Trung ương 7 khai mạc trong khi nền kinh tế nóng bỏng vì viễn ảnh khó khăn ngày một tới gần. Dư luận không chờ đợi gì vào hội nghị lần này vì tâm lý người dân cũng như nhân sĩ trí thức đã quá ngán ngẫm những đại hội diễn ra thường xuyên nhưng không có một sự vận động đáng chú ý nào. Mặc Lâm phỏng vấn giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam để tìm hiểu thêm về quan điểm của ông.
Không trông chờ không hy vọng gì
Mặc Lâm: Xin cảm ơn Giáo sư Tương Lai. Thưa GS sau khi đọc qua bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7 của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, cảm nhận đầu tiên ông thấy thế nào?
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt |
GS Tương Lai: Qua cái bên ngoài thì tôi thấy đầu óc ông này nó đặc sệt, có lẽ đã hết thuốc chữa. Cho tới bây giờ vẫn là giọng điệu từ giáo trình của Đảng cách nay mấy chục năm bây giờ vẫn nói như thế mà không thấy rằng cái điều đó nó đang kiềm hãm cả dân tộc này. Chính vì một mớ giáo điều nó chiếm lĩnh trận địa tư tưởng và đặc sệt trong đầu óc những người lãnh đạo khiến cho dân tộc này không cất đầu lên nổi, vấn đề là ở chỗ ấy.
Mặc Lâm: Sau bao năm rồi nhưng ông Tổng Bí thư vẫn tiếp tục kêu gọi đổi mới trong Đảng. Theo giáo sư, sự nghiệp đổi mới từ những năm 80 vẫn không có gì đáng gọi là tự hào hay sao khi Đảng vẫn loay hoay đổi mới sau gần 30 năm?
GS Tương Lai: Bây giờ nói chuyện đổi mới thì quả thật mỗi một bước đi tới sao mà nó nặng nề thế không biết! Nếu như Đại hội 6 cuối những năm 80 lực lượng muốn đổi mới nó thắng thế thì chắc rằng đất nước này nó không đến nỗi đau đớn và trì trệ như hiện nay. Thế lực bảo thủ nó trì trệ quá. Có những người nhân danh chủ nghĩa xã hội và người ta quyết liệt chống lại cái đổi mới. Điều này thể hiện luận điểm của Hegel khi nói về biện chứng, tức là “mỗi bước tiến mới là một sự nổi loạn chống lại trật tự cũ đang suy đồi nhưng được thần thánh hóa”.
Cái đất nước này trầm luân trong đau khổ trong khi chung quanh chúng ta người ta khởi sắc. Một Singapore dân số chưa bằng tỉnh Thanh Hóa, diện tích cũng không bằng nhưng nổi lên trở thành một cường quốc. Bây giờ ngay cả những cán bộ cao cấp hơi ốm đau một tí là sang Singapore chữa bệnh!
Ngày 25 tháng 12 năm ngoái chúng tôi có một lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp Việt Nam . Đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn vì đây mới là đổi mới. Đây mới là phương thuốc cứu nguy trọng bệnh mà đất nước đang lâm vào. Tức là phải mở rộng dân chủ, thực thi quyền con người để Việt Nam hội nhập với thế giới đi vào trong thế giới văn minh.
Thế lực bảo thủ nó trì trệ quá. Có những người nhân danh chủ nghĩa xã hội và người ta quyết liệt chống lại cái đổi mới. Điều này thể hiện luận điểm của Hegel khi nói về biện chứng, tức là “mỗi bước tiến mới là một sự nổi loạn chống lại trật tự cũ đang suy đồi nhưng được thần thánh hóa”
Nói một đằng làm một nẻo
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư có một câu rất quan trọng khi ông ấy nói tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác dân vận. Điều này nhắc lại điều mà ông Tổng Bí Thư kết án Kiến nghị 72 là suy thoái trước đây. Có phải ông Tổng Bí thư muốn đảng chú ý hơn đến những tư tưởng phản biện xuất hiện ngày một nhiều hơn hay không?
GS Tương Lai: Sau khi ông ấy liều lĩnh tuyên bố một cách hồ đồ là: “có ai nói đến đòi bỏ điều 4 không? Có nói đến tam quyền phân lập không?…đấy là suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, chứ còn gì nữa?” lời nói liều mạng như vậy nhưng sau đó ông có kiểm tra được ai đâu mà ngược lại như lửa đổ thêm dầu khiến cho người ta phẫn nội.
Chúng tôi mang bản kiến nghị này đến tận trụ sở của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Trao tận tay cho các vị đó một cách quang minh chính đại. Nhưng rồi sau đó cả hệ thống truyền thông đại chúng mà người ta nói là lề phải từ người điều hành từ cấp cao nhất hoàn toàn xuyên tạc, quy kết cho chúng tôi cho rằng nhóm Kiến nghị 72 này là phản động là chống đảng. Trong lúc đó thì Quốc Hội người ta nói phải mở rộng dân chủ, thành thật tiếp thu, phải để người ta nói.
Nhưng mà đấy! Khi ổng nói “Ý đảng lòng dân” thì thực ra đấy là câu nói bẻm mép ở cửa miệng thôi chứ còn lòng dân bây giờ nó khác. Còn ý đảng thì đi ngược với lòng dân, vì vậy mà phải dùng bạo lực mà trấn áp. Nhưng bây giờ ông ấy cũng cảm thấy bạo lực không thể trấn áp được nữa rồi.
Vì vậy cho nên vừa rồi chúng tôi lại phải ra thông báo của nhóm soạn thảo Kiến nghị 72 về sửa đổi Hiến pháp. Chúng tôi gửi trực tiếp cho Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Trực tiếp cho từng ủy viên trong Ủy Ban chấp hành Trung ương Đảng. Không biết kỳ họp Trung ương này các vị Ủy viên có đọc hay không nhưng đấy là tiếng nói tâm huyết của chúng tôi, những người không muốn cho dân tộc mình không lầm than và đau khổ như hiện nay.
Mặc Lâm: Thưa GS có một điều mọi người đang rất ngạc nhiên đó là sự kêu gọi xem chừng hiện tượng biến đổi khí hậu của ông Tổng bí thư trong khi khí hậu kinh tế Việt Nam đang nóng rực và trầm trọng như thế này mà Đảng lại không nói gì tới, nó có vẻ lạc điệu quá hay không?
GS Tương Lai: Đúng là biến đổi khí hậu là một điều quá lớn nhất là Việt Nam là một trong mười nước bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu nó tàn phá. Nhưng vấn đề là nói vào lúc nào! Trước đây trong thời kỳ thế giới cảnh báo về vấn đề môi trường thì một lãnh đạo cấp cao phụ trách về tư tưởng, văn hóa nói rằng “Đấy! trong lúc chúng ta đang đổ xương máu ra để đánh giặc ngoại xâm thì bây giờ người ta đòi hỏi bảo vệ những cho thú rừng hoang dã đây!” Họ không thấy tầm nhìn thế giới về những vấn đề này. Chỉ có điều là lúc này đây, cái lúc nước sôi lửa bỏng này thì có nên đưa vấn đề này ra không?
Đây là cái sự tính toán. Hình như đầu óc của các ông ấy rối cả lên rồi cho nên không biết chọn cái gì trước cái gì sau thế thôi!
Mặc Lâm: Xin cảm ơn Giáo sư.
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét