóng ma lạm phát vẫn còn vương vấn trong đầu những nhà lãnh đạo tiền tệ, càng khiến cho các biện pháp tiền tệ vốn dĩ rất dè dặt và thận trọng sẽ dễ dàng trở thành nửa vời và không phát huy tác dụng, nhất là đối với những biện pháp có thể dẫn đến việc làm tăng cung tiền, như mua lại các tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại qua việc Ngân hàng Nhà nước tái chiết khấu, cho vay lại..., dù rằng đó là những biện pháp hết sức cần thiết.
Vấn đề thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không chỉ là sự chọn lựa giữa lạm phát và tăng trưởng mà là sự chọn lựa còn thiết thân hơn, sống còn hơn, giữa một bên là sự bảo vệ duy ý chí những chỉ số thống kê kế hoạch vô cảm như chỉ số giá tiêu dùng CPI và một bên là công ăn việc làm, là cuộc sống của người lao động từ thành thị đến nông thôn, là sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trụ cột của nền kinh tế đất nước. Ưu tiên ở đâu đã thấy rõ. Sự chọn lựa nào sẽ đạt được đồng thuận xã hội cao cũng đã thấy rõ. Trên hết, phải có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, một tinh thần trách nhiệm cao để thực hiện những hành động cần thiết vì lợi ích toàn cục của nền kinh tế quốc dân, của cộng đồng dân tộc.
            Vậy nên, xin tặng các anh Tư mấy vần thơ để thay lơi kết:
Cái nền kinh tế ngắc ngư
Khi ‘hưng’ tưng tửng anh Tư Tò Tò
Vĩ mô gì thấy mà lo
Khi mềm, khi cứng như trò...chi chi
Đang hưng phấn bỗng trơ lì
Tư Tèo Tèo hết còn gì nữa đâu!
Loanh quanh cơ cấu, cơ cầu
Chung quy chỉ tại cái đầu vô minh.
BVB

 
-------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét