Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

SOI LẠI LỜI TỪ NHIỆM CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI

Thủ tướng Phan Văn Khải tại Công trình 
xây dựng Nhà máy điện Sơn La (11-2005)
               BVB - Nguyên Thủ tướng  Phan Văn Khải (sinh ngày 25-12-1933, giữ chức Thủ tướng từ 25-9-1997 đến ngày 27- 6-2006 (hơn 8 năm 9 tháng).
Ông quê tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, T.p Hồ Chí Minh, tham gia cách mạng từ năm  1947, khởi đầu ở Đội Thiếu nhi cứu quốc của xã.
Năm 1950, ông gia nhập tỉnh đoàn thanh niên Gia Định, Văn phòng Mặt trận, Văn phòng Tỉnh ủy Gia Định Ninh.
Từ năm 1954 đén 1959,  ông tập kết ra Bắc, đi công tác cải cách ruộng đất, học văn hóa. Sau đó, ông học ngoại ngữ, học Đại học Kinh tê sở Liên Xô cho đến  năm 1965.
Trở về Việt Nam, ông làm cán bộ, phó phòng, trưởng phòng Vụ Tổng hợp, Uye ban Kế hoạch Nhà nước đến năm 1971. Từ năm 1972 đến năm 1975, ông là cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam, đi chiến trường B2, Vụ phó Ủy ban Thống nhất Chính phủ.
Sau khi Việt Nam thống nhất, ông chuyển công tác về miền nam, làm Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy viên (1979), Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cho đến năm 1984. Tiếp đến làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI (1986). Tháng 4 năm 1989, ông chuyển ra Hà nội làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thay ông Đậu NGọc Xuân.
Cuối năm 1991, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực.  Từ tháng 9 năm  1997  ông là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tháng 6 năm  2006  ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình một năm. Người kế nhiệm ông là Nguyễn Tấn Dũng.. Trong diễn văn kết thúc, ông xin lỗi nhân dân vì đã để tình trạng tham nhũng nghiêm trọng diễn ra: "Để tham nhũng nghiêm trọng, tôi nhận lỗi trước nhân dân". "Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn".
Ông là người lãnh đạo Việt Nam thống nhất ở cương vị Thủ tướng đầu tiên đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào ngày 19-5-2005. Chuyến đi này đã đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết.
Trong giai đoạn 1998-2007, Việt Nam tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh. Mặc dù giai đoạn 1997-1998 nền kinh tế tăng trưởng chậm lai do ảnh hưởng của Khủng hoảng tài chính Châu Á..
Vấn để nổi bật nhất trong thời kỳ này là Vụ PMU-18, là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu năm 2006. Vụ này đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình phải từ chức và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ nhậm chức phát biểu: "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." là cũng liên quan tới vụ việc này. Ông Khải khi từ chức cũng xin lỗi nhân dân vì đã để tình trạng tham nhũng nghiêm trọng diễn ra.
Tại Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã xin nhận lỗi trước đồng bào. 15h chiều 16/6/2006, khép lại phần chất vấn 12 thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải từ tốn bước lên bục rành rõ: "Có thể đây là lần cuối cùng tôi phát biểu trước QH với cương vị là người đứng đầu Chính phủ. Những điều tôi sẽ trình bày không chỉ xuất phát từ tình hình hiện nay mà còn dựa trên sự trải nghiệm của 15 năm tham gia điều hành Chính phủ…Mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những thành công mà cả những mặt còn yếu của tôi. Rất mong QH chấp nhận đề nghị từ nhiệm của tôi".
Thủ tướng Phan Văn Khải khá xúc động khi đánh giá lại những mặt được và những vấn đề còn trăn trở của đất nước trong thời gian ông đứng trên cương vị lãnh đạo Chính phủ (6 năm làm Phó thủ tướng và 9 năm làm Thủ tướng). Ông hy vọng, những lời tâm huyết của mình sẽ giúp ích cho công việc của Chính phủ trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu Chính phủ, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trong thời gian qua, công tác điều hành Chính phủ cũng còn nhiều yếu kém. Các chương trình hành động của Chính phủ khá đầy đủ nhưng chưa đặt trọng tâm dẫn tới phân tán…
"Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn", Thủ tướng ưu tư. Ông ngừng lời giây lát. Phía dưới hội trường, không khí lặng phắc. Nhiều thành viên Chính phủ gương mặt lộ rõ vẻ suy tư.
Với kinh nghiệm 15 năm làm công tác điều hành ở Chính phủ, ông đánh giá, nền kinh tế còn chậm phát triển chiều sâu, tình trạng lãng phí thất thoát vốn và tài sản công còn nghiêm trọng nhất là trong các dự án đầu tư vốn nước ngoài. Giáo dục đào tạo còn nhiều hiện tượng tiêu cực, cải cách hành chính và phát huy dân chủ còn chậm trễ, bất cập...
Bộ máy hành chính thiếu tính chuyên nghiệp
Một vấn đề được Thủ tướng dành nhiều thời gian đề cập trong bài phát biểu là công tác cán bộ. Theo ông, công tác cán bộ chậm được đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo quản lý kinh tế, xã hội. Đất nước không thiếu người tài nhưng bộ máy hành chính thiếu tính chuyên nghiệp, tuyển chọn sử dụng người còn nhiều sai sót.
"Người đứng đầu cơ quan hành chính không đủ quyền hạn cần thiết trong việc bố trí nhân sự dưới quyền, kể cả việc sắp xếp, thay thế, thi hành kỷ luật. Cơ chế này không gắn nắm việc với nắm người dẫn tới lựa chọn đánh giá cán bộ không thực sự dựa trên kết quả hoạt động thực tiễn, không khuyến khích được người có tài, có đức", Thủ tướng nhìn nhận.
Theo ông, chức trách không rõ ràng cùng với cơ chế công tác cán bộ không hợp lý đã không xác lập được trách nhiệm cá nhân và tạo môi trường thuận lợi cho xu hướng cơ hội và những kẽ hở cho tệ chạy chức.
Thủ tướng đề nghị đổi mới tư duy về quản lý hành chính, nghiên cứu và khắc phục tình trạng lãnh đạo Chính phủ "ngập" vào các vụ việc cụ thể, không dành đủ thời gian và tâm sức hoạch định chính sách. Ông lấy dẫn chứng, năm 2005, mỗi tuần Thủ tướng, Phó thủ tướng chủ trì 8 cuộc họp, chưa kể họp QH, ban Đảng, công tác nước ngoài. Ký trình hoặc ký ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, ban hành 76 quyết định cá biệt và văn bản chỉ đạo "Tôi muốn, sau này Chính phủ phải phân cấp mạnh mẽ hơn" ông nhấn mạnh. 
"Để tham nhũng nghiêm trọng, tôi nhận lỗi trước nhân dân"
Nhìn lại các vụ việc tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu các cơ quan chưa làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra. Chính phủ, các bộ ngành nặng về kiểm tra thực thi pháp luật của dân, chưa tập trung thanh tra công vụ cán bộ,việc thưởng phạt thiếu nghiêm minh. Năm 2005, đã tiến hành hơn 17.000 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 8.700 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hơn 1.000 cán bộ.
Thủ tướng trầm giọng: "Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đuc khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và QH".
"Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới", Thủ tướng nói
Theo Thủ tướng, BCH TƯ khoá X đã đồng ý với đề nghị cho ông thôi chức Thủ tướng trước khi hết nhiệm kỳ một năm và chọn một Uỷ viên Bộ chính trị để Chủ tịch nước giới thiệu với QH bầu tại kỳ họp này.
             15h40, Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc bài phát biểu. Ông đi tới bắt tay Chủ tịch và 2 phó Chủ tịch Quốc hội. Phía dưới Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đứng lên xiết chặt tay vị Thủ tướng đã gánh gần trọn 2 nhiệm kỳ, trong tiếng vỗ tay dài của cả nghị trường QH. 
B.V.B - V.A
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét