Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Có tham nhũng trong chống tham nhũng ?!

Chính phủ đánh giá nhẹ về tham nhũng?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dường như không hài lòng với công tác chống tham nhũng trong thời gian qua, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Cơ quan thường trực của Quốc hội Việt Nam đã có một phiên họp về phòng chống tham nhũng chiều thứ Tư ngày 18/9 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Cuộc họp đã xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác chống tham nhũng do ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra Chính phủ trình bày.
Tham nhũng ít?
Trang mạng Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Sinh Hùng nói là báo cáo của Chính phủ mô tả tình hình tham nhũng ‘nhẹ hơn đánh giá trong nghị quyết Trung ương (Đảng)’.
“Nếu không tham nhũng thì quan chức lấy tiền đâu đi nhậu, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy,” ông Hùng được dẫn lời nói.
Trang mạng của Báo Tiền Phong dẫn lời cấp phó của ông Hùng là ông Huỳnh Ngọc Sơn cũng nói trong cuộc họp rằng báo cáo của chính phủ ‘đánh giá tình hình chưa sát’ và ‘chưa có gì thống nhất’ với đánh giá của bên Đảng.
Ông Hùng được dẫn lại cho rằng báo cáo này có những lỗ hổng khi không tính đến nhận định của quốc tế, dư luận trong nước và ý kiến của Mặt trận Tổ quốc trong công tác phòng chống tham nhũng.
Ông đặt vấn đề: “Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không?” và nhấn mạnh vấn đề này báo cáo của Chính phủ không hề thấy nhắc đến.
Theo ông Hùng thì lý do ông đưa ra vấn đề này là ‘nhiều vụ án bị đình chỉ điều tra, mức án đưa ra dưới khung hay ít chuyển sang điều tra nhiều sai phạm hàng trăm, hàng nghỉn tỷ’.
Bản thân ông Hùng có thời là phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng dưới quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông còn là phó thủ tướng.
Tuy nhiên, hiện nay Ban này đã được chuyển qua bên Đảng do đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Tiền Phong tường thuật rằng báo cáo của Chính phủ bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho là không có liên hệ gì với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng của Đảng.
Chỉ đạo giảm nhẹ?
Một vị trong Ủy ban này là ông Ksor Phước, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, được Dân Trí dẫn lời nói rằng ‘có án tham nhũng được chỉ đạo làm xẹp xuống’.
Ông chất vấn đại diện của Chính phủ và Viện kiểm sát: “Trong các vụ án nghiêm trọng, có vụ nào cơ quan tư pháp nhận được ý kiến của các lãnh đạo chủ chốt để làm nhẹ, thu hẹp phạm vi điều tra?”
Tiền Phong dẫn lời ông Phước yêu cầu tập trung điều tra ‘nơi nào nhiều tiền, nhiều quyền’ như ‘tổ chức cán bộ, quy hoạch, đấu thầu’.
Báo này cũng dẫn lời ông Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, than phiền về công tác xử lý tham nhũng là ‘xử lý hành chính nhiều, áp dụng tình tiết giảm nhẹ, xử dưới khung, án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ cao, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm’.
Ông này cũng cho một số vụ việc nghiêm trọng lại ‘bị kéo dài, bị đình chỉ điều tra’.
Trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói rằng ông không nhận được báo cáo bên Viện kiểm sát nên ‘không báo cáo được’ liệu có bàn tay can thiệp vào các vụ điều tra tham nhũng hay không.
Báo cáo của ông Tranh trình ra Quốc hội cho biết từ đầu năm đến nay đã phát hiện 80 đối tượng tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, trong đó, chuyển sang điều tra hình sự là 34 đối tượng.
‘Đừng sốt ruột’
BBC đã đem việc này hỏi ông Nguyễn Lân Dũng, một vị cựu đại biểu Quốc hội hiện nay đang là phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học-Giáo dục của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc, cơ quan giám sát và phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Dũng nói bản thân ông ‘tin tưởng lắm’ vào nỗ lực chống tham nhũng của Đảng.
Lý do ông tin tưởng là Đảng có ‘chủ trương chống tham nhũng quyết liệt’ và ông tin vào chủ trương đó.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng đây là vấn đề rộng lớn, phức tạp nên ‘đừng sốt ruột quá’.
“Phải từ từ. Miễn là có chủ trương, biện pháp,” ông nói.
Theo ông Dũng thì chỉ cần làm tốt việc kê khai tài sản mà Ban Nội chính trung ương đang yêu cầu hiện nay thì ‘mọi việc sẽ sáng tỏ’.
“Không thể nào giấu được tài sản,” ông nói, “Tham nhũng thì không thể cất tiền đi đâu được mà phải biến thành tài sản.”
Về vấn đề có hay không sự can thiệp vào các vụ việc tham nhũng đang điều tra, ông Dũng cho rằng không hề có chuyện như thế.
Ông đưa ra dẫn chứng là gần đây Bộ Chính trị có chọn 10 vấn đề để Ban Nội chính trung ương vào cuộc mà đó ‘toàn là những chuyện lớn như Vinashin, Vinalines’.
“Người chỉ đạo lớn nhất là Bộ Chính trị thì làm sao ai có thể chỉ đạo to hơn Bộ Chính trị được.”
“Mọi người chưa hài lòng vì thấy rất chậm nhưng chuyện lớn như thế thì không thể nhanh được,” ông nói thêm.
(Nguồn BBC -TV)
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét