* BÙI VĂN BỒNG
Gần một năm trước, tháng 6-2012, Quốc hội họp. Tiến sĩ Tô Văn Trường viết bài gửi đến tôi. Ông viết đoạn đầu bài: “Quốc hội lại đang họp. Là công dân, lại muốn ngỏ lời qua các bài báo về nghị trường. Tôi là dân làm công tác khoa học kỹ thuật nhưng yêu nghề làm báo nên hay viết bài về các chủ đề khác nhau để trải lòng mình với bạn đọc.
Ngày thường đã có thói quen nghĩ sao, viết vậy (tuy đôi lúc cũng phải chọn con chữ cho thích hợp) để khỏi làm phiền toái đến tòa soạn nhưng vẫn giữ nguyên tắc luôn tôn trọng sự thật thì mỗi ngày càng phải làm hơn thế!”.
Theo tác giả bài báo: Thật ra vấn đề sinh hoạt nghị trường có lẽ là nơi thể hiện rõ nhất bản chất chính trị thực sự của chế độ ta. Cả hình thức và nội dung sinh hoạt nghị trường cho thấy rõ bản chất ấy. Thay đổi được nó, chính là thay đổi toàn bộ những nguyên tắc căn bản nhất của vấn đề tổ chức hệ thống nhà nước và thể chế chính trị. Đây là vấn đề gốc của mọi vấn đề. Đụng đến chỗ ấy, dù giỏi và khéo léo đến cỡ nào cũng rất khó khả thi về mặt ngôn từ. Còn sòng phẳng trên phương diện khoa học chính trị hay khoa học lý luận thì chẳng ai cho phép tranh luận bàn thảo. Thôi thì, cứ thực tế nghe nhìn để xác định nội dung nào hình thức ấy vậy, có lẽ hợp lý hơn cả.
TS Tô Văn trường lý giải đúng: “cứ thực tế nghe nhìn để xác định nội dung nào hình thức ấy vậy’. Theo tôi, nói gì, và trách nhiệm lời nói của các thành viên chính phủ, các đại biểu, nhất là trong chất vấn và trả lời chất vấn, cả trả lời báo chí đều phải thể hiện trách nhiệm. Nhưng, hiện tượng trả lời cho qua chuyện, phát ngôn, phát biểu ở nghị trường xem ra ít được các ‘ông nghị, bà nghị’ cẩn trọng.
Ngay như các con số thống kê trong các báo cáo trình QH cũng rất ‘ẩu xà bần”. Chuyện con số ảo, các chỉ tiêu biết nhảy múa để làm đẹp báo cáo vốn dĩ đến hẹn lại lên ở mỗi mùa tổng kết năm, tổng kết quý, tổng kết ngành... Nhưng chỉ đến ngày hôm qua, khi một vị nghị sĩ Quốc hội thốt lên ở nghị trường"dân cần phải biết chuyện gì đang thật sự xảy ra ở đất nước mình" thì không ít người mới giật mình tự hỏi, đến bao giờ mới có những thống kê sạch. Ngay trước thềm phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, dư luận đã "rối bời" trước con số như đùa dai của ngành lao động. Như con số thống kê chính thức, trên 50.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Nhiều chuyên gia khẳng định có tới 60-70% doanh nghiệp đình trệ. Nhưng số người được tạo việc làm mới, theo thống kê, vẫn đạt 1,5 triệu. Đúng là bên cạnh số doanh nghiệp phá sản thì có doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp phục hồi. Nhưng theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, rằng khi nhìn nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng để đo lường khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế thì sự thực nhãn tiền là tỷ lệ DN thành lập mới đi vào hoạt động không đáng kể, nói gì đến tạo thêm việc làm. Muốn chạy đua giá cả với thế giới thì lương công nhân cũng phải đua theo!
Rồi đến con số ‘ngân hàng nợ xấu’ cũng nay công bố số này, mai lại số khác, cứ như tung hỏa mù. Không ít các vị thành viên chính phủ, nhất là các vị bộ trưởng các bộ chủ quản và liên quan thường đưa gia scả thế giới lý giải cho giá cả ở Việt Nam . Nhưng họ không nghĩ rằng: Sự thiếu thực tế trong so sánh là sự vô lý nằm trong những chuỗi vô lý nhất. Khi con số đã bị đủ thứ đánh tráo hoặc cố tình hợp thức hóa thì mọi sự so sánh đều trở nên lố bịch.
Cũng cần ghi nhận: Tại kỳ họp thứ 5 đang nhiều sôi động, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã thẳng thắn: "Tuy thừa nhận những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ trong 2012 và 4 tháng đầu 2013, khá nhiều đại biểu cho rằng Báo cáo của Chính phủ không phản ánh đầy đủ và xác thực tình hình khó khăn, yếu kém, cả về những con số lẫn đánh giá, nhận định. Mặt khác, 8 giải pháp của Chính phủ nặng về liệt kê các đầu việc, các yêu cầu và mục tiêu phán đấu, không ít nội dung chỉ mới là những khẩu hiệu. Ban Thư ký đã có bản tổng hợp rất đầy đủ những ý kiến của đại biểu, rất mong Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nghiên cứu kỹ các thông tin đó để vận dụng trong trọng trách của mình nhằm làm chuyển biến tình hình…Tôi cho rằng, chúng ta chưa điều tra và nắm rõ đầy đủ số liệu, thông tin về sự phụ thuộc của nền kinh tế VN vào nền kinh tế TQ, nhất là trong lĩnh vực đầu tư tài chính, mua bán công ty khi những thương vụ ấy diễn ra ngoài quốc gia. Sự lệ thuộc về kinh tế, nếu không có giải pháp đối phó, sẽ được sử dụng để phối hợp nhịp nhàng với cuộc đấu tranh về chủ quyền lãnh thổ trong tình huống cần thiết. Khi Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, như báo chí đưa tin sáng nay, thì nguy cơ này càng hiển hiện".
Nhiều nội dung chuẩn bị à uôm, thảo luận luộm thuộm. Họp thế chỉ tổ mất công, tốn tiền. Có cử tri nhận xét và thẳng thắn đưa ra một bài toán cấp tiểu học cho các vị lãnh đạo: Giá xăng thế giới 1USD/Lít, lương người lao động của người ta chí ít cũng 2.000 USD/ tháng. Việt Nam, xăng 1USD/Lít, lương 200USD/ tháng. Việt Nam đang ở đâu và thế giới ở đâu? Thực ra, nền kinh tế-xã hội-văn hóa và chất lượng thể chế chính trị cũng như nền dân chủ của Việt Nam so được với ai? Tại sao các vị không đem những vấn đề cơ bản đó ra so, lại lôi giá cả ra để so một cách khập khiễng. Các ngài bộ trưởng đừng đưa cái “vĩ mô” lập lờ ddánh lận con đen của các ngài nữa?
BVB
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét