Bài học về công tác thi hành án dân sự
sau vụ ông Đoàn Văn Vươn
Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng trong thời gian vừa qua đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội cũng như các cơ quan Nhà nước. Dưới góc nhìn của cơ quan thi hành án dân sự, chúng tôi xin đưa ra một số bài học về công tác tư pháp địa phương sau vụ việc này.
1. Về việc thi hành án dân sự đối với ông Đoàn Văn Vươn
Căn cứ Bản án số 01/2010/HCST ngày 27/01/2010 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng, Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính số 02/2010/HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng; căn cứ Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 19/5/2010, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Lãng ra Quyết định thi hành án số 151/QĐ-THA, số 152/QĐ-THA về xử lý số tiền 400.000 đồng do gia đình ông Đoàn Văn Vươn nộp tạm ứng án phí, gồm: chuyển 200.000 đồng nộp án phí hành chính sơ thẩm, 100.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm và trả lại ông Đoàn Văn Vươn 100.000 đồng tiền tạm ứng án phí. Việc thi hành phần dân sự trong bản án hành chính đối với ông Đoàn Văn Vươn đã kết thúc theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, việc thi hành án dân sự liên quan đến ông Đoàn Văn Vươn do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Lãng thực hiện hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật về thi hành án dân sự.
Hai nạn nhân là hệ lụy oan khốc của thói tùy tiện, lộng hành về pháp luật |
Tuy nhiên, những sự việc phát sinh sau này liên quan đến việc thi hành phần quyết định hành chính trong bản án hành chính của Tòa án đã bộc lộ tính chất phức tạp của vụ việc nêu trên liên quan đến những vi phạm của cơ quan hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục thu hồi đất. Vì vậy, chúng tôi cho rằng: qua kinh nghiệm vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần lưu ý thực hiện hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật đối với các bản án, quyết định của Tòa án, nhất là đối với những vụ án phức tạp, dư luận không đồng tình. Theo đó, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cần nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện ra những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án và yêu cầu bằng văn bản gửi Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích. Trường hợp phát hiện thấy những vấn đề chưa phù hợp, bất thường hoặc phát hiện bản án, quyết định có sai lầm và có căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành, đặc biệt là những bản án, quyết định đã ban hành mà không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí thì phải kịp thời kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đó trước khi tổ chức thi hành.
Ngoài ra, cơ quan Thi hành án dân sự cần phải chú trọng thích đáng đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân, cơ quan, tổ chức; phát hiện, uốn nắn, khắc phục kịp thời những sai sót của cán bộ, công chức trong quá trình tác nghiệp và áp dụng thống nhất, có hiệu quả các quy định pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Về việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn
Với nhận thức luôn tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của người dân; mọi hoạt động của cơ quan, công chức nhà nước đều phải hướng tới lợi ích của nhân dân, từ vụ việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cần rút ra bài học sâu sắc về công tác cưỡng chế nói chung và công tác chỉ đạo, tổ chức cưỡng chế trong thi hành án dân sự nói riêng, cụ thể:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác giáo dục, vận động, thuyết phục đối với việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Vận động, thuyết phục là thủ tục không thể thiếu trong việc thi hành án, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và cả sự cảm thông, chia sẻ của những người có thẩm quyền đối với người dân. Cơ quan, cán bộ thi hành án cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội… làm tốt công tác này để người phải thi hành thông suốt về tư tưởng, tự nguyện và hợp tác trong việc thi hành nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, để người dân có thái độ hợp tác, các cơ quan hữu quan cũng cần đưa ra những biện pháp, phương án hỗ trợ, đảm bảo cho cuộc sống bình thường của họ sau khi thi hành án trong phạm vi pháp luật cho phép (như tạo điều kiện về chỗ ở tạm thời sau khi bị thu hồi nhà, đất…v.v).
Thứ hai, trong trường hợp đã dùng mọi biện pháp vận động thuyết phục mà người phải thi hành vẫn không hợp tác, vô cùng chống đối, chây ỳ thì cần xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Kế hoạch cưỡng chế được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu, điều tra kỹ tình hình, khả năng chống đối của đương sự; và phải chi tiết, cụ thể, dự liệu hết các tình huống tiêu cực có thể xảy ra như đương sự sử dụng vũ khí, manh động hoặc thậm chí tự sát, tự thiêu v.v… Đặc biệt, ngay cả trong khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, vẫn phải tiếp tục thực hiện công tác vận động, thuyết phục để hạn chế tối đa những xung đột có thể xảy ra.
Thứ ba, cán bộ, công chức, đặc biệt là những người thực hiện nhiệm vụ liên quan đến thi hành án phải luôn tự ý thức rằng cán bộ là công bộc của nhân dân, vì nhân dân, khi thực hiện nhiệm vụ phải luôn chí công, vô tư, luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; phải từ chối thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và người thân thích; không lợi dụng việc cưỡng chế thi hành án vì lợi ích cá nhân.
Bên cạnh đó, đối với công tác cán bộ, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành Thi hành án dân sự, đảm bảo các cán bộ, công chức trong ngành luôn trong sáng về tư tưởng, đạo đức, lối sống; gương mẫu trước nhân dân; tận tụy, trung thành với lợi ích của nhân dân, vì dân, gần dân, lắng nghe dân, giúp đỡ nhân dân; nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc được giao; có cách nghĩ cách làm năng động, sáng tạo, gần gũi, thiết thực với quần chúng.
Tóm lại, công tác thi hành án dân sự nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung trong sự nghiệp đổi mới, đi lên xã hội chủ nghĩa cần phải đảm bảo được quyền và lợi ích của nhân dân, như đúng lời Bác đã từng dạy: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, dầu khó đến đâu mặc lòng. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý...” (trích báo Cứu quốc, số ra ngày 12/10/1945, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002) .
Vụ Nghiệp vụ 2 – Tổng cục Thi hành án dân sự
------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét