Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

ĐẢNG CẦM QUYỀN và CẢI CÁCH

 
TÍNH CHÍNH DANH 
CỦA ĐẢNG CẦM QUYỀN
VÀ TRÁH NHIÊM CẢI CÁCH
* Ts. VŨ MINH KHƯƠNG
Việt Nam đang bước vào một thời kỳ có tính bước ngoặt. Đất nước đang đứng trước những khó khăn, hiểm họa, và dường như bế tắc trong con đường đi lên. Song, người dân và xã hội cũng đã chuyển mình thức tỉnh trước những đòi hỏi cấp bách và vận hội to lớn cho cho sự trỗi dậy của dân tộc.Tình thế đang đòi hỏi cải cách đột phá, chiến lược, và sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực.
Nó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế (như cải cách cơ cấu, cải cách hệ thống ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước) hay xã hội (như cải cách giáo dục) mà cả chính trị và thể chế. Trong tinh thần đó, bài viết này đi sâu vào một nội dung có tính nền tảng cho các nỗ lực cải cách này; đó là tính chính danh của đảng cầm quyền và trách nhiệm cải cách. Bài viết đề cập tới ba nội dung chính: (1) Tính chính danh của đảng cầm quyền; (2) Các lựa chọn cho hành động; và (3) Một số kiến nghị cụ thể.
1. Tính chính danh của đảng cầm quyền
Tính chính danh của một đảng cầm quyền thể hiện ở hai mặt: hình thức và nội dung. Về hình thức, đảng có chính danh nếu giành quyền lãnh đạo của mình qua bầu cử dân chủ trong một hệ thống đa đảng. Về nội dung, đảng có chính danh nếu sự cầm quyền của đảng thỏa mãn người dân trong năm thước đo chủ đạo sau:
1. Cuộc sống yên bình: người dân không phải sợ hãi về sự hoành hành của trộm cắp, cướp giật, bạo lực, tệ nạn xã hội (như nghiện hút, mại dâm, cờ bạc), và tai nạn giao thông.
2. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia: người dân thấy chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ của đất nước được nhà nước gìn giữ cẩn trọng vẹn toàn như một báu vật thiêng liêng mà tổ tiên để lại.
3. Phát triển kinh tế: người dân thấy mức sống của mình được nâng lên không ngừng; cơ hội kiếm việc làm và học tập dồi dào; bộ mặt đất nước đổi thay nhanh chóng.
4. Gắn kết xã hội: Lòng tin lẫn nhau trong xã hội không bị xói mòn bởi bất công, chụp giật, đặc quyền đặc lợi của con ông cháu cha và những kẻ tham nhũng. Người dân có ý thức cộng đồng cao và cùng chia sẻ một khát vọng chung về viễn cảnh tươi sáng của
đất nước.
5. Phẩm chất người lãnh đạo: đa số người dân cảm phục người lãnh đạo về tầm nhìn, phẩm chất hiến dâng, và năng lực nắm bắt đổi thay trong quyết sách và hành động;
nạn tham nhũng được kiểm soát, người hiền tài thỏa sức thể hiện tài năng.
Sự thỏa mãn của người dân trong năm tiêu chí nói trên có thể không giống nhau do sự khác biệt về nhiều mặt như mức độ thành công, hoành cảnh sống, tuổi tác, ngành nghề, nơi sinh sống,… Tuy nhiên, số liệu tổng hợp từ cách đo đơn giản từ 1 đến 5 của sự hài lòng (5=cao; 4=khá; 3=trung bình; 2=thấp; 1=rất thấp) có thể cho ta một bức tranh khái quát về tính chính danh của đảng cầm quyền trong một quốc gia được khảo sát:
 Nếu độ hài lòng cao từ 4 trở lên, đất nước này đang trỗi dậy trong sự phấn chấn cao độ của lòng dân. Tính chính danh của đảng cầm quyền rất cao, dễ dàng giành sự ủng hộ mạnh mẽ của đa số nhân dân.·
 Nếu độ hài lòng cao từ 3 đến dưới 4, đất nước này đang trong quá trình phát triển ổn·
định. Tính chính danh của đảng cầm quyền còn khá vững, nhưng nó phải nỗ lực cao để bảo vệ tính chính danh của mình trước thách thức của các đảng đối lập.
 Nếu độ hài lòng từ 2 đến dưới 3, tính chính danh của đảng cầm quyền thấp ở dưới mức yêu cầu. Người dân bi quan, ức chế, và mong muốn đổi thay. Họ sẽ thay thế đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử gần nhất.·
 Nếu độ hài lòng từ 1 đến dưới 2 thì tính chính danh của đảng cầm quyền ở mức tồi tệ. Mức độ thấp này thường trở nên rất nghiêm trọng trong các xã hội độc đoán.·
Biểu tình phản đối có thể nổ ra rộng khắp nếu tình hình này kéo dài và đòi hỏi đổi thay của người dân không được đáp ứng. Vũ khí phê phán được thay thế bởi sự phê phán bằng vũ khí theo ngôn từ của Karl Marx.2 Mùa Xuân Ả Rập là một ví dụ sống động.
Hiện chưa có khảo sát thực nghiệm kỹ càng tính chính danh của Đảng Cộng Sản Việt Nam nên các nhận xét có thể còn thiên về cảm tính. Tuy nhiên, nhiều nhận định gần đây cho thấy tính chính danh của Đảng có dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Để có một nhận định khoa học và toàn diện hơn, người viết bài này sẵn sàng cùng các nhà nghiên cứu trong nước tiến hành khảo sát thấu đáo ý kiến đánh giá của mọi tầng lớp nhân dân trong khắp các địa phương trong cả nước.
 
Hình 1 khái quát bốn phương án lựa chọn nà
2. Các lựa chọn hành động
Trong một hệ thống chính trị đa đảng, đảng cầm quyền sẽ bị thất cử nếu tính chính danh của nó theo năm tiêu chí trình bày ở trên thấp dưới mức yêu cầu của đa số nhân dân. Sự thay đổi đảng cầm quyền như vậy là cần thiết; không chỉ cho người dân lựa chọn một đảng cầm quyền mới mà cũng buộc đảng mất quyền phải cải cách để hồi sinh với sức sống và tầm nhìn mới để có thể thắng trong các cuộc bầu cử tiếp theo . Nhờ vậy xã hội có động lực cải biến và phát triển không ngừng.
             Trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, do lịch sử để lại, Đảng Cộng Sản hiện độc quyền lãnh đạo và đã có những cố gắng đổi mới đáng trân trọng. Thế nhưng năng lực lãnh đạo hiện nay của Đảng còn rất thấp so với yêu cầu. Trước tình hình này, Đảng có bốn phương án lựa chọn
2.1. Phương án I: Không chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng nhưng cũng không nỗ lực cải cách đặc biệt để nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng mặc dù nó đã ở vào mức báo động
Đây là phương án dễ lựa chọn nhất vì nó không đòi hỏi cố gắng gì đặc biệt mà chỉ cần đưa ra một số giải pháp xoay sở nhằm giải quyết những khó khăn, bức xúc trước mắt; chẳng hạn như, tiến hành kiểm điểm cá nhân để ngăn chặn nạn tham nhũng tràn lan, lập thêm ban bệ nhằm tăng thêm quyền lực cho đảng, coi trọng hơn công tác dân vận để giảm bớt sự bất bình của nhân dân, xiết chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát, làm cầu vượt tạm để giảm ách tắc giao thông, khai thác cạn kiệt tài nguyên để tăng thu cho ngân sách.
Thế nhưng, phương án này lại là cách lựa chọn nguy hại nhất bởi nó không chỉ làm đảng mất quyền lãnh đạo trong một ngày không xa mà còn làm tổn thất lớn nhất đến công cuộc phát triển đất nước. Theo qui luật phát triển khái quát, một chính đảng chối bỏ cải cách để cố gắng xoay sở trong tình trạng bế tắc thường đi đến hai hiện trạng phổ biến: mâu thuẫn nội bộ gia tăng trong sự chia rẽ và phân rã của tổ chức; quyết sách loay hoay trước những biến động khắc nghiệt dẫn đến những kết cục và tổn thất không lường trước được.
2.2. Phương án II: Không chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng nhưng tập trung mọi nỗ lực cho cải cách nhằm nâng cấp năng lực lãnh đạo của đảng
Đây là một phương án của mong muốn chủ quan. Nó có thể khả thi trong một số hoàn cảnh nhất định; nhưng không bền vững về lâu dài. Kinh nghiệm Hàn Quốc, Chi-lê, và Đài Loan cho thấy, dân chủ hóa trở thành một nhu cầu có tính then chốt. Nó là động lực mạnh mẽ có tính nền tảng cho đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Với Việt Namtrong hoàn cảnh hiện tại, phương án này hoàn toàn không còn khả thi. Kết quả
Hội nghị Trung ương 6 và 7 vừa qua cho thấy nếu không có sự chiếu rọi bởi ánh sáng mặt
trời của lòng dân thông qua hệ thống chính trị đa đảng thì đảng không thể nào tự thoát ra
được tình trạng mọt ruỗng và xuống cấp hiện tại.
2.3. Phương án III: Cải cách chính trị, chấp nhận đa đảng; trong khi thiếu quyết tâm và chiến lược cho nỗ lực nâng cao vượt bậc năng lực lãnh đạo của đảng
Phương án này tốt hơn nhiều so với Phương án I vì nó là một cách hữu hiệu giúp đất nước ra khỏi bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, nó không phải là phương án tối ưu cho Đảng cũng như cho đất nước. Đảng có thể mất quyền lãnh đạo trong khi đất nước có thể rơi vào mất ổn định chính trị một thời gian trước khi chuyển sang giai đoạn phát triển ổn định.
2.4. Phương án IV: Cải cách toàn diện hệ thống chính trị, chấp nhận đa đảng, đồng thời dùng động lực cải cách này để nâng cấp vượt bậc năng lực lãnh đạo của đảng
Thổi vào xã hội và chính mình liều thuốc hồi sinh để cùng trỗi dậy trong sự thôi thúc của ý
chí dân tộc từ ngàn đời và ý thức trách nhiệm cao cả với tương lai. Theo phương án này,
Đảng sẽ thu phục được lòng dân và rất nhiều người tài, mở ra một thời kỳ phát triển vẻ vang,  hiền tài nhiều không kể xiết, mà lịch sử ngàn năm sau còn hãnh diện tự hào. Khi đó chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được bảo vệ không chỉ bằng nền kinh tế và quốc phòng hùng mạnh mà còn bằng trí tuệ và con tim của muôn triệu người Việt Namvà sự trân trọng và ngưỡng mộ của cả cộng đồng thế giới.
Qui luật phát triển đã chỉ ra rằng tương lai của đất nước khi trỗi dậy không bị chi phối bởi
những khiếm khuyết và khó khăn hiện thời mà phụ thuộc hoàn toàn vào truyền thống tiềm
tàng của dân tộc và quyết sách quả cảm của người lãnh đạo. Do vậy, những những khó khăn yếu kém ngổn ngang hôm nay không phải là trở ngại gì lớn nếu những người lãnh đạo quyết tâm lựa chọn phương án cho sự trỗi dậy này của đất nước.
Trước khi chuyển sang trình bày một số kiến nghị cụ thể, người viết bài này muốn chia sẻ
cùng bạn đọc câu chuyện “Trâu Kỵ khuyên vua Tề nên nghe lời can gián”3 có từ ngàn năm
trước, đại ý như sau:
Trâu Kỵ chiêm nghiệm từ bản thân thấy rằng người đời thường cho mình lời khen không thật vì một trong ba lý do: có tư vị với mình; sợ mình; hoặc nhằm cầu cạnh với mình. Vì vậy,
người có quyền cao, chức trọng, lắm của cải chắc chắn sẽ chỉ nhận được lời ngợi khen và
không bao giờ nhận được lời phê phán chân thành vì hầu hết mọi người thân cận đều hoặc có tư vị, hoặc sợ, hoặc muốn cầu cạnh.
Thấm thía điều này, với cương vị là tướng quốc nước Tề, ông bèn đến gặp vua Tề là Tề Uy
Vương và tâm tình: “Nước Tề vuông ngàn dậm, có tới một trăm hai chục thành; cung nữ và
kẻ tả hữu trong cung có ai dám không tuân phục Đại Vương; đình thần có ai không sợ Đại
Vương; người trong bốn cõi có ai không cầu cạnh Đại Vương. Xét vậy thì đủ biết Đại Vương
bị che lấp bởi các lời khen không thật nhiều lắm rồi!”
Tề Uy Vương thấy lời Trâu Kỵ thật xác đáng bền hạ lệnh: “Quan lại và dân chúng ai chỉ trích thẳng vào mặt quả nhân một lỗi nào thì sẽ được thưởng hạng nhất; ai mà dâng thư can gián quả nhân thì được thưởng hạng nhì; ai chê bai quả nhân ở chợ hoặc ở triều đình, mà đến tai quả nhân thì được thưởng hạng ba.”
Lệnh mới ban, quần thần đến can gián, cửa cung náo nhiệt như cảnh chợ; ít tháng sau,
lời can gián giảm hẳn; một năm sau, dù muốn nói cũng không có gì để can gián.
Điều đáng nhấn mạnh thêm ở đây là Tề Uy Vương là một vị vua ham vui, bỏ bê triều chính
khi mới lên ngôi. Sau đó nhờ biết lắng nghe lời tâm huyết mà thu phục nhiều người tài giỏi,
trong đó có Trâu Kỵ và Mạnh Thường Quân, tiến hành nhiều cải cách lớn biến nước Tề thành một trong những quốc gia cường thịnh nhất thời Chiến quốc.
3. Một số kiến nghị cụ thể
3.1. Mở Hội nghị Diên Hồng
Dân tộc Việt Namcó một vũ khí chiến lược có sức mạnh vô song nhưng chỉ dùng đến khi
không còn phương sách nào khác. Đó là ý chí và tinh thần dân tộc. Hội nghị Diên Hồng là
một hiện tượng kỳ vĩ mà ít dân tộc trên thế giới có được; nó cho phép người Việt Nam mở
kho vũ khí thần diệu của mình để vượt qua thắng lợi bất kể thế lực nào thách thức sự tồn
vong của dân tộc.
Người viết bài này đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, và Quốc hội quyết định mở kho vũ khí chiến lược của dân tộc, mở Hội nghị Diên Hồng bàn về thực hiện phương án IV nêu trên đây. Hội nghị có thể tập trung thảo luận để đi đến thống nhất theo ba nội dung chủ đạo sau: (i) chiến lược dân chủ hóa đất nước; (ii) chiến lược nâng cao vượt bậc sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; và (iii) chiến lược cải cách kinh tế-xã hội toàn diện để xây dựng và bảo vệ đất nước.
3.2. Nhanh chóng cải biến Đảng thành một tổ chức học hỏi
Một chính đảng chỉ có thể có sức mạnh thời đại và năng lực lãnh đạo xã hội khi nó thực sự
trở thành một tổ chức học hỏi (learning organization). Tổ chức học hỏi được đặc trưng bởi
bốn nỗ lực mạnh mẽ và thường xuyên sau đây: (i) tìm kiếm, thu nhận, và khai thác sử dụng nhân tài; (ii) dũng cảm thử nghiệm các ý tưởng và quyết sách mới; (iii) so sánh bản thân và đất nước mình với những mẫu hình xuất sắc nhất để noi gương học hỏi; và (iv) không ngừng cải tiến hoàn thiện mình.
3.3. Cải cách hiến pháp
Cải cách hiến pháp là một công việc trọng đại. Nó không chỉ xây dựng nền tảng cho một thể chế vững bền cho đất nước phát triển mà còn là một thông điệp tới toàn dân và cộng đồng thế giới rằng Việt Nam bước vào một chương mới trong chặng đường phát triển của mình.
Trong các góp ý về cải cách hiến pháp vừa qua, kiến nghị của nhóm 72 nhân sĩ trí thức là một đóng góp, dù chưa hoàn hảo, nhưng có ý nghĩa và giá trị rất lớn. Đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội đặc biệt trân trọng.
Do ý nghĩa đặc biệt quan trọng của thay đổi hiến pháp, đặc biệt trong thời kỳ bước ngoặt hiện nay, đề nghị Quốc hội không thông qua bản sửa đổi rất tầm thường hiện nay. Chúng ta đừng bỏ rất nhiều công sức, thời gian, và tiền bạc của nhân dân để chứng minh với người dân và thế giới rằng chúng ta là những người manh mún về tầm nhìn, nhút nhát trong hành động, và vô cảm trước vận mệnh sống còn của của đất nước.
3.4. Chiến lược kinh tế
Một trong những điểm yếu cốt lõi trong phát triển kinh tế của Việt Nam là thiếu tầm chiến
lược. Đất nước đang rất lệ thuộc không phải do bị thế lực ngoại bang nào xâm chiếm mà vì
lãnh đạo chưa đưa ra được một chiến lược phát triển có tầm nhìn sâu rộng và hiệu lực mạnh mẽ. Xót xa hơn nữa, nhiều học giả nước ngoài ngạc nhiên khi thấy Việt Nam không có chiến lược phát triển để đánh dấu 50 năm ngày thống nhất đất nước (2025) và 100 năm ngày độc lập (2045) cho dù đất nước này đã chịu nhiều hy sinh mất mát mà khó có dân tộc nào sánh được trong công cuộc giành độc lập và thống nhất đất nước của mình.
Một điều chúng ta nên biết là, nhiều nước trong khu vực (chẳng hạn như Indonesia
Malaysia) đều có chiến lược cải biến mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới 100 năm ngày độc lập của họ. Đặc biệt, Trung Quốc gần đây đưa ra chiến lược phát triển “nhị bách”(hai cái 100):
Năm 2020, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản, Trung Quốc trở thành một xã
hội khá giả; Năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập CHND Trung Hoa, Trung Quốc trở thành một quốc gia hoàn toàn phát triển.
3.5. Đặc khu kinh tế Hải Phòng-Quảng Ninh
Trong nỗ lực nâng cao tính chính danh của một đảng cầm quyền, cải biến Đảng thành một tổ chức học hỏi, trong đó dũng cảm thử nghiệm thường đem lại hiệu quả to lớn không chỉ trong chính trị mà cả cục diện phát triển kinh tế. Thành lập một số đặc khu với qui mô lớn nhằm tạo sức phát triển kinh tế vượt bậc nhờ sự tổng hòa cao độ của ý chí dân tộc, tinh hoa tri thức nhân loại, và thời cơ phát triển trỗi dậy của châu Á là một bước đi cấp bách, chiến lược, và có sức đột phá rất lớn.
Trong xem xét bước đi này, chúng ta nên tham khảo phát biểu sau đây của ông Đặng Tiểu
Bình năm 1992: “… Nếu Quảng Đông muốn đuổi kịp bốn con rồng nhỏ châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, và Singapore –lời người dịch) trong 20 năm tới, và muốn phát triển nhanh hơn, nó sẽ phải tăng tốc so với nhịp độ hiện nay. Thượng Hải nhất định phải đi nhanh hơn. Bằng cách tăng tốc phát triển, tình hình ở bốn khu kinh tế đặc biệt, ở đồng bằng sông Dương Tử, và ở toàn Trung Quốc sẽ khác hơn hiện nay rất nhiều… Khi suy ngẫm lại, tôi thấy mình đã phạm một sai lầm rất lớn là không biến toàn bộ Thượng Hải thành một đặc khu kinh tế khi chúng ta quyết định thành lập các khu kinh tế đặc biệt (vào năm 1980 –lời người dịch).”
Sẽ cần có những thảo luận sâu sắc để đi đến quyết sách thành lập đặc khu kinh tế lớn ở Việt
Nam, và đây sẽ là một điểm sáng chói trong bản hiến pháp sửa đổi. Trong nỗ lực này, chúng ta nên xây dựng đặc khu kinh tế-chính trị trên địa bàn Quảng Ninh-Hải Phòng. Ở đặc khu này, những cơ chế quản lý và thể chế chính trị hiện đại, với tham khảo đặc biệt từ Singapore cần được áp dụng. Nơi đây sẽ không chỉ thành một động lực kinh tế mạnh mẽ, mà còn là ngọn cờ vẫy gọi ý chí và niềm tin dân tộc. Nó cũng là một điểm tựa để thế giới tham gia hội nhập vào sự trỗi dậy của châu Á. Nó cũng gửi đến chính phủ và người dân Trung Quốc một thông điệp sáng rõ về ý chí phát triển, tình hữu nghị, và khả năng qui tụ thế giới của dân tộc Việt Nam.
Thay lời kết
Cải cách đột phá là một nỗ lực phi thường. Nó đòi hỏi sự cộng hưởng mạnh mẽ của xúc cảm về vận mệnh dân tộc và sự khai sáng trong nhận thức và tư duy. Có là thực tế không khi kỳ vọng vào thay đổi kỳ diệu của Đảng Cộng Sản Việt Nam và đất nước Việt Nam ta?
Người viết bài này thường đêm nằm mơ thấy đất nước mình bừng sáng trong ngày mai và mình được hòa cùng muôn triệu đồng bào sát cánh phấn đấu trong khát vọng phục hưng của dân tộc. Bài viết này là một sự trải lòng thành tâm sau khi bừng tỉnh từ giấc mơ thôi thúc này.
TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore
------------------------
1 Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asia Development Outlook 2013), năm 2012, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,0% thấp hơn hẳn so với các nước láng giềng: Lào (7,9%); Trung Quốc (7,8%); Campuchia (7,2%); Philippines (6,6%); Thái lan (6,4%); Miến Điện (6,3%); Indonesia (6,2%); Malaysia (5,6%).
Báo cáo này cũng dự báo Việt Nam còn tiếp tục tình trạng tăng trưởng thua kém này trong 2013 và 2014.
2 Marx, K. (1843). Marx’s Critique of Hegel’s Philosophy of Right, Oxford University Press, 1970, trang 5.
3 Chiến Quốc Sách, biên dịch và biên soạn bởi Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Nhà Xuất Bản Trẻ, 1989, trang 198.
4 Phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm miền Nam Trung Quốc năm 1992.
Mọi công cuộc cải biến vĩ đại khởi đầu từ lòng thành tâm và sự kính trọng lẫn nhau. Người
viết vội ghi lại vì biết rằng nếu để 10-15 năm nữa mới nói ra thì chắc đã quá muộn./.
Nguồn: Marti, M. E.
(2002). China and the legacy of Deng Xiaoping: From communist revolution to capitalist evolution. Dulles, VA: Potomac Books.
/ Theo TTHN /

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét