* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo - Phần 10)
Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Hệ thống chính trị của đất nước đã sản sinh ra những cụm từ tiêu biểu cho bản chất và cấu trúc của nó. Đó là sự xuất hiện của những hiện tượng xã hội mang những cái tên gọi như “văn hóa phong bì”, “đấu tranh, tránh đâu”, “sống lâu lên lão làng”, “chính sách cơ cấu”, “tân quan tân chính sách”, “tư duy nhiệm kỳ”, “nền kinh tế GDP tỉnh”, “quan hệ”, vân vân… Nội hàm của những cụm từ này phong phú đến mức ngôn ngữ gần như bất lực trong việc chứa đựng chúng.., cũng có nghĩa là sự tha hóa đạt tới mức vượt ra ngoài khả năng diễn đạt của ngôn ngữ[68]. Vô vàn sự việc xảy ra trong đời sống cho thấy “tư duy nhiệm kỳ”, “nền kinh tế GDP tỉnh” và “quan hệ” là 3 sát thủ chính đang hàng ngày tìm cách giết chết mọi giá trị và hy vọng vốn là nguồn gốc làm nên sức mạnh của một quốc gia.
Chính sách ngu dân, sự bưng bít thông tin, cùng với sự tha hóa của đạo đức và lối sống – con đẻ của quan liêu tham nhũng và bất công xã hội – đang tàn phá nghiêm trọng đời sống tinh thần của đất nước. Tâm lý thờ ơ, vô cảm, mất phương hướng, mất lòng tin, không cần quan tâm đến trách nhiệm và đến tương lai (cái gọi là chủ nghĩa mackeno) đang lan rộng ở mức nguy hiểm trong xã hội. Việc dư luận viên đã tới mức phải dùng đến cả sổ hưu làm công cụ biện hộ cho các lý lẽ bảo toàn chế độ và sự vô cảm ẩn chứa nhiều tâm trạng trái ngược nhau của người nghe cho thấy sự khốn quẫn trong trạng thái tinh thần của đất nước đã tới mức hoàn hảo! Còn điều nào đau lòng hơn? …Giữa lúc đất nước cần xốc lên tinh thần quật cường của cả dân tộc trong giai đoạn đầy sóng gió hiện nay của đất nước... Sự giả dối và trấn áp nhân danh “giữ vững định hướng” của bộ máy tư tưởng và hệ thống báo chí lề phải càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Đến mức khoảng một năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước xuất hiện trong ngôn ngữ chính thống cụm từ “đội ngũ dư luận viên”!.. Nghĩa là để thực thi bạo lực trấn áp bây giờ có thêm binh chủng “dư luận viên” bên cạnh những binh chủng sẵn có khác. Trong lãnh đạo đã có người công khai nói lên niềm tự hào của mình về sự đông đảo của “đội ngũ dư luận viên” này… (!) Người ta không thể không liên tưởng đến những cụm từ “móc ngoặc”, “bọn móc ngoặc”, “con phe”… xuất hiện trong thời kỳ bao cấp và tem phiếu cách đây ba thập kỷ. Chỉ có điều khác biệt là những cụm từ này là do nhân dân hồi ấy tặng những người làm các việc không chính đáng này với hàm ý phê phán; còn cụm từ “đội ngũ dư luận viên” lại là sản phẩm trí tuệ của ĐCSVN, nói lên nội dung một việc làm đang được ĐCSVN thực thi và tôn vinh.
Trong mọi sự tha hóa đất nước đang phải trải qua, có lẽ sự dối trá là nghiêm trọng nhất, là cái đẻ ra mọi tha hóa khác, đang hủy hoại mọi giá trị của đời sống mà tầm tay sự dối trá có thể với tới!
Thất bại nào trong đối nội cũng là tổn thất rất to lớn đối với đất nước. Nhưng điều làm tôi trăn trở nhất là những thất bại trong nền giáo dục của nước nhà. Tôi thực sự lo lắng không biết nước ta rồi đây – khi ra khỏi cuộc khủng hoảng nguy hiểm này và thiết lập nên được một hệ thống chính trị mới - sẽ phải cần bao nhiêu năm hay bao nhiêu thế hệ nữa, để có thể lấy lại được và xây dựng mới những giá trị tạo dựng nên những thế hệ con người mới không thể thiếu cho một nước Việt Nam phát triển, hiện đại, dấn thân và cùng đi được với cả thế giới! Cần một chế độ chính trị như thế nào để có thể kiến tạo một nền giáo dục đất nước phải có?!..[69]
VII – 1.4. Thất bại lớn nhất của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc nằm trong mặt trận đối ngoại
Thời bình, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc chủ yếu diễn ra trên mặt trận đối ngoại. Vì lẽ này, tôi xin tập trung trình bẩy một số ý kiến của mình trên phương diện này. Những vấn đề khác liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới trên bộ, và các vùng biển, đảo… xin được bàn vào một dịp khác.
Cũng như các phần trên, tôi xin đặt sang một bên cho một dịp khác việc đánh giá các thành tựu đạt được. Trong phần này xin tập trung tìm hiểu những việc chưa làm được, những thiếu sót hoặc sai lầm.
Chuỗi các sai lầm đầu tiên rất trầm trọng với nhiều hậu quả lâu dài
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thực chất chứa trong lòng nó 7 cuộc chiến tranh. Đó là:
- Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược;
- Cuộc chiến tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc trực tiếp xảy ra trên đất Việt Nam, nước ta tự nhận về mình nghĩa vụ là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa;
- Cuộc chiến tranh tranh giành ảnh hưởng trên thế giới giữa một bên là Liên Xô và liên minh và một bên là Mỹ và liên minh trên đất Việt Nam (một hình thái thể hiện cụ thể của “chiến tranh lạnh 1945 – 1991” diễn ra trên đất Việt Nam);
- Cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trên đất Việt Nam - với mục tiêu giữ kẻ thù Mỹ của Trung Quốc càng xa biên giới Trung Quốc càng tốt, với ý chí của Trung Quốc tọa sơn quan hổ đấu và quyết tâm chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng..;
- Cuộc chiến tranh tranh giành ảnh hưởng trên thế giới và trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giữa Liên Xô và Trung Quốc;
- Cuộc chiến tranh của phong trào độc lập dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, trong đó Việt Nam là một ngọn cờ tiêu biểu; và
- Việc thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hồi ấy tiến hành âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam đã dẫn tới chiến tranh Bắc – Nam 1954 – 1975, đấy là một cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu.
Đấy là thực tế lịch sử khách quan đã xảy ra.
Việc mổ xẻ các khía cạnh để phân tích 7 cuộc chiến tranh trong 1 cuộc chiến tranh như vậy không thuộc phạm vi bài này. Tuy nhiên, điều tất yếu có thể rút ra tại đây là: Khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc, khách quan của sự vật đòi hỏi nước ta phải giải quyết hậu quả và mọi hệ quả liên quan về sau của tất cả 7 cuộc chiến tranh này.
Nhưng khi kháng chiến kết thúc, chủ trương chính sách đối ngoại của nước ta hồi ấy lại không nhận thức được hay không thừa nhận điều tất yếu này.
Sẽ phải tốn rất nhiều công sức mổ xẻ ngoại giao của nước ta thập kỷ đầu tiên sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc.
Theo nhận thức của tôi, xin được kết luận ngay như thế này: Vì bỏ qua điều tất yếu nói trên, ngoại giao nước ta khi ra khỏi chiến tranh vừa say sưa chiến thắng, vừa có nhiều bất cập và bị động nghiêm trọng; nhất là thiếu vắng hẳn truyền thống ngoại giao Việt Nam của cha ông ngàn xưa: Đó là luôn luôn biết giữ thể diện cho các kẻ thù sau khi ta đánh bại họ, chủ động bình thường hóa quan hệ với họ… Vì mục đích “lên dây cót” cho dân, cho đến hôm nay lúc này lúc khác vẫn ra rả làm bẽ mặt đối phương cũ, nhưng lại không rút ra những bài học cần rút ra.
Đất nước ta đã phải trả giá rất đắt cho thiếu vắng sự hiểu biết này sau kháng chiến chống Mỹ!
Ra khỏi kháng chiến (7 cuộc chiến tranh), lại trong bối cảnh phe xã hội chủ nghĩa[70] không còn là một hệ thống thế giới thống nhất (Trung Quốc và Mỹ đi với nhau từ 1972), ngay lập tức nước ta phải đối phó với những kẻ ta đã đánh bại nhưng không chịu buông tha nước ta: Trung Quốc, Mỹ;
thân phận nước ta không thể tránh được là nước “bên thứ ba” trong cuộc tranh chấp không dứt giữa các cường quốc, giữa cộng sản và chống cộng sản, nhất là trên địa bàn ĐNÁ thời đó - trong đó đặc biệt là 3 nước Đông Dương - là một điểm nóng; những nhiệm vụ vô cùng nan giải nhằm khắc phục những hậu quả sâu sắc của sự tương tàn Bắc – Nam và phục hồi đất nước sau những thập kỷ chiến tranh tàn khốc.
Song sự lựa chọn của lãnh đạo lại là thừa thắng xông lên, tiến thẳng lên xây dựng chủ nghĩa xã hội: “tiến lên chủ nghĩa xã hội là xu thế tất yếu của thời đại”, “sự lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam”, “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội” ??? Vân vân…[71]?
Lịch sử không làm lại được, nhưng có lẽ lịch sử có thể giúp ta suy luận: Để giải quyết 3 thách thức (a, b, c) nói trên sau khi ra khỏi chiến tranh, Việt Nam lẽ ra phải vận dụng những kinh nghiệm sống còn đã làm nên thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ; đó là (1)phát huy sức mạnh dân tộc, và (2)tranh thủ sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ.
Song làm sao phát huy sức mạnh dân tộc, nếu không thực hiện được hòa giải dân tộc ngay sau khi chiến tranh kết thúc?
Sự thật là ngay sau 30 Tháng Tư, với tính cách là người chiến thắng, ĐCSVN là người duy nhất có cơ hội và có đủ quyền lực trong tay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khó khăn và vô cùng nhạy cảm này: Hòa giải dân tộc.
Nhưng tư duy ý thức hệ dứt khoát không chịu nhìn nhận trong 7 cuộc chiến tranh của kháng chiến chống Mỹ mà đất nước lâm vào có cuộc nội chiến. Cho đến ngày hôm nay vẫn vậy.
Do đó đã không đặt ra vấn đề hòa giải dân tộc. Hệ quả là (1) vết thương nội chiến cho đến hôm nay vẫn bị bỏ qua không được hàn gắn, chẳng những thế mà còn để xảy thêm những chết chóc, tổn thất mới đau lòng (các vấn đề “nạn kiều”, “thuyền nhân”, cải tạo tư sản…) và bao nhiêu tổn thất khác; (2) nội hàm đích thực của phát huy sức mạnh dân tộc là áp đặt duy ý chí tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.
Thực trạng đã xảy ra sau 30-04-1975 là: Trong khi vết thương nội chiến cũ còn nguyên vẹn, đất nước phải chịu đựng thêm những thất bại nghiêm trọng về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại… của duy ý chí “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Do đó cho đến hôm nay, vẫn không thể phát huy sức mạnh dân tộc với đúng nghĩa, đất nước bị làm yếu đi nghiêm trọng giữa lúc phải đối phó với không biết bao nhiêu thách thức ngổn ngang.
Nói ra hay không nói ra, không đặt ra vấn đề hòa giải dân tộc một cách thực tâm, trên thực tế và trong thâm tâm có nghĩa ĐCSVN tiếp tục coi phía bên kia chiến tuyến cũ vẫn là thù địch. Càng để lâu, vết thương dân tộc này càng khó khắc phục. Ngày nay, trong tình trạng tha hóa trầm trọng của chế độ chính trị, vết thương này tự nó sâu sắc thêm, hoặc tâm lý hận thù cũ đang cố ý làm cho vết thương này sâu sắc thêm!.. Tất nhiên, chỉ có đất nước phải gánh chịu mọi hậu quả mới tiếp theo. Điều vô cùng phi lý: Tại sao ĐCSVN đã thực hiện khép lại quá khứ với Mỹ, mà lại không khép lại quá khứ với một nửa khác của chính mình bên kia chiến tuyến thời chiến tranh?
Song quan trọng hơn thế, chừng nào ĐCSVN hôm nay chưa thực tâm khắc phục vết thương dân tộc này, chừng nào còn xem nhẹ vấn đề hòa giải dân tộc mãi mãi, thực tế này phải chăng chỉ càng cho thấy: ĐCSVN của hôm nay không muốn giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ chấn hưng đất nước, đơn giản vì ĐCSVN hôm nay không có bản chất này và do đó cũng không có năng lực làm việc này. Đơn giản là ĐCSVN hôm nay không coi đó là mục tiêu cách mạng của mình. Có phải như vậy không? Nếu đúng như thế thì nguy hiểm quá. Từng đảng viên trong ĐCSVN phải xem lại sự biến chất này so với khi ĐCSVN làm Cách mạng Tháng Tám và tiến hành các cuộc kháng chiến.
Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, ngoài sức mạnh kiên cường của dân tộc, còn có nguyên nhân quan trọng không thể thiếu: Sự ủng hộ của toàn thể loài người tiến bộ. Nhân dân ta đã nhận được sự giúp đỡ anh em của các nước xã hội chủ nghĩa hồi ấy; nhân dân ta còn được các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý khắp thế giới và ngay cả trên nước Mỹ cổ vũ, hậu thuẫn, được phong trào phản chiến của những lực lượng này tiếp sức.
Xin nói ngay, sự cổ vũ, hậu thuẫn của phong trào phản chiến nói trên là dành cho những giá trị của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam mà những lực lượng tiến bộ này của thế giới chia sẻ. Xin đừng ngộ nhận đấy là sự ủng hộ Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội – mặc dù những lực lượng tiến bộ này của thế giới biết rất rõ cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam do ĐCSVN lãnh đạo. Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh này còn có nguyên nhân là thế giới tiến bộ không chấp nhận một siêu cường đem vũ lực của mình bóp chết ý chí của một dân tộc đấu tranh giành độc lập tự do – đó là Việt Nam.
Có thể kết luận: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chứng minh hùng hồn: Để bảo vệ mình, Việt Nam phải đi với cả thế giới, phải đứng trong hàng ngũ tiến bộ của nhân dân thế giới. Cuộc kháng chiến này còn là sự đóng góp trực tiếp của Việt Nam vào hòa bình và các giá trị tiến bộ của thế giới, đó cũng là sự dấn thân trực tiếp của Việt Nam trong trào lưu tiến bộ của nhân loại. Thực tế này đã góp phần trực tiếp làm nên sức mạnh bất khả kháng của Việt Nam.
Trong thời bình bảo vệ tổ quốc lại càng phải làm như vậy. Nhưng trong thời bình, ĐCSVN đã không làm như vậy.
Nhìn lại thời hậu chiến, nước ta làm không tốt (1) nhiệm vụ phát huy sức mạnh toàn dân tộc và (2) nhiệm vụ phát huy sức mạnh cùng đi với cả thế giới tiến bộ ngang tầm với những thách thức và cơ hội đặt ra. Vì 2 khuyết điểm này, nên đã vấp phải nhiều thất bại nghiêm trọng về đối nội cũng như đối ngoại. Đất nước bị suy yếu và uy hiếp nhiều mặt.
Những sai lầm này đã được Khmer đỏ khai thác triệt để cho cuộc chiến tranh chống Việt Nam. Những sai lầm này tạo thêm thuận lợi cho Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2 – 1979, vào hùa với Mỹ cô lập và bao vây cấm vận chống Việt Nam cả một thập kỷ sau chiến tranh. Những sai lầm nay làm cho quá trình hội nhập quốc tế sau đó của nước ta diễn ra cực kỳ chật vật, quanh co, nhiều cơ hội quan trọng bị bỏ lỡ[72].
Đấy là những sai lầm rất nghiêm trọng trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước ở thời kỳ này, để lại nhiều hệ lụy cho hôm nay.
Có không ít ý kiến biện hộ: …Những sai lầm như thế vấp phải trong thời hậu chiến là tất yếu, là bất khả kháng trong bối cảnh quốc tế và khu vực lúc đó… Không thể vỗ cánh bay qua bối cảnh lịch sử và đốt cháy giai đoạn trong tư duy…
Những lập luận như thế không hoàn toàn vô lý, thậm chí có nhiều khía cạnh xác đáng. Lịch sử cũng không thể làm lại được. Nhưng nếu muốn lịch sử là người thầy cho hiện tại và cho tương lai, nhất thiết cần mổ xẻ tới căn nguyên mọi sự việc đã xảy ra.
Riêng tôi xin thưa: Suy cho cùng, điều đau lòng vẫn là tầm trí tuệ hạn hẹp và sự nhìn nhận thiên lệch của tư duy ý thức hệ của lãnh đạo hồi ấy về thế giới bên ngoài cũng như về lợi ích quốc gia, khiến cho đất nước rơi ngay vào chặng đường đau khổ mới, ngay sau khi vừa ra khỏi chiến tranh. Có phải sự thật là như vậy không?
ĐCSVN nói riêng và là người Việt Nam nói chung có lẽ nên suy ngẫm về quãng đường lịch sử không ít máu và nước mắt này. Tôi không dám cho mình cái quyền giữ chân lý về mình, nhưng tôi thực sự nghĩ như thế, đinh ninh như thế. Xin được chia sẻ để cùng tham khảo. Vì không nói ra cũng sẽ là có tội với đất nước. Còn chuyện đúng / sai, để cho sự thật phân giải, để cho mọi người sẽ phân giải.
Hơn nữa, nhìn rõ thế giới, hiểu đúng lợi ích quốc gia của ta – điều này luôn luôn là vấn đề nóng bỏng và có ý nghĩa mất / còn đối với hiện tại và của tương lai của đất nước.
Có thể kết luận: Sau kháng chiến, không phát huy được sức mạnh dân tộc, không cùng đi được với thế giới như vậy, thế là sai lầm. Đất nước yếu đi nghiêm trọng cả về thế và lực, nên đã phải trả giá đắt.
Đã 38 năm trôi qua. Nhưng hôm nay nhìn lại, trong lòng tôi canh cánh nỗi niềm: Phải chăng một cơ hội lịch sử của dân tộc ngàn năm mới có một lần đã bị bỏ lỡ? – ngàn năm với cả nghĩa đen của cụm từ này –[73]. (còn tiếp)
-------------
+ Chú thich:
[68] Ví dụ: Có những affairs các nhóm lợi ích mặc cả với nhau: Giải quyết việc này sẽ hết bao nhiêu “quan hệ”? Khái niệm “quan hệ” này chứa đựng những gì? Khối lượng tiền?, “sổ đỏ”, “dự án”, “cơ chế”, cái bằng? cái ghế?, “cặp chân dài”, trao đổi giữa “tội” với “tội”, trao đổi giữa “tội” và “cơ hội”… vân vân và vân vân… Chỉ có chúa trời mới biết được đích xác!
[69] Có một sự thật đang bị trối bỏ: Gần 3 thập kỷ nay công cuộc cải cách giáo dục của nước nhà hoàn toàn thất bại, cho đến nay đất nước ta chỉ có một nền giáo dục đào tạo ra con người công cụ, không phải là con người của chính nó và sáng tạo. Một nền giáo dục như thế trên thực tế đang góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại các giá trị chân chính và đạo đức xã hội. Qua những con người trong các bộ máy của hệ thống chính trị do nền giáo dục này (bao gồm cả hệ thống trường Đảng) đào tạo nên, đất nước đang bị làm hỏng và biến dạng nghiêm trọng về mọi mặt. Nền giáo dục hiện tại đang trực tiếp làm hỏng các thế hệ con người của đất nước, vì trong bản thân nó ngấm ngầm tồn tại quá nhiều cái sai trái, cái lạc hậu… Những nỗ lực bỏ ra cho cải cách giáo dục là rất lớn và rất tốn kém, nhưng cho đến nay đều không mang lại kết quả mong muốn. Nguyên nhân chính là những nỗ lực này không thắng nổi 2 kẻ tử thù của giáo dục là tham nhũng và dối trá. Đó lại chính là 2 kẻ thù có chỗ ẩn náu rất sâu trong hệ thống chính trị của đất nước, được nuôi dưỡng bằng mọi giá trị và văn hóa của chính hệ thống chính trị này sản sinh ra. Đã đến lúc cần rút ra kết luận: Cải cách giáo dục chỉ có thể thành công khi đồng thời cả nước tiến hành cuộc cải cách chính trị sâu sắc. Lịch sử ngàn năm của nước ta các thời đã chứng minh: Không thể nào có một nền giáo dục chân chính trong một chế độ xã hội bất lương (tham khảo: Hoàng Lê Nhất Thống Chí).
[71] Tham khảo các văn kiện của ĐCSVN sau chiến thắng 30-04-1975, các văn kiện các Đại hội toàn quốc ĐCSVN từ đại hội IV.
[72] Xin đừng quên: Sau 30-04-1975, cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ và với các nước ASEAN đến sớm hơn rất nhiều so với việc bình thường hóa đã diễn ra. Đã gần 4 thập kỷ đã trôi qua, thiết nghĩ lưu trữ quốc gia Việt Nam nên sớm bạch hóa chuyện này.
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét