Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Chống tham nhũng - LÊ THÊ “CÔNG TRÌNH THẾ KỶ” !

 
* BÙI VĂN BỒNG
            Tính từ sau năm 1975, giải  phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nghị quyết Đại hôi IV (12-1076) của đảng đã đã xác định: “Xóa bỏ chế độ người bóc  lột người. Lam theo năng lực, hưởng theo lao động. Kiên quyết và kịp thời loại ra khỏi Đảng những phần tử thoái hoá, biến chất và những người không đủ tư cách đảng viên. Những cán bộ mà phẩm chất chính trị hoặc năng lực công tác không tương xứng với trách nhiệm cần được sắp xếp lại cho hợp lý. Phải giữ vững kỷ luật nghiêm minh của Đảng.
Luôn luôn tăng cường sự liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Cán bộ và đảng viên phải lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của quần chúng, kiên quyết chống bệnh quan liêu. Tổ chức cho quần chúng tham gia xây dựng Đảng, góp phần kiểm tra sự hoạt động của Đảng, kiểm tra công tác và phẩm chất của cán bộ, đảng viên”
               .Hiện nay, đảng CS Việt Nam đã có trên 3,6 triệu đảng viên, một lực lượng “lãnh đạo cách mạng’” rất đông đảo,  hùng hậu. Còn nhớ năm 1986, toàn đảng có gần 2 triệu đảng viên với trên 10 vạn chi bộ. Tại Báo cáo Chính trị Đại hôi VI của đảng (4-1986) nêu rõ một thực trạng đáng lo  ngại  trong đảng: “Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách.
Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và của đất nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Các lực lượng làm công tác tư tưởng phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh này, lên án, vạch trần bản chất thối nát của lối sống cũ, khẳng định mạnh mẽ và truyền bá rộng rãi những giá trị đạo đức mới, thúc đẩy quá trình hình thành lối sống mới”.
Ngay sau đó, một cuộc vận động làm trong sạch nội  bộ đảng cũng được tiến hành khá là ‘quyết liệt’ cũng thu gặt được một số kết quả. Đến Đại hội VII, các báo rầm rộ hô hào rất mạnh mẽ: “Tuyên chiến với tham nhũng, buôn lậu”. Đại hội VIII lai có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) rồi thành lập Ban công tác 62 chuyên trách chống tham nhũng. Rồi Đại hội IX, Đại hội X, ra rả dày đặc, hô hào đầy khí thế trên các trang nghị quyết chống tham nhũng…Thế nhưng, dù “rất quyết liệt”, nhưng Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) lại phải xoáy sâu chuyên đề chống tham nhũng, nguy cơ cấp bách (lại vẫn cấp bách như ĐH VI , cách đây 27 năm!), ảnh hưởng nặng đến sự tồn vong của chế độ, mất uy tín đảng rất nghiêm trọng…Nhưng, tưởng lần này đảng quyết tâm ‘xuất chiêu’, ‘áp chưởng’, ra tay mạnh mẽ, vậy mà suốt năm ngoái sang năm nay đã gần 2 năm rồi, tham nhũng hầu như chưa đụng đến được bao nhiêu, tràn lan, thách thức, ngang nhiên, nhất là các vụ tham nhũng lớn.
Thời sự HOT nhất, hôm qua, 18/9, Báo cáo của Thanh tra CP về chống tham nhũng sáng nay bị UB Thường vụ QH đánh giá không có gì mới. Tham nhũng không chỉ ở ngân hàng, tài chính mà trên mọi lĩnh vực, đến cả giáo dục, y tế, LLVT, và ngay trong các cơ quan, ban-bệ khối nội chính,!…
Sau khi đưa ra những con số mà nhiều đại biểu cho là “số vẽ”, khó tin là đủ và chính xác,  Tổng Thanh tra CP nhận định công tác phòng, chống tham nhũng "tuy đã đạt kết quả tích cực, nhưng tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện".
Theo bài trên trang báo điện tử VNN: Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng kết quả trên "chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra". Phát hiện nhiều nhưng thu hồi tài sản ít; xử lý hành chính nhiều, áp dụng tình tiết giảm nhẹ, xử dưới khung, án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ cao, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp bị kéo dài, bị đình chỉ điều tra; tham nhũng không chỉ trong ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước mà cả ở hỗ trợ dạy nghề nông thôn, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo…
Thực trạng đó ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, ông Hiện nhận định: Ở một số tỉnh cả năm chỉ nhận được 1 - 2 đơn tố cáo tham nhũng, dân cho phát hiện tham nhũng là việc của Nhà nước, người tố cáo có thể bị trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản... của bản thân và gia đình.
Nhiều địa biểu Quốc hội cũng chỉ thẳng: Có tham nhũng trong chính lực lượng chống tham nhũng! (thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát và ngay trong các Ban phòng chống tham nhũng từ Trung ương đến các địa phương, bộ ngành – ai chống ai? (trong khi đó người ta thừa biết là chính một số “trưởng ban PCTN" lại tham nhũng nặng, nhiều nhất, đầu tàu gương mẫu).
Nghe xong đánh giá và báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, cách đánh giá như vậy không khác gì mọi năm, trong khi đây là năm đầu tiên thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, không thể không có điểm mới. Và, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng không ngần ngại hoặc thấy ngượng nghịu: “Sao báo cáo không nêu những đánh giá của quốc tế, của Mặt trận TQ và các đoàn thể, của truyền thông báo chí và của người dân về tình hình tham nhũng?
Vì ông Hùng thấy báo cáo của Chính phủ "đánh giá nhẹ hơn cả nghị quyết trung ương. Trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng có tiêu cực không, có bỏ sót, bao che không, có tham nhũng không? Bên cạnh thanh tra, các ngành kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án thì sao, đã làm hết trách nhiệm chưa? Và rằng: “Không đánh giá vấn đề này là một khoảng trống mà "cứ thế đem nói với toàn dân là nguy hiểm"…Còn nhớ, ngày 23/1/2012, cũng tại nghị trường Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng nói như ‘ván bài lật ngửa’: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, trong một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe, phòng ngừa còn thấp. Công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm, việc thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp, công tác thực hành quyền công tố còn bỏ lọt tội phạm…”. Nay, còn tê hơn, có gì mới đâu?
 Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phản ánh sau khi không còn các ban chỉ đạo địa phương, người dân cũng không thấy vai trò của các lãnh đạo chủ chốt đâu nữa: "Dân thấy nhiều vụ án tham nhũng điều tra mãi rồi lại chìm xuồng, vậy ý kiến chính thức của các lãnh đạo ra sao, có sự cản trở, can thiệp gì không?. Sự ‘âm thầm, lặng lẽ’ đó khiến người dân, cán bộ, đảng viên và cả người ở trung ương, vốn dĩ có nhiều thông tin, như ông không khỏi băn khoăn, không yên lòng…Ông ‘Tây Nguyên hùng vĩ” này cũng kiến nghị: QH cần địa chỉ, vì thế báo cáo phải chỉ được tỉnh nào kém nhất, bộ ngành nào có vấn đề, để việc đấu tranh phải có trọng điểm. Nơi nào nhiều tiền, nhiều quyền thì nơi đó nhiều nguy cơ tham nhũng, cần đấu tranh trọng điểm vào những nơi như tổ chức cán bộ, quy hoạch, đấu thầu..."
Cũng xin nhắc lại lần nữa về đánh giá đúng thực trạng, bắt mạch đúng bệnh và tỏ ra “quyết tâm cao” để chống tham nhũng, chống thoái hóa biến chất từ hơn 27 năm trước (Đại hội VI): “Mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đầu óc địa vị, tư lợi, chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa cục bộ và bệnh quan liêu trong công tác cán bộ đều gây ra những hậu quả xấu đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự đoàn kết trong Đảng… Rồi thì, nữa: “Tình trạng tập trung quan liêu, gia trưởng, độc đoán, không tôn trọng ý kiến cấp dưới, không phát huy trí tuệ tập thể dẫn tới những quyết định sai lầm, làm suy yếu sự đoàn kết trong Đảng. Tình trạng cục bộ, vô kỷ luật cũng gây ra những hậu quả tai hại, và làm cho sự lãnh đạo của Đảng, việc điều hành của Nhà nước kém hiệu lực. Lập lại kỷ cương, củng cố kỷ luật trong Đảng và bộ máy nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của cấp trên và của tập thể” - (Hay, đúng, nhưng làm được gì?).
Nhìn cho chuẩn xác, đánh giá đúng thực trạng, thấy rõ loại 'siêu khuẩn tham nhũng' ở Việt Nam đã tồn tại và phát sinh từ rất lâu, thành 'lão 'lão khuẩn' rồi. các đợt kêu gọi, tung hô chống tham nhũng chỉ làm quấy quá, đưa vào những phác đồ điều trị toàn thuốc dỏm, thuốc quá đát, dùng các liều thuốc nhấp nhứ rồi dừng, mỗi năm qua đi bệnh càng trầm kha, tái phát mạnh hơn, loại siêu khuẩn ấy nay đã nhờn thuốc rối. Ở vào thời điểm Hội nghị TƯ 4 (12-2011) thì bênh đã đi vào di căn, ung thư 'giai đoạn cuối', hết cách chữa! 
Ngày 22-2-2012, khi bắt đầu triển khai thực hiện NQTƯ 4, trò chuyện với VietNamNet, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định: “Thực trạng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư. Thực ra, thực trạng này Đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn bệnh ngày càng trở nên trầm trọng. Sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài. Sự tồn tại của cái gọi là dây lợi ích quyền lực, của nhóm lợi ích, của mối quan hệ quyền lực và đồng tiền chi phối dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, cục bộ. Tiền dễ biến người ta thành tù binh khi mối quan hệ tiền và quyền lực hòa quyện. Do làm chưa đến nơi đến chốn nên những tiêu cực không được đẩy lùi, thậm chí có những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh khiến tình hình ngày càng phức tạp hơn. Trong ba vấn đề cấp bách thì vấn đề trung tâm và cấp bách nhất, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”.
Những câu chữ trong nghị quyết, những phát biểu, đánh giá, vung tay xòe chân có cả, nhưng nói về tham nhũng nay dân thấy chối quá rồi, một thứ trò đùa dai dẳng, thấy cứ “ra rả như ve sâu tháng hạ”, điếc tai, nhức óc, mệt tâm trí,  bị stress cấp thì. Với hệ thống chính trị, với  thể chế và sự thể hiện quá mức về hô hào, những ‘thói quen nội lực” lãnh đạo của đảng như lâu nay và sự quẫy cựa trong bất lực, cả những dấn tới độc tài, bịt mồm che mắt thiên hạ, nói đến tham nhũng đúng là câu chuyện dài hơn  cả vạn lần 1001 đêm. Nhìn lại cả gần 3 thập kỷ cam go, nhập nhằng, nói mà không làm, nói hay mà làm dở, nói mạnh mà làm bê bết, bôi bắc, thậm chí như mị dân, như đánh lùa…thấy rõ công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta, do đảng CS lãnh đạo “trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện về mọi mặt” quả là một “Công trình thế kỷ” vẫn đang bị chìm xuồng, lấp liếm, trùm mền, đắp chiếu, kéo dài lê thê, trở thành thứ chuyện  nhàm !
BVB
---------------  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét