Ông Nhuận có đứa cháu gái bảy tuổi, học lớp hai, một trường trong quận nội thành thành. Trường điểm, lớp chọn đàng hoàng. Để vào được trường ấy, bố mẹ cháu đã phải chạy đôn đáo cửa dưới, cửa trên, của sau, cửa hông, tốn khá nhiều rượu ngoại, phong bao.
Cả nhà ông Nhuận vui mừng, nghĩ con cháu mình đã được học một trương tử tế, không ngờ ngay trong ngày khai giảng ông đã thất vọng vì bị moi tiền. Cô giáo gợi ý tặng phong bao thay hoa, và độ dày của phong bao quyết định sự quan tâm của cô giáo tới học trò. - Chạy trường, chạy lớp rồi, lại phải chạy chỗ ngồi !
Ông Nhuận nói với tôi như vậy, và nhích mép cười mỉa mai.
Vốn dè xẻn ăn nói, nhưng ông Nhuận bảo không thể nín được, vì cái cảnh “Tiền tươi chữ héo” trong ngành giáo dục hiện nay. Bên ấm trà đậm chát, ông nói tiếp :
- Tôi bảo không tặng phong bì, nuông thói hư. Con dâu tôi nói: “ Làm thế thì con con sẽ phải ngồi ở hàng cuối, cô giáo không thèm ngó tới ạ! Đã cho con vào trường điểm, lớp chọn mà tiếc vài trăm ngàn để nó bị phân biệt đối xử hay sao?”. Thế là nó bỏ phong bao 500 ngàn. Kết quả con bé được ngồi bàn thứ 3. Như vậy là có người còn tặng cô nhiều tiền hơn...
Cháu ông Nhuận học lớp bán trú, mỗi tháng phải đóng hơn một triệu đồng, thời gian học từ bảy giờ sáng đến bốn giờ chiều, trưa ăn uống tại trường. Ông nghĩ, với kiến thức lớp hai và với sức lực của một đứa bé bảy tuổi, học như vậy là quá tải và quá sức . Nhưng hôm nào cũng vậy, đúng bốn giờ chiều, vừa tan lớp, cháu lại phải học thêm. Nơi học thêm chỉ cách lớp cháu vừa học không đầy hai trăm mét. Và thật trớ trêu, người dạy thêm không phài ai xa lạ, mà chính là cô giáo chủ nhiệm của cháu. Vừa dạy bên kia xong, chạy qua bên này dạy tiếp, cũng trò ấy , cũng bài học ấy. Từ cô chủ nhiệm lớp điểm trường công đạo mạo, thoắt biến thành gia sư chạy sô. Vẫn bộ áo dài mềm mại , vẫn chiếc thẻ đeo trên ngực, chỗ trái tim cao quý “người giáo viên nhân dân”. Những đứa trẻ bảy tuổi, đang ham chơi, sức lực mỏng manh bị nhồi nhét những bài học cũ, mệt mỏi, chán ngán, nhìn cô giáo bằng đôi mắt rất thiếu thiện cảm. Cô giào có nhận ra không? Vì tiền cô không nhận ra điều đó, nói đúng hơn, cô bất cần quan tâm đến diều đó, đạp phăng lên cả nhân cách của mình.
Quan hệ giữa cô giáo với phụ huynh nhẽ ra phải rất thiêng liêng, nhưng khi đã chạy sô dạy kèm như cô giáo lớp hai kia, thì chả khác gì hai người bình thường mua bán với nhau. Hãy nghe một cuộc đối thoại giữa phụ huynh và cô giáo, lúc thanh toán tiền dạy thêm.
Cô giáo nói với phụ huynh, ngay trước mặt học sinh của mình:
- Tháng này tiền học thêm cùa bé năm trăm sáu chục ngàn!
Phụ huynh nhẩm tính và nói:
- Trong tháng có ba ngày lễ , cô nghỉ dạy, sao không trừ?
- Trừ đi bốn chục rồi ?
Mẹ đang ngần ngừ, bé gái học trò nhanh nhẩu lên tiếng:
- Mỗi buổi học thêm ba chục ngàn, ba buổi chín chục ngàn ạ!
Cô giáo nói với phụ huynh:
- Thế thì còn năm trăm mốt!
Phụ huynh đưa xấp tiền cho cô giáo, nói:
- Đây là năm trăm năm chục ngàn, cô thối lại bốn chục!
Cô giáo đếm lại tiền , bỏ vào túi xách, làm bộ lục túi , rồi cười:
- Không có tiền lẻ, thiếu lại bốn chục nghe!
Phụ huynh chưa kịp nói, thì học sinh phản ứng:
- Tháng trước cô còn thiếu hai chục chưa trả!
Cô giáo bậm môi, móc túi lấy sáu chục trả lại phụ huynh. Học sinh nhận ra cô giáo nói dối, vì trong túi có tiền lẻ!
Tôi không nêu tên trường, tên lớp, tên cô giáo ông Nhuận kể ,bởi đâu phải cá biệt, mà là là phổ biến . Nói không ngoa, đó là sản phẩm đúc ra từ một cái lò giáo dục nước nhà. Có lẽ không ở đâu có thứ sản phẩm kém chất lượng đến thế!
Những sản phẩm bị méo mó, vênh váo, ngay từ trong cái khuôn méo mó! Có ở đâu trên thế giới này, từ khi đứa trẻ hai tuổi, cha mẹ đã phải chạy trường lớp. Cái gọi là trường mẫu giáo với các lớp mang tên: Mầm Non, Chồi Xanh, Lá Biếc, nghe vừa dịu dàng vừa gợi mở tương lai, xem ra lại qúa hào nhoáng, màu mè. Nhưng ngay cái cánh cửa đầu tiên bước vào đời ấy đã có sự phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Quả là một thứ 'dịch vụ’ hợp pháp của ngành giáo dục. Cái kiểu cứ như thế này thì mầm, chối, lá bị héo hết mất thôi! Người ta bày ra trường điểm, trường thường, trường công, trường tư. Phương tiện thông tin không tiếc lời quảng cáo, kích thích đua chen. Gọi trẻ như mầm non, và không ngớt lời ca tụng lòng yêu trẻ, nhưng những mầm nón ấy không được ươm trên cùng một mảnh đất! Con cháu quan chức, người giàu ươm nơi đất tốt, là những trường điểm . Quan càng to, đại gia càng nhiều tiền, trường càng đẹp, đầy đu tiện nghi, thầy cô giáo giỏi. Con cháu công chức bình thường phải vào những trường loại thấp . Con cháu công nhân, những người lao động tự do, và dân nghèo đừng mơ tới những mái trường khang trang. Các nhà giáo dục có bao giờ nhìn vào những đôi mắt trẻ thơ và biết xấu hổ không? Nếu còn biết xấu hổ thì xin đừng rêu rao câu “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người!”.
Mẫu giáo đã vậy, lên lớp một cuộc chen lấn càng quyết liệt hơn. Những tuyến nọ, tuyến kia, chuẩn này, chuẩn nọ, với các chỉ tiêu úp mở. Vì những khái niệm đó mà cha mẹ học sinh phải chạy vạy, dẫm đạp lên nhau. Cổng trường chả khác cổng chợ, buôn bán tiền tươi để rồi đưa ra những mớ ra chữ héo! Một luật bất thành văn, là thày này, cô nọ, sếp kia, được mấy suất học sinh trái tuyến, hoặc lớp điểm, trường chuyên, với cái giá có khi lên tới chục triệu một suất.
Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông,rồi đại học! Quãng thời gian dài dằng dặc như gánh nặng đè lên đôi vai học sinh, sinh viên và cha mẹ các em . Không thể kể hết những tiêu cực . Tiền học phí chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong các khoản tiền cha mẹ học sinh phải đóng góp. Khoản thu nào cũng được coi là chính đáng nhân danh quyền lợi của học sinh, nhưng thực tế vào túi thầy cô và các quan chức ngành giáo dục .
Các nước tư bản như Mỹ, Pháp, Anh, Đức học phổ thông không mất tiền, thậm chí còn được cấp học bổng. Việt Nam, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, các khoản tiền chi phí cho một học sinh từ tiểu học đến đại học, là gánh nặng nhiều người không kham nổi. Bình quân mỗi học sinh một năm hơn năm triệu đồng. Những trường điểm mỗi tháng hai, ba triệu. Những trường Tây dỏm năm, sáu trăm đô...
Cái cảnh tiền thật chữ giả, tiền tươi chữ héo ấy phơi bày lộ liễu không dấu giếm.Trên nhiều trang Blog, đăng công khai học thuê 50 ngàn một buổi, thi thuê mỗi môn 7 điểm 700 ngàn, 9 điểm 900 ngàn, bán luận án thạc sỹ, tiến sỹ với giá thỏa thuận. Nạn học già bằng thật tràn lan. Đạo đức thầy cô và học tró xuống cấp kinh khủng.
Người ta nói “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo nhà nghèo”, nhưng thực tế không phải như vậy. Thời buổi này, nhiều nhà văn, nhà báo giàu sụ nhờ bẻ cong ngòi bút bợ đỡ quan tham, nhiều nhà giáo phất lên nhờ bán chữ. Thầy Th, ở khu phố tôi, mua xe hơi, xây nhà lầu bằng tiền luyện thi đại học. Ông ta vừa xây một ngôi nhà ba tầng, mở ba lớp luyện thi, mỗi tháng thu gần 100 triệu. Ông hiệu trưởng Trường đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, anh hùng thời đổi mới Tạ Xuân Tề, bị chính con mình tố lên trang mạng, là “Bố chỉ cần ngồi ghế hiệu trưởng thêm hai năm là có thêm 100 tỷ”. Thử hỏi có nghề nào kiềm tiền dễ như vậy không.
Mớ kiến thức học sinh, sinh viên Viêt Nam phải mua giá đắt, bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt và cả xương máu của cha mẹ giá trị tới đâu? Ông bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận thừa nhận, đó là “Kiến thức và víu, thiếu thực tế, trình độ ngoại ngữ, tin học kém cỏi”. Theo ông Phạm Vũ Luận, nguyên nhân là : “ Thiếu thầy cô tốt”.
Ông Trần Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nói mỗi năm nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ biên tập sách giáo khoa, nhưng thật mỉa mai, khi học sinh Việt Nam lại phải học tô lá cờ Trung Quốc trong sách giáo khoa, và đến năm học 2013, vẫn chưa cập nhật chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào môn lịch sử.
Cách đây vài năm, tia hy vọng lóe lên khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, vội vàng tung ra con bài 'Hai không', rồi lại hùng hồn tuyên bố '4 không', dấn lên 'chiến lược' 5 không: “Không tiêu cực trong thi cử, không bệnh thành tích, không vi phạm đạo đức nhà giáo, không ngồi nhầm lớp, không đào tạo không theo nhu cầu”. Kết quả, chằng khác gì ném hòn đá xuống ao bèo, chút sóng lặng nhanh, bèo lại khép kín. Ông Nguyễn Thiện Nhân lên Phó Thủ tướng, được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, vào Bộ chính trị, bỏ lại ngành giáo dục phìa sau vẫn như xưa! Ông hăng hái đầy chủ quan và nhằng thêm cái đuôi quan liêu, mở cuộc gọi là 'cải cách', 'đổi mới' giáo dục, như thẻ Bộ này đất để ông được dịp trỗ tài dụng võ. Nhưng khác nào như cuộc thi rầm rộ chạy một vòng quanh sân vận động, mệt tốn kém, rối tung rối mù lên, rồi cuối cùng lại trở về vị trí cũ!
Ngày 22-3-2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận: “Hết nhiệm kỳ này chất lượng giáo dục có khởi sắc không?”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luân trả lời: “Xin hứa với Chủ tịch và các đại biểu Quốc hội, sẽ đem hết trí tuệ, quyết tâm để cùng toàn ngành giáo dục, toàn dân, triển khai các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Hy vọng chất lượng giáo dục nước nhà từng bước thay đổi, có sự nâng cao chất lượng!”...
Lời hứa cùa ông Bộ trưởng giáo dục trước ngưỡng cửa các phòng thi sắp mở để đón 1.700.000 thí sinh đại học. Liệu họ có được thi cử nghiêm túc, học hành tử tế, khi ra trường có việc làm, hay vẫn chịu cái cảnh “Tiền tươi chữ héo?” thưa ngài Bộ trưởng!
Và chúng ta có nên tin và hy vọng không nhỉ? Câu trả lời giành cho các bạn.
M.D
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét