* MINH DIỆN
Tôi đến thăm cụ H, mẹ người bạn cựu chiến binh ở đơn vị cũ bị đột quỵ đang điều trị ở bệnh viện Thống Nhất. Bệnh viện này do kiến trúc sư Trần Văn Quyền thiết kế, khởi công từ giữa năm 1970, đến đầu năm 1974 hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ tiền xây dựng, đặt tên là “Bệnh viện Vì Dân”. Tất cả 600 giường bệnh, khang trang thiết kế theo kiểu khách sạn, thiết bị y tế hiện đại nhất ngày ấy chỉ phục vụ dân nghèo không lấy tiền.
Sau ngày 30-4-1975, “Bệnh viện Vì Dân” đổi tên là “Quân y viện Thống Nhất”. Năm 1978, quân đội chuyển giao cho Bộ y tế, đổi tên là “ Bệnh viện Thống Nhất”, (có thể nói : thay mục đích và nhiệm vụ bằng ‘bệnh viện Vì Quan’(.. Bởi từ sau ngày giải phóng, ở đây chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ trung-cao cấp, và được phân ra các khu A1, A2, B1, B2 ... tùy theo cấp bậc, chức vụ. Ví dụ khu A1 phải từ bậc thứ trường trở lên hoặc cán bộ lão thành cách mạng đã từng giữ chức vụ tương đương. Cán bộ cấp thấp nhất được vào điều trị ở bệnh viện Thống Nhất cũng phải cỡ chuyên viên, bởi thế người ta còn gọi là “Bệnh viện trung cao”. Mấy năm gần đây để tăng thu nhập thêm, ban giám đốc dành ít phòng nhận bệnh nhân là dân thường khám chữa bệnh dịch vụ. Anh Lung con cụ H, nói với tôi:
- Mẹ tôi có bảo hiểm y tế, vào đây điều trị bán dịch vụ, tiền phòng mình trả, tiền thuốc bảo hiểm y tế trả. Mẹ tôi nhập viện 26 ngày rồi, nhưng mai tôi phải cho cụ về, vì hết hy vọng rồi bác ạ!
Mẹ anh Lung nằm ở khoa nội thần kinh , lầu 2. Căn phòng khoảng 9 m2, kê 3 giường bệnh . Từ giường , tủ đến bồn rửa, cầu tiêu đều cũ kỹ, nhiều chỗ đã bong tróc, nền gạch đã xỉn màu. Nghe nói mấy năm nay bệnh viện được đầu tư nâng cấp mấy lần, tốn nhiều tiền, nhưng chỉ tập trung vào khu AI, A2... dành cho cán bộ cấp cao.
Ngoài mẹ anh Lung còn hai bệnh nhân, một nam, một nữ đều bị đột qụy do tai biến mạch máu não. Phòng quá chật nên mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc, lúc làm thuốc thì phải ra ngoài hết vì không có chỗ xoay trở.
Một người nhà bệnh nhân cùng phòng nói với tôi :
- Mỗi bệnh nhân một ngày mất hai trăm ngàn tiền phòng đấy bác nhà báo ạ! Dịch vụ mà! So với bệnh nhân bảo hiềm y tế ở Bệnh viện ung biếu, Chợ Rẫy, Nhi Đồng... còn sướng chán. Ở đó hai, ba bệnh nhân nằm chung một giường , có khi phải nằm ngoài hành lang.
Chị buồn bực chỉ tay lên trên lầu:
- Ở trên có những căn phòng rộng rãi, khang trang như phòng khách sạn 5 sao , chỉ có một bệnh nhân, nằm hàng tháng không mất tiền!
Lung ngắt lời :
- Tiêu chuẩn cán bộ cấp cao ai bì được!
Rồi anh quay sang nói với tôi:
- Có người nhà nằm bệnh viện mới biết nỗi đau của dân nghèo!
Lung thở dài, mắt ầng ậng nước nhìn mẹ mình co quắp trên giường bệnh. Bà cụ chỉ còn thoi thóp , hai mắt nhắm nghiền.
Lát sau Lung kéo tôi ra chiếc ghế ngoài hành lang , trong tâm trạng đầy bức xúc, anh kể:
- Mẹ tôi vào đây, ba ngày đầu được truyền ba chai nước biển sau đó mỗi ngày chỉ bơm hai típ súp lỏng. Tôi hỏi cô điều dưỡng viên :
- Sao không truyền thêm nước cho cụ?
Cô điều dưỡng viên trẻ trả lời:
- Chú đừng thắc mắc! Chữa bệnh thế nào đã có phác đồ điều trị của bác sỹ!
Hôm sau thấy bác sỹ trực đang ngồi thêu tôi nói :
- Mẹ tôi hai ngày nay không truyền nước , sức khỏe xuống quá bác sỹ !
Cô bác sỹ ngừng tay thêu, ngẩng mặt lên:
- Bà cụ bị suy tim không truyền nước được!
Nói xong, cô lại cúi xuống chăm chú thêu tiếp bức tranh Phật Bà Quan Âm . Từ hôm vào chăm sóc mẹ ở đây, tôi thấy từ điều dưỡng viên đến bác sỹ đều chăm chỉ thêu tranh. Họ ngồi trong quầy trực, thêu công khai trước mặt mọi người. Có khi người nhà bệnh nhân kêu, họ vẫn thêu ráng vài đường kim. Người thêu Phật, người thêu hoa, người thêu tranh phong thủy...
Như để chứng minh lời nói của Lung, cô điều dưỡng viên trong phòng trực đang thêu bông hoa hồng. Tôi biết chả riêng ở đây mà nhiều chỗ khác cũng vậy. Các bà các chị nhà mình bây giờ đâm nghiện thêu tranh Trung Quốc ! Những mẫu thêu Trung quốc dệt sẵn hàng loạt, đánh số từng ô, từng loại chỉ thêu, bán sang Việt Nam , giá từ vài chục đến vài trăm ngàn. Nghe nói một bức thêu hoàn hảo họ mua lại mấy triệu đồng. Tiền đâu chẳng thấy , nhưng có bức tranh sơn thủy, nó vẽ biển Đông cố tình đưa đường lưỡi bò và thành phố Tam sa vào, nhận của Trung quốc , chị em không hiểu cứ thêu tuốt mới thật đáng buồn...
- Nó lừa mình còn mình lừa nhau!
Anh Lung nói , và kể tiếp chuyện chữa bệnh của mẹ mình:
-Mẹ tôi điều trị hai tuần, bệnh không đỡ mà nặng thêm. Hôm mới vào hơn bốn chục kg, mắt còn mở, tay chân còn co duỗi, sau hai tuần mắt nhắm tít, ngưởi teo lại , bất động. Trong khi hai người bệnh cùng phòng hôm mới vào nguy kịch hơn , đều đã tình hơn một chút. Tôi dò hỏi vợ người bệnh bên cạnh, bà bảo:
-Phải mua thuốc ngoài !
Vì vẫn tin chế độ nghiêm ngặt của bệnh viện như điều dưỡng viên nói, nên tôi hỏi dồn:
- Thuốc gì, ở đâu, bác sỹ có cho phép không?
- Ông mới ở trên trời rơi xuống hả?
Ngưới nhà bệnh nhân kia mắng tôi, và bảo:
- Bệnh nhân bảo hiểm y tế không có thuốc đặc trị, phải mua ngoài !
Nghe bà ấy nói một hồi tôi mới sáng mắt ra. Bọn lính mình đến già vẫn thật thà như vậy! Tôi nói với một nữ bác sỹ trực :
- Nghe nói có loại thuốc đặc trị đột quỵ, bác sỹ cho đơn tôi mua ngoài!
Bác sỹ hỏi:
- Ai nói với anh?
- Người bệnh cùng phòng!
Bác sỹ hỏi:
- Gia đình có khả năng không?
- Không cũng phài cố, để tỏ lòng hiếu thảo với cụ!
- Sao không nói trước, giờ muôn rồi!
Tôi điếng người như bị gáo nước lạnh hắt vào mặt. Đưa mẹ nhập viện là giao tính mạng mẹ mình cho bác sỹ, tin tưởng tuyệt đối vào tài năng, y đức của người thầy thuốc. Cứ nghĩ bệnh nào thuốc ấy, bác sỹ điều trị theo nguyên tắc vì con bệnh, ngờ đâu lại vì tiền? Nếu vậy sao không nói thẳng ngay từ đầu để bây giờ bảo đã muộn?
Tôi cố dằn lòng nói với bác sỹ :
- Muộn còn hơn không, mẹ tôi cần thuốc gì, bác sỹ cho đơn để tôi mua ngoài!
Cô bác sỹ lấy giấy viết đơn thuốc đưa cho tôi , bảo:
- Xuống nhà thuốc bệnh viện mua cho bệnh nhân uống!
Gương mặt còn trẻ của cô bác sỹ bình thản, không gợn chút suy tư . Hình như việc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ngèo một cách qua loa, và nhìn người bệnh chết vì không có tiền mua thuốc đặc trị đã quen rồi. Không áy náy, không xúc động, không hề nghĩ đến y đức người thầy thuốc . Vậy mả ngay sau khi đưa tờ đơn thuốc cho tôi, cô ta lại cúi xuống thêu tiếp bức tranh Phật Bà Quan Âm, một biểu tượng về lòng từ bi cứu khổ cứu nạn!
Chúng tôi xuống quầy, mua một hộp thuốc “An cung ngưu hoàng hàn” giá 1.750.000 đồng, mang lên cho mẹ tôi uống. Uống liên tục năm ngày, mẹ tôi hơi tỉnh, khi con cháu vào thăm lay gọi, cụ chảy được mấy giọt nước mắt ra như khóc.
Nhưng với loại thuốc “An cung ngưu hoàng hàn” đó, bệnh mẹ tôi chỉ chuyển được như vậy thôi. Cụ vẫn hôn mê sâu. Tôi hỏi một bác sỹ chuyên khoa tim mạch, ông ấy bảo muộn rồi không chữa được nữa.
Theo bác sỹ chuyên khoa ấy, cách điều trị đột quỵ hiệu quả nhất là phải đánh tan huyết khối gây tắc nghẽn, bằng cách tiêm vào đường tĩnh mạch trước ba giờ, đường động mạch trước 6 giờ , hoặc dùng máy hút cục máu đông kết hợp tiêm tĩnh mạch. Cả ba phương pháp điều trị đều phải sử dụng loại thuốc tiêu sợi huyết Actilyse 50g, là loại thuốc duy nhất cho bệnh nhân đột quỵ.
Tôi hỏ Lung:
- Bác sỹ ở đây không biết phác đồ đó à?
Anh Lung phẫn uất buông một câu chửi thề, rồi nói:
- Biết chớ! Thuốc Actilyse 50g cũng có sẵn . Nhưng họ không tiêm cho mẹ tội , vì mỗi lọ thuốc Actilyse 10 triệu đồng, không nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Tôi cảm thấy có cái gì dâng lên chẹn lấy cổ họng mình. Một căn bệnh đã biết cách chữa, thuốc chữa có sẵn mà không chữa cho người bệnh, chỉ vì họ nghèo! Một liểu thuốc có thể cứu được một mạng người, nhưng họ coi 10 triệu đồng lớn hơn sinh mạng một con người!
Mẹ anh Lung điều trị 27 ngày,tổng số tiền hết 28.000.000 đồng, bảo hiểm y tế thanh toán 17 .000.000 , gia đình thanh toán 11.000.000 , đó là chưa kể tiền thuốc mua ngoài. Tốn nhiều tiền như vậy, nhưng bà cụ xuất viện trong tình trạng hôn mê sâu,nói như anh Lung, là về để lo hậu sự. Nếu ngay từ khi mới nhập viện, bác sỹ tiêm cho bà cụ mũi thuốc Actilyse thì có lẽ hậu quả chưa đến nỗi ?
Câu chuyện mẹ anh Lung khiến tôi nhớ đến trường hợp cụ V. Cụ 83 tuổi thuộc thành phần có công với nước, có bảo hiểm y tế 100 % chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm thanh toán. Vì bị tăng huyết áp và viêm đường tiểu, cụ vào điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh cứ tái đi tái lại, nặng thêm, sức khỏe giảm sút, và cụ rất đau đớn. Chỉ đến khi chấp nhận mua thuốc ngoài thì bác sỹ mới xét nghiệm, phát hiện loại vi khuẩn Klebsiella terrigena đã kháng lại loại thuốc rẻ tiền trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế bác sỹ đã điều trị cho cụ. Cụ phải bỏ tiền mua loại thuốc Imcil 500mg (biệt dược Imipenem +Cilastalin ) với giá 278.000 đòng một lọ. Loại thuốc này không được bảo hiểm y tế thanh toán nên bệnh nhân không được tiêm.
Bệnh nhân cấp tính đã khốn khổ như vậy, bệnh nhân mãn tính còn khốn khổ gấp trăm lần. Ví dụ bệnh viêm gan siêu vi C, phác đồ điểu trị thường phải kéo dài hơn một năm, loại thuốc uống Ribavirin không đắt lắm nhiều người còn không có tiền mua, huống chi loại thuốc tiêm Peginterferon tới 17..000.000 đồng một lọ thì đào đâu ra tiền?...
Ôi, lại nghĩ: Bệnh viện là nơi cứu người. Cũng là thân phận con người cả, mà người ta lại phân biệt quan tâm chu đáo hơn với người này, chỉ lạng qua người khác, bỏ cho ai chết? Từ “Bệnh viện Vì Dân” của bà Nguyễn Thị Mai Anh năm xưa, thành “Bệnh viện Vì Quan” chỉ lo chính sách vốn đẳng từ thời bao cấp, dành cho cho quan chức cấp trung-cao. Gọi là chính sách với cán bộ, nhưng cả vài chục năm qua, nguồn thuốc cung cấp cho chính sách eo hẹp, 'văn hoá phong bì' cũng thâm nhập vào chốn chính sách 'cung đình' này. Cũng là cán bộ ngang nhau, nhưng người nhà bênh nhan nào biết cách nhiệt tình, bồi dưỡng' cho thầy thuốc chu đáo, vừa lòng họ thì bệnh nhân được quan tâm 'để mắt đến' nhiêu hơn, thuốc được cấp cũng xịn hơn. Còn nếu không, cứ nằm dài dài, cho gì được đó. Không ít vị cán bộ đã phải 'chạy làng', tìm đến các bệnh viện khác, dù tốn tiền, nếu muốn nhanh khỏi bệnh và...muốn sống! Nay, bệnh viện Thống Nhất được 'đổi mới' có kèm theo các khoa Dịch vụ, từ đơn thuần bao cấp sang có thu - lại Vì Tiền, chỉ biết có tiền. Càng nghĩ sâu, thấm thía, càng đau.
Bác sỹ Trần Đông A phát biểu trong hội thảo bảo hiểm y tế: “Nhiều bệnh nhân bảo hiển y tế có khả năng cứu sống rất cao, nhưng đành phải ra về lo hậu sự vì không có tiền !”.
Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội mang tính cộng đồng ,chia sẻ rủi ro với mọi người không may bị bệnh tật. Ngưởi bệnh hiểm nghèo chẳng mong gì hơn là được chữa tri bình đẳng. Nhưng bệnh nhân bảo hiểm y tế lại bị hắt hủi, khinh khi, phân biệt đối xử vì hầu hết họ là người nghèo,là cán bộ hưu trí bậc thấp, là người dân tộc thiểu số. Họ không có tiền vào phòng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để được chăm sóc tử tế, không được dùng các loại thuốc đặc trị và thiết bị y tế hiện y tế hiện đại... đã được “xã hội hóa” bằng sự “liên kết công tư”, là phương tiện để những thầy thuốc bất lương hái tiền.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng y tế nói “ Bảo hiểm y tế nước ta ưu viêt hơn vì được nhà nước hỗ trợ một phần tiền khám chữa bệnh!”
Vâng, chính sách rất nhân đạo, nhưng việc thực hiện lại đầu voi đuôi chuột. Thực tế, bệnh nhân bảo hiểm y tế nước ta đã và đang phải chịu cảnh khốn đốn mỗi khi khám và chữa bệnh. Bởi vỉ các nhóm lợi ích lũng đoạn, tìm mọi cách vét tiền dân , nhét đầy tiền vào những túi tham của họ. Một người lạc quan như phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mà đã phải nói thẳng trước cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây: “ Tiền hỗ trợ dân nghèo, tiền chính sách thương binh liệt sỹ, tiền bảo hiểm y tế bị xà xẻo. Các cháu học sinh dân tộc thiểu số cũng bị hiệu trưởng ăn chặn. Liều vác xin cỏn con cũng bị bớt xén. Người ta ăn của dân không từ cái gì!”
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Các quy định do Bộ y tế ban hành đã có đầy đủ, ai không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm minh!”. Một trong những quy định đó là cấm bác sỹ, điểu dưỡng viên nhận phong bì cùa người nhà bệnh nhân. Bộ trưởng Tiến tỏ ra rất kiên quyết: “Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sỹ, điều dưỡng viên nảo nhận thì chụp ảnh gửi cho chúng tôi”. Nhưng rồi cái nút thắt ấy cũng chính Bộ trưởng Tiến gỡ, là có thể nhận phong bì sau khi điều trị vì đó là “quà”.
Ngày 24-7-2013, một bức tâm thư của độc giả rất dài đã được đăng trên báo Kiến Thức, sau khi bà Bộ tưởng y tế có mặt ở Quảng Bình mà không đến thăm gia đình 3 cháu sơ sinh tại đây vừa chết vỉ tiêm vac xin. Trong thư có đoạn viết: “Thất vọng lắm! Đau đớn lắm! Nhưng tôi vẫn mong rằng những cái chất oan uổng của những đứa trẻ vô tội kia như hồi chuông đánh thức những con người chưa tận tâm , chưa có trách nhiệm cao trong công việc cao cả của mình!”.
Điều 2 trong 9 điều y đức của Hải Thượng Lãn Ông viết: “Nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém, khi lòng mình có chỗ không thành thật thì khó mong thu được kết quả!”.
Lời người xưa dạy thế, mong người thầy thuốc Việt Nam hãy nhớ lại và nhìn xuống ngưới nghèo. Họ đang thất vọng lắm, đau đớn lắm!
M D
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét