Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYỀN LỰC - Phần 1


* VÁCLAV HAVEL 
... Sự vĩ đại của Havel không nằm ở việc mô tả hệ thống hậu toàn trị, mà ở việc vạch ra cái mâu thuẫn đặc thù tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của nó: mâu thuẫn giữa nhu cầu tự nhiên, sống động và chân thực của đời sống dân sự, với những đòi hỏi phi tự nhiên, chết cứng và dối trá của hệ thống hậu toàn trị. Trong thời kì toàn trị, cá nhân đột ngột bị lột khỏi các tổ chức dân sự truyền thống (gia đình, bạn bè, các hội đoàn, tôn giáo v.v.), để lắp vào các guồng máy nhân tạo: nhà nước-đảng và các đoàn thể bù nhìn. Đến thời kì hậu toàn trị, các cỗ máy ấy dần xơ cứng, bị giả hóa dưới mặt nạ ý thức hệ; con người phải sống đời dối trá. Havel, với niềm tin sắt đá vào nhu cầu được sống thật của con người, cho rằng đời sống dân sự chắc chắn sẽ phục hưng.
Nhìn thấy mâu thuẫn chính, riêng biệt của hệ thống hậu toàn trị, Havelđã không đề ra bất kì một cuộc “cách mạng” hay “cải cách” nào về kinh tế, chính trị hay quân sự. Ông kêu gọi một chiến lược hoàn toàn mới: hãy bắt đầu từ việc giải phóng đời sống dân sự khỏi sự dối trá đang bao trùm. Chiến lược ấy được dệt nên từ những hành vi thường nhật: người bán rau đừng treo cái khẩu hiệu mà anh không hề tin tưởng. Hãy ngừng tham gia những trò hề bầu cử, những màn mit-tinh lố bịch. Hãy nói những gì mình nghĩ. Hãy làm những gì mà hệ thống giả đò là cho phép anh làm. Tức là, hãy sống trong sự thật...
             ... Václav Havel, GCB, CC (5 tháng 10 năm 193618 tháng 12 năm 2011) là nhà vănnhà viết kịch Séc. Ông là tổng thống Tiệp Khắc cuối cùng và tổng thống Séc đầu tiên.
Havel sinh tại Praha trong một gia đình trí thức tư sản nổi tiếng của Tiệp Khắc. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vì lý do lý lịch nên việc học của ông gặp trắc trở. Ông phải tự học và trở thành một nhà văn, nhà viết kịch. Năm 1968, ông bị cấm viết kịch và bắt đầu hoạt động chính trị.
Ông phải ngồi tù 5 năm vì là người đề xướng tuyên ngôn Hiến chương 77.
Ông là lãnh tụ của cuộc Cách mạng Nhung (Tiệp Khắc) năm 1989, và là người đứng đầu Diễn đàn dân sự (Civic Forum), tổ chức chính trị đã giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử tự do đầu tiên sau chế độ cộng sản.
Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ, sau đó được bầu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech.
Sau khi rút lui khỏi chính trường, ông vẫn ủng hộ các phong trào bất bạo động chống chế độ toàn trị ở các nước như CubaTrung Quốc và là hội viên Câu lạc bộ Madrid. Ông đã đoạt Giải Olof Palme năm 1989, Giải Hòa bình của ngành kinh doanh sách Đức năm 1989, Giải Ý thức toàn cầu năm 1996, Giải thưởng Hoàng tử xứ Asturiasvề Truyền thông và Nhân văn năm 1997. Về sự nghiệp văn học, ông đã đoạt Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu năm 1968, Giải Franz Kafka năm 2010. Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 2011
Tác phẩm “Quyền lực của Không Quyền lực” được đánh giá là tác phẩm mà chính tác giả đã xuất phát từ sự trải biến, chiêm nghiệm thực trạng xã hội, có chiều sâu suy tư, trăn trở, đúc kết, phân tích sâu sắc về thời cuộc chính trị-xã hội của một nhà cách mạng thực sự yêu nước, có chính kiến vững vàng, trung thực, dám nhìn thẳng vào sự thật và mổ xẻ nó, mạnh dạn, khéo léo, kiên quyết cách tân (đổi mới) vì Đất nước và Nhân dân.
                    Từ hôm nay (22/9), trang BVB xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm này, để rộng đường tham khảo, cùng chia sẻ. Kính mong bạn đọc đưa ra những nhận xét - comment- trung thực, khách quan, xây dựng vì sự nghiệp chung, bày tỏ nhận thức, suy ngẫm, luận giải của mình qua đọc tác phẩm này. BVB coi đây là 'tài liệu mở' nhằm có thêm thong tin về chính trị-xã hội ở một nước Đông Âu, giúp cho ta kiểm nghiệm cách nhìn, cách đánh gia, phân tích hiện trạng xã hội và qua đó mọi còng dân cùng nâng cao ý thức góp phần xây dựng xã hội thực sự có được thành quả: Dân giàu, Nước mạnh, Công bằng, Dân chủ, Văn Minh - như các Nghị quyết đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều nhiệm kỳ đại hội đã đề ra; mà thực tế cho đến nay để đạt được mục tiêu quan trọng ấy còn muôn vàn khó khăn!                                               *             *              *
                   [Václav Havel: The Power of the Powerless
                                   To the memory of Jan Patocka]

                        * Khải Minh dịch và giới thiệu
                       * Lâm Yến hiệu đính./  - (Fromtalawas.org)
           -----------------       
PHẦN  1
Lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Việt
             Václav Havel sinh ngày 5 tháng Mười năm 1936 tại Praha, trong một gia đình trí thức tư sản nổi tiếng của Tiệp Khắc. Sau Thế chiến II, sự nghiệp học hành của ông gặp trắc trở vì lý lịch. Haveltự học và trở thành nhà văn, nhà viết kịch. Sau khi cách mạng Mùa xuân Praha bị Hồng quân Liên Xô đàn áp (1968), ông bị cấm viết kịch và bắt đầu hoạt động chính trị. Là người đề xướng tuyên ngôn Hiến chương 77, ông phải ngồi tù 5 năm. Tư tưởng chính trị và đạo đức của Havel có ảnh hưởng to lớn đến phong trào dân chủ ở Đông Âu. Havellà lãnh tụ của cuộc Cách mạng Nhung của Tiệp khắc năm 1989, sau đó là người đứng đầu Diễn đàn dân sự (Civic Forum), tổ chức chính trị đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc tuyển cử tự do đầu tiên sau chế độ cộng sản. Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ, sau đó được bầu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech.Sau khi rút lui khỏi chính trường, dù bệnh tật, Havel vẫn ủng hộ các phong trào bất bạo động chống chế độ toàn trị ở các nước như Cuba, và cả Việt Nam.
Quyền lực của không quyền lực” (1978) là tác phẩm kết tinh tư tưởng của Havel. Tiểu luận này đã ảnh hưởng đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, định hướng lại lý thuyết chính trị về chế độ cộng sản, và góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự.
Tiểu luận mở đầu bằng một phân tích chính trị xuất sắc: định danh thực trạng Đông Âu thời kì hậu Stalin bằng cái tên “hậu toàn trị” . Havel đã vạch ra đặc điểm cơ bản nhất của hệ thống hậu toàn trị: xã hội bị tha hóa thành một hệ thống tự động vận hành. Hệ thống này nô dịch và điều khiển tất cả mọi người - từ giới lãnh đạo chóp bu cho đến từng người dân. Không có ai đứng trên hay đứng ngoài hệ thống ấy: mỗi người vừa là tù nhân, vừa là cai ngục cho hệ thống.
Trong hệ thống hậu toàn trị, “sống đời dối trá” (living a lie) bao trùm xã hội như một định mệnh. Havel đã lột tả từng chiều cạnh của bi kịch này. Havel - nhà văn - đã đúc kết sự dối trá ý thức hệ qua hình ảnh: người bán rau quả treo trước quầy hàng, cùng với những lô hành và cà-rốt, khẩu hiệu “Vô sản thế giới đoàn kết lại!”. Havel - nhà đạo đức - đã chỉ ra tình trạng mất nhân phẩm của cá nhân, và vai trò của ý thức hệ như là mạng che cho các cá nhân đỡ bị trần truồng trước thực trạng ấy. Havel -nhà chính trị học - giải phẫu sự dối trá ý thức hệ với tư cách là dung dịch điều hòa hoạt động của các cá nhân bị nô dịch và tự nô dịch trong hệ thống, để đảm bảo cho hệ thống toàn trị vận hành nhịp nhàng.
Nhưng, sự vĩ đại của Havel không nằm ở việc mô tả hệ thống hậu toàn trị, mà ở việc vạch ra cái mâu thuẫn đặc thù tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của nó: mâu thuẫn giữa nhu cầu tự nhiên, sống động và chân thực của đời sống dân sự, với những đòi hỏi phi tự nhiên, chết cứng và dối trá của hệ thống hậu toàn trị. Trong thời kì toàn trị, cá nhân đột ngột bị lột khỏi các tổ chức dân sự truyền thống (gia đình, bạn bè, các hội đoàn, tôn giáo v.v.), để lắp vào các guồng máy nhân tạo: nhà nước-đảng và các đoàn thể bù nhìn. Đến thời kì hậu toàn trị, các cỗ máy ấy dần xơ cứng, bị giả hóa dưới mặt nạ ý thức hệ; con người phải sống đời dối trá. Havel, với niềm tin sắt đá vào nhu cầu được sống thật của con người, cho rằng đời sống dân sự chắc chắn sẽ phục hưng.
Nhìn thấy mâu thuẫn chính, riêng biệt của hệ thống hậu toàn trị, Havel đã không đề ra bất kì một cuộc “cách mạng” hay “cải cách” nào về kinh tế, chính trị hay quân sự. Ông kêu gọi một chiến lược hoàn toàn mới: hãy bắt đầu từ việc giải phóng đời sống dân sự khỏi sự dối trá đang bao trùm. Chiến lược ấy được dệt nên từ những hành vi thường nhật: người bán rau đừng treo cái khẩu hiệu mà anh không hề tin tưởng. Hãy ngừng tham gia những trò hề bầu cử, những màn mit-tinh lố bịch. Hãy nói những gì mình nghĩ. Hãy làm những gì mà hệ thống giả đò là cho phép anh làm. Tức là, hãy sống trong sự thật.
Đương nhiên, tất cả đều hiểu mỗi hành động cá nhân ấy có ý nghĩa gì với một hệ thống chỉ có thể vận hành nhờ sự dối trá tập thể: nó hô lên rằng “Hoàng đế cởi truồng!” Chính vì thế mà toàn bộ hệ thống sẽ ra sức bịt miệng, đàn áp và vu khống các cá nhân ấy. Thế là một số người, do những lựa chọn rất riêng tư về cách sống, đột nhiên thấy mình trở thành các “nhà bất đồng chính kiến”. Tất nhiên, thiểu số này chẳng là các nhà cách mạng. Họ không có học thuyết, chẳng dùng bạo lực, cũng không phủ định hệ thống trên lý thuyết. Họ chỉ sống đúng những gì mà hệ thống hứa hẹn cho họ: quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do đi lại v.v., và vì thế trong mỗi hành động thực tiễn, lại không ngừng vạch mặt hệ thống. Họ chỉ là những người dũng cảm hơn một chút, sống trong sự thật sớm hơn một chút, và chỉ có ý nghĩa khi đằng sau họ là một không gian của những người sống trong sự thật.
Trong không gian công toàn trị, nơi mà dối trá được đảm bảo bằng bạo lực, đời sống trong sự thật của số đông sẽ bắt đầu một cách tự nhiên từ trong những không gian công không chính thức: các nhóm không chính thức, văn học ám chỉ, báo chui (hay ngày nay là Internet) v.v. Nhu cầu sống trong sự thật, khi được thỏa mãn trong các mảnh đất ngầm của xã hội dân sự, sẽ làm cho biên cương của nó mở rộng mãi sang các địa hạt khác như kinh tế, tôn giáo v.v., với những đòi hỏi được thừa nhận, được thể chế hóa ngày một tăng. Cho đến khi nó đụng lớp vỏ cứng của hệ thống toàn trị cứng nhắc, và những chấn động trên địa hạt chính trị bắt đầu... Có thể là hệ thống toàn trị (giờ đây bị thu hẹp vào các thể chế quyền lực chính thức: đảng, bộ máy quan liêu, cảnh sát, quân đội) sẽ thích ứng và nhường bước cho một trật tự xã hội mới tự hình thành. Hoặc là nó sẽ bị cuốn trôi.
1978, trong đêm dày của chủ nghĩa toàn trị, Haveltừ chối đoán mò những diễn biến chính trị tiếp theo một khi không gian công không chính thức đã lớn mạnh. Một thập kỉ sau, các cuộc cách mạng ở Đông Âu đã hoàn tất chương cuối cùng của kiệt tác Quyền lực của Không Quyền lực. Ngày nay, được gợi hứng một phần bởi hình dung của Havelvề một xã hội dân sự sống động và tự trị, Đông Âu và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn đang thử làm giàu chế độ dân chủ truyền thống.
*
Ở Việt Nam, hệ thống hậu toàn trị đã thích ứng vừa kịp lúc, và nó chưa bị cuốn trôi. Đời sống dân sự đang trỗi dậy mãnh liệt từ địa hạt kinh tế. Trong văn hóa, không gian công phi/bán chính thức vượt trên ý thức hệ chết cứng vẫn đang âm thầm lan rộng. Nhưng liệu Việt Namcó còn đang trong khoảng kéo dài của chế độ hậu toàn trị, hay đã chuyển sang một hình thái mới? Có thể phép thử của Havelsẽ cho ta một lời gợi ý: liệu chúng ta có đang sống trong dối trá tràn lan không? Chúng ta có đang ẩn núp dưới ý thức hệ, đang làm những thứ mà ta không tin, và bằng cách đó tự nô dịch và bị nô dịch không? 
Xin dành bản dịch kiệt tác chính trị, văn chương, và hơn hết là kiệt tác đạo đức này cho tất cả những người Việt Nam, những người vẫn tự hào là một dân tộc giàu đạo lý. Xin hãy tìm thêm sức mạnh từ lương tri thời đại qua Havel, để tự tìm đường đi cho mình. Xin hãy thử kiểm chứng và nắm lấy “quyền lực của không quyền lực”. 
1/1/2006
Khải Minh

---------------------
QUYỀN LỰC của KHÔNG QUYỀN LỰC
I. 
Một bóng ma đang ám ảnh Đông Âu: bóng ma của cái mà phương Tây gọi là "bất đồng chính kiến". Bóng ma ấy không xuất hiện từ hư vô. Nó là kết quả tự nhiên và tất yếu của giai đoạn lịch sử hiện tại của cái hệ thống mà nó đang ám ảnh. Nó được sinh ra vào thời điểm mà hệ thống ấy, vì trăm ngàn lý do mà không còn khả năng dựa vào cách thực thi quyền lực tùy tiện, bạo tàn và suy đồi, tận diệt mọi biểu hiện của sự bất phục tùng. Hơn thế nữa, hệ thống đã bị xơ cứng hóa về chính trị đến mức không còn phương cách nào khả dĩ để thể hiện sự bất phục tùng ấy trong khuôn khổ những cấu trúc hợp pháp của nó. 
Những người được gọi là "nhà bất đồng chính kiến" này là ai? Quan điểm của họ đến từ đâu, và nó quan trọng tới mức nào? Tầm quan trọng của các "sáng kiến độc lập" mà những "nhà bất đồng chính kiến" hợp tác trong đó, và đâu là cơ hội thành công thực sự của những sáng kiến ấy? Coi những "nhà bất đồng chính kiến" là đối lập có phù hợp không? Nếu có, thì sự đối lập ấy chính xác là gì trong cái khung của hệ thống này? Nó làm gì? Nó đóng vai trò gì trong xã hội? Các hi vọng của nó là gì và những người này dựa vào đâu? Liệu các nhà bất đồng chính kiến - với tư cách là một nhóm công dân hạng hai nằm ngoài quyền lực được thiết lập - có chút ảnh hưởng nào lên xã hội và hệ thống xã hội hay không? Liệu họ có thực sự thay đổi được gì không? 
Tôi nghĩ rằng việc khảo sát các câu hỏi này - một khảo sát về tiềm năng của "không quyền lực" - chỉ có thể được bắt đầu bằng việc khảo sát bản chất của quyền lực trong môi trường mà những người không quyền lực này hoạt động. 

II. 
Hệ thống của chúng ta thường hay được mô tả như là nền độc tài, hay chính xác hơn, là chế độ độc tài của hệ thống quan liêu chính trị trong một xã hội đã trải qua sự cào bằng về kinh tế và xã hội. Tôi sợ rằng khái niệm "độc tài", bất kể dễ hiểu đến mức nào trong những ngữ cảnh khác, có xu hướng làm lu mờ hơn là làm sáng tỏ bản chất thực sự của quyền lực trong hệ thống này. Chúng ta thường gắn thuật ngữ này với khái niệm về một nhóm nhỏ giành chính quyền của một nước bằng bạo lực; quyền lực của họ được sử dụng công khai, sử dụng các công cụ trực tiếp của quyền lực họ nắm trong tay, và có thể phân biệt dễ dàng về mặt xã hội với số đông mà họ đang thống trị. Một trong những mặt cơ bản của khái niệm mang tính truyền thống hay cổ điển này về độc tài là giả định rằng nó là nhất thời, tạm bợ và không có những gốc rễ lịch sử. Sự tồn tại của nó thường gắn liền với cuộc sống của những kẻ tạo dựng nên nền độc tài của họ. Nó thường là cục bộ về quy mô và tầm quan trọng, và bất kể nó sử dụng ý thức hệ để khoác cho mình tính chính đáng (legitimacy), quyền lực của nó từ sâu xa vẫn bắt nguồn từ quân số và sức mạnh vũ trang của binh lính và cảnh sát của nó. Đe dọa cơ bản đối với sự tồn tại của chế độ độc tài được cảm nhận là khả năng ai đó được trang bị tốt hơn về mặt này xuất hiện và lật đổ nó. 

Thậm chí xem xét khái lược và phiến diện vừa rồi cũng đã chỉ rõ rằng hệ thống mà chúng ta đang sống có rất ít điểm chung với một chế độ độc tài cổ điển. Trước tiên là, hệ thống của chúng ta không hạn chế theo nghĩa cục bộ, địa lý; thay vì thế, nó nắm quyền sinh sát trong một khối quyền lực khổng lồ được kiểm soát bởi một trong hai siêu cường. Và mặc dầu, khá tự nhiên là nó phải thể hiện một số sự biến thái nhất định về địa phương và lịch sử, phạm vi của những biến thái này về cơ bản được khoanh lại bởi một khung thống nhất và duy nhất trong toàn khối quyền lực. Không những nền độc tài ở mọi nơi [trong khối-ND] đều dựa trên cùng một hệ nguyên lý và được kiến trúc theo cùng một cách (là theo cách mà siêu cường thống trị đã tiến hóa), mà mỗi nước đã và đang bị xuyên thấu bởi một mạng lưới các công cụ giật dây điểu khiển từ trung tâm siêu cường, và hoàn toàn nô lệ cho các lợi ích của siêu cường ấy. Trong một thế giới bế tắc của sự cân bằng hạt nhân, đương nhiên, so với các nền độc tài cổ điển, tình trạng này tạo cho hệ thống một độ an toàn với bên ngoài chưa từng có. Nhiều cuộc xung đột địa phương, mà nếu xảy ra trong một quốc gia cô lập có thể dẫn tới thay đổi về hệ thống, nay có thể giải quyết thông qua can thiệp trực tiếp bằng quân sự của phần còn lại trong khối. 

Hai là, nếu như một đặc tính của các nền độc tài cổ điển là sự thiếu gốc rễ lịch sử (thường thì họ chỉ xuất hiện không hơn là những quái thai lịch sử, một kết quả tình cờ từ các quá trình xã hội ngẫu nhiên hay từ các xu hướng [vận động của] quần chúng), thì không thể kết luận một cách vội vã như thế với hệ thống của chúng ta. Vì mặc dù nền độc tài của ta đã từ lâu hoàn toàn xa lạ hóa mình với các phong trào xã hội tiền thân của nó, tính hiển nhiên của các phong trào này (tôi đang nghĩ đến các phong trào công nhân và xã hội chủ nghĩa của thế kỉ 19) đã cho nó tính lịch sử không thể chối cãi. Những nguồn gốc này cho nó một nền tảng vững chãi đến mức nó có thể xây dựng trên đó mãi cho đến khi trở thành một thực tế chính trị và xã hội hiển nhiên như nó ngày nay, cái đã trở nên một phần không thể tách rời được của thế giới hiện đại. Một đặc điểm của những cội nguồn lịch sử này là "nhận thức đúng đắn" về các xung đột xã hội trong giai đoạn mà những phong trào gốc này nổi lên. Trong chính hạt nhân của "nhận thức đúng đắn" này đã tồn tại sẵn một khuynh hướng tất yếu dẫn tới những biến đổi kỳ quặc trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của nó; tuy nhiên đây không phải là vấn đề thiết yếu. Và dù gì thì yếu tố này cũng phát triển hữu cơ từ không khí thời đại của giai đoạn đó và do vậy cũng có thể được xem là có nguồn gốc từ [thời kỳ] đó. 
(còn tiếp)
                
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét