Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

BIỂN ĐÔNG - Trung Quốc không thể 'qua mặt' CÁC NƯỚC LỚN

 
Các nước lớn sẽ chặn 
TQ bành trướng Biển Đông 
vì lợi ích của chính họ
GDVN - Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc có những động thái leo thang quá mức. Các nước lớn sẽ can thiệp để bảo vệ lợi ích của chính họ ở Biển Đông chứ không phải vì ai khác, và chúng ta cần làm sao để phối hợp, hợp tác tốt với họ.
Sau phần chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về thủ đoạn mới, Trung Quốc có thể phái lính cải trang ngư dân đánh chiếm một số đảo, bãi đá của ta ở quần đảo Trường Sa cũng như một số đánh giá về phản ứng của Việt Nam, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy tiếp tục trao đổi và phân tích xung quanh vai trò của ASEAN cũng như các cường quốc trên thế giới tại Biển Đông, cụ thể là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ.
Nhà NC Dương Danh Dy

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy khẳng định, Biển Đông đang trở thành vấn đề cốt lõi phản ánh sự đoàn kết cũng như khả năng thống nhất nội khối ASEAN, các thành viên ngày càng tích cực “kéo” Trung Quốc vào bàn đàm phán. Với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, ông Dy nhận định các nước này sẽ ngăn chặn Trung Quốc bành trướng và độc chiếm Biển Đông vì chính lợi ích của họ, Việt Nam cần hợp tác và phối hợp chặt chẽ với ASEAN cũng như các nước lớn có lợi ích và quan tâm tới Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích hợp pháp của ta tại đây.
PV: Về mặt ngoại giao, ngoài việc kiên quyết phản đối các hành động leo thang gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, theo ông, ta nên tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN như thế nào?
NNC Dương Danh Dy: Tiếng nói của bạn bè quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn âm mưu, tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là ASEAN và các nước lớn trên thế giới có lợi ích và quan tâm tới Biển Đông. Chúng ta hoàn toàn có thể và cần tận dụng tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đối với ASEAN, đang trong xu thế hình thành một cộng đồng chung thống nhất thì vấn đề Biển Đông vừa trở thành điểm nóng, vừa là mối quan tâm hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. ASEAN có trở thành một khối thống nhất và thịnh vượng hay không được phản ánh rất lớn qua cách ứng xử cũng như quan điểm của từng nước thành viên và toàn khối đối với vấn đề Biển Đông.
Thời gian vừa qua, ASEAN đã vượt qua nhiều trở ngại, rào cản và đạt được những nhận thức chung quan trọng trong vấn đề Biển Đông, trong đó đặc biệt đáng chú ý là những nỗ lực đưa Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn. Đây là bước tiến mới quan trọng khi Brunei đảm nhiệm ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2013 .
-PV: Tuy nhiên, trong khối ASEAN có một số nước gần như không liên quan trực tiếp đến biển Đông. Liệu chúng ta có tìm được sự đồng thuận từ những nước này không?
NNC Dương Danh Dy: Tôi thấy cần nhấn mạnh rằng, ASEAN là một tập thể 10 quốc gia thành viên có thể chế chính trị, trình độ phát triển, văn hóa, lịch sử khác nhau. Đặc biệt, mối liên hệ của mỗi quốc gia thành viên với vấn đề Biển Đông cũng khác nhau. Hiện tại ngoài Việt Nam, Philippines, MalaysiaBrunei có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, Đài Loan ở Biển Đông - Trường Sa, các nước còn lại hầu như không liên quan trực tiếp tới Biển Đông.
Vì vậy sự quan tâm của mỗi thành viên đến vấn đề Biển Đông cũng như quan điểm của họ có sự khác biệt. Đó là chưa kể đến những chiêu bài của Trung Quốc dùng tiền, dùng sức ép ngoại giao, chính trị nhằm tác động, ảnh hưởng, phân hóa các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Cho nên chúng ta không thể đòi hỏi một sự thống nhất tuyệt đối đối với tranh chấp Biển Đông của các quốc gia khác mà nên đặt mình vào vị trí của họ để lựa chọn cách ứng xử phù hợp. Không nên nghĩ ASEAN không đoàn kết, thống nhất trong vấn đề Biển Đông, mà nên tích cực khai thác những đồng thuận, những nhận thức chung của toàn khối như những gì đã đạt được trong thời gian vừa qua
- PV: Hiện tại, ngoài ASEAN còn có nhiều cường quốc trên thế giới đặc biệt quan tâm đến vấn đề Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nga. Theo ông điều này sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến các nước cờ tiếp theo của Trung Quốc?
NNC Dương Danh Dy: Đầu tiên phải khẳng định rằng, Biển Đông là nơi có tuyến hàng hải quan trọng, huyết mạch hàng đầu của thế giới, nó ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh kinh tế - thương mại của các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều nước khác.
Mặt khác, Việt Nam lại có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng tại Biển Đông và Đông Nam Á. Biển Đông hiện đã trở thành nơi tìm kiếm, tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới, mà nổi bật là Trung Quốc Mỹ, Nhật Bản …, những nước công khai tuyên bố họ có lợi ích, lợi ích cốt lõi và mối quan tâm đặc biệt ở Biển Đông.
Đây là một thuận lợi cho ta trong việc tìm kiếm sức mạnh từ bên ngoài để đối phó với Bắc Kinh. Việc các cường quốc tham gia vào tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông là hoàn toàn có thể, và họ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc có những động thái leo thang quá mức. Các nước lớn sẽ can thiệp để bảo vệ lợi ích của chính họ ở Biển Đông chứ không phải vì ai khác, và chúng ta cần làm sao để phối hợp, hợp tác tốt với họ.
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc
-PV: Thưa ông, ta có thể tận dụng lợi thế này ra sao trong việc đối phó, ngăn chặn âm mưu của Bắc Kinh hòng độc chiếm Biển Đông?
NNC Dương Danh Dy: Đối với Mỹ, Biển Đông hiện nay là tiêu điểm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở Đông Nam Á, là trọng tâm trong hoạt động chiến lược châu Á - Thái Bình Dương. Từ tháng 7/2010 Mỹ đã công khai khẳng định họ có lợi ích ở Biển Đông - đó là an ninh hàng hải, và điều đó cần hiểu là không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Từ đó đến nay mặc dù Bắc Kinh luôn tỏ ra khó chịu, muốn Mỹ không "nhúng tay" vào Biển Đông, nhưng điều đó đã không hề xảy ra.
Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của nền kinh tế, nơi rất nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu của họ phải đi qua. An ninh Biển Đông tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh kinh tế - thương mại của hai quốc gia này.
Thời gian qua ta đã chứng kiến những hoạt động tăng cường hợp tác quan trọng giữa Nhật Bản với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là với Philippines và Việt Nam. Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại về các hoạt động này và đang ra sức tuyên truyền rằng Nhật Bản "câu kết" với các nước ven Biển Đông để "bao vây Trung Quốc"?!
Đối với Ấn Độ, một khi Trung Quốc độc chiếm Biển Đông với cái gọi là 'đường lưỡi bò' phi pháp thì không sớm thì muộn, Bắc Kinh có thể sẽ còn tuyên bố chủ quyền với cả các vùng biển trên Ấn Độ Dương chỉ vì “đô đốc Trịnh Hòa của họ đã từng đi qua khu vực này”.
Mặt khác, Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch thông Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, nơi Ấn Độ đang muốn tăng cường ảnh hưởng của mình như một cường quốc ở châu Á, họ không thể bỏ qua. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang có những quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông khi cùng với Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam. Việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông với cái gọi là "đường lưỡi bò" sẽ uy hiếp trực tiếp lợi ích của Ấn Độ.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Viết Cường
 / Nguồn GDVN /

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét