Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

ÔNG VƯƠNG TUNG CON MỒI COC ĐỂ LÀM GÌ?

* BÙI VĂN BỒNG
Hôm thứ Tư, ngày 1-5 mới rồi, khi ở Bangkok, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, cho biết với các quốc gia thành viên ASEAN rằng Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua đối thoại. Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với ông Natalegawa, ông Vương cho biết Trung Quốc luôn sẵn sàng đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên biển.  Ông Vương nói ngọt xớt: “Chúng tôi đã nhất trí với ASEAN rằng cả hai bên sẽ kiến tạo COC (bộ quy tắc ứng xử) dựa trên sự đồng thuận” (!?), và chính ông ta cũng đề xuất thành lập một nhóm yếu nhân để bổ sung cho các cuộc đàm phán giữa các chính phủ về vấn đề “bộ quy tắc ứng xử” trên Biển Đông.
Sau khi rời Thái Lan, ông Vương đi tiếp Indonesia trong chuyến công du 4 nước thành viên của ASEAN và đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 3. Sau chặng dừng chân ở Jakarta, ông Vương dự kiến sẽ tới Singapore và Brunei.
Tuy hoan nghênh đề xuất của ông Vương về việc sớm mở các cuộc đàm phán cấp làm việc về “bộ quy tắc ứng xử” và thành lập Nhóm yếu nhân, nhưng ông  Natalegawa cũng nghi ngại rằng trên đây là những quan điểm không có nhiều điểm mới của Trung Quốc.
            Đáng chú ý, 4 nước Ngoại trưởng Vương Nghị đến thăm thì ngoài Brunei, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, là nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng không được cho là thành tố phản đối mạnh mẽ Trung Quốc, 3 nước còn lại đều không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên vùng biển này.
 Theo nhận định của tiến sỹ Từ Lập Bình ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đây là động thái “vận động” các nước này giữ vai trò trung lập trong vấn đề Biển Đông, trước khi các nước ASEAN nhóm họp ở cấp ngoại trưởng vào tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để thống nhất lập trường chung về COC trước cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc dự kiến vào tháng 8, theo đề xuất của Thái Lan.
Vấn đề an ninh cho Biển Đông không phải đến bây giờ mới dặt ra gay gắt. Nhìn lại, từ gần 40 năm qua, Biển Đông vẫn không ngừng dậy sóng - những cơn sóng từ bản chất đã mang tính cố hữu, nhiều khi bất thường và xô bồ về tranh chấp chủ quyền lãnh hải, thềm lục địa.
Dư luận trên thê sgiới vẫn chưa quên sự kiện những tháng đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực quần đao Trường Sa, chiếm giữ Đá Chữ Thập (31-1), Châu Viên (18-2), Ga Ven (26-2), Huy Gơ (28-2), Xu Bi (23-3). Hải quân Việt Nam đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đảo Đá Tiên Nữ, Đá Lá, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le, bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận. Phía Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và Đông kinh tuyến 1150.
Căn cứ vào tình hình xung quanh khu vực Trường Sa, Hải quân Việt Nam xác định: Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao...
Cũng từ tháng 1-1988, TQ mở chiến dịch đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa thuộc chủ quyền của VN, xây căn cứ trên đảo Chữ Thập, rồi từ đó liên tục có rất nhiều hoạt động quấy rối và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của VN và các nước khác trong khu vực. Từ khi bị hải quân TQ chiếm đóng  trái phép và xây dựng căn cứ ở Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 3-1995, Philippines đã nâng độ cảnh giác với TQ lên mức cao. Nhiều nước khác cũng buộc phải thay đổi cách nhìn về TQ. Trước những nguy cơ uy hiếp và xung đột bằng vũ lực Thế nên, năm 1991, các nước ĐNA mới đặt ra yêu cầu cần có cam kết DOC, khởi động  suốt 10 năm mãi đến năm 2002, do sức ép từ nhiều phía, TQ mới chịu ký Tuyên bố cam kết DOC mặc dù đây chỉ là một văn kiện không có tính ràng buộc về pháp lý.
Tính từ đầu những năm 1990, sau vụ Trung Quốc (TQ) tấn công Trường Sa, tình hình Biển Đông bắt đầu nhiều căng thẳng trên một bình diện khác thường,  nhiều diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Các nước ASEAN đưa ra yêu cầu cần có biện pháp hữu hiệu để sớm ngăn chặn tình trạng an ninh bất ổn ở vùng này. Phải mất 10 năm khởi động, không ít tranh cãi, vận động, mãi đến ngày 4-11-2002, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mới được Trung Quốc ký với các nước ASEAN.
Nhưng, thật trớ trêu trong suốt gần 11 năm qua, việc thực thi DOC xem ra vẫn không đem lại hiệu quả gì, mà trái lại, tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng hơn, chủ yếu vẫn do phía TQ gây ra cho các nước trong khu vực, nhất là 4 nước có lãnh hải tiếp giáp với Trung Quốc, trong đó Việt Nam là ở gần và trực tiếp nhất, một sự phải "đối mặt". 
Vì Tuyên bố cam kết DOC không được thực thi nghiêm chỉnh, lại nhiều vi phạm ở mức độ trầm trọng, từ đó phát sinh thêm nhu cầu phải có COC (Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông), như một sự bổ trợ, đốc thúc,  để muốn có một ràng buộc pháp lý các bên liên quan nhằm thực hiện DOC tốt hơn. Nhưng, chỉ tính trong 20 năm qua, từ khi khởi động theo nhu cầu thực tế đặt ra cấp bách, trước động cơ (cả âm mưu) và thái độ của Trung Quốc trong ứng xử, giải quyết vấn đề Biển Đông, cam kết DOC hầu như vẫn chỉ nằm trên giấy. Và 11 năm, tuy DOC đã được tuyên bố khá hùng hồn, nhưng nay lại phải thêm COC liệu có mang đưa đến kết quả gì? Vậy là, do mức độ phức tạp ngày càng trầm trọng khó gỡ trên Biển Đông, sau DOC nay cần phải thêm COC, rồi còn phải những gì nữa mới đem lại bình đẳng, yên lành cho Biển Đông?     
Có thể nói rằng dù cho Tuyên bố cam kết DOC đã quy định rõ như vậy, nhưng ngay sau khi đã ký thì chính TQ đã không hề quan tâm thực hiện đúng cam kết, mà còn tiếp tục gây ra nhiều sự bất ổn định cho vùng biển này như đã nêu trên. Vì thế, nay các nước ASEAN lại phải bàn nhau, xét thấy cần sớm có một COC, tức là phải thêm những ràng buộc pháp lý để buộc TQ và các nước trong khu vực phải thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn đối với DOC. Nhưng, kể cả sau này TQ có ký COC đi chăng nữa, liệu có gì để “ràng buộc” được con rồng đang cố vũng vẫy để khuynh loát trên biển Đông hay không?
Dư luận cho rằng, khi đưa ra bàn thảo để ra được COC, chắc chắn TQ sẽ tránh các vấn đề, các câu chữ mang tính “quy tắc”, có giá trị ràng buộc, và có lẽ vì thế mà COC cũng bị tắc luôn (!?). Tranh chấp trên biển Đông vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng. Hòa bình trên biển Đông vẫn sẽ mong manh. Do vậy, các nước ASEAN cần phải cùng nhau hành động. Một thực tế cần nhận rõ và luôn luôn thường trực trong ý thức cùng như hành động của các nước ĐNA rằng: Chừng nào TQ chưa thu phục được các nước ĐNA về dưới tầm ảnh hưởng và lệ thuộc vào mình như ý đồ từ lâu đời nay, thì các nước ĐNA chưa thể yên ổn được với TQ. Với thói quen nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, nói ngoài miệng nhưng trong lòng rắp tâm làm trái, dù đã ký nhưng không thực hiện, lại thiếu trung thực, thẳng thắn, không cởi mở như TQ thì mọi nỗ lực cách nào cũng không thể ràng buộc được pháp lý với TQ là điều quá bi quan ?
Ngoài việc tìm kiếm một tiếng nói chung cũng là một cơ hội để thúc đẩy sự tương hỗ và đoàn kết giữa các nước ASEAN.  Hơn thế nữa nếu các nước trong khu vực ĐNA không đoàn kết lại, TQ sẽ gây áp lực hay tranh thủ các nước ASEAN khác đứng ngoài tranh chấp. Các nước này có thể không đứng về phía các nước ASEAN khác. Để khắc phục được điều này, các nước trong tranh chấp cần tính đến những bước đi chiến lược, vừa khôn khéo những cũng cần kiên quyết trong đối ngoại, đối thoại. Và tốt nhất là việc soạn thảo đi đến thống nhất chất lượng nội dung cũng như đàm phán COC nên được đưa ra khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á, thay vì chỉ trong khuôn khổ ASEAN với Trung Quốc. 
               Vừa đưa ra lời phán bảo có vẻ xây dựng: "Trung Quốc và Asean sẽ cùng hợp tác để làm công việc này", thì ngay sau đó, ông Vương lại gằn giọng: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền của mình tại quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) và sẽ bám chặt nguyên tắc đó". Thế mới biết con mồi COC mà ông Vượng Nghị, nhà đương nhiệm ngoại trưởng Trung Quốc, tung ra rất màu mè có vẻ "thiện ý" trong chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á kỳ này cũng chỉ để tiếp tục lừa bịp, thăm dò rồi để dấn sâu vào mưu đồ phân rã, chia rẽ các nước trong khu vực mà thôi!
BVB
 
-------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét