Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

MỘT VỤ ÁN BỊ BẺ CONG

          
 * MINH DIỆN
              Vào ngày này gần ba mươi năm trước,có một vụ án đã bị bẻ cong từ chính trị sang kinh tế. Tiếng kêu oan từ ngày ấy cho tới tận bây giờ vẫn chưa dứt. Gần đây theo nguồn tin của chúng tôi, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có ý định xem xét lại vụ án đó. Là một nhà báo tửng tham dự phiên tòa đặc biệt xét xử vụ án Cimexcol cách đây gần ba mươi năm, tôi xin lật lại một số tình tiết vụ án đó.
Năm 1984, Công ty Cimexcol  được thành lập. Tiền thân của nó là Công ty xuất nhập khẩu gỗ  Sở thương nghiệp tỉnh Minh Hải, do Trang Thanh Khả làm giám đốc. Do làm ăn thua lỗ,và  nghi ngờ tham nhũng, ông Trang Thanh Khả bị đảng ủy Sở thương nghiệp  kỷ luật cảnh cáo, quá bức xúc  đã tự sát tại bệnh viện Thống Nhất. Cimexcol là công ty liên doanh giữa thành phố Hồ Chi Minh và tỉnh Minh Hải , có  chức năng hợp tác với Công ty phát triển rừng Lào (Birisat Phatthana Khet Phoudoi) khai thác xuất khẩu gỗ. 
                    > Vụ án Cimexcol sẽ được lật lại  
                Ông  Nguyễn Quang Sang, uỷ viên thường vụ tỉnh ủy, giám đốc Sở tài chinh Minh Hải , trực tiếp làm giám đốc Công ty.  Dương Văn Ba, một dân biểu chế độ cũ được bổ nhiệm làm phó giám đốc.  Mặc dù có chính sách hòa hợp dân tộc, nhưng thực tế  gần mười năm sau ngày đất nước thồng nhất,việc sử dụng  người thuộc chế độ cũ còn rất hạn chế.  Bí thư tỉnh ủy  Minh Hải , ông Đoàn Thành Vị  phải trực tiếp gặp ông Võ Văn Kiệt và  ông Nguyễn Văn Linh  xin ý kiến vể việc sử dụng Dương Văn Ba.
                Cả hai ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn  Linh đều không lạ gì nhân vật này.   Năm 1971, khi Dương Văn Ba tái tranh cử dân biểu ở Sóc Trăng, bí thư khu ủy Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lê Quân ngầm ủng hộ Dương Văn Ba trúng cử  để làm “tay trong” cho cách mạng. Còn ông Nguyễn Văn Linh thì  nhiều lần chỉ đạo sử dụng Dương Văn Ba trong công tác trí vận . Tuy vậy ông Nguyễn Văn Linh không mặn mà, nên ông Võ Văn Kiệt cũng dè dặt. Ông nói với Đoàn Thành Vị : “  Dương Văn Ba trước thuộc thành phần thứ ba, bây giờ việc làm ăn  tôi không rành, nhưng các anh sử dụng được. Bất cứ ai làm ăn phi pháp thì phải ở tù!”
                Cimecol khai thác gỗ bên Lào chở sang Vinh , Nghệ An xuất khẩu. Công việc làm ăn khá thuận lợi, đạt được kết quả bước đầu, trong gần hai năm đã có lãi hơn hai triệu đô la, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, và quan trọng hơn là khai thông nguồn  kiều hối từ Mỹ đang bế tắc vì Việt Nam đang bị cấm vận. Về phía Lào đã thu được tiền bán gỗ và mở được con đường lên vùng heo hút, biến một vùng rừng núi hiểm trở thành  khu dân cư sầm uất.
                Bỗng rạng sáng  ngày 4-12-1987, công an ập vào bắt khẩn cấp Ngô Vĩnh Hải, tổ trưởng tổ kiều hối của Cimexcol.  Ngô Vĩnh Hải từng làm phóng viên báo Tin Sáng,  một tờ báo nổi tiếng  ra đời từ phong trào đòi dân sinh dân chủ trong chế độ Việt Nam cộng hòa,sau giải phóng vẫn xuất bản mấy năm,  có quan hệ rộng, lại có  anh ruột là giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt kiểu  Mỹ,  nên việc huy động nguồn kiều hối cho Cimexcol  khá thuận lợi.  Tiếp theo  Ngô Vĩnh Hải hầu hết  cán bộ các phòng ban của Cimexcil , mà nhân thân dính dáng với chế độ cũ bị bắt và bị triệu tập lên công an thẩm vấn.  Ngày 25-12-1987,  phó giám đốc công ty Dương Văn Ba bị bắt khẩn cấp. Hơn hai mươi người ấy là bị can trong vụ án  Cimexcol, một vụ án chính trị, được khởi tố  xuất phát từ đơn tố cáo của một số cán bộ hưu và đương chức Minh Hải : “ Dương Văn Ba đưa  hơn 40 người của chế độ cũ vào Cimexcol , thao túng và vô hiệu hóa ban giám đốc để hoạt động chống phá cách mạng theo tổ chức phản động nước ngoài của Hoàng Cơ Minh...  ”.
                 Cimexcol bị gắn vào làm  một mắt xích trong vụ  án Hoàng Cơ Minh,  vì  người ta khẳng định Dương Văn Ba chính là anh ruột  Dương Văn Tư , một “tư lệnh” trong “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” của Hoàng Cơ Minh.
                Hoàng Cơ Minh sinh năm 1935, tại Hà Nội, nguyên Phó đề đốc hải quân, Tư  lệnh vùng II duyên hải, Quân lực Việt Nam cộng hòa. Tháng 4 -1975 Hoàng Cơ Minh di tản sang Mỹ. Năm 1976 ông ta thành lập lực lượng “Quân nhân Việt Nam hải ngoại”, sau đổi thành “Quân dân Việt Nam hải ngoại”.  Ngày 23-12-1980, tại Nam California, Hoàng Cơ Minh thành lập “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”,và “ Đảng Việt Nam canh tân cách mạng” gọi tắt là “Đảng Việt Tân” gồm những sỹ quan và viên chức chế độ cũ di tản ra nước ngoài.
                Hoàng Cơ Minh lập căn cứ kháng chiến ở huyện Buntharich, tỉnh U đông , Thái Lan, cách Băng Kốc 500 km hướng Đông Bắc, cách biên gới Lào 20 km,  tuyển  chọn thanh niên Việt Nam  ở các trại tị nạn trên đất Thái Lan  huấn luyện quân sự, thành lập các “Quyết đoàn” và tổ chức các cuộc hành quân về nước mang tên “Đông Tiến”.
                Ngày 15-5-1986 cuộc hành quân “ Đông Tiến I” do Dương Văn Tư chỉ huy gồm 100 quân về tới biên giới Việt Nam thì bị bao vây,chặn đánh, hầu hết bị chết và bị bắt. Ngày 1-12-1986, cuộc hành quân “Đông Tiến II”do đích thân Hoàng Cơ Minh chỉ huy,  thất bại phải rút về cứ. Ngày 7-7-1987 , cuộc xâm nhập  “ Đông Tiến II” lần thứ hai, cũng do Hoàng Cơ Minh chỉ huy, đi theo đường sông Mê Kông, và cũng  lại thất bại, Hoàng Cơ Minh bị thương và tự sát.(Đọc Đông Tiến con đường chết của Minh Diện)
                Ngày 21-12-1987 , Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên toàn xét xử  “Vụ án Hoàng Cơ Minh cùng đồng bọn”, đã tuyên phạt 1 án tù chung thân, 15 án tù từ 3 đến 19 năm, một người được hưởng án treo và một người được tha bổng , trong số đó  không có Dương Văn Ba, Ngô Vĩnh Hải và bất kỳ người nào bị bắt trong vụ  Cimexcol. Trong quá trình điều tra, Cơ quan an ninh không tìm thấy bằng chứng  một vụ hoạt động chính trị, không có  mối liên hệ  giữa  Cimexcol  và những người bị bắt  với tổ chức phản động Hoàng Cơ Minh.
              Lẽ ra với kết quả đó, phải đình chỉ điều tra, trả tự do cho những người vô tội. Nhưng người ta không muốn thừa nhận sai lầm, nên đã bẻ cong Cimexcol  từ  vụ án chính trị sang  vụ án kinh tế.
             Để bẻ cong vụ án,  người ta bới chuyện Dương Văn Ba móc nối với một số chủ xe tải ở Sài Gòn trốn cải tạo năm 1979 xuống Minh Hải chở gỗ cho Cimexcol, và lật ngược  kết quả thanh tra tài chính , biến Cimexcol từ lãi sang lỗ.
             Trước đó  Đoàn thanh tra 13 do Uỷ ban kiểm tra trung ương thành lập, kết luận : “ Tuy các đơn vị hoạt động tài chính của  Minh Hải có sai sót nhưng không nghiêm trọng . Riêng Cimexcol có lãi 2.225.000 đô la, qua 3 năm hoạt động”.
Và đến ngày 30-9-1987, là thời điểm khóa sổ để thanh tra toàn diện, nguồn vốn của công ty còn 11. 380.000 đô la, cân đối công nợ và những chi phí phát sinh vẫn còn lãi 1.400.000 đô la.
              Sau khi Dương Văn Ba bị bắt,  ông Nguyễn Văn Thái thay thế. Ông này  dựa vào số liệu “ tạm tính vì không có điều kiện kiểm tra 300 đầu mối”  báo cáo mất cân đối 4.600.000 đô la.
              Một đoàn thanh tra khác , cũng của Uỷ ban kiểm tra trung ương được thành lập, mang tên “Đoàn thanh tra 54”, đã căn cứ vào bản báo cáo tạm tính của  ông Nguyễn Văn Thái để kết luận : “ Cimexcol mất cân đối 4.600.000 đô la”. Ngoài ra đoàn này còn xác nhận Cimexcol nợ nước ngoài 5.300.000 đô la.            
               Cơ quan điều tra Bộ công an, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tướng Lâm Văn Thê  căn cứ vào bản kết luận  thanh tra đó làm án  và  Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng lấy làm căn cứ để lập  bản cáo trạng số 21/CT, truy tố 21 bị cáo .
              Với thất thoát 4.600.000 đô la,và  nợ nước ngoài 5.300.000 đô la “đến đời con đời cháu cũng không trả được” như nhiều bài báo ngày đó nhận đĩnh, vụ án Cimexcol trở nên đặc biệt nghiêm trọng.
              Phiên tòa xét xử vụ án Cimexcol được mở từ ngày 14 đến 22-4-1989, là  phiên tòa xét xử theo thủ tục kết hợp sơ chung thẩm, các bị án không được quyền kháng cáo.Đó là một phiên tòa điểm, được trực tiếp chỉ đạo từ trung ương. Công an chìm nổi và cảnh sát dày đặt khu vực mở phiên tòa.   Đại diện các tỉnh thành thuộc B2 cũ được mời đến tham dự phiên tòa đặc biệt nghiêm trọng mang tính chất điển hình để rút kinh nghiệm. Hơn 60 phóng viên báo đài từ trung ương đến địa phương có mặt để đưa tin viết bài tuyên truyền hướng dẫn dư luận theo nội dung Bộ thông tin hướng dẫn.
             Đứng trước vành móng ngựa  phiên tòa đặc biệt ấy,  có ông Lê Văn Bình, tức Năm Hạnh , nguyên Chủ tịch tỉnh , kiêm trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Minh Hải.
             Ông Năm Hạnh  trước giải phóng là Thường vụ ban chấp hành trung ương đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam , năm 1979 về quê  Minh Hải công tác.  Khi công ty Cimexcol đang hoạt động ,  Năm Hạnh  là phó chủ tịch tỉnh,  nhưng đi  học ở Liên Xô, ở nhà  do ông  Ba Hùng tức Phan Văn Hoài chủ tịch tỉnh điều hành.  Năm Hạnh về nước, làm chủ tịch  thay  Ba Hùng được 4 tháng thì xảy ra vụ Cimexcol, vậy mà phải  chịu trách nhiệm về mọi tội lỗi do Cimexcol gây ra.
            Sở dĩ có chuyện chéo nghoe đó, vì  ông Nguyễn Đức Tâm , Trưởng ban tổ chức trung ương không muốn “ đưa một người đã về hưu như  Ba Hùng ra xử lý không có ý nghĩa , phải chọn người đương chức đưa ra xét xử để răn đe!”.
             Quan điểm của ông Nguyễn Đức Tâm rất đáng hoan nghênh,nếu chọn đúng người đúng tội. Nhưng Năm Hạnh nói riêng, Cimexcol nói chung không có tội , mà chỉ là nạn nhân của mối quan hệ đầy  mâu thuẫn mà người viết chưa thể nêu lên ở bải báo này.
               Trước khi Năm Hạnh  ra tòa, có người khuyên  ông chỉ nhận thiếu trách nhiệm  rồi im lặng,  ông sẽ được xử lý rất nhẹ ,  mọi tội lỗi  đổ lên đầu Dương Văn Ba và đồng bon. Nhưng Năm Hạnh không nghe lời khuyên đó. Chẳng những ông không nhận tội thiếu trách nhiệm  mà   phát biểu rất quyết liệt, vạch ra những sai phạm  trong quá trình điều tra vụ án  Cimexcol, những bất hợp lý trong  cáo trạng và mất dân chủ trong phiên tòa. Tiếng vỗ tay vang lên trước sự thật và lời lẽ sắc bén của bị cáo Năm Hạnh.
             Dù được quán triệt rất nghiêm khắc về thông tin hướng dẫn dư luận,nhưng nhiều nhà báo đã có tiếng nói trung thực. Ngày đó tôi có bài báo “Tiếng vỗ tay trong phiên tòa”, và đặc biệt  nhà báo Ngô Hoàng Giang , phó phòng thời sự Đài phát thanh truyền hình Cần Thơ có loạt  phóng sự “ Buộc tội và gỡ tội” làm dấy lên một làn sóng dư luận sôi sục khắp các tỉnh thành miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
            Nhưng làn sóng dư luận đó bị nhấn chìm sau cuộc họp ngày 29-5-1989 của Ban bí thư trung ương đảng, với thông báo số 142, do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký,  khẳng định : “ Kết quả phiên tòa xét xử cơ bản là tốt, vì đã xử đúng người, đúng tội đúng pháp luật. Nhưng trước phiên tòa, chung quanh phiên tòa và sau phiên tòa có những luồng dư luận phủ nhận kết luận của phiên tòa và có những hoạt động không lành mạnh gây hoang mang trong dư luận!”
           Nhà báo Ngô Hoàng Giang đã bị cách chức vì: “Vi phạm tính chân thật của báo chí cách mạng!?” , cấp trên của bà, nhà báo Châu Ngọc Tiếp, phó giám đốc Đài phát thanh tuyền hình Cần Thơ bị cảnh cáo vì: “thiếu tinh thần trách nhiệm!”
            Ai vi phạm tính chân thật? Ai thiếu trách nhiệm? Ai có tội? Ai....?
             Những câu hỏi  từ vụ án Cimexcol gần  ba chục năm trước, vẫn vang lên trong những phiên tòa Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Phương Uyên.... nhưng chưa có một phiên tòa thực sự công bằng để trả lời những câu hỏi ấy, nên nhiều vụ án vẫn bị bẻ cong như vụ án Cimexcol.
 M D  
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét