* LÊ MAI
Căn nhà nhỏ những canh khuya vời vợi
Vẫn lo toan tháo cởi những bất hòa
Trái tim lớn đêm ngày quên mệt mỏi
Dệt dải hồng chắp nối bạn gần xa
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Việt Phương nói đến Hồ Chí Minh luôn “lo toan tháo cởi những bất hòa?”. Ta hiểu, bất hòa là nói về mâu thuẫn nội bộ, không phải mâu thuẫn địch – ta. Nội bộ “ta” có bất hòa sao?
Trên bình diện quốc tế, những năm tháng ấy, trong nội bộ phe XHCN, hai “ông anh lớn” là Liên Xô và Trung Quốc tranh cãi nhau kịch liệt, hơn thế, có khi còn đụng nhau sứt đầu, mẻ trán ở biên giới nữa. Hồ Chí Minh đã làm rất nhiều việc quên mệt mỏi nhằm đoàn kết Xô – Trung, đoàn kết quốc tế, giữ cho Việt Nam ở vị thế có lợi nhất.
Còn trong nước thì sao? Ý thơ Việt Phương dẫn tôi đến Hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ được cho là của Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng. Hồi ký này có kể ra mười (thực ra chỉ kể 8) nỗi đau của Hồ Chí Minh.
“Nỗi đau thứ bẩy là sự bất hoà giữa mấy người lãnh đạo của ta. Không phải mọi việc đều êm đẹp cả. Họ nhất trí với nhau về quan điểm đánh Mỹ, nhưng quan điểm quốc tế không thống nhất, về quan hệ cá nhân với nhau không thuận lợi…Bác cho làm cơm và nói mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra, không nên để bụng… Họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết việc này thì không hiểu hết tại sao trong di chúc Bác lại dặn phải đoàn kết toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương…Có thể có một vài hiện tượng, có đồng chí nào đó muốn vượt Bác, Bác biết hết, nhưng Bác không quan tâm…”
Không biết thực hư những chuyện đó như thế nào, nhưng trước mắt tôi là hai cuốn sách viết về Hồ Chí Minh. Tác giả hai cuốn sách này là Vũ Kỳ, người thư ký tuyệt đối trung thành và gần gũi – một “tiểu đồng” thực sự của Hồ Chí Minh.
Cuốn sách thứ nhất có tên Càng nhớ Bác Hồ, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1999. Cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất: Bác Hồ từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc. Phần thứ hai: Bác Hồ viết Di chúc. Phần thứ ba: Những bức thư kể chuyện Bác Hồ. Cuốn sách thứ hai có tên Bác Hồ viết Di chúc, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1999.
Ta thấy gì trong hai cuốn sách do hai Nhà xuất bản đã nói ở trên ấn hành?
Đây là một đoạn trong Bác Hồ viết Di chúc (Càng nhớ Bác Hồ, trang 152, Nhà xuất bản Thanh niên):
“Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 16 giờ ngày 14 tháng 5 năm 1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1965″ trước chữ ký Hồ Chí Minh.Bên cạnh, phía trái, là chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn.
17 giờ, anh Cả sang ăn cơm với Bác, báo cáo cụ thể về chuyến đi công tác ngày mai” (hết trích).
Cũng viết về nội dung trên, nhưng đây là đoạn trong Bác Hồ viết Di chúc (trang 34, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia):
“Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 16 giờ ngày 14 tháng 5 năm 1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1965” trước chữ ký Hồ Chí Minh.
17 giờ, anh Cả sang ăn cơm với Bác, báo cáo cụ thể về chuyến đi công tác ngày mai” (hết trích).
Ta đã rõ hai đoạn đó khác nhau chỗ nào?
Mấy câu thơ gợi ý cho tôi đọc lại những cuốn sách viết về Hồ Chí Minh, trong đó, tôi đọc rất nhiều lần những tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng. Có lẽ, không một nhà văn, nhà nghiên cứu nào viết về Hồ Chí Minh với một tấm lòng ngưỡng mộ, sùng bái, kính trọng, yêu thương Hồ Chí Minh như Sơn Tùng. Có thể nói không quá lời, Sơn Tùng đã dồn tất cả tình cảm của mình vào từng dòng, từng chữ ngợi ca Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt, Sơn Tùng để rất nhiều tâm huyết, công sức sưu tầm, gặp gỡ, nghiên cứu các tư liệu về Hồ Chí Minh.
Và đây là một đoạn trong cuốn Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (Sơn Tùng, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, ấn hành năm 2005, trang 81):
“Sau phút thổn thức lắng vào, giọng nói anh Vũ Kỳ âm vang từ trái tim mình:
- Tối hôm ấy, mồng 1-9, Bác lại đau kịch liệt. Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp… ở bên giường Bác. Cấp cứu tận đêm khuya mà cơn đau chưa giảm! Đồng chí Lê Duẩn khẽ gọi anh Vũ Kỳ ra hành lang, đứng dưới hàng cây ảo mờ ánh đèn vàng vọt. Một bầu ẩm đạm trùm cả khu vườn, cây cối im phăng phắc, mặt ao tĩnh lặng không tăm cá!
Đồng chí Lê Duẩn hỏi:
- Bác có viết gì để lại không?
- Có ạ! Anh Vũ Kỳ đáp mà mắt vẫn hướng vào phía giường Bác!
Im lặng! Cái phút im lặng trong thời mệnh này như dài vô tận! Đồng chí Lê Duẩn lại hỏi:
- Bác có viết điều gì về Liên Xô, Trung Quốc và về quốc tế không?
- Có ạ! Anh Vũ Kỳ đáp lẹ và thầm nghĩ, nếu đồng chí Lê Duẩn đòi xem ngay Di chúc của Bác thì ứng xử thế nào…Nhưng đồng chí Lê Duẩn sau cái im lặng nặng nề nói:
- Hãy biết vậy. Ta đi vào…” (hết trích).
Ý thơ Việt Phương tiếp tục đưa tôi sang một chuyện khác. Nước Việt Nam vừa giành được độc lập ba tuần lễ thì thực dân Pháp trở lại đánh chiếm thành phố Sài Gòn. Hồ Chí Minh không chọn ai khác mà giao miền đất lửa của Tổ quốc cho Nguyễn Bình – thủ lĩnh đệ tứ chiến khu Đông Triều. Nguyễn Bình rất xúc động, thưa với Hồ Chí Minh rằng mình chưa phải là Đảng viên Cộng sản. Giọng Hồ Chí Minh như đanh thép: Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc trên hết!
Năm 1948, Nguyễn Bình, Tư lệnh Nam Bộ, được phong Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ đứng sau Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Vẫn theo Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (trang 18):
“Cụ Vũ Đình Huỳnh bùi ngùi nhớ lại:
- Vào một ngày mưa hạ tuần tháng 5.1951, mây mù ảm đạm cả núi rừng Tuyên Quang. Bác Hồ nhận một cái tin đau buồn: Trung tướng Nguyễn Bình bị phục kích chết tại chỗ trên đường ra Bắc theo điện của Bác Hồ và Trung ương gọi? Sau phút bàng hoàng, Bác nói với tôi “Lạ quá! Sao lại có chuyện gọi chú Nguyễn Bình ra Việt Bắc. Làm sao có chuyện một Trung tướng Nguyễn Bình tung hoành giữa Sài Gòn, lại bị bắn chết trên đường?” Và bên anh Năm (đồng chí Trường Chinh), anh Văn cũng không biết là ai điện vào Nam Bộ gọi Trung tướng Nguyễn Bình ra Trung ương?” (hết trích).
Đến đây, ta càng thấm thía lời dặn dò của Hồ Chí Minh trong Di chúc:
“Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (hết trích).
Tư tưởng, tầm nhìn của Hồ Chí Minh cao đến thế!
Tôi xin kết thúc với câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
L.M /Nguồn: phamvietđao /
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét