>Dear Anh Trường (TS. Tô Văn Trường)
Những ưu tư của anh về cảng Lạch Huyện, bô xít... bỗng dưng trở thành “chuyện nhỏ” trước 1 dự án khủng!
Anh còn nhớ Chương trình Phát triển Duyên hải miền Đông (Eastern Seaboard) của Thái Lan không! Nó bắt đầu khi anh và tôi còn làm việc bên đó, và tôi có đóng góp 1 phần nhỏ trong bước đầu!
Các nhà đầu tư nước ngoài thi nhau nhảy vào, chủ khách ai nấy đều hồ hởi: Các dự án riêng lẻ trong vùng Eastern Seaboard đều lớn, gộp lại thì cả vùng là quá khủng.
Nhưng một thời gian sau, những vấn nạn môi trường cũng là khủng! Tỷ lệ ung thư các loại tăng vọt quanh vùng dự án, môi trường bị tàn phá... Dân cư địa phương kêu cứu, chẳng ăn thua. Một số NGO vào cuộc, đi kiện giúp họ. Tòa án ra lệnh đình chỉ một loạt dự án có tiềm năng gây ô nhiễm. Nhưng sau một thời gian, tòa cho phép các dự án được tiếp tục, với điều kiện làm báo cáo ĐTM đầy đủ,thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đầy đủ. v.v... Bà Thủ tướng Yingluck hứa hẹn sẽ biến vùng này thành khoảng xanh... Để chờ xem.
Nhưng có phần chắc là các công ty không thể nào phớt lờ quy định mà tàn phá môi trường vô tội vạ như trước. Dân cư địa phương bây giờ mạnh miệng hơn, các NGO cũng sẵn sàng vào cuộc lần nữa... Tức là các công ty không còn thấy ngon xơi khi nhảy vào vùng Eastern Seaboard nữa. Họ phải lo xây dựng thiết bị xử lý khí thải, xử lý nước, xử lý chất thải nguy hại, v.v... Hoặc là đi kiếm ăn nơi khác!
Thế là có đề án 27 tỉ đô ở Bình Định. Việt Nam đâu có NGO mạnh bằng họ, tòa án mình đâu có được độc lập bằng họ, còn nhà nước hai nước tuy cũng có tham nhũng nhưng chính quyền họ sợ lắm rồi nên không dám dễ dãi ở Eastern Seaboard nữa, trong khi bên ta đang hồ hởi y như họ 30 năm trước bên đó!
Thế thì so sánh Eastern Seaboard bên Thái Lan và Bình Định thì thấy hãi hùng quá! Có phải chăng các công ty họ muốn chuyển ô nhiễm sang Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng hơn???
Hệ quả nhãn tiền đã có rồi: ô nhiễm do hạt nix của Hyundai Vinashin ở Ninh Hòa. Chỉ có 1 vấn đề, 1 loại ô nhiễm, mà nhà đầu tư cứ lằng nhằng mấy năm, dân kêu ca, báo chí phản ảnh, chính quyền địa phương chống chế, bộtrung ương vào kiểm tra... rối cả lên. Mai mốt đây, dự án khủng 27 tỉ đô với bao nhiêu thứ khí thải, nước thải, chất thải nguy hại thì ngăn chặn trước khi vấn nạn xảy ra và giải quyết sau khi xảy ra như thế nào?
Tôi gửi anh ít thông tin để tham khảo bước đầu. Tôi không có thông tin số liệu nào thêm. Có lẽ anh em mình bên Thái Lan biết rõ chi tiết hơn.
Đồng ý là phải có phát triển, phải có công nghiệp hóa, nhưng phải bền vững. Dự án 27 tỉ phải thật thuyết phục về mặt bảo vệ môi trường, phải chứng tỏ có thiện chí, có đạo đức chuyên nghiệp..., và riêng phần bên ta phải có cái tâm, cái tầm và dũng khí, đừng vì con số 27 tỉ đô mà rước hàng núi chất ô nhiềm vào đất nước mình, gây ra những vấn nạn không thể chữa nổi sau khi đã xảy ra, sức khỏe con người và chất lượng môi trường không hồi phục được, bị tàn phá vĩnh viễn.
Mặt khác, trong khi phản biện cần có công tâm. Bên Dầu khí Việt Nam phản đối có lẽ là do họ sợ dự án 27 tỉ chiếm mất lợi nhuận của họ. Đầu tư quy mô lớn thì giá thành mỗi đơn vị sản phẩm đương nhiên rẻ đi, Dầu khí VN có nguy cơ vì cạnh tranh không nổi! Lại thêm vấn đề chất lượng: nước ngoài đang cười nhạo ta vì nhà máy Dung Quất nói là hiện đại nhưng phải đóng cửa đến 25 ngày mỗi năm để lo sửa chữa, bảo trì! Làm ăn như thế thì thua thiệt là cái chắc!
Chứ nếu phản đối vì lý do môi trường thì hiện giờ ta chưa có cái gì làm bằng chứng, còn phản đối vì chuyện lỗ lãi hay khả thi thì họ sẽ bảo “Đây là chuyện của chúng tôi, lời ăn lỗ chịu là về phần chúng tôi!”
Điều cần phải làm là chuẩn bị về phía mình: những quy định pháp lý, những ràng buộc, những biện pháp dự phòng. Chẳng hạn: bắt họ ứng tiền vào quỹ môi trường, nếu họ gây ô nhiễm thì dùng tiền đó mà xử lý. Và phải có đủ dũng khí, cái tâm trong sáng mà “phạt! phạt!” thay cho “bắt! bắt!” Phạt rồi mà chưa có cải thiện thì phạt nữa, phạt mãi cho đến khi có cải thiện, đóng cửa khâu sản xuất của nhà máy cho đến khi cải thiện xong... Đánh vào hầu bao của họ để cho họ thấy chưa chắc bỏ bê môi trường mà có lợi về mặt tài chính. Chứ có phạt như vụ hạt nix thì chẳng ăn thua, họ thấy trả tiền phạt mà bỏ bê môi trường vẫn còn lời hơn!
Đôi điều gợi ý để anh trao đổi, đề xuất... với các chuyên gia, ban ngành... xem sao. Sẽ cần rất nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, mà tôi thì không có nhiều số liệu chuyên sâu nên không thể đóng góp gì hơn, chỉcó ít ý kiến nhỏ thế thôi.
Thân ái,
Diệp Minh Tâm
--------------
* Tham khảo:
2 tệp đính kèm — Tải xuống tất cả tệp đính kèm
--------------------- (Ts.TVT gửi BVB) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét