Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

MẤY CHUYỆN 'VẠ BÚT'

          
* NGỌC DƯƠNG
Sự cố văn chương – 'vạ bút' - xưa nay không hiếm. Thời sự nhất là gần đây, có bài thơ nhan đề “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân” của nhà thơ Đàm Chu Văn, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, bị “Cấm đi khỏi... nơi cư trú” (quản chế?). Có người gọi là “Bài thơ bị cầm tù”. Nói thế nghĩa là những chuyện tôi sắp nhắc lại dưới đây ở tỉnh Lào Cai  trong lịch sử Hội Văn học nghệ thuật cũng chỉ là “chuyện vặt”, nói cho vui nhân dịp Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội, không có ý phê bình, trách móc ai, vì đó là những chuyện lâu rồi.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai thành lập năm 1972, đến 1976 sáp nhập tỉnh, trở thành Hội Văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn. Thời kỳ này nhà thơ Lò Ngân Sủn có bài thơ “Người Dân tộc nói” đăng trên tạp chí Văn nghệ tỉnh trong đó có câu: “Người dân tộc nói / No tai mà đói cái bụng / cũng như có sấm mà không có mưa”.
Một người trong cơ quan chuyên trách Hội văn nghệ (không phải đảng viên Cộng sản) lên báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy đại ý là: Bài thơ này của đảng viên Lò Ngân Sủn có ý chống Đảng, nói xấu Tỉnh ủy là: Chỉ nói nhiều mà không làm được gì cho dân. Lò Ngân Sủn khi được tin Tỉnh ủy “xem xét” bài thơ của mình và có người nói bài thơ “chống Đảng” thì ông rất hoang mang. Nhưng may là được ông Trưởng ban Tuyên giáo bảo vệ, lập luận rằng, không có vấn đề gì, đấy cũng chỉ là cách nói của đồng bào dân tộc thôi... Thế là nhà thơ Lò Ngân Sủn thoát “tội” (may cho LNS lại có được ông Trưởng ban TG hiém hoi,hiểu biết, trung thực như tế -BVB).
Năm 1991, tái lập tỉnh Lào Cai, chia ra từ Hoàng Liên Sơn, số tạp chí Văn nghệ đầu tiên của tỉnh Lào Cai mới (1992) đăng bài thơ “Thế hệ tôi mơ ước đến mùa xuân” của nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Sau khoảng một năm, chẳng hiểu thế nào đến tai Bí thư tỉnh ủy. Lúc ấy tôi đang công tác ở cơ quan này, hàng ngày thường lên hút thuốc lào với Bí thư. Vì là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nên một hôm tôi được Bí thư tiết lộ: “Cái tay Pờ Sảo Mìn vừa rồi làm bài thơ ‘Thế hệ tôi mơ ước đến mùa xuân’ đăng Tạp chí Văn nghệ tỉnh. Bài thơ này thể hiện rõ quan điểm thù địch, không tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì thế cho nên hắn còn mơ ước đến một mùa xuân nào nữa? Hay là mơ ước để lật đổ chế độ này? Rõ ràng là một bài thơ phản động!...”. Tôi chỉ nhẹ nhàng khuyên giải: “Chắc không phải đâu anh ạ! Văn thơ nó trừu tượng, nhiều khi nghĩ ra cái gì thì nó ra cái đó, anh cũng nên cho qua đi.” Lúc ấy tôi rất thân với Bí thư, phần vì trước đây đã từng công tác với nhau ở huyện, lại gần nhà nhau, có gì thường chia sẻ hết sức cởi mở.  Sau đó tôi thấy ở Ban Tuyên giáo rồi một số cơ quan trong hệ thống tư tưởng ở tỉnh có rỉ rả, bàn tán một thời gian. Nhưng có lẽ trong bối cảnh tỉnh vừa mới chia, việc lo tập kết các cơ quan, xây dựng lại thị xã tỉnh lỵ...cứ rối bù lên, nên sự cố bài thơ “Thế hệ tôi mơ ước đến mùa xuân” dần dần bị / được quên lãng. Sau này chỉ còn lại giai thoại. Nhưng Pờ Sảo Mìn cũng một thời bị nhiều người trong  giới chính khách ở tỉnh, huyện “để ý” và tỏ ra không thích. Tôi đi công tác ở Mường Khương, lần nào cũng xin phép Bí thư huyện ủy xuống thăm Pờ Sảo Mìn. Không can ngăn nhưng Bí thư cũng có vẻ không hài lòng. Lúc ấy ở huyện ít người biết đến Pờ Sảo Mìn, có người biết thì cũng chỉ biết đến một Pờ Sảo Mìn là người Pa Dí, nhỏ thó, hom hem, lấm láp, một anh chàng chăn ngựa, cắt cỏ cá...Thế thôi. Ở tỉnh thì tên tuổi Pờ Sảo Mìn được anh em trong giới văn nghệ “tâm phục, khẩu phục” bởi tài năng của ông trong thơ ca, một giọng thơ độc đáo của người Pa Dí. Nhưng giới chính khách chẳng mấy ai quan tâm. Ở Hội Nhà văn Việt Nam, trên thi đàn quốc gia thì Pờ Sảo Mìn lại nổi như cồn khi đọc “Cây hai ngàn lá”, “Con trai người Pa Dí” “Cây ống khói”, “Cung đàn mùa xuân”...của ông. Thế mới biết, để hiểu một con người không phải chuyện đơn giản. Đúng là, “thức lâu mới biết đêm dài”.
Năm 1998, thời kỳ Đạo Tin Lành tự phát du nhập ồ ạt vào một số vùng đồng bào H’Mông trong tỉnh. Những người trong giới lãnh đạo có tinh thần cảnh giác cao thì hoang mang, lo sợ các thế lực thù địch, phản động nấp ở đâu đó lợi dụng tôn giáo làm mất ổn định chính trị và an ninh ở cơ sở. Nhìn thấy một trong những nguyên nhân là do đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước và cán bộ địa phương cần phải quan tâm hơn nữa đến cuộc sống thiết thân của đồng bào, nhà văn Đoàn Hữu Nam đã có bài bút ký dự thi: “Xào xạc những cánh rừng Lào Cai” trên báo Tiền Phong. Bài ký lại kết bằng câu thơ của Lò Ngân Sủn: “Người dân tộc nói / no tai mà đói cái bụng / cũng như có sấm mà không có mưa.”.  Một ông “thầy dùi” nào đó ở Ban Tuyên giáo lại “tô” với Bí thư Tỉnh ủy. Thế là Bí thư chỉ đạo Ban Tuyên giáo phải kiểm điểm tác giả. Nhưng để tránh mang tiếng “khắt khe”, thiếu lý lẽ, Bí thư có vẻ không quan tâm đến mấy câu thơ trên mà chỉ yêu cầu làm rõ con số 12.000 người theo đạo, tại sao tác giả lại viết 120.000! (thêm một con số 0, do biên tập tờ báo đánh nhầm!). Bí thư bảo: “Nếu vậy thì tính cả mấy đồng chí là người H’Mông trong Thường vụ cũng không đủ. Rõ ràng là anh này viết sai sự thật, vi phạm luật báo chí, bêu xấu tỉnh (!?).  Cuộc chỉ đạo kỷ luật nhà văn Đoàn Hữu Nam được tiến hành bài bản. Trong chi bộ có 5 đảng viên thì 4 người biểu quyết xử lý đồng chí Nam bằng hình thức “Khiển trách”. Riêng đương sự thì không tán thành hình thức đó mà tự nhận “Cảnh cáo”, nặng hơn một bậc! Chả nhẽ nhà văn lại giống con lừa – ưa nặng! Nhưng kết thúc, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, nên Nghị quyết “Khiển trách”, kèm theo “hình phạt phụ” là “treo bút” 3 năm, không cho đăng tải mọi bài viết của Đoàn Hữu Nam. Tuy nhiên, do điều kiện lúc ấy còn quá ít tác giả viết cho Tạp chí Văn nghệ của Hội, nên chỉ sau vài tháng đã thấy xuất hiện bài của Nam trên Tạp chí Văn nghệ, trên báo tỉnh, báo ngành trung ương mà cũng không thấy ai “nhắc nhở”.
Còn chuyện cười ra nước mắt nữa, án kỷ luật của Nam vừa được công bố thì báo Tiền Phong thông báo danh sách trúng giải cuộc thi, trong đó có bài “Xào xạc những cánh rừng Lào Cai”! Lập tức, Hội Văn học nghệ thuật và Đoàn Hữu Nam nhận được “trát” của thượng cấp là, đồng chí Nam không được nhận giải. Đồng thời, Ban Tuyên Giáo có công văn cho Tổng Biên Tập báo Tiền Phong là không trao giải cho Đoàn Hữu Nam. Sau đó ít ngày, tôi có dịp đi công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, có người cho biết, hôm trước Nam cũng xuống đây, rồi sang Báo Tiền Phong nhận giải ‘chui”!... 
Cũng thời kỳ này, tôi đang công tác ở một Ban Đảng lại kiêm chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật. Trong cơ quan Ban Đảng có chuyện lình xình xuất phát từ sự đố kỵ của một tên (lại cũng) “thấy dùi” từng nổi tiếng mất đoàn kết ở nơi khác do tôi nhận về làm thuộc cấp của mình. Đó là sai lầm lớn nhất của tôi. Hàng ngày, tôi thường chỉ tập trung cho công việc, coi thường, không quan tâm những chuyện “vớ vẩn”. Đó cũng là thói xấu kiêu ngạo của tôi, cứ thẳng băng mà đi, không biết nhìn trước, ngó sau để tránh bọn tiểu nhân nịnh hót cấp trên của mình, “rải đinh”, “rắc chông”, cài bẫy... Tôi vốn không mấy khi làm thơ nhưng một hôm xem phim Tây Du Ký liền nảy ra bài thơ: “Nỗi niềm Tôn Hành Giả”.Bài thơ nói về một sai lầm của thầy Đường Tăng trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh khi xử sự với Tôn Ngộ Không, một đồ đệ trung thành, tài năng xuất chúng, để cuối cùng phải ân hận vì “lẫn lộn giữa Người và Ma”. Bài thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ tỉnh sau 3 tháng thì một hôm, Bí thư gọi tôi lên: “Anh làm chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, một người được Tỉnh ủy giao “gác cổng” trên lĩnh vực tư tưởng chính trị trong sáng tác, thế mà tại sao anh lại đăng bài thơ do chính anh làm, ám chỉ đường lối cán bộ của Tỉnh ủy!? Nếu anh viết rồi để trong cặp thì tôi không nói gì. Đằng này anh cho đăng lên Tạp chí, phát hành toàn quốc, cả nước người ta sẽ nghĩ gì về công tác cán bộ của tỉnh này, mà tôi là người đứng đầu, là Bí thư, anh hiểu không?!...”…
 Tôi bị bất ngờ, ớ ra, không kịp hiểu sự thể. Hút điếu thuốc lào sặc đến 3 lần! Lúc này tôi sợ nhất không phải vì đã đăng bài thơ mà thấy Bí thư vốn là người rất quý tôi vì đã từng kề cận, đồng cam cộng khổ thuở hàn vi ở huyện, thường xưng hô “chú chú, anh anh” với tôi, thế mà hôm nay “đổi màu” gọi tôi bằng “anh” thì tôi kinh quá! Điệu này chết đến đít rồi! Tôi chỉ phản ứng nhẹ vài câu: “Không phải đâu anh ạ!...Em không có ý đấy”.
Công bằng mà nói, Bí thư vốn là người thật thà, chất phác, rất dễ tin người. Nhưng vụ này có yếu tố “ma mãnh” nên rất khó giải thích. Dưới sự chỉ đạo của Bí thư, ít nhất có 3 cuộc họp được tiến hành để truy xét tư tưởng bài thơ. Đó là, Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ gồm 9 thành viên; tập thể lãnh đạo Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy gồm Trưởng ban và 4 Phó ban (trong đó có Giám đốc Sở Văn hóa thông tin, Tổng biên tập Báo Đảng); Hội đồng nghệ thuật của Tỉnh gồm 11 thành viên, có nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi trong tỉnh. Tất cả các Biên bản của các tổ chức này đều kết luận đại ý: Đây là một bài thơ bình thường, có tư tưởng phê phán nhận thức sai lầm, rút ra bài học cho thực tiễn. Bài thơ không vi phạm luật báo chí, luật xuất bản...
Vài ngày sau, tôi gửi đến Bí thư một bài viết tâm huyết, nói về quá trình cống hiến của mình, về quan hệ vốn rất tốt đẹp với Bí thư từ lâu. Đặc biệt, tôi đã mang hết lý luận về Văn học nghệ thuật, về mỹ học tiếp thu được ở nhà trường những năm trước đây ra phân tích, lý giải về đặc trưng văn học, hy vọng Bí thư sẽ nhìn nhận lại... Nhưng ôi thôi, chẳng cái dại nào giống dại nào. Một hôm tôi giật mình khi nghe tin, tên “thầy dùi ném đá giấu tay”, lại “dùi” đến  Bí thư Tỉnh ủy một quả cực kỳ “độc” từ xa: “Bí thư là ủy viên Trung ương Đảng mà chả hiểu gì về văn học, để một tên “tốt đen” lãnh đạo Hội Văn nghệ địa phương dám “dạy cho Bí thư bài học về văn học nghệ thuật”! Thế là tính tự ái của con người bốc lên ngút giời...Và kết quả là tôi bị tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết Kỷ luật với hình thức “Cảnh cáo”, mặc dù đa số các Ủy viên Thường vụ vừa biểu quyết vừa... cười ruồi!
Trong lịch sử thế giới chưa từng thấy có nơi nào nhà văn, nhà thơ hay một tác phẩm văn học, thậm chí cả một nền văn học có thể lật đổ được thể chế chính trị. Thế mà sao có những người sợ văn, thơ đến thế? Nhà thơ Trần Đăng khoa đã viết: “Những nhà văn, nhà thơ, những người phận mỏng cánh chuồn, tay yếu, ruột mềm, chẳng có quyền bính gì hết” (Chân dung và đối thoại). Vâng, đã là phận mỏng cánh chuồn, quyền bính chẳng có thì tác phẩm của họ hay, dở, xã hội có quyền khen, chê, chấp nhận hay vứt vào sọt rác, chứ nó đâu phải là súng ống, bom đạn phá hoại được chế độ. Nhà văn Ngụy Minh Luận (Trung Quốc), trong một bài phiếm đàm nhan đề ‘Văn học và Tôi’, có viết: “Văn học không phải võ học, tuyệt nhiên không có sức mạnh đè bẹp chông gai, càng không có bàn tay khổng lồ dẹp cơn bão tố, không thể làm Bồ Tát cứu thế, cũng không thể làm gian hùng loạn thế”...Vậy cái gì đã dẫn đến những bi kịch đối với các nhà văn, nhà thơ, tóm lại, những người sáng tạo nghệ thuật “phận mỏng cánh chuồn” khi chẳng may tác phẩm của họ bị cho là “ám chỉ” cái này cái nọ? Tại sao một tác phẩm văn học khi người có quyền thế cho là xấu lại không được xử bằng pháp luật Nhà nước một cách đàng hoàng, minh bạch mà cứ từ đâu tác giả bị sấm sét, bão tố giáng xuống đầu!?
 - Tại sao nhỉ ?...
    Tháng 9 – 2012
H.N
(Nguyễn Ngọc Dương. 028, đường N10, phường Bắc Cường, Thành phố Lào Cai.
Email: haingocphoto@gmail.com  ; Blog: ngocduonglc.blospot.com)
/<Nguồn: trannhuong.com>; Và ĐÂY  /
--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét