* MINH DIỆN
Năm kia về thăm quê, tôi được mời dự lễ khởi công nạo vét dòng sông Câu Lâu. Đó là công trình không lớn, được ngân sách nhà nước đầu tư vài tỷ đồng. Ban lãnh đạo xã tỏ ra vô cùng hồ hởi.
Lễ khởi công hoành tráng, rực rỡ cờ hoa. Bí thư đảng ủy Lê Trần Vũ diện comple, khuôn mặt vuông vức rạng ngời, mái tóc muối tiêu, cặp mắt long lanh trong tròng kính trắng, cất giọng sang sảng đọc bài diễn văn dài năm trang giấy trước khi bổ nhát cuốc đầu tiên. Bí thư đảng ủy nói:
- Nạo vét sông Câu Lâu ngoài mục đích lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng, còn khơi dòng văn hóa giàu bản sắc dân tộc Việt Nam của quê hương ta, dòng sông như dòng suối Lê Nin, mang tư tưởng Hồ Chí Minh bồi đắp mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của quê ta!
Mấy trăm người đứng vòng trong vòng ngoài trên bến sông, vỗ tay rào rào. Dòng sông bị cạn kiệt mấy chục năm, đã biến thành con lạch nhỏ, giờ sắp được khơi thông . Người dân làng tôi hy vọng như vậy, và bỗng nhớ lại quá khứ huy hoàng của dòng sông quê hương. Dòng sông Câu Lâu bắt nguồn từ sông Thái Bình, chảy qua nhiều miền quê, đến làng Đại Điền quê tôi rồi xuôi ra biển Đông. Hai bờ sông làng xóm quần tụ, xanh ngắt bờ tre, bãi mía, nương dâu. Sông dẫn nước tưới hàng ngàn mẫu ruộng vườn, và là nguồn tôm cá cung cấp cho dân làng.
Ngày xưa nước lên xuống đều đặn theo thủy triều. Khi nước lên, dòng sông đầy ắp, ghe thuyền xuôi ngược. Những con thuyền vào tận bến Câu Lâu, chở cói khô về Hưng Nhân bán cho phường dệt chiếu. Những lá buồm cánh dơi no gió lướt trên sông, in trên nền trời vàng rực ráng chiều. Khi nước xuống từng đàn cá thoi loi dương cặp mắt thao láo đùa nghịch , vật nhau trên bãi cát...
Tôi nhớ những mùa rươi, đến hẹn lại lên, tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm , trời hây hẩy gió thu , rươi nổi kín mặt sông. Dân làng chèo ghe ra vớt rươi lúc rạng đông. Ánh đuốc như sao sa, tiếng khua dầm chèo ghe hòa với tiếng gọi nhau, tiếng cười nói râm ran trên sông nước.
Rươi là món ăn nổi tiếng quê tôi. Rươi sào lá gừng, rươi làm chả , làm mắn. Ngày xưa tết đến ,làng tôi nhà nào cũng có hũ mắm rươi. Những chén mắm rươi đặc quắn, mịn màng, đỏ tươi như lòng đỏ trứng gà, nức mùi thơm ngậy, không thể thiếu trong mân cỗ tết . Có câu ca truyền khẩu về đặc sản mắm rươi quê tôi : Hành muối mà chấm mắn rươi / Mười người ăn, cả mười người khen ngon!.
Nhờ dòng sông Câu Lâu dân làng tôi cày cấy một năm hai vụ, có những giống lúa ngon nổi tiếng như tám thơm , di hương, nếp cái hoa vàng. Dòng sông Câu Lâu cũng in đậm dòng chảy văn hóa suốt ngàn năm.
Thành Hoàng làng tôi nguyên là một tướng quân nhà Trần. Ông chỉ huy đánh giặc Nguyên Mông , tử trận, xác trôi về bến Câu Lâu. Dân làng mai táng, lập miếu thờ, tôn vinh ông làm Đức Thành Hoàng. Ngôi miếu thờ Thành Hoàng trang nghiêm quay mặt ra sông, do dân làng góp tiền, góp công xây dựng. Tấm văn bia đá cũng do dân làng tạc , ghi công đức của Ngài . Mấy trăm năm qua, ngôi miều thờ giản dị, mái ngói tường vôi, vẫn uy nghiêm soi bóng xuống dòng sông, dân làng thành tâm hương khói . Người anh hùng vì nước vì dân, được dân tôn vinh, tên tuổi trường tồn, khác những kẻ tranh công đổ tội, giá áo túi cơm, dẫu lăng tẩm , đền đài nguy nga, mà chả đọng lại trong lòng dân chút ngưỡng vọng nào!
Cách miếu thờ Thành Hoàng không xa là đình làng , cũng quay mặt ra sông . Đó là ngôi đình được xây dựng cùng thời với Chùa Keo , thành phố Thái Bình, với những cây cột trụ gỗ lim đặt trên đá tảng . Mái đình lợp ngói, đao đình cong vút uyển chuyển , những lá võng, hoành phi , câu đối chạm khắc tinh vi...
Cạnh đình là chùa Phúc Nguyên, xây dựng tử đời Lý, với những pho tượng gỗ sơn son thiếp vàng . Cạnh chùa là miếu thờ Công chúa Ngọc Hoa , người con của quê hương, đã dạy dân làng trồng dâu, nuôi tằm dệt vải...
Ngày xưa , hàng năm làng tôi mở Hội vào ngày 10 tháng Ba âm lịch, trùng ngày giỗ tổ Vua Hùng. Các giáp trong làng sắm lễ vật, tổ chức rước kiệu Đức Thành Hoàng từ miếu ra đình tế lễ suốt mấy ngày đêm. Tượng Đức Thành Hoàng uy nghiêm ngồi trên kiệu, bên cạnh chiếc tráp sơn son thếp vàng , trong đó có tờ hương ước của làng. Kiệu Ngài đặt trên thuyền rồng , xuôi dòng sông Câu Lâu . Năm nào cũng vậy, khi sắp tới bến Câu Lâu , kiệu lại xoay tít giữa dòng sông cuộn sóng.
Chuyện kể rằng, ngày xưa khi các bô lão đang bàn tạc tượng Thành Hoàng , thì tự nhiên có một cây gỗ quý từ thượng nguồn trôi về. Các cụ cho rằng đó chính là vị tướng Trần tử trận hóa thân, nên kêu gọi trai tráng các giáp trong làng ra vớt gỗ về tạc tượng Ngài. Giáp vớt được cây gỗ quý được gọi là giáp cả, và từ đó một bản hương ước đã ra đời. Bản hương ước ấy luôn để bên cạnh bức tượng Đức Thành Hoàng, mỗi năm chỉ mở ra một lần , theo nghi thức trang nghiêm : Sau khi tổ chức tế lễ , xin âm dương cầu Đức Thành Hoàng linh ứng, rồi một người đức cao vọng trọng đọc bản hương ước cho mọi người nghe, và hỏi có cần thêm bớt điều gì , thì cùng nhau bàn bạc để sửa chữa cho hợp lòng dân. Đó là tục lệ của làng tôi , để duy trì kỷ cương, phép tắc trên nguyên tắc cùng tồn tại trong một cộng đồng thân thiện , trong họ ngoài làng, tắt lửa tối đèn có nhau, lấy nhân , nghĩa, lễ , trí, tín làm gốc ...
Bản hương ước của làng tôi bị đốt vào một buổi chiều mùa Thu năm 1952, khi tôi vừa tròn sáu tuổi.
Tôi còn nhớ mang máng cảnh phá tề, diệt ngụy ngày ấy. Bộ đội đột về làng , bóng mũ nan, áo trấn thủ thấp thoáng khắp nơi . Công sự đào chi chít dưới bờ tre, nòng súng lô nhô chĩa về bốt giặc. Rồi tiếng súng nổ giòn, tiếng bộc phá ùng oàng suốt đêm, ánh lừa bập bùng . Sáng ra cờ đỏ sao vàng mọc lên khắp nơi, bến Câu Lâu đông nghịt người các nơi đổ về, tập trung ở đình làng xử tội bọn Việt gian phản động. Lý trưởng đồng thời là trưởng hội tề Mai Đức Huỳnh bị giết. Bản hương ước cũng như toàn bộ giấy tờ , sồ sách địa bạ, tô tức bị đốt sạch. Cán bộ Việt Minh lên kể tội bọn Việt gian, phản động và chế độ phong kiến thối nát. Tôi nhớ mãi bài thơ kể tội linh mục Mai Đức Tín, có đoạn như sau:
Trùm phản động là Mai Đức Tín
Theo giặc Tây đội lốt thày tu
Bắt người chém giết cầm tù
Đoạt nơi thờ phượng làm lò sát sinh
Dùng đủ mọi nhục hình tra tấn
Tra tấn xong chúng lại chém tươi
Mỗi khi tên Tín reo cười
Ấy là hàng chục xác người ra ma
Người thỉ xác phanh ra nhiều mảnh
Người thì đem đanh đóng giữa đầu
Người thì chôn xuống hố sâu
Người đứng trên cầu chém quẳng xuống sông ...
Bây giờ nhìn lại, tôi cũng như mọi người, đều biết đó chỉ là một bài thơ tuyên truyền, giống những câu thơ của Tố Hữu : “Điện giật, dùi đâm, dao cắt , lửa nung”, hay chuyện “Mỹ -Diệm kéo lê máy chém khắp miền Nam ” giết người vô tội. Nhưng lúc đó tôi mới sáu tuổi, cũng như những đứa trẻ khác, tin bài thơ ấy nói lên sự thật,và cảm thấy hả hê khi nhìn xác ông Mai Đức Huỳnh bị cột vào thân cây chuối, thả trôi trên sông Câu Lâu. Người lớn cũng hả hê nhìn ngọn lửa đốt hương ước và giấy tờ, sổ sách ghi nợ nần, sưu thuế rừng rực cháy. Hả hê vì chế độ thực dân phong kiến trói buộc họ đã chấm dứt, mở ra một thời kỳ mới tự do, hạnh phúc hơn!
Tôi lớn lên trong bầu không khí ấy, và cầm súng ra mặt trận như bao thanh niên làng Đại Điền, với lời hứa “Ra đi mang nặng lời thề, chưa tan giặc Mỹ chưa về quê hương!”. Những năm tháng chiến tranh , gian khổ và hy sinh chất chồng, những người lính chúng tôi tâm niệm câu nói của Bác Hồ : “Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, chúng ta xây dựng lại đất nước đàng hoàng , to đẹp hơn!”.
Ước mơ ấy đã thành hiện thực , vào ngày 30-4-1975, khi lá cờ chiến thắng phấp phới bay trên nóc dinh Độc Lập, mà chúng ta gọi là dinh lũy cuối cùng của chế độ ngụy quân, ngụy quyền bán nước. Gần bốn mươi năm rồi!
Con đường làng ngày xưa ngoắt ngoéo, mưa lầy lội, giờ đã mở rộng, tráng xi măng. Những căn nhà đúc thay thế mái tranh vách đất. Đêm ánh điện thay ánh đèn dầu hỏa tủ mù . Xe máy , TiVi trong mỗi gia đình...Quê tôi bây giờ so với trước cách mạng tháng Tám 1945, nhờ ơn đàng, Bác đã thay da đổi thịt.
Nhưng nếu có dịp đến một vài nơi trên trên thế giới , xa như Austalia, gần như Thái Lan , Singapore , thì ta mới như sực tỉnh cơn mê, ngộ ra rằng , họ giàu có hơn ta gấp vạn lần. Và không chỉ giàu vật chất, mà quý giá hơn là truyền thống văn hóa, đạo đức.
Ở xứ họ , từ một ngôi nhà cổ, đến một điệu nhảy dân tộc thời xa xưa đều được giữ gìn như báu vật, ngược lại ở ta, cụ thể quê tôi, truyền thống ấy mỗi ngày một ngèo đi, mất đi, bởi sự rẻ rúng và cả những bàn tay đập phá phũ phàng!
Cụ Nguyễn, hơn tám mươi tuổi, từng làm thủ từ đình làng, nói với chúng tôi:
-Trải qua cuộc chiến tranh chống Pháp , và chiến tranh phá hoại của Mỹ, ngôi đình làng ta không hề suy suyển một cục gạch, viên ngói. Bọn Tây có lần chiếm đóng , nhưng chúng không dám bén mảng vào đình làng. Ấy thế mà mấy ông cộng sản đập phá tuốt...
Nghe cụ Nguyễn kể chuyện phá đình, đốt tượng tôi cảm thấy rợn tóc gáy.
Ấy là năm 1977. Đảng ủy xã tôi họp bàn ra quyết định phá đình , lấy vật liệu xây trạm xá, nhà trẻ. Lý do họ đưa ra, là ngôi đình gắn với chế độ phong kiến, trước kia là nơi bọn cường hào ác bá tập trung tiệc tùng, bày mưu tính kế hà hiếp nhân dân, giờ là nơi phát sinh tệ nạn mê tín dị đoan. Không thể để tồn tại sản phẩm của chế độ phong kiến, thực dân , dù bất kỷ hình thức nào dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Phá đình lấy gỗ, gạch , ngói xây trạm xá, nhà mẫu giáo , là nhất cử lưỡng tiện. Nghị quyết đàng ủy ban hành ,duy nhất đúng đắn, chẳng ai dám cãi .
Thế là ào ào đập phá. Ngày xưa, cha ông xây dựng ngôi đình ròng rã sáu năm, bây giờ với búa tạ, xà beng, máy ủi, con cháu chỉ cần ba ngày là san thành bình địa.
Phá đình xong, chỉ có một ít cột, kèo , cánh cửa gỗ lim , được cưa xẻ , làm căn nhà trẻ ba gian và ngôi trạm xá hai gian, còn phần lớn biến thành cột nhà, cánh cửa, giường tủ, bàn ghế của bí thư, chủ tịch,và những cán bộ đầu ngành xã. Ai cũng có phần, bét nhất là hòn đá tảng về làm bậc cầu ao rửa chân.
Phá đình xong thì đốt tượng chùa. Ngôi chùa Phúc Nguyên tồn tại mấy trăm năm, thờ Phật, thờ Đức Thánh Trần, thờ Ngọc Hoa công chúa. Những pho tượng được tạc bằng bàn tay của những nghệ nhân tài ba ,đã tồn tại mầy trăm năm, đẫm màu thời gian và linh thiêng, bị mang ra đốt. Nhà sư trụ trì phản đối ,bị còng tay bắt giam. Họ nói dối dân rằng tượng bị mối mọt nên phải tiêu hủy.
Cụ Nguyễn kể:
-Người ta định phá miếu thờ Thành Hoàng , nhưng cháu ông bí thư đàng ủy bị bất đắc kỷ tử nên sợ không dám phá!
Anh thanh niên ấy gọi bí thư đảng ủy bằng chú ruột, nghe đồn râu Đức Thành Hoàng làm bằng đồng đen, qúy hơn vàng, ban đêm lẻn vào miếu, bắc thang leo lên nhổ trộm râu Ngài. Chưa nhổ được cọng râu nào, bị trượt chân rơi xuống, hộc máu chết tươi. Cả làng đồn ầm lên rằng Đức Thành Hoàng vật chết cháu bí thư đảng ủy.
Không phá được miếu thờ Thành Hoàng, họ ra tay phá ngôi đền thờ long mạch của làng, họ đào sâu ba thước đất , moi hòn đá yểm lên cho vào lò nung vôi. Tiếp theo là chiến dịch đào mổ cuốc mà tập trung hài cốt về nghĩa trang, cải tạo đồng ruộng, đắp đập chặn nguồn sông Câu Lâu ngăn lũ lụt chủ động tưới tiêu, biến dòng sông thành con lạch sình lầy tù đọng ...
Nhà văn Nga Rasul Gamazatov viết : “ Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục , thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác!” .Với quyết tâm làm ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua, thực hiện nếp sống mới xã hội chủ nghĩa, đảng, chính quyền xã tôi đập phá không thương tiếc tất cả những gì lịch sử để lại ,và họ đã và đang phải trả giá cho sự ấu trĩ của mình...
Ruỹnh, một người bạn từng mò cua, bắt ốc, đánh dậm vớt rươi trên dòng sông Câu Lâu với tôi hồi trẻ con, giờ là một thương binh, làm nghề hát xẩm. Ruỹnh rủ tôi vào thăm Nhà văn hòa thôn. Ngôi nhà ba gian, lợp tôn, tường xây, trên nền cũ đình làng, chất đầy băng, cờ khẩu hiệu, tranh cổ động. Nó đích thực là một kho phế liệu. Không có quyển sách,tờ báo nào trên những chiếc giá gỗ bụi bặm.
Chiến, chủ nhiệm Nhà văn hóa, đang cởi trần lau những dòng chữ viết bằng phấn màu trên tường. Tôi đã nhìn “Những bức tường chửi ở Hà Nội” đăng trên Blog Trương Duy Nhất, thật buồn cho nếp sống văn hóa Thủ Đô. Nhưng so với những dòng chữ chửi bới, tán tỉnh tục tĩu, bằng cà tiếng nước ngoài viết trên tường Nhà văn hòa làng tôi, thì quả thực đất kinh đô ngàn năm văn hiến còn thua xa. Tôi không dám ghi lại những lời tục tĩu, tởm lợm, lòng nhói đau tự hỏi, một vùng quê vốn hiền lành tôn trọng nhân nghĩa lễ trí tín, mà bây giờ lai căng hỗn láo thế này ư?
Tôi hỏi Chiến:
- Bọn nào viết bậy bạ vậy chú?
- Bọn công nhân xưởng may, xưởng dày, bọn con nghiện ma túy...
- Bọn nó ở đâu tới?
- Dân làng mình chứ ai?
- Sao không có biện pháp giáo dục?
Chiến nhìn tôi như từ trên trời rơi xuống:
- Giáo dục, nó đục bỏ bà! Bọn chúng có băng đảng, xài vũ khí nóng, sẵn sàng băm vằm mình. Ở quê bây giờ có hội đâm thuê , chém mướn chứ anh tưởng bỡn?
- Chính quyền chịu bó tay à?
- Chẳng những bó tay mà có khi còn sử dụng bọn chúng nữa kia. Vừa qua họ đã huy động hàng chục tên du côn đi cưỡng chế đất đấy.
Chúng tôi đang nói chuyện thì một thanh niên phóng xe gắn máy vào sân. Khuôn mặt hắn non choẹt , tóc cắt bờm, nhuộm nừa đỏ , nừa vàng, mặc quần lửng, áo ba lỗ, phơi bộ ngực có hình xăm con đại bàng mỏ nhọn hoắt. Hắn hỏi Chiến:
- Hôm qua đứa nào viết tin phát thanh ổ mãi dâm đầu cầu?
- Tao không biết! Chiến đáp.
- Ông là chủ nhiệm Nhà văn hóa thông tin, sao không biết?
Chiến phải vuốt xuôi:
- Đài phát thanh cảu xã chứ không phải thôn, mày lên xã mà hỏi!
- Địt mẹ! Tụi tôi mà biết thằng nào viết lăng nhăng cho tí tiết liền!
Thằng thanh niên nhổ một bãi nước bọt vào giữa mặt Chiến, rồ máy xe phóng đi
Chiến ấm ức nói với chúng tôi:
- Đấy ! Bây giờ bọn thanh niên khốn nạn thế. Hôm trước có một bác đi xe hơi qua làng, chúng có giả vờ đâm Honda vào gây sự và bắt bồi thường năm triệu bạc! Nhà văn hóa là một trong mười chín tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới. Bình quân mỗi khẩu phải đóng góp 100.000 đồng, hoặc 15 kg thóc để xây dựng, xây xong , không có kinh phí hoạt động , biến thành nơi tụ tập quậy phá của lũ mất dạy đó...
Chiến nói với tôi và Ruỹnh:
- Hy vọng nạo vết sông Câu Lâu, lấy lại phong thủy, may ra nếp sống văn hóa mới khôi phục!
Hơn ba năm kể từ ngày đó.
Lần này về thăm quê, tôi thất vọng hơn khi nhìn dòng sông Câu Lâu vẫn chằng khác ba năm trước là bao. Vẫn nhỏ như con rạch, phủ kín lục bình .
Chiến nói với tôi, giọng bất cần:
- Gần hai tỷ đầu tư vào dự án, chúng nó đớp tỷ rưỡi, còn đéo đâu mà nạo với vét? Anh nhìn xem, cái Nhà văn hóa cũng sập mẹ nó rồi!
Chiến cho biết từ trưởng thôn, bí thư chi bộ, chủ tịch, bí thư đảng ủy xã, đến lãnh đạo mấy phòng ban trên huyện, trên tỉnh phòng chia chác số tiền dự án nạo vét sông Câu Lâu, nhưng chỉ mấy thằng cấp dưới ra tòa, bị phạt án treo, còn những người khác chỉ xử lý hành chính.
- Hết hy vọng rồi anh ạ! Dòng sông vẫn cạn, chưa được khơi thông, phong thủy làng ta còn u ám lắm!
Chẳng lẽ sông Câu Lâu lại trở thành sông ‘Câu Tiền’?
Tôi nhìn ngôi nhà văn hóa đổ nát, nhìn dòng sông Câu Lâu như con mương, suy nghĩ mông lung. Dòng sông xưa đã cạn khô mất rồi, bỏ ra vài tỷ bạc, lại giao cho một lũ tham quan thì phỏng có ích gì? Muốn dòng sông Câu Lâu rộng mở, ăm ắp nước, lên xuống theo quy luật của thủy triều, thì hãy ra tay đập bỏ cái đập ngăn ở thượng nguồn đi, đập nát như cái bức tường Berlin bên nước Đức, để dòng thác tự do cuồn cuộn chảy, chính dòng thác đó sẽ cuốn trôi hết rác rười bọt bèo, cuốn trôi cà lũ tham quan!
Tôi nói với Ruỹnh điều đó, và Ruỹnh cất tiếng hát:
“Tiếc thay hạt gạo tám xoan
Thổi nồi đòng điếu lại chan nước cà!”
Tiếc thân em xinh đẹp nõn nà
Vẹn toàn đức hạnh mẹ cha cưng chiều!
Yêu người tử tế không yêu,
Trao thân cho kẻ phiêu lưu dối lừa!
Trao thân cho kẻ dối lừa
Tương lai mờ mịt gió mưa bão bùng...
Tôi nhìn khuôn mặt đen sạm của Ruỹnh, thấy mấy hạt nước mắt hiếm hoi. Hắn vốn hay khóc, nhưng giờ hình như nước mắt cũng đã cạn như dòng sông Câu Lâu. Cái kiểu làm ăn này, các nguồn tiền đầu tư, kinh phí do nhà nước 'rót' xuống có lẽ còn cạn nhanh hơn vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét