Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

MANG LẠI GÌ, ĐI ĐẾN ĐÂU?

* BÙI VĂN BỒNG
             BVB - Đọc bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 7 sáng ngày 2-5, ai cũng ngạc nhiên: Tại sao cho đến bây giờ mà TBT còn phải nêu ra định nghĩa “Hệ thống chính trị là gì?”.
Chẳng lẽ 83 năm rồi, lịch sử Đảng kéo gần cả thế kỷ, mà nay các Ủy viên Trung ương còn mơ hồ, chưa nhận diện ra, để TBT phải giải thích lại? Do các Ủy viên Trung ương chưa hiểu, cố tình quên, hoặc quên rồi? Hay vẫn nếp quen giáo án, giáo trình đã thấm đậm trong phong cách phát biểu của TBT, một giáo sư lý luận Mác-Lê-nin? Cái gì cũng phải đi từ đặt vấn đề, khái niệm, định nghĩa cho đến trình bày, phân tích, diễn giải rồi giải pháp?

Sau Hội nghị Trung ương 6, một hội nghị mà dư luận đã đánh giá là thất bại nặng nề, ê chề của người khởi xướng và đề ra Nghị quyết Trung ương 4, một Hội nghị coi như ù xọe, hòa cả làng, ai cũng tốt, từ Bộ Chính trị trở xuống không ai phải xử lý kỷ luật, chỉ là xác định rõ: “Trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ”, rồi thì là: Đạt mục đích “cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe”.
Nguyện vọng của phần nhiều đảng viên và quần chúng chỉ mong rằng: Rút kinh nghiệm qua 3 Hội nghị 4,5,6 và cả Hội nghị mở rộng cán bộ toàn quốc năm ngoai, thì Hội nghị TW 7 lần này phải xoáy vào những gì là cấp thết, là bức xúc của dân, nghĩa là mong một Hội nghị “ra tấm ra miếng”. Nhưng, xem ra chỉ có 9 ngày, mát đi ngày khai mạc, ngày bế mạc, mà có đến 6 vấn đề lớn. Bình quân mỗi ngày bàn thảo một vấn đề. Sao mà đưa ra một “lẩu thập cẩm “ vấn đề như vậy chỉ trong một Hội nghị ngắn ngày? Chắc chắn, cái gì rồi cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” may bay ngang chiều, lớt phớt vậy thôi. Chẳng đi dến đâu, không ăn hằm gì, không giải quyết được vấn đề gì, nhất là những vấn đề bức xúc, cấp thiết, thời sự nóng hổi. Tình hình là đang… rất tình hình, hội nghị cũng chỉ để mà hội nghị mà thôi. Có “hội” đấy, nhưng sẽ chẳng “nghị” được gì cho ra tấm ra miếng ra môn ra khoai!
Trong 6 cái gọi là “vấn đề lớn” ấy, vấn đề thứ nhất là : “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
Sau khi định ngĩa, giải thích, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: …”vì sao ở một số nơi vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng chưa được phát huy đầy đủ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chậm được nâng cao; việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa mạnh, tình trạng "hành chính hóa " chậm được khắc phục?... Việc phân cấp của Trung ương cho chính quyền địa phương, của cấp trên đối với cấp dưới nhìn chung chưa thật hợp lý; có lĩnh vực quá rộng, thiếu sự kiểm tra, giám sát, ảnh hưởng đến sự quản lý thống nhất cả nước; có lĩnh vực lại quá hẹp, không phát huy được quyền chủ động, tính năng động, sáng tạo của địa phương. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện sau khi sắp xếp lại tuy có giảm đầu mối trực thuộc ủy ban nhân dân nhưng lại tăng các đơn vị bên trong các sở, ngành. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường…Số các hội quần chúng được lập mới vẫn tăng nhanh, một số hội đề nghị có biên chế cán bộ, công chức và hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước,”...
            Hệ thống chính trị từ Mặt trận Tổ quốc đến các đoàn thể quần chúng biết bao năm nay chỉ tồn tại như một thứ trang sức, chẳng có quyền hành gì, nhưng quyền lợi và ngốn kinh phí thì không ít. Tất cả đều phải răm rắp tuân theo nghị quyết đảng, làm theo lãnh đạo, hoạt động theo chỉ đạo, báo cáo theo hướng dẫn. Nhất nhất cái gì cũng phải chờ 'cấp ủy chỉ đạo', 'xin ý kiến thường vụ'...Thử hỏi, khi các đoàn thể, tổ chức quần chúng, kể cả Hội đồng nhân dân chủ động một hoạt động nào đó, hoặc có ý kiến khác, liệu rằng cấp ủy, thường vụ có nhất trí không? Ý kiến có được tôn trọng hay không? Đảng yếu thì hệ thống chính trị yếu, không đổ lỗi tại “khách quan, biện chứng” nào cả. Mọi hoạt động đều phải "dưới sự lãnh đạo, dưới ánh sáng nghị quyết của đảng", thế thì đảng còn đi hỏi ai?
Thực ra, đọc những “lô xích xông” câu hỏi trên đây của TBT, ai cũng ngao ngán: Hệ thống chính trị là do đảng sinh ra, tổ chức, biên chế, giám sát hoạt động, nhà nước chi ngân sách tốn kém, vậy mà nay đến TBT cũng không biết vì sao yếu, vì sao tồn tại như hình thức, vì sao hoạt động kém hiệu quả! Trong khi đó, biên chế ngày càng phình to, tổ chức cồng kềnh, cuối cùng  không giúp ích gì cho đảng, cho dân, cho đất nước. Tốt nhất, TBT và Bộ Chính trị nên hỏi chính mình, tự mình lý giải, mắc mớ gì đưa ra Hội nghị nói qua quýt cho xong chuyện? Một hội nghị Trung ương đưa ra vấn đề lớn, tầm ảnh hưởng chính trị-xã hội sâu rộng, thực trạng nhiều hệ lụy ách tắc đang đặt ra, nhưng chỉ nêu lên và bàn thảo một ngày, rốt cuộc mang lại được gì? Đi đến đâu?
BVB
------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét