Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

TÂM SỰ BỞI NHỮNG CƠ SỰ

BVB - Trưa nay, 6/5, chúng tôi nhận được những tâm sự bởi những cơ sự cần suy ngẫm:
Dear Anh Trường
             Đi đâu ở Úc đều thấy rõ sự nhân từ của con người. Mình đang loay hoay lạc đường, có người chạy tới hỏi ngay ‘Can I help you?’ rồi bằng mọi cách hướng dẫn cho mình, có khi còn lấy xe chở mình tới tận nơi. Mình bị hỏng xe, các xe khác đỗ lại ngay xem có giúp được gì không. Trẻ con trượt chân ngã, có người chạy ngay tới đỡ. Người đang giơ tay định đấm người khác, lập tức những người xung quanh sẽ xông vào ngăn cản. 
            Có kẻ nào đáng ngờ, người ta sẽ dùng điện thoại gọi ngay cho số khẩn cấp để báo. Nếu có trường hợp tai nạn trên đường, người ta dừng lại để giúp gọi xe cứu thương tới cứu người. Nếu có đụng độ, người đi ngang cũng sẽ giúp việc gọi cho cảnh sát tới can thiệp. Ở nước Anh, trong luật pháp còn có điều khoản quy định phạt những trường hợp thấy người khác bị nạn mà không cứu giúp. 
           Từ năm 1912, cách đây hơn 100 năm rồi lúc xảy ra vụ đắm tầu Titanic, có thuyền trưởng tầu khác bị cáo buộc là không kịp thời cho tầu tới cứu, cũng bị ra toà, mặc dầu không đủ chứng cứ buộc tội (vì vị này cãi rằng không biết việc tàu Titanic bị đắm) nhưng không khỏi bị ô danh. Đó là truyền thống luật pháp của xã hội trọng danh dự và cách xử sự đời thường của những con người giàu lòng nhân ái.
            Khi trở về Việt nam, em chọn Nha Trang vì thấy nơi đây hiền hòa hơn chính quê hương mình là Hà Nội. Nhưng ở đây vừa xảy ra hai sự việc làm em choáng quá: việc thứ nhất là người bạn Úc đi xe máy bị ngã xuống đường, máu chảy lênh láng, dòng người dòng xe vẫn cứ phóng qua như không có chuyện gì, không có một người nào dừng lại, không có một người nào tới giúp, không có một ai có một cử chỉ gì gọi là cứu giúp người bị nạn. Người đi đường dừng lại nhìn vì hiếu kỳ, tập trung đông nhưng cứ đứng yên trố mắt nhìn như nhìn một việc gì lạ mắt. Người bạn này sau đó cũng được xe cứu thương đưa đi bệnh viện, nhưng điều làm chị ấy hoảng sợ và sốc không nói lên lời là nhìn thấy đám đông người nhưng không ai tới giúp gỡ cái xe ra khi chị ấy bị xe máy đè lên người. 
           Việc thứ hai là vụ cướp túi xách trên đường phố đông người, người bị mất túi đứng sững, còn xung quanh cả người đi bộ lẫn đi xe đều dửng dưng chứng kiến, không một ai hô hoán, không một ai làm gì cả, ai cũng ngó lơ để kẻ cướp chạy mất. Hồi nhỏ là trẻ con thành thị về quê sơ tán, em thấy người ta có lòng tốt và thương cảm người khác hơn bây giờ. Nay hiếm được thấy con người vị tha mà thấy nhiều cảnh người ta dửng dưng thậm chí hung dữ với nhau chỉ vì những chuyện nhỏ mọn nên em rất buồn.
 Kim Chi
--------------------
Dear All
                Chuyện lớn của đất nước, Hội nghị TƯ 7 của Đảng đang họp bàn ở Hà Nội "trúng hay chệch" các vấn đề nóng bỏng của đất nước chỉ cần vào mạng xã hội sẽ thấy được "ý Đảng-lòng Dân"! Có người bảo nên đọc Tấn Thư của Chệt để suy ngẫm.
              Xưa kia nếu thất bại bất cứ chuyện gì cũng đổ cho ĐQPK (đế quốc phong kiến), gần đây có xu hướng đổ cho BĐKH (biến đổi khí hậu). Nếu để tình trạng như hiện nay nguồn nhân lực chủ yếu ở Tổng cục Thủy lợi Bộ Nông nghiệp & PTNT, trong khi chức năng lại ở Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa chồng chéo lãng phí, chưa nói đến khâu "tiền mất, tật mang"! Cho nên TƯ bàn về chuyên đề biến đổi khí hậu nước biển dâng là điều dễ hiểu.
           Về việc bầu bổ sung 2 vị mới vào Bộ Chính trị (ông Thiện Nhân và bà Kim Ngân), đa số Ủy viên TƯ không theo xu hướng Orthofox (chính thống) nữa vì họ muốn sống thật với mình hơn. Ông Thiện Nhân chẳng để lại dấu ấn gì cho ngành giáo dục và KHCN nhưng theo cơ cấu để phụ trách dân vận thì phải? Bà Kim Ngân vẫn là bộ mặt sáng sủa của giới quần thoa sau bà Tòng Thị Phóng.
                 Hai ông tân trưởng ban được Bộ Chính trị giới thiệu nhưng khi bỏ phiếu đều trật. Ông Bá Thanh có tâm nhưng chưa đủ tầm, chưa ra TƯ đã đe bắt hốt. Bài học rút ra là đừng để người ta ghét và sợ mình. Ông Vương Đình Huệ thì khỏi phải bàn vì uy tín ngày càng tệ!
Sau khi viết 2 bài "Quản lý vàng thất bại đươc báo trước" và "Thủ phạm vàng hóa nền kinh tế" tôi không có ý định bàn thêm về câu chuyện Vàng. Nhưng hôm qua nghe ông Thống đốc Bình trong mục "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời", là người dân tôi phải nói lại để cho ông hiểu rằng chính sách quản lý vàng vừa qua là sai nhiều hơn đúng có nghĩa là sai từ quan điểm đến cách làm cụthể cho nên trả lời của ông thống đốc không thuyết phục đươc người dân.
          Trước hết, khách quan nhận xét, đồng ý với ông Thống đốc khi không cho hai thị trường liên thông, tức là không cho tự do nhập vàng tiền tệ thì tất nhiên giá vàng ở trong nước và giá vàng trên thế giới phải khác nhau. Về ý kiến nếu cho nhập vàng thì sẽ mất ngoại tệ nên hiểu là chúng ta muốn kiểm soát ngoại tệ thì không thể không kiểm soát nhập vàng. Chúng ta cần capital control (kiểm soát dòng chảy tư bản) chứ không thể để tự do. Bài học nhãn tiền Thái Lan, Indonesia, và Hàn Quốc đã gần chết vì để tự do dòng chảy tư bản. VN có lúc cho tự do đã đẩy giá chứng khoán lên trời, sau đó suy sụp vì tiền nước ngoài rút ra.
               Cái sai của ông Thống đốc khi nói cần ổn định giá thị trường vàng. Vấn đề không phải là ổn định thị trường vàng mà ổn định giá cả nói chung trong nước (tức là phải có chính sách giữ lạm phát thấp). Ổn định giá sẽ tạo sự ổn định ở thị trường khác. Nếu lạm phát không thấp thì không thể ổn định được thị trường ngoại hối. Ngày nào đó giá vàng thế giới từ 1400 đô la hiện nay xuống 800 đô la thì ông Bình có đặt vấn đề ổn định giá vàng không? Và nếu mà cán cân thanh toán thiếu hụt quá lớn thì ông Bình có ổn định ngoại hối không?
              Cần nhớ rằng khi các tổ chức tín dụng hoàn thành việc đóng trạng thái vàng, khi thực hiện xong việc "tái xuất vàng trang sức và tạm nhập vàng nguyên liệu" vv...thì các vấn đề cân đối lớn liên quan đến vàng được bộc lộ nguyên hình thì lúc đó tất cả những vấn đề mà ông Thống đốc nêu là thành công hôm nay sẽ là con số không tròn trĩnh!
            Chuyện "nhỏ" của đất nước (tôi để trong ngoặc kép) là văn hóa ứng xử của người Việt qua lá thư của tiến sĩ luật sư Kim Chi gửi từ Nha Trang. Kim Chi đã từng tham gia nhiều buổi tọa đàm giúp phiên dịch cho Thủ tướng Úc với các nguyên thủ Việt Namkhi sang thăm Úc. Câu chuyện của Kim Chi kể "mắt thấy tai nghe" ở Nha Trang dưới đây là chuyện thường ngày ở Huyện, đúng là buồn thật.
              Từ chuyện nhỏ, ta có thể nhìn ra những chuyện lớn lao của đất nước.
Tô Văn Trường
----------------------
Vẫn phải coi chừng
                Chiều 25-4-2013, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại quận Hải Châu (Đà Nẵng), ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính trung ương cho biết, ông xin thôi chức trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng.
Theo ông Thanh thì ông Huỳnh Nghĩa, hiện phó Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng sẽ thay ông giữ chức vụ trưởng đoàn. Tuy nhiên, việc ông chính thức thôi giữ chức trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đang chờ Ủy Ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp sắp tới.
                Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cũng bày tỏ bức xúc trước nạn công chức "ăn cắp" giờ công, nhũng nhiễu, ông Thanh nói: "Tình trạng công chức lơ là công việc vẫn xảy ra một vài địa phương và đang nơi đang ra sức chấn chỉnh. Còn vấn đề cử tri hỏi tại sao công chức "rên" lương thấp mà vẫn mua được nhà, sắp được ô tô thì tôi xin trả lời là hiện nay vẫn phải thừa nhận một vài nơi có tình trạng cán bộ hưởng lương ít nhưng khi làm người này người khác cũng dúi cho phong bì phong bao nên cũng khá lắm. Nhưng cũng nói thật nghe, phải coi chừng đó, chứ một ông chủ tịch UBND tỉnh trong miền Nam có xôn xao léng phéng với một cô gái, Bộ Chính trị vừa có ý kiến cho nghỉ luôn đó, không đùa đâu".

-------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét