Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đi ngược lại đường lối của Đảng ?

 
* LÊ PHƯƠNG DUNG
Hôm nay 26/5/2013, tròn 34 năm ngày mất của Bác Kim Văn Nguộc, tức Kim Ngọc ( 1917 - 1979 ). Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, ông còn được mệnh danh" cha đẻ của khoán hộ ", mà người ta còn gọi là " khoán mười ", cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp ở Việt Nam.
Là người khởi xướng việc " khoán hộ ", trong nông nghiệp ở Việt Nan vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Thời kỳ đó do sự bắt chước một cách máy móc mô hình tổ chức xã hội của Liên Xô, các đ/c lãnh đạo cấp cao của Đảng ta khi đó đã không đánh giá đúng về khoán hộ, nên không có sự đồng thuận và bị hạn chế. Nhưng ông Kim Ngọc đã đưa ra những kiến giải mà chính ông đã chiêm nghiệm qua thực tiễn cơ sở. Ông cho rằng: chưa thể xây dựng quy mô sản xuất tập trung, khi nông dân thừa lao động, thiếu xăng dầu, chi phí sản xuất cao, nông dân không chịu được, không thể áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá khi trình độ người dân mới thoát mù chữ, đồng thời không thể có mô hình văn hoá chung cho tất cả làng xã, khi đình chùa bị phá huỷ, mà cơ cấu mới chưa ổn định.
Nông thôn cần có thời gian để chuẩn bị, người nông dân cần được tích lũy tiềm lực kinh tế, một khi có kinh tế thì hãy nói đến học hành và xây dựng thiết chế văn hoá mới. Chúng ta hiện đang cần nông dân phát huy hết kinh nghiệm và nội lực của mỗi cá nhân để tạo dựng nền tảng...
Chính vì vậy, khi khoán hộ ra đời, đã thu được những kết quả rất khả quan, nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Bí thư Kim Ngọc cũng như tập thể cán bộ chủ chốt của tỉnh. Vĩnh Phú đã có những gương lao động nông dân điển hình tiên tiến.
Sau này việc khoán hộ của Bí thư Kim Ngọc cũng đã được một số những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và xem xét nghiêm túc.
Trên thực tế là chưa có một văn bản nào coi Bí thư Kim Ngọc là một người đã đi ngược lại đường lối của Đảng.
Hôm nay, nhân ngày giỗ của ông, tôi bỗng nhớ lại câu nói của luật gia Kim Nam, Giám đốc sở Tư pháp Vĩnh Phúc, người con trai thứ ba, trong số 6 người con của ông, đó là:
" Lịch sử đã chọn Kim Ngọc vào thời điểm ấy, để thực hiện những nhiệm vụ của nó. Nếu không có một Kim Ngọc này thì sẽ có một Kim Ngọc khác lên tiếng. Một mình Kim Ngọc thì cũng không thể có được sự phát hiện lớn lao ấy. Bởi đằng sau ông là cả truyền thống văn minh nông nghiệp lúa nước mấy nghìn năm, và đội ngũ đông đảo, đồng chí, bạn bè, trợ giúp việc chân thành, đắc lực. Tất cả họ cũng đều một tâm nguyện như Kim Ngọc, những mong dân giàu, nước mạnh ".
Tôi thì vẫn nhớ như in hình ảnh của bác Kim Ngọc, đó là một người đàn ông cao dỏng, trông gầy mảnh khảnh, với một đôi mắt rất cương nghị, nhưng ấm áp, gần gũi cho người tiếp cận, cũng như ông là một người cha luôn tin ở các con, và dạy dỗ các con bằng chính sự nêu gương đến khắc khổ của bản thân. Cũng như ở vị thế là một cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, mỗi lời nói, mỗi hành động của ông đều ảnh hưởng đến lợi ích tinh thần của nhiều người.
Ngoài tinh thần trách nhiệm, sự Dũng cảm nói lên chân lý. Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc đã hoàn toàn ý thức được điều mình hành động và tuyệt đối tin tưởng vào sự sáng suốt của lịch sử.
Đánh giá về những công lao của ông. Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã phát biểu:" Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc ".
Nhà báo Lê Phương Dung ở nhà riêng tại Paris
Còn đây là ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:" Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân...Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong ".
- Năm 1995, ghi nhận những đóng góp công lao, trí tuệ của ông cho sự nghiệp đổi mới của cách mạng Việt Nam, Nhà nước Việt Namđã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bí thư Kim Ngọc.
- Năm 1996, hai ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được vinh dự mang tên ông. Năm 2005, một trong những con đường đẹp nhất của thành phố Vĩnh Yên cũng đặt tên ông là đường Kim Ngọc.
- Năm 2004, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã tặng cho gia đình Bí thư Kim Ngọc bức tượng đồng chân dung ông bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng ông Kim Ngọc.
- Năm 2009, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
- Năm 2009, Hãng phim Đài Truyền hình Việt Namsản xuất bộ phim truyền hình 50 tập" Bí thư Tỉnh uỷ ", lấy nguyên mẫu cuộc đời ông.
Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc hoặc đi ngang qua đều vào nhà thắp hương cho Bí thư Kim Ngọc. Các đoàn đại biểu ở các tỉnh bạn, nhất là các tỉnh phía Nam, có nhiều cụ Đảng viên lão thành, khi đến thắp hương cho Bí thư Kim Ngọc thì đều bồi hồi xúc động.
Tôi cũng thường ghé về khi có dịp, bác gái Lê Thị Liên, người vợ, người bạn đời trung kiên của bác Kim Ngọc, tuổi đời đã ngoài 80, nhưng vẫn mẫn tiệp và có một trí nhớ tuyệt vời, tôi cùng bạn bè đến đây, sau khi thắp hương vấn an bác Kim Ngọc xong, bao giờ cũng được bác gái chiêu đãi một bữa tiệc chè lam, do chính tự tay bác Liên làm, và uống với nước trà xanh, thứ cây đặc sản của vùng trung du, được bác và các anh chị con bác trồng xung quanh nhà. Thú thực, là mỗi lần nhớ về đất Tổ, hay có dịp đi công tác ngang qua thành phố Vĩnh Yên, tôi hay nhớ đến bác Liên, và món chè lam đặc biệt ngon của bác.
Hôm nay, nhân ngày giỗ bác Kim Ngọc, do điều kiện ở xa, cháu Phương Dung không thể về trực tiếp được, xin bác Liên và các anh, chị thứ lỗi, cháu cũng sai hẹn với bác mấy lần rồi. Cho cháu xin được thắp một nén tâm nhang với lòng thành kính tưởng nhớ tới bác Kim Ngọc, cháu cũng xin kính chúc bác gái và các anh, các chị luôn luôn mạnh khoẻ, với những điều tốt đẹp, thành công và phát triển.
Trân trọng kính chúc.
L.P.D
* Bài do tác giả gửi đến
TTHN
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét