Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

LƯƠNG KHỦNG - Hay sự KINH KHỦNG SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC?

        
      * MINH DIỆN   
Mấy ngày nay dư luận xôn xao chuyện lương khủng của cán bộ lãnh đạo bốn công ty Trách nhệêm hữu hạn một thành viên  trong lĩnh vực công ích  ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo kết quả thanh tra ,  Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty chiếu sáng công cộng có mức lương 2,4 tỷ một năm, giám đốc  2,2 tỷ, phó giam đôc 1,9 tỷ, kế toán trưởng 1,7 tỷ.  Giám đốc Công ty thoát nước  2,6 tỷ một năm, chủ tịch hội đồng quản trị 1,6 tỷ, kế toán trưởng 1,67 tỷ, phó giám đốc 969 triệu. Giám đốc Công ty công trình  giao thông  853 triệu, phó giám đốc 584 triệu, kế toán trưởng 716. Giám đốc Công ty công viên cây xanh 759 triêu, chủ tịch hội đồng quản trị 691 triệu, phó giám đốc 609 triệu  kế toán trưởng 655 triệu.
Nhiều người nói bất ngờ, sửng sốt. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch thành phồ Hồ Chí Minh thốt lên : “ Nghe choáng chết!”
               Bất ngờ, sửng sốt và choáng thật! Bởi cái gọi là lương mà các vị quan tham ấy  đã và đang hưởng nó nghễu nghện, cao ngất, chót vót  trên trời trong khi  mức thu nhập của người dân Việt Namnằm rạp dưới đất.
                Chỉ gần đây thôi, với Nghị định  66/2013 / NĐ-CP  ngày 1-7-2013, mức lương cơ bản mới  được  1.150.000 đồng. Mang so  sánh với lương của Lê Thanh Sơn , giám đốc Công ty thoát nước thành phố Hồ Chí Minh , thấy kệch cỡm như  con kiến so với con voi.  Lương  của ông giám đốc này gấp hơn 200 lần mức lương cơ bản đó.
                Năm 2012, GDP bình quân thu nhập đầu người  của Việt Nam là 1.407  đô la, tức 2.800.000 đồng , so với thu nhập cùa ông Sơn chỉ bằng một phần ngàn. Nông dân còn thu nhập quá thấp. Những con số từ cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã được các báo trích dẫn với câu chuyện “Thu nhập 12 nghìn đồng/ngày, nông dân Việt cán đích nghèo nhất”. Báo cáo này đánh giá, nếu tính chi tiết, mỗi hộ gia đình có 4 người thì chia bình quân mỗi người được 12.000 đồng/ngày. Thu nhập một năm mỗi người dân ở nông thôn chỉ được 4,2 triệu đồng, tương đương với 200 USD/năm. Nếu đem so sánh mức thu nhập của người nông dân Việt Nam với các nước trong khu vực thì chúng ta càng xót xa hơn về bức tranh nghèo của người nông dân.
                Đề đền ơn đáp nghĩa nghĩa người có công với nước, mỗi Bà mẹ Việt Nam anh hùng được 3 triệu đồng. Thử làm một phép tính đơn giảm, tôi cảm thấy nhói lòng,  vì  tiền đền ơn đáp nghĩa cho 867 Bà mẹ Việt Nam anh hùng  chỉ bằng một năm tiền lương của ông giám đốc Lê Thanh Sơn.
                 Ai cũng biết, để được phong anh hùng, mỗi  bà mẹ phải có ba  con liệt sỹ, 867 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh  2. 601 đúa con dứt ruột đẻ ra.  Ôi , tiền tri ân máu xương cho ngần ấy  anh hùng , liệt sỹ bỏ mình vì nước chỉ bằng  một năm lương của một kẻ không tốn một giọt mồ hôi trong cuộc chiến tranh!
               Lê Thanh Sơn, Trần Trọng Huệ,Nguyễn Nhật Tấn, Nguyễn Hữu Phán...và những người  lương khủng  có bao giờ suy nghĩ  như vậy không nhỉ? Họ có nghe   tiếng réo gọi của linh hồn những người lính đã ngã xuống trên các chiến trường suốt ba cuộc chiến tranh để giành  cái ghế cho họ ngồi hôm nay?
             Không, chắc chắn là không, bởi hiện tại sờ sờ trước mắt họ còn chẳng nhìn,  nói gì quá khứ !
               Hiện thực sờ sờ trước mắt họ là  những  công nhân  treo mình trên ngọn cây để cắt tỉa cạnh đường dây điện cao thế  nguy hiểm chết người, là những người cắm mặt xuống đất trồng từng bụi cỏ, hoặc nhặt rác công viên. Hiện thực sờ sờ trước mắt họ là những công nhân  rúc đầu dưới  cống thoát nước moi từng sô bùn đen hôi thối lẫn rác thải, xác động vật,mảnh chai , kim chích. Những công nhân dầm mình trong môi trường ô nhiễm độc hại đó, làm việc không kể ngày chủ nhật,bàn tay lấm bùn cầm  miếng bánh mì ăn vội, hoặc và chén cơm bụi, uống ly trà , mà lương của  chỉ bằng 5% lương của những giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, kế toán trưởng đi xe hơi, ở biệt thư,dự những bữa tiệc chừa mứa rượu ngon gái đẹp.
              Trần Trọng Huệ, chủ tịch hội đồng quả trị Công ty chiếu sáng công cộng nói : “Tôi khẳng định tổng quỹ lương không dư đồng nào từ ngân sách, mà là kết quả các hợp đồng kinh tế làm được và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhà nước. Lương cao mà vi phạm thì tôi chịu trách nhiệm, còn đằng này tôi không xâm phạm đồng nào cùa nhà nước!”  Còn Lê Thanh Sơn, giám đốc công ty thoát nước thì bảo : “ Lãnh đạo công ty chỉ suy nghĩ đơn giản nếu ăn nên làm ra thì sẽ được hưởng mức lương tương xứng!”(Nguồn báo Người Lao Động)
              Ô hay, các ông là ai mà nói năng kiểu Chí Phèo như vậy? Nên nhớ,các ông là những đảng viên ưu tú, đã và đang nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ chính trị, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó “Cần , kiệm, liêm , chính chí công vô tư” là điểm nhấn quan trọng nhất. Đó là về lý tưởng và phạm trù đạo đức.  Còn về pháp luật, nên nhớ rằng,công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về lĩnh vực công ích của các ông , do nhà nước làm chủ sở hữu,100%  vốn của nhà nước .  Năm 2011, ngân sách nhà nước tại thành phố Hổ Chí Minh  chi 1.200 tỷ cho các công trình công ích,các ông kêu thiếu , năm 2012 phải chi tăng gấp đôi, 2.500 tỷ đồng. Vậy mà đèn đường vẫn nhập nhòa sáng tối, cây xanh vẫn gãy đổ gây chết người, cống rãnh ứ đọng hôi thối và mỗi trận mưa đường phố biến thành sông! Nghĩa vụ đối với nhà nước mà ông Trần Trọng Huệ nói đã hoàn thành là như vậy sao?
              Nếu các ông bà làm ăn có lời thật, thì thử hỏi : Vốn ở đâu? Tư cách pháp nhân nào? Và ai bỏ sức lao động ra?
            Câu trả lời không khó: Vốn nhà nước rót xuống. Tư cách pháp nhân nhà nước độc quyền, không phải cạnh tranh với ai. Còn sức lao động bóc lột của công nhân.          
                Theo thanh tra, hơn 750 công nhân ở bốn công ty : Công trình công cộng, Công viên cây xanh, Chiếu sáng công cộng , Thoát nước, làm việc thường xuyên nhưng họ không được ký hợp đồng dài hạn, mà chi được ký hơp đồng mùa vụ ba tháng.  Mức  lương của người ký hợp đồng  mùa vụ chỉ bằng 20% mức lương người được ký hợp đồng lao động thường xuyên. Họ lại  không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chính sức lao động ấy và khoản tiền trốn bảo hiểm y tế,  bảo hiểm xã hội đã tạo nên cái  “Qũy lương ngoài ngân sách” của các doanh nghiệp kể trên
                Các ông Trần Trọng Huệ, Lê Thanh Sơn , và Trần Thiện Hà đều nói rằng, cán bộ công nhân viên trong cộng ty  nhất trí ,đồng thuận, tự nguyện  chia mức lương như vậy. Thật không biết ngượng mồm! Thử hỏi có người lao động nào tự nguyện chia cho lãnh đạo mức lương cao ngất ngưởng , trong khi bản thân mình vất vả , cực khổ như trâu cày, chỉ được mấy đồng lương chết đói và bị tước mất quyền chữa bệnh , nghỉ hưu?
               Mà cho dù những người công nhân do mê muội hoặc khiếp nhược vì miếng cơm manh áo cắn răng chịu nỗi bất công,thì các ông bà cán bộ, đảng viên lãnh đạo phải giữ vững quan điểm lập trường, đạo đức cách mạng và kỷ cương phép nước chứ.Tôi tin chắc không một kế toán trưởng nào có thể quên điều 7,  Nghị định  50/2013 của Chính phủ :  Không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động trả cho thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch , phó chủ tịch, Giám đốc , phó giàm đốc, kiểm soát viên và kế toán trưởng công ty. Họ cũng không  được quên Nghị định  205, 206 về khống chế mức lương trần cùa lãnh đạo các công ty trách nhiêm hữu hạn một thành viên. Vậy mà các vị bất chấp tất cả,đạp lên tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu,phá bung kỷ cương để thỏa mãn lòng tham.
                Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đừng quanh co dối trá! Bằng những bản hợp đồng lao động mùa vụ thay hợp  đồng lao động thường  xuyên ,  giám đốc các ty kể trên đã bóc lột sức lao động của công nhân và tham nhũng tiền bảo hiềm xã hội và bảo hiềm y tế của nhà nước. Ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu trên Đài truyền hình trung ương : “ Phẫn nộ nhất là họ đã tước đoạt quyền lợi chính đáng cùa người lao động!” Còn ông Lê Hoàng Quân , chủ tịch thành phố này, thỉ nói  : “ Cái tội của các anh lớn lắm! Các anh bớt thu nhập của người lao động làm giàu cho lãnh đạo. Làm như thế là sai hoàn toàn cà về quan điểm lẫn đạo đức . Tội này phải trị tới nơi, không phải cứ trả tiền là xong!”
                Cái tội ông Lê Hoàng Quân nói phải trị tới nơi là tội gỉ? Đó là tội “Cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 BLHS, tội “ Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý” và tội “Tham ô tài sản” theo điều 278 BLHS.
               Nhưng liệu có sử nghiêm, trị tới nơi như ông Lê Hoàng Quân nói?
               Tôi cảm thấy băn khoăn, vì trên ông Lê Hoàng Quân nói vậy,  dưới ông  lại hạ thấp giọng xuê xoa : “ Thật ra những công ty này cũng có sáng kiến. Căn cứ quy định , ban quản lý nào làm ra lợi nhuận cao thì cũng được hường xứng đáng nên  xử lý cũng phải có lý có tình”.
               Thái độ của ông Lê Hoàng Quân,khiến tôi  nhớ lời  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : “Lấy cảnh báo, cảnh tỉnh , giáo dục , răn đe , ngăn chặn , trên tinh thần đồng chí thương yêu nhau là chính!” và “ Không phải cứ kỷ luật là tốt. Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối! Mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái rối nội bộ. Phải khoan dung , đó là phần nhân văn đặc thủ của Viết Nam!”
               Tôi lại nhớ ,không phải  bây giờ mới lộ chuyện lương khủng, mà từ  năm ngoái, năm kia  báo chí đã công khai mức lương khủng của các vị lãnh đạo  doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ  ở Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), lương bình quân của công ty mẹ là  14.105.000 đồng, khối truyền tải 11.103.000 đồng, dưới đơn vị  6.765.000 đồng, trong khi   các thành viên hội đồng quàn trị  có mức lương bình quân 37.000.000 đồng, và ông chù tịch Đào Văn Hưng 51triệu  đồng một tháng, 663 triệu một năm. Tại Petrolimex,ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch hội đồng quàn trị  nhận lương 70 triệu  đồng tháng, 910 triệu đồng năm. Tại  Công ty vàng bạc đá qúy Phú Nhuận, bà  Cao Thị Ngọc Dung , Tổng giám đốc, có mức lương 121 .000.000 đồng tháng, 1,7 tỷ đồng một năm. Và  đặc biệt ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc Techcombank có mức lương gần 20 tỷ một năm.
              Nhận mức lương cao ngất như vậy, nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đứng đầu  danh sách 13 doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, với con số  38.104 tỷ đồng và  Tập đoàn xăng dầu Viêt Nam Petrolimex đứng vị trí thứ nhì  2.390 tỷ.
             Tất cả đều đã được lãnh đạo sáng suốt, nhân hậu, rất thông cảm sâu sắc cho 'hệ thống lợi ích',  hết lòng, hết sức quan tâm, với lý giải xoa dịu: "Trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau...Cảnh tỉnh, cảnh báo, giáo dục , răn đe", rồi 'noi gương Phạm Văn Đồng': "Không kỷ luật ai cả!"... "Nếu kỷ luật hết, lấy ai mà làm việc"...(!?).
            Lương khủng của mấy cán bộ lãnh các công ty nhà nước vừa lộ ra chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ. Nó chả thấm vào  đâu với những "tảng băng chìm". 
            Chả ai ngây thơ tin rằng, ông Lê Hoàng Quân chỉ sống bằng mức lương 11 triệu đồng một tháng , chỉ bằng một phần hai mươi lương giám đốc Lê Thanh Sơn, như ông bộc bạch cùng báo chí. Bởi thế, trong khi ôm cầm "lòng tin chiến lược",  cũng đừng phí phạm niềm tin, rằng những kẻ tước đoạt quyền lợi của công nhân lấy lương khủng làm giàu, bị “trị tới nơi”, như ông Lê Hoàng Quân nói. Nhưng có điều: "Ai trị nó? Dám trị hay không? Trị nó rồi, (bản thân) mình được yên à? Đã quá rõ những ván cờ 'che mành' Domino quyền lực và quyền lợi!
M.D 
-----------------

Lịch sử, mắt xích yếu trong yêu sách biển của Bắc Kinh

* MOHAN MALIK 
Người dịch: Huỳnh Phan
Yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ biển Đông hiện nay được tô vẽ trong các hộ chiếu mới và bản đồ chính thức của Trung Quốc (TQ). Lãnh đạo TQ và người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh với mức hung hăng ngày càng tăng rằng các đảo, đá, và các rạn san hô là “lãnh thổ từ thời xa xưa” của TQ. Thông thường, đối với chủ quyền và ranh giới biển thì các yêu sách lãnh thổ chồng lấn phải được giải quyết thông qua việc vận dụng kết hợp luật tập quán quốc tế, phán quyết trước Tòa án Quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển, hoặc trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Trong khi TQ đã phê chuẩn UNCLOS và Công ước này nói chung không chấp nhận bỏ các yêu sách “dựa trên lịch sử”, nhưng đó lại đúng là loại yêu sách mà Bắc Kinh đưa ra lúc này lúc khác. Hôm 4 tháng 9 năm 2012, Ngoại trưởng TQ, ông Dương Khiết Trì, nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng có “rất nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy rằng TQ có chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông và các vùng biển liền kề”. 
Xét về mặt “bằng chứng pháp lý”, đại đa số các chuyên gia pháp lý quốc tế đều kết luận rằng yêu sách sở hữu (danh nghĩa) lịch sử của TQ đối với biển Đông, bao hàm thẩm quyền chủ quyền đầy đủ và đồng ý cho các nước khác đi ngang qua là không hợp lệ và không hợp pháp. Các bằng chứng lịch sử, nếu có, thậm chí còn kém thuyết phục. Có nhiều mâu thuẫn trong việc TQ sử dụng lịch sử để biện minh cho yêu sách của họ đối với các đảo và rạn đá ở biển Đông, không ít trong số đó là sự khẳng định đầy tranh cãi của họ về các tương đồng với việc bành trướng đế quốc chủ nghĩa của Hoa Kì và các cường quốc châu Âu trong thế kỉ XVIII và XIX. Biện minh cho những nỗ lực của TQ mở rộng biên giới biển của họ qua việc yêu sách các đảo và rạn đá xa bờ, Cổ Khánh Quốc (Jia Qingguo), giáo sư trường Đại học Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh, cho rằng TQ chỉ đơn thuần theo gương phương Tây. “Hoa Kỳ thì có đảo Guamở châu Á ở rất xa đất Mỹ và người Pháp thì có các đảo ở Nam Thái Bình Dương, vì vậy chẳng có điều gì mới cả”, Cổ Khánh Quốc nói với AFP mới đây.
Phân tích sâu xa về các “bằng chứng lịch sử” làm cơ sở cho các yêu sách của TQ cho thấy rằng lịch sử thật ra không đứng về phía TQ. Nếu có thì yêu sách của TQ đối với quần đảo Trường Sa trên cơ sở lịch sử bị mắc mứu ở chỗ là không có đế chế nào của khu vực trước đây đã thực thi chủ quyền. Ở châu Á thời tiền hiện đại, các đế chế có đặc điểm là có các đường biên giới không xác định, không được bảo vệ, và thường thay đổi. Khái niệm về quyền bá chủ (suzerainty) chiếm ưu thế. Không giống như một nhà nước – dân tộc (nation-state), biên giới của đế chế TQ vừa không được vẽ cẩn thận vừa không bố phòng mà giống như các vòng tròn hay các khu vực, giảm dần từ trung tâm của nền văn minh ra đến vùng ngoại vi của người man di xa lạ. Quan trọng hơn, trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Ấn Độ, Miến Điện và Việt Nam, Bắc Kinh luôn luôn giữ lập trường cho rằng ranh giới trên bộ của họ chưa bao giờ được xác định, phân giới cắm mốc. Nhưng bây giờ, khi nói đến các đảo, bãi ngầm, và các rạn đá trong vùng biển Đông, Bắc Kinh lại tuyên bố khác đi. Nói cách khác, TQ tuyên bố rằng ranh giới trên bộ của họ chưa bao giờ được xác định và phân giới trong lịch sử trái ngược hẳn với lập trường rằng biên giới trên biển của TQ luôn luôn xác định và có phân giới rạch ròi. Mâu thuẫn cơ bản trong lập trường của TQ về biên giới trên bộ và biên giới trên biển nằm ở đây, nên nó không đứng vững được. Trên thực tế, chính những nỗ lực hồi giữa thế kỷ XX nhằm chuyển đổi các đường biên giới không xác định của các nền văn minh và vương triều xưa kia hưởng quyền bá chủ thành các đường biên giới xác định rạch ròi, giới hạn, và có phân giới của các nhà nước – dân tộc hiện đại thưc thi chủ quyền nằm ở trung tâm của các tranh chấp lãnh thổ và biển của TQ với các nước láng giềng. Nói một cách đơn giản, chủ quyền là một khái niệm hậu đế quốc gắn với nhà nước-dân tộc, không phải với các đế chế xưa kia.
Khái niệm về chủ quyền không phải là một khái niệm của TQ hoặc của châu Á mà là một khái niệm của châu Âu bắt nguồn với việc ký kết Hiệp ước Westphalia năm 1648. Chủ yếu là một khái niệm cho đất liền và mãi cho tới giữa thế kỷ XX mới áp dụng cho các nhà nước – dân tộc ở châu Á và châu Phi. Hệ thống nhà nước Westphalia dựa trên khái niệm về sự bình đẳng pháp lý hay chủ quyền quốc gia đối với biên giới xác định rõ ràng ngoài cùng phân biệt chính nó không những với chế độ phong kiến cũ ở châu Âu mà còn với các hình thức quyền bá chủ khác đã tồn tại vào thời điểm đó ở châu Á – Ba Tư, TQ và Ấn Độ. Trước khi có Hiệp ước Westphalia, các vương triều và đế chế ở châu Âu và các nơi khác không thể tuyên bố hoặc thực thi chủ quyền.
Lịch sử, như được biết đến, được viết bởi người chiến thắng, không phải bởi kẻ bại trận. Biên giới hiện tại của TQ phần lớn phản ánh những ranh giới được thiết lập trong thời hoàng kim của chủ nghĩa bành trướng nhà Thanh (Mãn Châu) thế kỷ XVIII, mà qua thời gian đã được kiên cố hoá thành biên giới quốc gia cố định (ngoại trừ Ngoại Mông, chủ yếu vì Liên Xô) theo sự áp đặt của hệ thống nhà nước – dân tộc Westphalia trên toàn châu Á trong thế kỷ XIX và XX. Tuy nhiên, lịch sử chính thống của TQ ngày nay thường bóp méo giai đoạn lịch sử phức tạp này, tuyên bố rằng người Mông, Tạng, Mãn, và Hán đều là người TQ, trong khi thật ra Vạn Lý Trường Thành được các triều đại TQ xây lên để bảo vệ Trung Hoa Hán tộc trước sự xâm lấn thường xuyên của người Mông Cổ và các bộ tộc Mãn Châu phía Bắc, bức tường thành này thực sự thể hiện vòng an ninh bên ngoài của đế chế Trung Hoa Hán tộc. Trong khi hầu hết các nhà sử học coi sự càn quét của các đoàn quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lãnh đạo trong những năm đầu thế kỷ XIII như một sự kiện phá hoại lớn đe dọa sự sống còn của các nền văn minh xưa ở Ấn Độ, Ba Tư, và các nước khác, người TQ lại cỗ võ một cách có ý thức huyền thoại cho rằng ông ta thực sự là người “TQ”, và do đó tất cả các khu vực mà người Mông Cổ (nhà Nguyên) đã từng chiếm đóng hoặc chinh phục (như Tây Tạng và phần lớn Trung và Nội Á) đều thuộc về TQ bằng cách vận dụng khái niệm về chủ quyền của phương Tây hồi thế kỷ XVI trở ngược lại cho châu Á thế kỷ XII. Các yêu sách của TQ đối với Đài Loan và biển Đông cũng dựa trên cơ sở là cả hai đều là bộ phận của đế chế Mãn Châu. (Trên thực tế, trong các bản đồ nhà Thanh hay Mãn Châu, chính đảo Hải Nam chứ không phải là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được mô tả như là ranh giới cuối cùng phía nam của TQ). Trong phiên bản lịch sử này, bất kỳ lãnh thổ nào bị “người TQ” chinh phục trong quá khứ vẫn cứ luôn là của TQ, bất chấp cuộc chinh phục xảy ra vào lúc nào.
Việc viết và viết lại lịch sử từ góc độ dân tộc chủ nghĩa như thế để tăng cường sự đoàn kết dân tộc và tính chính đáng của chế độ đã được các nhà lãnh đạo của TQ cả phe Quốc dân đảng lẫn Cộng sản dành ưu tiên cao nhất. Lãnh đạo Đảng Cộng sản TQ tự xử sự một cách có ý thức như là người thừa kế di sản của đế chế TQ, thường sử dụng các biểu tượng và lối ăn nói của đế chế. Từ sách giáo khoa tiểu học cho đến các bộ phim truyền hình về lịch sử, hệ thống thông tin do nhà nước kiểm soát nhồi nhét các thế hệ người TQ về sự oai phong, vĩ đại của Trung Hoa đế chế. Như nhà Hán học Úc Geremie Barmé chỉ ra: “Trong nhiều thập kỷ, nền giáo dục và tuyên truyền TQ đã nhấn mạnh vai trò của lịch sử trong sự phát triển của nhà nước – dân tộc TQ … Trong khi chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao đã bị vứt bỏ hết chỉ còn cái tên thì vai trò của lịch sử trong tương lai của TQ vẫn kiên định”. Cứ như vậy đến nỗi lịch sử đã được các viện nghiên cứu, các phương tiện truyền thông và các cơ quan giáo dục do nhà nước điều khiển thêu dệt thành một công cụ lãnh đạo nhà nước (còn được gọi là “xâm lược bản đồ”).
TQ sử dụng chuyện dân gian, thần thoại, truyền thuyết, cũng như lịch sử để cổ suý yêu sách lãnh thổ trên bộ và trên biển lớn hơn. Sách giáo khoa TQ thuyết giáo khái niệm Vương triều Trung tâm (Trung Hoa) như là nền văn minh lâu đời nhất và tiên tiến nhất nằm ngay tại trung tâm của vũ trụ, bao quanh bởi các nước nhỏ hơn bị Hoa hóa một phần trong khu vực Đông và Đông Nam Á, các nước này phải liên tục cúi đầu thần phục họ. Phiên bản lịch sử TQ thường cố tình làm lu mờ sự phân biệt giữa những cái không gì khác hơn là ảnh hưởng bá quyền, mối quan hệ triều cống, quyền bá chủ với sự kiểm soát thực tế. Tán đồng quan điểm cho rằng những ai làm chủ được quá khứ sẽ khống chế hiện tại và vạch hướng cho tương lai, Bắc Kinh luôn luôn đặt cược rất cao vào “con bài lịch sử” (thường là một cách giải thích xét lại lịch sử) trong các nỗ lực ngoại giao của mình nhằm đạt được mục tiêu của chính sách đối ngoại, nhất là để bắt các nước khác nhượng bộ lãnh thổ và ngoại giao. Hầu như tất cả các nước tiếp giáp, lúc này hay lúc khác, đều bị sức mạnh vũ lực của TQ đụng đến – Mông Cổ, Tây Tạng, Miến Điện, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, và Đài Loan – và đều là đối tượng cho lịch sử xét lại của TQ. Như Martin Jacques lưu ý trong cuốn When ChinaRules the World (Khi TQ thống trị thế giới) “Chủ nghĩa Hoa vi trung đế quốc định hình và là nền tảng cho chủ nghĩa dân tộc TQ hiện đại”. Nếu không được kiểm soát, sự kiêu căng đế quốc hoặc lòng luyến tiếc quay về quá khứ có thể có những hậu quả không thể đoán trước cho hòa bình và ổn định khu vực.
Nếu ý tưởng về chủ quyền quốc gia xuất hiện ở châu Âu thế kỷ XVII và hệ thống đó bắt nguồn từ Hiệp ước Westphalia, thì ý tưởng về chủ quyền trên biển chủ yếu là khái niệm do Mỹ đặt ra giữa thế kỷ XX mà TQ đã vơ vào để mở rộng biên giới biển của mình. Như Jacques lưu ý, “Ý tưởng về chủ quyền trên biển là một phát minh tương đối gần đây, bắt đầu từ năm 1945 khi Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ có ý định thực hiện chủ quyền đối với lãnh hải của họ”. Trong thực tế, Công ước LHQ về Luật Biển thể hiện nỗ lực quốc tế nổi trội nhất nhằm áp dụng các khái niệm về chủ quyền trên đất liền vào lĩnh vực biển trên toàn thế giới – tuy vậy điều quan trọng là nó bác bỏ ý tưởng biện minh bằng quyền lịch sử. Vì vậy, mặc dù Bắc Kinh yêu sách khoảng 80% biển Đông là “vùng nước lịch sử” (và hiện đang tìm cách nâng yêu sách này lên thành một “lợi ích cốti” ngang với các yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan và Tây Tạng), nói theo lịch sử, nếu TQ có quyền yêu sách biển Đông tới mức nào thì Mexico cũng có quyền yêu sách sử dụng độc quyền vịnh Mexico, hoặc Iran đòi Vịnh Ba Tư, hay Ấn Độ đòi Ấn Độ Dương đến mức đó. Nói cách khác, chẳng có chủ quyền gì cả. Theo quan điểm pháp lý, “việc tên gọi ‘biển Nam Trung Hoa’ được sử dụng nhiều không [có ý] trao chủ quyền lịch sử cho TQ“. Các nước sử dụng lịch sử để yêu sách chủ quyền đối với các đảo đều có sự đồng ý của nước khác và có cách giải thích lịch sử được các bên chấp nhận – cả hai yếu tố này đều không có ở Biển Đông.
 Các đế chế xưa hoặc giành được quyền kiểm soát vùng lãnh thổ thông qua xâm lược, thôn tính hay đồng hóa hoặc để mất chúng vào tay đối thủ có binh lực hoặc khả năng cai quản nhà nước ưu việt hơn. Mở rộng và thu hẹp lãnh thổ là chuẩn mực, được xác định bởi sự hùng mạnh hay sự suy yếu của một vương triều hay đế chế. Ý tưởng “lãnh thổ thiêng liêng” là phi lịch sử bởi vì việc kiểm soát lãnh thổ thì dựa trên việc nước nào tóm được hoặc lấy cắp những gì thuộc nước khác cuối cùng. Biên giới của nhà Tần, Hán, Đường, Tống, Minh khi nở khi co suốt trong lịch sử. Một Trung Hoa đế chế hùng mạnh, giống như nước Nga Sa hoàng, là kẻ bành trướng ở vùng Nội Á và Đông Dương mỗi khi cơ hội xuất hiện và sức mạnh cho phép. Việc bành trướng lãnh thổ dần dần qua nhiều thế kỷ dưới hai triều đại không Trung Hoa là Mông Cổ và Mãn Châu mở rộng sự kiểm soát của triều đình TQ đối với Tây Tạng và nhiều vùng đất ở Trung Á (nay là Tân Cương), Đài Loan và Đông Nam Á. Trên thực tế, TQ hiện đại là một “nhà nước-đế chế” đội lốt một nhà nước-dân tộc.
Ngay cả khi người ta phải chấp nhận lập luận “yêu sách lịch sử” của Bắc Kinh cho một thời điểm thì vấn đề lại là đế chế Trung Hoa không phải là đế chế duy nhất ở châu Á thời tiền hiện đại và trên thế giới. Còn có các đế chế và vương triều khác nữa. Nhiều nước có thể đưa ra “yêu sách lịch sử” có cùng giá trị như thế đối với những vùng đất hiện nay không phải là phần lãnh thổ của họ mà đang đặt dưới sự kiểm soát của TQ (ví dụ , vùng Cam Đa (Gando) ở tỉnh Cát Lâm, TQ thuộc về Triều Tiên) . Trước thế kỷ XX, ở châu Á không có nhà nước – dân tộc có chủ quyền với biên giới thuộc thẩm quyền và trong tầm kiểm soát được xác định về mặt pháp lý rõ ràng. Nếu các yêu sách của TQ biện minh được trên cơ sở lịch sử, thì các yêu sách lịch sử của Việt NamPhilippines dựa trên lịch sử cũng biện minh được. Ví dụ, các sinh viên lịch sử châu Á đều biết rằng dân MaLaysia có liên hệ đến người Philippineshiện nay nên yêu sách của họ đối với Đài Loan sẽ thuyết phục hơn nhiều so với Bắc Kinh. Bởi vì Đài Loan ban đầu được định cư bởi con cháu những người Malay-Polynesian – tổ tiên của các nhóm thổ dân ngày nay – họ từng sống ở vùng đồng bằng thấp ven biển. Nhà quan sát Châu Á nổi bật Philip Bowring lập luận rằng “[s]ự kiện TQ có những ghi chép lịch sử lâu dài không làm mất hiệu lực lịch sử các quốc gia khác thể hiện qua các hiện vật, ngôn ngữ, dòng giống và các quan hệ di truyền, các bằng chứng về giao thương và đi lại”.
Trừ khi tán đồng khái niệm về ngoại lệ của TQ, “yêu sách lịch sử” của TQ đế chế có giá trị giống như những vương triều và đế chế khác trong khu vực Đông Nam và Nam Á. Vấn đề với lịch sử là vạch ra lằn ranh ở đâu, lúc nào, tại sao thế, và quan trọng hơn là phiên bản lịch sử của nước nào là chính xác. TQ đưa ra yêu sách về quyền sở hữu đối với thuộc địa của đế chế Mông Cổ và Mãn Châu sẽ tương tự như Ấn Độ đưa ra yêu sách đối với Afghanistan, Bangladesh, Miến Điện, Malaysia (Srivijaya), Nepal, Pakistan và Sri Lanka trên cơ sở rằng tất cả các nước này đều bộ phận hoặc của đế chế Maurya, Chola hoặc của đế chế Moghul và đế quốc Ấn Độ thuộc Anh. Suốt từ thể kỷ X tới thế kỷ XIII, một số vị vua của Pallava và Chola ở miền nam Ấn Độ đã tập hợp lực lượng hải quân và quân đội lớn lật đổ các vương triều lân cận và thực hiện các cuộc tấn công trừng phạt đối với các nước trong khu vực vịnh Bengal . Họ cũng đã ra biển để chinh phục nhiều khu vực thuộc những vùng đất mà bây giờ là Sri Lanka, MalaysiaIndonesia. Trong nghiên cứu về văn hóa chiến lược Ấn Độ, George Tanham nhận xét: “Trong cái thực sự là một cuộc chiến về thương mại giữa TQ, Ấn Độ và châu Âu, người Cholas đã khá thành công trong các can dự cả về hải quân lẫn đất đai và đã cai trị nhiều phần của Đông Nam Á trong một thời gian ngắn”.
Các yêu sách của TQ ở biển Đông cũng đánh dấu một sự chuyển đổi lớn khỏi định hướng địa chính trị lâu đời đối với cường quốc lục địa. Với việc tuyên bố có một truyền thống mạnh mẽ về đi biển, TQ đề cập nhiều cuộc thám hiểm của Trịnh Hòa tới Ấn Độ Dương và Châu Phi đầu thế kỷ XV. Nhưng, như Bowring chỉ ra rằng ”Trong lĩnh vực hàng hải bên ngoài vùng nước ven biển thì người TQ thực sự là kẻ đi sau. Trong nhiều thế kỷ, các bậc thầy của các đại dương là dân Malay-Polynesian, những người từng thuộc địa hóa phần lớn thế giới, từ Đài Loan đến New Zealand và Hawaii về phía nam và phía đông , rồi Madagascar về phía tây. Các chum đồng đã được giao thương với Palawan, ngay phía nam của Scarborough vào thời của Khổng Tử. Khi những nhà tu Phật giáo TQ như Pháp Hiển (Faxian) đi Sri Lanka và Ấn Độ vào thế kỷ V, họ đã đi trên tàu do người MaLaysia sở hữu và điều khiển. Tàu từ vùng mà nay là Philippines đã giao thương với Phù Nam, một nước hiện nay là miền Nam Việt Nam, cả ngàn năm trước nhà Nguyên”.
Và cuối cùng, cái gọi là “yêu sách lịch sử” của TQ đối với biển Đông thực sự không phải là “hàng thế kỷ”. Các yêu sách này chỉ bắt đầu từ năm 1947, lúc chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch vẽ ra cái gọi là “đường 11 đoạn” trên bản đồ biển Đông của TQ, bao quanh quần đảo Trường Sa và các chuỗi đảo khác mà Quốc Dân Đảng cầm quyền tuyên bố thuộc chủ quyền TQ. Chính Tưởng Giới Thạch, khi nói rằng đã xem phát xít Đức như một mô hình cho TQ, đã bị cuốn hút bởi ý tưởng Nazi (Quốc xã) về một Lebensraum (“không gian sống”) mở rộng cho dân tộc Trung Hoa. Ông đã không có cơ hội để tự mình thành kẻ theo chủ nghĩa bành trướng bởi vì người Nhật buộc ông vào thế phòng thủ, nhưng những người vẽ bản đồ của chế độ Quốc dân đảng đã vẽ đường chữ U 11 đoạn trong cố gắng để mở rộng “không gian sống” của TQ ở biển Đông chẳng bao lâu sau khi Nhật thua trận trong Thế chiến II. Rõ ràng, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cũng đã tức giận về các bản đồ thời Thế chiến II của Nhật Bản cho thấy toàn bộ biển Đông như một cái hồ của Nhật Bản. Lần đầu tiên chính phủ TQ cho tàu hoạt động đi vào vùng biển Đông là vào năm 1947 với chuyến đi của các tàu Trung Hoa Dân Quốc Trung Kiện (Zhongjian), Trung Nghiệp (Zhongye) Thái Bình (Taiping và Vĩnh Hưng(Yongxing.) Mãi đến nhiều năm sau đó họ mới bắt đầu việc khảo sát. Sau khi Đảng Cộng sản TQ chiến thắng trong cuộc nội chiến vào năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiếp nhận cú xâm lược bản đồ này, chỉnh lại khái niệm của Tưởng Giới Thạch thành “đường 9 đoạn” sau khi xóa hai đoạn ở Vịnh Bắc Bộ năm 1953 thể hiện cả những chỗ mà chính phủ THDQ chưa từng đến. Cho mãi tới năm 2005 , bản đồ bãi cạn Scarborough do Hải quân PLA công bố chỉ là một bản sao y từng dữ liệu một của bản đồ Hải quân Mỹ (cảm ơn Barney Moreland đã cung cấp cho tác giả thông tin này).
Từ khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, TQ đã vẽ lại bản đồ của họ, xác định lại biên giới, tạo dựng bằng chứng lịch sử, sử dụng vũ lực để tạo ra các thực thể lãnh thổ mới, đặt tên lại các đảo, và tìm cách áp đặt phiên bản lịch sử của mình lên các vùng biển trong khu vực. Nặm 1972 họ thông qua “Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải”, tuyên bố chủ quyền 4/5 biển Đông, tiếp sau là những cuộc đụng độ vũ trang với hải quân Philippines và Việt Nam trong suốt những năm 1990. Gần đây hơn, họ phái một số lượng lớn tàu cá và tàu hải giám đến vùng biển tranh chấp theo cái tương tự như cuộc “chiến tranh nhân dân trên vùng biển quốc tế” đã làm tăng căng thẳng nhiều hơn. Trích lời bình luận Sujit Dutta, “chủ thuyết phục hồi lãnh thổ không suy giảm của TQ dựa trên … lý thuyết rằng vùng ngoại vi phải được chiếm cứ để đảm bảo an toàn cho vùng lõi. [Điều này] là một khái niệm cơ bản thời đế chế đã được phe dân tộc chủ nghĩa TQ – cả Quốc Dân Đảng lẫn Cộng sản – quốc tế hóa. Những nỗ lực của chế độ [hiện nay] để vươn tới biên giới địa lý theo họ tưởng tượng thường có cơ sở lịch sử ít ỏi và tiếp tục có hậu quả chiến lược bất ổn cao”.
Rõ ràng, một lý do mà dân Đông Nam Á cảm thấy khó chấp nhận yêu sách lãnh thổ của TQ là điều đó sẽ có nghĩa là chấp nhận ý niệm về sự ưu việt của chủng tộc Hán hơn các chủng tộc và đế chế châu Á khác. Jay Batongbacal thuộc trường Đại học luật Philippines nói: “Một cách trực giác, chấp nhận đường 9 đoạn là một sự chối bỏ tương ứng về bản sắc và lịch sử thật sự của tổ tiên người Việt Nam, Philippines, và Malaysia, thực chất đó là việc hồi sinh trong thời hiện đại sự phỉ báng các sắc dân không TQ là ‘man di’ không được hưởng sự tôn trọng và phẩm giá ngang bằng với tư cách là các dân tộc”.
Tóm lại, các đế chế và vương triều không bao giờ thực thi chủ quyền. “Vấn đề lịch sử” là rất phức tạp và không thừa nhận cách giải thích dễ dãi. Nếu yêu sách lịch sử có giá trị nào đó thì Mông Cổ có thể yêu sách tất cả các khu vực của châu Á đơn giản là vì họ đã từng chinh phục các vùng đất của châu lục này. Hoàn toàn không có cơ sở lịch sử để hậu thuẫn bất cứ yêu sách nào trong những yêu sách đường nhiều đoạn đó, nhất là xét rằng các vùng lãnh thổ của đế chế TQ chưa bao giờ được phân định biên giới kỹ càng như các nhà nước – dân tộc mà chỉ tồn tại như các vùng ảnh hưởng từ một trung tâm văn minh giảm dần đi. Đây là lập trường mà TQ đương đại bắt đầu xác lập vào thập niên 1960 khi đàm phán biên giới trên trên bộ với nhiều láng giềng. Nhưng đó không phải là lập trường của họ hiện nay trong các cuộc chạm trán về bản đồ, ngoại giao và quân sự mức thấp để xác định biên giới.
Việc diễn giải lại liên tục lịch sử để đẩy mạnh các yêu sách chính trị, lãnh thổ trên bộ và trên biển hiện đại, kết hợp với khả năng của giới lãnh đạo Cộng sản kích động hay dập tắt “các cao trào dân tộc chủ nghĩa” giống như tắt mở một khoá nước trong những thời điểm có căng thẳng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines, khiến Bắc Kinh khó trấn an các nước láng giềng rằng “sự trỗi dậy hòa bình” của họ là hoàn toàn hòa bình. Chấp nhận phiên bản lịch sử của TQ được xem như tương đương với chối bỏ lịch sử của các nước khác và ý niệm bình đẳng về chủ quyền của các nhà nước – dân tộc. Do có sáu bên yêu sách các đảo san hô vòng, đảo thường, đảo đá, và các mỏ dầu ở biển Đông, các tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, tự bản chất, là những tranh chấp đa phương đòi hỏi phân xử qua trọng tài quốc tế. Nhưng việc Bắc Kinh một mực đòi theo cách tiếp cận song phương để giải quyết tranh chấp chủ yếu dựa vào niềm tin rằng Bắc Kinh có thể thành công do sức mạnh tương đối lấn lướt của TQ và sự chia rẽ của ASEAN. Tuyên bố của TQ về “chủ quyền không thể tranh cãi đối với biển Đông” có nguồn gốc vào cuối thập niên 1940 – chứ không phải trong lịch sử xa xưa – đặt ra một thách thức đối với tất cả các quốc gia biển.
Mohan Malik là giáo sư thuộc Trung tâm Châu Á-Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh, Honolulu. Đây là những quan điểm cá nhân của tác giả và không phản ánh quan điểm của Trung tâm Châu Á-Thái Bình Dương. Một phiên bản trước, ngắn hơn xuất hiện trong World Affairs, tháng5 / 6 năm 2013. Gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Carleton Cramer, Carlyle Thayer, Justin Nankivell, Denny Roy và Barney Moreland vì nhừng  ý kiến và góp ý vô giá.
(Nguồn:  Ba Sàm  )
---------------

Nghị định 72 có lồng Từ điển ngữ nghĩa (?!)

Thưa bà con Làng Mạng! 
          Tôi thấy ít có Nghị định nào mà dài khá là dằng dặc, trùng lặp nhiều như Nghị định Số:72/2013/NĐ-CP, ngày 15 tháng 07 năm 2013, về QUẢN LÝ, CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ INTERNET VÀ THÔNG TIN TRÊN MẠNG. Để có Nghị định nổi tiếng đi vào lịch sử này, chắc là Bộ chuyên ngành, cơ quan chủ quản đã 'chọn cột cờ trong bó đũa' để tìm một vài nhà ngôn ngữ học đại tài nào đó giao việc soạn thảo.
Các ông/bà ấy hầu như bản tính coi mình là tài giỏi, hiểu biết sâu rộng, uyên bác uyên thâm hơn thiên hạ, coi người khác như rơm, coi trình độ dân trí còn quá lùn nên mới mất công giải thích các từ vựng, cụm từ,  ngữ nghĩa rất chi là "trình độ". Nhiều chỗ họ đã lấy ngay chữ cần giải thích lặp lại nó để...giải nghĩa, như: "Mạng là khái niệm chung dùng để chỉ mạng viễn thông..."; "Dịch vụ Internet là một loại hình dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ kết nối Internet" (thé chắc là khi truy cập không có kết nối...); :Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin..."; vv. Trong 24 điểm giải  nghĩa hầu hết đều dùng cách 'hiện đại hóa tu từ học' kiểu tù mù tịt mịt... Một Nghị định mà riêng giải thích ngôn từ, ngữ nghĩa đã hết Điều 3 gồm 24 điểm và nhiều điểm phụ , với trên 1.200 từ, đọc phát 'tẩu hỏa nhập ma'. Nhưng để cùng chia sẻ, rộng đường trao đổi, mời bà con tham khảo để chúng ta có thể (nhờ đó) cùng "Nâng cao dân trí":
... Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Mạng là khái niệm chung dùng để chỉ mạng viễn thông (cố định, di động, Internet), mạng máy tính (WAN, LAN).
2. Dịch vụ Internet là một loại hình dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ kết nối Internet:
a) Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng Internet khả năng truy nhập đến Internet;
b) Dịch vụ kết nối Internet là dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông khả năng kết nối với nhau để chuyển tải lưu lượng Internet.
3. Trạm trung chuyển Internet là một hệ thống thiết bị viễn thông được một tổ chức hoặc doanh nghiệp thiết lập để cung cấp dịch vụ kết nối Internet.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Internet quy định tại Khoản 2 Điều này.
5. Đại lý Internet là tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng Internet thông qua hợp đồng đại lý Internet ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet để hưởng hoa hồng hoặc bán lại dịch vụ truy nhập Internet để hưởng chênh lệch giá.
6. Điểm truy nhập Internet công cộng bao gồm:
a) Địa điểm mà đại lý Internet được quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp dịch vụ;
b) Điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp là địa điểm mà đơn vị thành viên hoặc cá nhân đại diện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet trực tiếp quản lý để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng Internet;
c) Điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và điểm công cộng khác là địa điểm mà tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng Internet.
7. Người sử dụng Internet là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet hoặc điểm truy nhập Internet công cộng để sử dụng các ứng dụng và dịch vụ trên Internet.
8. Tài nguyên Internet là tập hợp tên và số thuộc quyền quản lý của Việt Nam, bao gồm:
a) Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, các tên miền khác liên quan đến quyền lợi quốc gia Việt Nam; địa chỉ Internet, số hiệu mạng, các tên và số khác được các tổ chức quốc tế phân bổ cho Việt Nam thông qua Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC);
b) Tên miền quốc tế, địa chỉ Internet, số hiệu mạng, tên và số khác được tổ chức quốc tế phân bổ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
9. Dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là dịch vụ trò chơi điện tử) là việc cung cấp cho người chơi khả năng truy nhập vào mạng và chơi các trò chơi điện tử trên mạng.
10. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử) là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi điện tử.
11. Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng là địa điểm mà tổ chức, cá nhân được toàn quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp cho người chơi khả năng truy nhập vào mạng và chơi trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị tại địa điểm đó.
12. Người chơi trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là người chơi) là cá nhân giao kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoặc điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng để chơi trò chơi điện tử.
13. Thông tin trên mạng là thông tin được lưu trữ, truyền đưa, thu thập và xử lý thông qua mạng.
14. Thông tin công cộng là thông tin trên mạng của một tổ chức, cá nhân được công khai cho tất cả các đối tượng mà không cần xác định danh tính, địa chỉ cụ thể của các đối tượng đó.
15. Thông tin riêng là thông tin trên mạng của một tổ chức, cá nhân mà tổ chức, cá nhân đó không công khai hoặc chỉ công khai cho một hoặc một nhóm đối tượng đã được xác định danh tính, địa chỉ cụ thể.
16. Thông tin cá nhân là thông tin gắn liền với việc xác định danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và thông tin khác theo quy định của pháp luật.
17. Dịch vụ nội dung thông tin là dịch vụ cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng dịch vụ.
18. Nguồn tin chính thức là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ.
19. Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
20. Hệ thống thông tin là tập hợp các thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin bao gồm phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động lưu trữ, xử lý, truyền đưa, chia sẻ, trao đổi, cung cấp và sử dụng thông tin.
21. Trang thông tin điện tử (website) là hệ thống thông tin dùng để thiết lập một hoặc nhiều trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet.
22. Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
23. An toàn thông tin là sự bảo vệ thông tin và các hệ thống thông tin tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin.
24. An ninh thông tin là việc bảo đảm thông tin trên mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
(Trích nghị định 72)
---------------

Nỗi niềm của một nhà báo đã nghỉ hưu


* HỮU QUẢ 
(Nguyên phóng viên biên tập qua các thời kỳ: VNTTX, TTXGP, TTXVN).
Là một nhà báo đã nghỉ hưu từ lâu, lại mang nhiều bệnh tật trong người, thường xuyên hành hạ, do hậu quả nhiều năm là phóng viên chiến trường B (Miền Nam), nên tôi đã “gác bút”. Ngoài lý do nêu trên, còn có một lý do, một nguyên nhân sâu kín nằm tận đáy lòng mà tôi quyết định “gác bút”, không viết gì nữa, đó là: “viết gì?, viết như thế nào? và viết để làm gì?”.
Đây là một câu hỏi thường trực trong đầu tôi, luôn làm tôi day dứt; và nó cũng như một tác nhân, làm cho sức khỏe của tôi sớm suy sụp. Câu hỏi này cũng là câu trả lời với đồng nghiệp của tôi là, “sao từ ngày nghỉ hưu đến giờ, cậu không tham gia viết gì cả vậy?”. Họ chân thành động viên, khích lệ tôi rằng, ngày trước, cậu là một phóng viên xông xáo, sắc sảo và say sưa với nghề nghiệp lắm cơ mà?
 Có một anh bạn nhà văn, hơn tôi gần chục tuổi; là một người đáng kính, đã về thế giới bên kia ngót chục năm rồi. Biết tôi có nhiều tư liệu quý, có vốn sống, có trải nghiệm, anh luôn giục tôi viết, vì theo anh, không viết thì tiếc quá. Tôi cũng buộc phải cay đắng mà trả lời anh rằng: “viết cái gì, viết như thế nào và viết để làm gì đây, hở anh?” Còn đối với một số độc giả quen biết, họ vừa hỏi thăm, vừa có ý nhắc nhở tôi; bác cố gắng viết để bênh vực bà con với, oan khuất, bất công nhiều lắm; như những bài viết chống tiêu cực trước đây của bác, ấy mà. Tôi chỉ im lặng nghe, để chia sẻ với họ.
Từ ngày tôi về nghỉ hưu, với đồng lương hưu eo hẹp, tôi phải gồng mình để sống, với bao nhu cầu chi tiêu (nhất là tiền thuốc để cầm cự với con bệnh); trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ngày càng lún sâu vào khó khăn, giá cả thị trường leo thang như con ngựa bất kham. Nói như vậy để đồng nghiệp và độc giả thân mến của tôi hiểu và thông cảm cho rằng, tôi rất cần có tiền lắm chứ, để duy trì cuộc sống. Tôi không biết cày cuốc, không có sức khỏe, và chẳng có một thước đất cắm dùi, muốn làm vườn cũng đành chịu. Chỉ có nghề nghiệp (nghề làm báo) là khả dĩ giúp tôi kiếm tiền thôi. Công bằng mà nói, viết một bài cho báo nào đó (tất nhiên là “báo quốc doanh” rồi), được trả vài ba trăm ngàn đồng. Cũng tùy, có tờ báo mạnh tay chi tới một triệu đồng. Tiện đây cũng muốn nói luôn, trong khi có trường hợp, báo đăng bài nói chuyện của một vị quan chức cấp cao nào đó (buộc phải đăng), được trả tiền nhuận bút hay “nhuận mồm”, đưa đến tận nơi, với phong bao 2 – 3, 5-6 triệu đồng, với lời cám ơn rất trân trọng. Ai cũng biết rằng, không phải do tác giả được trả nhuận bút hay “nhuận mồm” đậm – hậu viết, mà do trợ lý, thư ký của ông ta viết.
Tôi xin phép được trở lại chuyện đồng tiền và nghề nghiệp. Với hoàn cảnh của tôi, vài ba trăm ngàn đồng một bài báo cũng tốt rồi, nhưng với nỗi ám ảnh của câu hỏi “viết cái gì, viết như thế nào và viết để làm gì?”, tôi không tự lý giải, không vượt qua được quan niệm, nên cây bút vẫn không “động”, và túi tiền thì vẫn “teo”. Qua gần bốn mươi năm và đến nay là năm mươi năm làm nghề báo “quốc doanh”, từ VNTTX, TTXGP, TTXVN, mà người ta gọi là “dòng thông tin chủ lưu”; hoặc có thể nói “dòng thông tin định hướng 100%”. Có nghĩa là, cái gì cần viết, đều được hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết theo kiểu áp đặt. Viết xong lại bị kiểm duyệt chặt chẽ, ý nào hơi xa với định hướng, thì gạch bỏ đi. Bài nào trái định hướng nhiều thì ngoài bỏ đi không đăng, có khi còn rước họa vào thân chứ chẳng chơi.
Quyền độc lập tư duy, quyền có phong cách sáng tạo riêng, bị o ép. Đáng buồn và đau xót hơn, báo là loại hình thông tin đại chúng, đáng lẽ phải lấy việc cung cấp thông tin kịp thời, đúng sự thật cho đại chúng, là nghĩa vụ, là trách nhiệm; trong khi đó, lo viết sao không trái ý “cung đình” mới được; nếu không, thì coi chừng đấy! Đây là một thực tế, tuy mang danh nghĩa thông tin đại chúng, nhưng nói sao, viết sao cho hợp với lỗ tai, con mắt của ít người, là được; chứ không phải lấy việc hợp lỗ tai và con mắt nhiều người làm trọng. Điều này đối với người làm báo, nhất là nhà báo có lòng tự trọng, cảm thấy bị xúc phạm, bị sỉ nhục. Thế là, một sự mâu thuẫn, một sự giằng xé tâm can, giữa kiếm tiến và lòng tự trọng.
Không hiếm gì đồng nghiệp của tôi, đã đi viết ca ngợi một chiều, tô hồng, thổi phồng thành tích, đồng lõa với cái bệnh “thành tích chủ nghĩa” của đất nước này, biết cần phải sửa mà không sao sửa nổi, hoặc không thực sự muốn chữa nữa? Vì tô hồng, vì mục đích vụ lợi, mà báo vừa đăng, đài vừa đọc xong, chủ thể của nó đã sụp đổ, hoặc ra vành móng ngựa; ví như các tập đoàn, gọi là các quả đấm thép, là những thực tế điển hình sinh động nhất. Còn nói “báo quốc doanh” mà bôi đen, thì quả là hơi bị hiếm rồi, như tìm sao giữa ban ngày vậy; trừ trường hợp có thù hằn, rồi chụp mũ, quy kết để làm hại nhau. Cứ nghĩ, làm báo mà theo kiểu: “thương nhau cau sáu bổ ba; ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”, là tôi không thể chịu được. Ngày còn làm việc, tôi thường đem những chuyện như thế này nhắc nhở các đồng nghiệp. Dư luận cho rằng, trong hoàn cảnh bị o ép như vậy, ngày càng có nhiều nhà báo, nhiều tờ báo bộc lộ “tính bồi bút”, rất đáng hổ thẹn. Ngoài cái “vòng kim cô” tuyên truyền theo “định hướng” của cái “dòng thông tin chủ lưu” mà dư luận cho rằng, “báo quốc doanh” ngày càng mất “tính đặc trưng” của nghề nghiệp.
Có tờ báo đã có bản sắc riêng, xây dựng được thương hiệu, rất đáng quý, cũng dần dần phôi pha, mờ nhạt, là vì đâu, có đáng đau lòng không? Có trường hợp xảy ra sự kiện quan trọng đáng thông tin nhưng bị ngăn chặn, trì hoãn, trong khi đó buộc các báo, đặc biệt là các trang báo điện tử phải nhét vào đó những chuyện giật gân, như chuyện đâm chém, chuyện hiếp dâm, chuyện hở hang của đào này kép nọ, chuyện giết người man rợ, và những chuyện theo kiểu thú vị thương mại thấp hèn khác.
Ngoài trách nhiệm chính trị xã hội ra, hầu hết các “báo quốc doanh”, còn nhiều vi phạm trong thông tin quảng cáo. Trước hết cần thống nhất khẳng định rằng, quảng cáo là một mảng thông tin mà báo chí được phép và cần làm. Tuy nhiên, việc quản lý làm như thế nào, để đừng vô tình hay hữu ý, để các báo trở thành kẻ tiếp tay cho bọn lừa đảo, làm hại khách hàng, làm hại người tiêu dùng. Đây là điều mà đại chúng cũng rất bức xúc, vì nó liên quan đến đời sống hàng ngày, như hàng giả, hàng thật, hàng độc hại. Cách đây chưa lâu khi đang bức xúc, tôi có viết hai câu lục bát: Đang thời dã thú đầy đường / Giăng giăng cạm bẫy họa lường được sao?! Các “báo quốc doanh” cần khắc phục tình trạng này, đừng để “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, cho dân nhờ.
Có lẽ tôi đã đi hơi xa chăng? Tôi xin lỗi bạn đọc, trở lại nỗi niềm riêng tôi, của một nhà báo đã về hưu lâu rồi, đối với đồng tiền và nghề nghiệp. Trong tình hình dân chủ và nhân quyền, như hiện nay của đất nước, nói chung. Cũng như quyền tự do thông tin báo chí, nói riêng, buộc bản thân phải đứng trước hai sự lựa chọn: Một là, tham gia viết gửi bài cho một vài tờ “báo quốc doanh” nào đó, theo đúng “định hướng” như nói ở trên, để kiếm tiền; nói thật trần trụi là kẻ làm thuê không hơn, không kém. Tôi đã chứng kiến một số đồng nghiệp của tôi,  trước ngày về hưu vài tháng, họ đã bớ bít lo chạy đôn chạy đáo, gặp lãnh đạo cơ quan, hoặc một vài báo bạn nào đó để liên hệ việc làm phụ, kiếm thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình bớt khó khăn của cái thời “gạo châu củi quế” này, tôi cảm thông với họ, không như những kẻ có ghế, cố giữ ghế mà chịu làm bồi bút. Phải phân biệt rạch ròi, phân minh các trường hợp này. Hai là, làm báo phải lấy đại chúng làm trọng; đại chúng là mảnh đất nuôi các nhà báo, là độc giả, là thị trường của nhà báo; nhà báo cần cung cấp thông tin kịp thời, đúng sự thật cho rộng rãi nhân dân, không được tô hồng, hoặc trì hoãn, bớt xén, bưng bít, và nếu cần thì viết bài có nội dung với tính phản biện, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, bênh vực kẻ yếu, vạch mặt và lên án, phê phán nghiêm khắc những kẻ lợi dụng quyền lực và siêu quyền lực để tham nhũng, vơ vét, làm nhiều chuyện thất đức…
Tất nhiên, cho đến nay tôi không hề do dự, mà lựa chọn con đường thứ hai, tuy hơi muộn. Đi theo cách lựa chọn này, rõ ràng là chịu hài lòng với cuộc sống đạm bạc; nhưng được bù lại, có hạnh phúc là, được đại chúng tin cậy, nhân dân thương yêu, giữ được lòng tự trọng, nói đúng sự thật, không tham gia vào trào lưu nói dối, không phản bội, làm phụ lòng đại chúng tin cậy.
Sau gần bốn mươi năm làm báo “quốc doanh” và hơn mười năm về nghỉ hưu phải “gác bút”, tôi tự thấy, ngoại trừ những năm là phóng viên chiến tranh ở chiến trường; còn những năm hòa bình xây dựng và phát triển kinh tế; bên cạnh một số trường hợp tôi có trực tiếp tham gia vạch cái sai, cái ác; nhưng vì hoàn cảnh và lý do cụ thể nào đó, tôi cảm thấy mình còn có lỗi với đại chúng, với độc giả xa gần là, chưa vạch mặt được nhiều những kẻ phản bội lại sự nghiệp của nhân dân, trở thành kẻ nội xâm, chúng có khác gì bọn việt gian phản động.
Trong nghiệp vụ, tôi tự thấy còn nói dối, nói không đúng sự thật, nửa vời, ỡm ờ, ca ngợi một chiều, gây ảo tưởng cho nhân dân; qua nỗi niềm tâm sự này, tôi thành thật xin lỗi bà con và mong được lượng thứ. Tôi cũng thành thật xin lỗi, trong nỗi niềm tôi đã viết ra hôm nay, với tâm trạng của một nhà báo đã nghỉ hưu rồi, có điều gì sơ xuất thất thố, mong được các đồng nghiệp của tôi, kể cả các thế hệ khác nhau, lượng thứ.
Tôi cũng trân trọng và thương mến, gửi đến các nhà báo, các đồng nghiệp có chí khí, của tôi, vì nghĩa lớn, đã dám hy sinh để bảo vệ chân lý, đang phải chịu tù đày; hoặc bị kẻ có quyền lực trù dập bất công, chặn cả đường mưu sinh của các bạn. Tôi hy vọng sự nghiệp báo chí nước nhà nhất định sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn; tự do, dân chủ và cởi mở hơn, để phục vụ cho một xã hội dân sự ngày càng tiến bộ, công bằng, tự do, dân chủ và văn minh hơn; để kinh tế phát triển hơn, cho nhân dân dễ thở, đỡ khổ hơn, là điều rất bức bách và chính đáng, sau bao nhiêu năm chịu bốn cuộc chiến tranh liên miên, chất chồng máu xương, đau thương mất mát và hận thù./.
Người viết nỗi niềm tâm sự.
Hữu Quả
                     (From:  BaSam )
-----------------

Người dân được lợi khi thành lập Cộng đồng ASEAN

 
…  Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Hiện ASEAN đang triển khai thí điểm việc công nhận bằng cấp, tín chỉ trong Mạng các trường Đại học ASEAN-AUN (gồm có 26 thành viên), sau đó sẽ mở rộng dần. Tại Việt Nam, hiện có trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ đang tham gia AUN. Hình thức thử nghiệm chủ yếu là công nhận tín chỉ. Ví dụ, sinh viên của Việt Nam có thể học một số học kỳ trong nước, một số học kỳ ở nước ngoài và sau khi hoàn thành chứng chỉ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đại học.
Tuy nhiên, mặt bằng giáo dục-đào tạo tại các nước ASEAN hiện nay chưa đồng nhất, do vậy vẫn còn một số khó khăn trong công nhận bằng cấp, chứng chỉ giữa các nước. Chính vì vậy, ASEAN đang coi đây là một trong các ưu tiên và đang được các nước thành viên nỗ lực thúc đẩy trong tương lai gần…
                 >> Đọc tiếp/Nguồn   
---------------

TỰ DO

…Trong bài trước, tôi đã nêu rõ, độc lập quốc gia liên quan trực tiếp đến khái niệm uy quyền tối cao của một nhà nước. Tôi phân tích uy quyền chính đáng của bất cứ nhà nước nào phụ thuộc vào sự ưng thuận của nhân dân nước đó. Tôi khẳng định có 3 loại uy quyền. Một là sự uy quyền hình thức (tức là những gì được viết trên hiến pháp). Hai là, sự uy quyền thực quyền, tức là ‘de facto authority’ (ai có súng trong tay là người đó có uy quyền). Ba là uy quyền chính đáng có nghĩa là nhân dân chấp nhận sự lãnh đạo….
Đối với Lenin và những đồng chí của ông, sự thống trị tuyệt đối của ĐCS là thiết yếu. Cũng có lúc (như trong Chương trình Kinh tế mới) Lenin đã phải ôm lấy cơ chế kinh tế thị trường. Đừng nghĩ sai. Từ đảng Nhân dân Hành động (People’s Action Party) của Singapore đến Quốc Dân Đảng (Kuomintang) của Đài Loan cũng đã từng xem mô hình của Lenin là cần thiết. Hai đảng này đã chứng minh sự thống trị của một đảng theo mô hình Lenin cũng có thể liên kết chính trị và kinh tế.
Thế nhưng thực tế này liên quan đến Tự do như thế nào? Xin thưa: ở nước nào, nhà nước, dù lên cầm quyền bằng những phương tiện bạo động hay bất bạo động, dù quyết định bằng một quá trình độc tài hay dân chủ, quyết định những giới hạn của quyền Nhà Nước và trách nghiệm của dân.
Rất tiếc cho Việt Nam và các nước chủ nghĩa Lenin khác là họ đã lấy mô hình mà trong đó quyền của Đảng và Nhà Nước là tuyệt đối, và chẳng tôn trọng những quyền con người trong ý nghĩa phổ biến của nó…
                      >> Đọc tiếp/Nguồn   
------------------

LÁNG GIỀNG ĐIỂM TIN - Chủ Nhật - 1/9/2013

1 - BA SÀM 
CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
-  KHÔNG THỂ HÌNH DUNG NỔI: CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ BIÊN PHÒNG TRUNG QUỐC THƯỞNG NÓNG 50 TRIỆU ĐỒNG (VNĐ) CHO ĐỒN BIÊN PHÒNG MÓNG CÁI CỦA VIỆT NAM! (TSYG). Phát hiện giá trị về một hình thức mua chuộc “tay sai”, hạ nhục quốc thể, quan hệ quốc tế mà coi như trong một quốc gia! Mời xem bài liên quan: Bài 3: Kết nghĩa, chung tay xây dựng biên giới bình yên (Tiếp theo và hết) (QĐND). “Cục trưởng Vũ Đông Lập thay mặt Cục Quản lý Biên phòng, thưởng “nóng” 50 triệu đồng cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái vì thành tích phối hợp với Công an biên phòng Trung Quốc bắt giữ các đối tượng vi phạm là công dân nước bạn đang tìm cách xâm nhập trái phép vào Việt Nam.” Trong bài còn có chi tiết, ảnh Trung tướng Tư lệnh Biên phòng VN, ủy viên TƯ đảng lại ĐÓN đoàn của Cục trưởng Trung Quốc. =>
Thử chấm điểm buổi tọa đàm của TS Nguyễn Nhã tại Praha (ĐCV). Ra nước ngoài rồi mà cũng còn “không trả lời trực diện mà có phần ‘vòng vo’ khi đụng chạm tới những vấn đề nhạy cảm như công hàm 1958 hay biểu tình phản đối Trung Quốc …”
- Phỏng vấn Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Người dân được lợi khi thành lập Cộng đồng ASEAN (TTXVN).
Tự do (Jonathan London). “Khi thanh niên ở thủ đô, ngay nơi cụ Hồ từng phát biểu về Tự do, đã bị công an đánh đập tàn tệ, thì ý nghĩa của Tự do ở Việt Nam là như thế nào vậy? Khi những ai muốn báo chí Việt Nam cổ động cho trách nhiệm giải trình của chính phủ bị bỏ tù và bị hành hạ như súc vật thì đó là Tự do chưa? Ở thời điểm này, điều duy nhất mà cụ Hồ nói là: ‘Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc  thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì’.”
- LS Nguyễn Văn Đài: GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA NỀN ĐỘC LẬP (Thùy Linh). “Các bạn sinh viên nghĩ gì về hiện tình đất nước? Chúng ta phải làm gì để tất cả mọi người dân Việt Nam đều được hưởng những giá trị đích thực của nền độc lập?” - Danh ngôn xâu chuỗi (Đinh Tấn Lực).
Nam Trung Sơn – Tuyên ngôn 2K13 (Dân Luận). “Đất nước là của bọn chúng tao/ Xây, giữ đâu cần lũ chúng mày/ Chúng mày giữ Nước là phạm luật/ Bởi vì luật lệ cũng của tao./ Vũ khí bọn tao là chuyên chính/ Lý luận còn hay hơn chích chòe/ Lời bọn tao nói cấm có cãi/ Đất nước này là của bọn tao“.
Đông La một cây bút thô bỉ hiếm thấy (GNLT). “Mấy năm nay Đông La lựa chọn chửi bới hầu hết các nhà trí thức tinh hoa và dũng cảm đang phản biện, đấu tranh cho một đất nước dân chủ tiến bộ. Hắn ta điên cuồng mạt sát liên miên, thô tục kinh hồn.  Giọng văn Đông La khiến ta nghĩ tới một mụ nặc nô trong vai ‘dư luận viên’ (không biết anh ta có được hưởng kinh phí dư luận viên hay là tự chọn vai ‘thái giám bảo hoàng hơn vua’ ?)“. - Đông La Đông Hét (Chu Mộng Long).
- Nguyễn Ngọc Già: Lửa Phật và Lê Hiếu Đằng (RFA).
ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG LÀ AI? (Đặng Huy Văn).
- Nguyễn Thế Duyên: Bàn về mâu thuẫn và tính đa nguyên (Ba Sàm).
- Ts Vũ Đức Khiển, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Mấy suy nghĩ về việc làm Hiến pháp năm 1946 và việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiện nay (ĐBND).
Công an điều tra chuỗi quán cafe Cộng chế Lênin toàn tập (ĐV). Tô Văn Động – GĐ Sở Văn hóa Hà Nội: “Quan điểm của Sở là phải được xử lý quyết liệt, vì việc làm của quán cafe Cộng còn liên quan tới cả vấn đề an ninh và chính trị”…
               Câu hỏi là tại sao lũ sâu mọt cầm đầu mấy doanh nghiệp nhà nước ở “thành phố mang tên Bác” này lại có thể dễ dàng tự tung tự tác đến vậy, chỉ tới khi bị báo chí phanh phui, ông Chủ tịch TP mới lớn giọng đòi “xử nghiêm”, làm như vô can?
              Và câu trả lời là “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!” Cách đây ít ngày, một nguồn tin từ báo giới cho hay, trong cuộc họp về phòng chống tham nhũng tại TP này, vị đại viện cơ quan pháp luật cho biết trong thời gian qua, đã nhận được 39 đơn thư tố cáo các trường hợp tham nhũng nổi cộm, thì đã có tới 10 trường hợp là về ông Bí thư thành ủy. Không thấy báo chi đưa tin này, nhưng cũng chẳng có gì lạ.
- Vũ Ngọc Huyên:  NỖI BUỒN ĐAU HẬU VẬN (Bùi Văn Bồng).
Tổng giám mục Pietro Parolin là tân ngoại trưởng Vatican (TT).  - Đức Thánh Cha Phanxico chính thức bổ nhiệm TGM Pietro Parolin vào chức vụ Quốc vụ khanh Tòa Thánh (NVCL). “là một cơ hội để Vatican hiểu rõ hơn về tình hình Giáo hội tại Việt Namtrong giai đoạn tới”.
                      >>  ĐỌC TIẾP/Nguồn  
------------------
2 - Đttl - NLG 

Chùm tin, bài 
trên Điểm tin & Tư liệu NLG 
sáng ngày 1/9/2013(CN)
                                >+ (đang tiếp tục cập nhật) 
                    ĐỌC TIẾP/Nguồm 
----------------
3 -
  Bạn gái cũ của Kim Jong-un bị tử hình? bbc
                             >>  ĐỌC TIẾP/Nguồn  
--------------