Nông dân Văn Giang dựng lều giữ đất canh tác |
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà khoa học gắn bó với nông dân từ Long An nói: “Người nông dân bị cưỡng chế ra khỏi đất họ lấy gì để sống. Nông dân không được đào tạo đầy đủ khi nhận một cục tiền đền bù rồi cũng hết. Họ không biết cách làm tiền đẻ ra tiền. Dù có đào tạo chuyển đổi nghề nhưng hiệu quả chẳng tới đâu…Điểm yếu nhất của nhà nước khi thu hồi đất của nông dân đưa tiền xong coi như hết trách nhiệm. “Luật đất đai hiện nay tạo cơ hội cho tham nhũng từ dưới xã, phường đi lên. Đúng ra đất đai bị thu hồi phải tính theo giá trị thực của nó”...
Tại nhiều địa phương nông dân dựng lều, phản kháng lại bằng nhiều cách để giữ đất chống lại việc thu hồi của chính quyền. Trong khi đó tại Hải Dương, Quảng Bình, v.v…nông dân lại làm đơn trả đất, bỏ hoang ruộng..Nguyên nhân của tình trạng bất ổn về đất đai là do luật đất đai có nhiều bất cập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và chính quyền bắt tay nhau lấy lất của nông dân. Người trả đất lại đưa ra lý do giá thành sản xuất qua cao không còn lợi cho người gieo trồng.
Quyết tâm giữ đất
Hơn một năm nay, hơn 160 hộ dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã cùng nhau chống lại việc cưỡng chế thu hồi phục vụ cho dự án khu đô thị Ecopark. Nông dân dựng lều giữ đất, chính quyền cũng quyết liệt sử dụng lực lượng công an hùng hậu cưỡng chế giao đất cho doanh nghiệp.
Một người giữ đất tại xã Xuân Quan, ông Đ.V. Đồng nói: “Nông dân không thể sống thiếu đất. Đất làm ra của cải - dù trồng lúa, cây ăn quả, hay cây cảnh. Gia đình ông Đồng có hơn 900 mét vuông đất cho thuê cũng được hàng chục triệu đồng mỗi năm. Trồng cây cảnh cho hàng trăm triệu đồng/sào (360m2). Trong khi đó nhà nước thu hồi chỉ đền bù 43 nghìn đồng/m2.
Tại xã Xuân Quan chính quyền dùng công an cưỡng chế, doanh nghiệp thuê côn đồ để giữ việc san lấp đất. Người dân đấu với cả hai để giành lại đất. Hiện người dân đã sắm máy móc và tiến tới lập hợp tác xã để canh tác trên diện tích dành lại được. Người dân vừa sản xuất, vừa đưa đơn khởi kiện lên tòa án huyện Văn Giang, đến Quốc hội, Chính phủ, nhưng ở đâu họ cũng bị làm ngơ.
Sau Xuân Quan, nông dân xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cũng đã dựng lều, bám trụ giữ đất mà quyền cưỡng chế giao cho khu công nghiệp Bảo Minh.
Việc quyết tâm giữ đất trong nhiều tháng trời của người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cũng đã khiến chính quyền phải nhượng bộ. Và hàng trăm người nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đang làm lều để giữ đất cả ngày lẫn đêm chống lại việc thu hồi vẫn chưa có hồi kết.
Xin trả lại ruộng
Trong khi đa số nông dân quyết tâm giữ đất, thì cũng có nơi làm đơn trả đất cho nhà nước. Hộ ông Hồ Sĩ Vinh, thôn Thọ Xuyên, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã làm đơn xin trả lại hơn 800m2 cho nhà nước. Lão nông Phạm Văn Mang, thôn Thọ Chương, cũng làm đơn trả lại 400m2.
Bỏ hoang bị chính quyền dọa vi phạm luật đất đai, nên nhiều người dân đã làm đơn trả đất. Trong các lá đơn trả đất nhiều nông dân xã Lam Sơn thể hiện quyết tâm, “sau này nếu có thay đổi chính sách tôi cũng không đòi hỏi với diện tích đã trả”. Lý do trả đất được hai lão nông giải thích: “Do không có công để cày cấy. Thuê máy móc, người làm, giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón thì chỉ huề vốn do giá lúa bán ra thấp.”
Chi phí đầu tư cao hơn năng suất thu được khiến nhiều nông dân không còn ‘mặn’ với ruộng đồng. Tại hợp tác xã Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có đến 40ha ruộng ‘bờ xôi ruộng mật’ đang bị bỏ hoang ở vụ hè thu này. ‘Khuyến mãi’ đến mức đã cho máy làm đất miễn phí, cấp đủ nước cũng chỉ có một người ở xã khác đến nhận làm một nữa diện tích bị bỏ hoang.
“Luật đất đai tạo cơ hội cho tham nhũng”
Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà khoa học gắn bó với nông dân từ Long An nói: “Người nông dân bị cưỡng chế ra khỏi đất họ lấy gì để sống. Nông dân không được đào tạo đầy đủ khi nhận một cục tiền đền bù rồi cũng hết. Họ không biết cách làm tiền đẻ ra tiền. Dù có đào tạo chuyển đổi nghề nhưng hiệu quả chẳng tới đâu.”
Điểm yếu nhất của nhà nước khi thu hồi đất của nông dân đưa tiền xong coi như hết trách nhiệm. “Luật đất đai hiện nay tạo cơ hội cho tham nhũng từ dưới xã, phường đi lên. Đúng ra đất đai bị thu hồi phải tính theo giá trị thực của nó,” Giáo sư Xuân bày tỏ.
Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho rằng: “Chính sách quản lý, điều hành của nhà nước về đất đai đang bất cập, không phù hợp. Nên có biểu hiện nay xì chỗ này, mai chỗ nọ, mốt chỗ kia. Bụm túm giải quyết chỗ này lại vênh với cái giải quyết ở chỗ khác. Cho nên mâu thuẫn về đất đai càng ngày càng phước tạp hơn.”
Theo ông Nhị: “Không chỉ giá cả đền bù gây gay gắt, mà còn có người thu hồi có thái độ kẻ cả, không tôn trọng người có đất khiến người dân không thể hài lòng. Đây là danh dự, tình cảm của người dân. Nhiều người mảnh đất bao nhiêu năm gắn bó, giá nào họ cũng không muốn bán.”
Giải thích vệ việc nông dân trả đất, Giáo sư Xuân cho rằng: “Nông dân trả đất vì không có nhân lực, tiền để đầu tư sản xuất. Nông dân xưa nay quen gắn với cây lúa, nhưng hiện nay giá lúa thấp cũng không có hướng khai thác đất tốt hơn”. Trong khi đó ông Nhị nói: “Sức mua yếu, trong khi đó vật tư, dịch vụ không giảm, khiến cho giá thành sản phẩm của nông nghiệp tăng lên. Điều này làm cho bức tranh nông nghiệp ngày càng ảm đạm hơn. Căn bệnh này cũng trầm kha lắm rồi, cần phải có ‘thầy thuốc’ giỏi.”
Giáo sư Xuân lo lắng: “Cả khi nông dân bị thu hồi cầm cục tiền trong tay họ cũng không có nghề để họ chuyển đổi. Những ‘tấm gương’ khi nhận tiền đền bù mua sắm thả ga, sau đó lại trắng tay, khiến nhiều người sợ rồi.”
Nơi quyết tâm giữ đất, nơi khác xin trả đất – tình trạng này nói lên mâu thuẫn không nhỏ của nông thôn và nông nghiệp ở Việt Nam .
(Theo RDO)
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét