* BÙI HOÀNG TÁM
“Nếu Dân hoặc cơ quan đại diện của Dân quyết định mang tính hình thức thì có nghĩa là Dân làm chủ hình thức. Dân mà làm chủ hình thức thì Nhà nước sẽ đi tới chỗ quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, tha hóa, biến chất...”.
Đó là nguyên văn lời của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trả lời báo Dân trí cách đây mấy năm, song đến nay vẫn nguyên giá trị. Nhất là vào thời điểm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XIII vừa khai mạc.
Có thể nhận thấy Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XIII có 2 trọng tâm: Bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và bàn về Sửa đổi Hiến pháp 1992 và có lẽ trong đó có một vấn đề rất quan trọng là quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân.
Hai việc tưởng như khác nhau nhưng thực chất, nó cùng chung một nguyên lý cơ bản. Đó là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh theo chủ trương của Đảng.
Nếu việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh là phương thức dân chủ đại diện, tức là người dân biểu quyết thông qua Đại biểu Quốc hội làm đại diện cho mình thì việc phúc quyết Hiến pháp tiến xa hơn một bước, người dân trực tiếp quyết định thông qua lá phiếu của chính mình.
Về bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, Luật Tổ chức Quốc hội đã ban hành cách đây 12 năm, với 4 nhiệm kỳ Quốc hội. Dù công tác thực hiện chắc chắn sẽ diễn ra trong nay mai nhưng nó chỉ thực sự đi vào đời sống khi việc lấy phiếu tín nhiệm đạt hiệu quả. Các đại biểu có sự hiểu biết sâu sắc, công tâm, không cảm tình, nể nang và nhất là sự dũng cảm để có kết quả đúng thực tế, hợp lòng dân.
Còn nếu như việc bỏ phiếu tín nhiệm rơi vào tình trạng “hòa cả làng” như dư luận lo ngại, không chỉ ra được những cá nhân không đủ phẩm chất cần có để đảm nhiệm được trọng trách thì coi như chưa thành công, thậm chí là tác dụng ngược.
Đối với việc phúc quyết Hiến pháp, vấn đề này đã được đưa ra từ năm 1946. Song do điều kiện chiến tranh nên việc phúc quyết Hiến pháp 1946 khi đó đã không được thực hiện.
Nên nếu việc phúc quyết Hiến pháp lần này được thực thi, nó đã giải tỏa một vấn đề để lại từ gần 70 năm trước.
Cách đây 4 năm, trả lời phỏng vấn báo Dân trí trong bài “Góp phần phấn đấu cho mục tiêu dân chủ theo tư tưởng của Bác”, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói:
“Dân là chủ tức là Dân phải làm chủ. Mà Dân làm chủ tức là Dân phải có quyền quyết định. Khi Dân chưa được quyền quyết định thì Dân chưa được làm chủ một cách đầy đủ và thực chất. Quyền tối hậu của người làm chủ là quyền quyết định...”.
Về chất lượng của biểu quyết, ông An còn nhấn mạnh: “Khi có quyền quyết định thì chất lượng quyết định có thể sẽ diễn ra theo hai chiều hướng: Một là quyết định mang tính hình thức - quyết định để thể chế hoá một vấn đề đã được an bài, quyết định chưa dựa trên sự thảo luận sâu sắc, chưa dựa trên ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Hai là quyết định thực chất - do chính mình cân nhắc lựa chọn phù hợp với quy luật và thực tiễn khách quan, phù hợp với lòng Dân”.
Có lẽ cử tri cả nước đều hi vọng những quyết định của chính người dân hay những vị đại diện cho dân (ở đây là đại biểu Quốc hội) sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của mình đối với đất nước, kiên quyết không để xảy ra tình trạng biểu quyết hình thức bởi như lời của nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn An:
“Nếu Dân hoặc cơ quan đại diện của Dân quyết định mang tính hình thức thì có nghĩa là Dân làm chủ hình thức. Dân mà làm chủ hình thức thì Nhà nước sẽ đi tới chỗ quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, tha hoá, biến chất... Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào mà người làm chủ chỉ là hình thức, chủ hờ, không có một chủ cụ thể thật sự thì ở nơi đó, lúc đó sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ, vô trách nhiệm”.
BHT (TN.c)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét