* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo - Phần 4)
... Nếu nhìn những nỗ lực quân sự của Trung Quốc nêu trên trong khung khổ những động thái chính trị khác, - thời sự nhất hiện này là sự hiệp đồng Trung – Nga trong vấn đề Syri, thái độ thụ động hoặc thờ ơ của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran, những nỗ lực lôi kéo tạo liên kết Trung – Nga để chống lại Mỹ (nhất là qua các đợt tập trận chung giữa 2 nước gần đây), những nỗ lực kinh tế và chính trị thâm nhập vào sân sau của Mỹ ở Nam Mỹ, tăng cường quan hệ với Pakistan (nước có nhiều mối quan hệ thù địch với Ấn Độ).., ra sức lôi kéo các nước Trung Á (Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan, Afghanistan…) vì mọi lý do kinh tế (để thu hút tài nguyên) và chính trị (để tác động vào Nga và Mỹ…).., có thể hình dung được mối quan hệ qua lại với nhau giữa các hoạt động quân sự và các động thái kinh tế - chính trị của Trung Quốc, vai trò các động thái chính trị của Trung Quốc trong việc chuẩn bị, dọn đường, tổ chức triển khai… các hoạt động kinh tế, quân sự trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, sử dụng rất nhiều tiểu sảo để đạt mục tiêu, nước lớn nhưng rất tiểu nhân...
Phản ứng trước mối nguy Trung Quốc, trong những tháng đầu năm nay Nga lần đầu tiên hiến hành tập trận trên bộ quy mô lớn chưa từng có ở vùng Viễn Đông - dưới sự thị sát của tổng thống Putin và huy động 100.000 quân tham gia. Cử chỉ này nhằm răn đe nguy cơ lấn chiếm của Trung Quốc tại vùng Xin đặc biệt lưu ý, so sánh lực lượng các mặt giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài, đồng thời quan sát các hoạt động của Trung Quốc, có thể kết luận: Hướng chính bành trướng khả thi nhất, hiện thực nhất, và cũng rõ nhất của siêu cường đang lên Trung Quốc là khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Bởi hai lẽ: (a)trên các hướng khác đã có các đối thủ lớn của Trung Quốc án ngữ, (b)Trung Quốc có lợi thế và sức mạnh áp đảo đối với các nước ASEAN.
Ý đồ lâu dài của hướng đi xuống phía Nam này là: Nếu thực hiện được kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ có thể thao túng nghiêm trọng toàn bộ các nước ASEAN, tiến thêm những bước quyết định trong việc khuất phục Đài Loan, đẩy lùi chiến lược “Pivot to Asia & Pacific”. Theo đuổi ý đồ này, Trung Quốc còn muốn tạo ra cho mình khả năng uy hiếp trực tiếp tuyến hàng hải Malacca lưu chuyển khoảng 3/5 tổng lượng hàng hóa chuyên chở trên biển của cả thế giới, chưa kể đến nguồn tài nguyên phong phú của Biển Đông.
Tất cả đang hé lộ tính đối kháng quyết liệt (categorical antagony) của vấn đề Biển Đông đặt ra cho tất cả các nước hữu quan, trong đó Việt Nam là điểm rất nhạy cảm.
R. Kaplan và một số học giả Mỹ thừa nhận: Trên thực tế trong vòng hai thập kỷ nay, Trung Quốc đã thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở Đông Bán cầu, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình rất bất lợi cho Mỹ, không ồn ào trong phương pháp thực hiện như các nước đế quốc trước đây vẫn làm, nhưng tinh vi và có hiệu quả lớn, phù hợp với thời đại toàn cầu hóa ngày nay…[31] Một số nhà nghiên cứu khác đánh giá: Chủ nghĩa thực dân con rồng khôn ngoan hơn và đã thành công vượt bậc so với chủ nghĩa thực dân cũ và mới… Con rồng ngày nay đang giương nanh vuốt của mình…
Đến đây có thể dễ dàng hình dung con rồng Trung Quốc đã và đang gây ra những biến động địa kinh tế và địa chính trị gì ở phạm vi toàn cầu như thế nào, gắn liền với sự bành trướng không mệt mỏi của quyền lực mềm của nó.
Hẳn không phải ngẫu nhiên khi mở đầu bài viết “Yếu tố địa lý của quyền lực Trung Quốc…”[32], R. Kaplan nhắc lại việc Halford Mackinder trong cuốn “The geographical Pivot of History” (1904) đã cảnh báo thế giới về mối nguy Trung Quốc[33], nhắc lại hy vọng của H. Mackinder cho rằng chỉ có lý tưởng của dân chủ mới có thể mang lại một thế giới tốt đẹp (H. Mackinder – trong cuốn “The democratic Ideals and Reality” - 1919).
V – Siêu cường đang lên Trung Quốc có thể với tới đâu?
Xin nhắc lại, trong giới nghiên cứu ở Mỹ và phương Tây có không ít ý kiến cho rằng không có khả năng bao vây hay ngăn chặn sự đi lên của Trung Quốc, sự việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tổng lượng GDP lớn nhất thế giới vào khoảng giữa thế kỷ này sẽ là không thể đảo ngược.
Sự thật có thể sẽ như vậy, bởi vì từ nay đến giữa thế kỷ này hình như cũng khó xảy ra những biến động nào trong nội trị Trung Quốc đủ sức xoay chuyển được hướng phát triển của nước Trung Quốc hiện tại sang bất kỳ hướng nào khác (đổ vỡ? hay cải cách dân chủ?..).
* Có 2 vấn đề lớn nên đặt ra để tìm hiểu:
Kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ yếu của các nước đang phát triển, sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì, nếu con rồng Trung Quốc tiếp tục mô hình phát triển của nó như hiện nay trong vòng vài ba thập kỷ tới - với cái đói nguyên liệu không bao giờ thỏa mãn, với mọi thực tiễn của chủ nghĩa con buôn (mercantilism) và sự tác quái của quyền lực mềm như đang tiến hành.
Cùng với khát vọng nhất quán ngoi lên siêu cường, việc ráo riết tăng cường chi tiêu quốc phòng và phát triển nhanh chóng lực lượng quân sự, nhất là ý đồ phát triển lực lượng hải quân nước xanh (blue marine – hải quân đại dương) đặt ra những hệ lụy gì cho cân bằng lực lượng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và uy hiếp như thế nào các nước nhỏ bé hơn trong khu vực?
Dưới đây xin bàn từng vấn đề.
+ Về vấn đề (1) – vấn đề kinh tế
Dù có những nỗ lực cải tiến gì trong quản lý nền kinh tế quốc dân hay trong đổi mới cấu trúc kinh tế, về cơ bản và còn một thời gian dài kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và phát triển chủ yếu vẫn nhờ vào (a)đầu tư và (b)nhờ lợi thế quy mô kinh tế (economics of scales)[34]. Hai đặc điểm này (a và b) cho phép Trung Quốc tiếp tục giành những lợi thế trên thị trường thế giới đối với nhiều quốc gia – kể cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Vì thế, cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, nhất là cạnh tranh với các mặt hàng Trung Quốc sản xuất và có thế mạnh, vẫn tiếp tục là ác mộng đối với nhiều nước.
Hơn nữa, dù là Trung Quốc đang có những nỗ lực chiến lược nhằm đẩy mạnh hướng nội – bao gồm tăng sức mua và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đô thị hóa (gói kích cầu đưa 250 triệu dân nông thôn vào đô thị).., nhưng với việc duy trì bằng mọi giá tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 – 6 hoặc 7 – 8% / năm, đòi hỏi của Trung Quốc về nguyên liệu, về năng lượng và về thị trường ngày càng lớn. Xin lưu ý, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn đồng nghĩa với suy sụp, trì trệ, thất nghiệp.., vì thế sẽ là thảm họa cho nội trị Trung Quốc cũng như đối với vai trò nắm quyền của ĐCSTQ. Nghĩa là, gần như một tất yếu, thực hiện tốc độ tăng trưởng cao là vấn đề sống còn của chế độ. Điều này cho thấy vì sao Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh mọi chính sách hiện hành đối với thế giới bên ngoài để thỏa mãn đòi hỏi bên trong. Hệ quả không tránh khỏi là sẽ gây ra những can thiệp hay lũng đoạn mới ở bên ngoài trên nhiều phương diện, những tranh chấp mới…
Những dẫn chứng nổi bật là: Tháng 7 vừa qua Trung Quốc đã khánh thành đường ống dẫn khí, và hiện nay đang tiếp tục hoàn thành đường ống dẫn dầu từ Trung Đông qua lãnh thổ Myanmar (cảng Kyaukpyu) vào Vân Nam, mặc dù quan hệ Myanmar – Trung Quốc hiện nay không xuôn xẻ gì; Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác với Nga, Kazkhstan, Turkmenistan, Azecbaijan… đẩy nhanh các công trình dẫn dầu và khí từ Trung Đông và Trung Á, để hoặc dẫn dầu vào Trung Quốc, hoặc để cạnh tranh địa kinh tế và địa chính trị với phương Tây tại Trung Đông hay tại ngay Trung Á… Vân vân…
Tuy rằng lợi thế về giá lao động rẻ của Trung Quốc đang giảm dần, các chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng cao lên (do mức thu nhập tăng, chi phí về môi trường ngày càng đắt…), cả thế giới – bao gồm cả bản thân Trung Quốc – vẫn chưa giải được bài toán khó: Làm thế nào để phát triển kinh tế Trung Quốc trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới?
Trong khi đó tình hình vẫn tiếp diễn là: Kinh tế Trung Quốc càng phát triển, trên thế giới càng xuất hiện nhiều vấn đề địa kinh tế và địa chính trị mới phức tạp hơn.
Rõ ràng những cam kết hay nỗ lực trong khung khổ đối thoại kinh tế & chiến lược Mỹ - Trung, những chế định trong khung khổ các thể chế hiện hành (WTO, WB, IMF, G2, G20…), quan điểm “win – win”… cho đến nay chưa giải quyết được bài toán khó này. TPP có lẽ càng không… Mong đợi một thiện chí của lẽ phải từ phía Trung Quốc sẽ chỉ là ảo tưởng nguy hiểm. Nguyên nhân hàng đầu có lẽ là bản chất chế độ chính trị và trình độ phát triển hiện nay của Trung Quốc vẫn đang ở thời kỳ chỉ dung nạp được sự phát triển như đang diễn ra. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn phát triển mang cái tên chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc – đó là chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc trong chế độ toàn trị một đảng. Mô hình phát triển này còn là bất khả kháng trong một tương lai nhất định - cho đến khi nào đó Trung Quốc tự bên trong đủ sức tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng thể chế chính trị. Thực tế này cùng với ảnh hưởng sâu xa của truyền thống văn hóa Đại Hán càng làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài.
Cũng xin lưu ý, ở Trung Quốc kể từ ngày thành lập nước CHNDTH thường xuyên có những nỗ lực cải cách. Song cho đến nay tất cả những nỗ lực này chỉ phát huy được trên phương hướng duy nhất: “mèo đen, mèo trắng không thành vấn đề, miễn là bắt được chuột” và đã góp phần có ý nghĩa quyết định tạo ra chủ nghĩa thực dân con rồng hôm nay.
Trong khi đó toàn bộ những nỗ lực cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc cho đến nay đều bị bóp chết – chỉ kể từ khi tiến hành cải cách 1978: đó là Hồ Diệu Bang hay Triệu Tử Dương, rất đẫm máu như vụ Thiên An Môn (1989), hay bớt ồn ào hơn như hàng trăm vụ đàn áp các nhân sỹ trí thức khác… Trung Quốc hiện nay rất khó tiến hành cải cách thể chế chính trị còn vì lẽ cả nước có tới hàng trăm nhóm lợi ích thao túng toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp cao nhất đến cơ sở. Quyền lực thật của các nhóm lợi ích trước hết nằm trong tay các đại gia[35].
Có lẽ không phải ý thức hệ Mác hay Mao là nguyên nhân gốc làm cho chế độ toàn trị ở Trung Quốc hiện nay vẫn trụ được. Sự thật là Đại hội 18 của ĐCSTQ đã khéo léo vượt qua vấn đề này rồi; Mác và Mao chỉ còn vai trò trang trí để giữ cho chế độ của ĐCSTQ danh chính ngôn thuận mà thôi[36]. Nguyên nhân sâu xa đối kháng lại cải cách chính trị có lẽ vẫn là chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, nền văn minh thiên triều gần như một khát vọng.., đến mức ngày nay tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc nhìn chung cũng chưa thoát ra được di sản văn hóa này (Willy Lam).
Có thể nói ngay đối với các nước phát triển và đang phát triển: Làm gì để thích nghi được và để vượt qua được những hệ lụy của một thực tế Trung Quốc nhãn tiền này? Làm gì để biến những thách thức mới thành cơ hội?.. Đấy là những câu hỏi không thể không đặt ra, nếu như muốn sống chung với lũ khi đang ở giữa cơn lũ.
Nhân đây lại xin nhắc lại, để định liệu công việc của mình, mọi quốc gia hữu quan nhất thiết phải tính toán: Bản thân nước Trung Quốc phải trả cái giá nào cho sự phát triển này của họ? Thế giới còn lại – trước hết là các nước láng giềng và trong khu vực – sẽ phải trả giá theo như thế nào cho sự phát triển này? Những năm gần đây không ít doanh nghiệp hay vùng sản xuất một sản phẩm nhất định tại nhiều nước phát triển ở Mỹ, ở châu Âu… đã tự đặt ra cho mình câu hỏi: Làm thế nào để không chết đuối trong biển hàng hóa rẻ của Trung Quốc[37]?!... Có lẽ cũng đã đến lúc các nước đang phát triển nên đặt thêm cho mình câu hỏi: Làm thế nào để thoát được sự kiềm tỏa của quyền lực mềm Trung Quốc...
(còn tiếp)
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét